26/05/2022
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi.
Bài viết được đăng trên trang Project Syndicate ngày 26/4/2022.
Khi Bộ Tứ mới được hình thành, nhiều người nghi ngờ hiệu quả của tập hợp chiến lược bốn nền dân chủ hàng đầu khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Ấn – Thái) này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị coi đây chỉ là chiêu thức để gây chú ý và sẽ sớm tiêu tan “như bọt biển ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương”.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiếp tục chủ nghĩa bành trướng, Bộ Tứ đã ngày càng được củng cố và có tiềm năng thực chất để đảm bảo an ninh khu vực. Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng quyết tâm thúc đẩy cơ chế này.
Câu hỏi đặt ra là: liệu Bộ Tứ sẽ đem lại kết quả thực chất?
Các thành viên Bộ Tứ (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khu vực Ấn - Thái “tự do và rộng mở” như Nhật Bản và Mỹ đã đưa ra vào năm 2016 và 2017.
Tuy mất một thời gian để khởi động (Bộ Tứ được tái sinh dưới thời Trump nhưng đến thời Biden mới triển khai họp thượng đỉnh), cơ chế này đã đạt động lực đáng kể. Các thành viên đã tổ chức bốn hội nghị thượng đỉnh kể từ năm 2021 (hai hội nghị trực tuyến, hội nghị gần nhất ngày 24/5/2022).
Thế nhưng, Bộ Tứ vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhất là khi chính sách của các nước thành viên đi ngược lại mục tiêu chiến lược của cả nhóm - ngăn chặn Trung Quốc thay đổi cục diện an ninh Ấn - Thái. Vấn đề cốt lõi là bốn quốc gia đã cho phép mình tin vào luận điểm của Trung Quốc rằng quan hệ kinh tế có thể tách rời khỏi địa chính trị.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 676,4 tỷ USD vào năm 2021 và đây là động lực chính thức đẩy kinh tế nước này. Nếu không nhờ thặng dư thương mại, tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ đình trệ, đặc biệt khi Chủ tịch Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát nhà nước lên các công ty tư nhân. Trong tình huống này, Trung Quốc cũng khó đầu tư quân sự và tài trợ cho các “hành động hung hăng” tại Ấn - Thái hay các khu vực khác.
Mỹ và Ấn Độ lại đang là các quốc gia đóng góp vào thặng dư thương mại của Trung Quốc. Mỹ đóng góp nhiều nhất: thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng hơn 25% vào năm 2021, đạt mức 396,6 tỷ USD và hiện chiếm hơn 58% tổng thặng dư Trung Quốc. Thâm hụt của Ấn Độ đạt 77 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 3/2022 - con số lớn hơn ngân sách quốc phòng của chính Ấn Độ, ngay cả khi Ấn - Trung đụng độ quân sự tại biên giới chung ở Himalaya.
Năm 2020, Trung Quốc bí mật xâm phạm biên giới Ấn Độ, dẫn đến đụng độ quân sự. Từ đó đến nay, hai nước vẫn điều quân và xây dựng cơ sở hạ tầng tại biên giới. Thủ tướng Ấn Độ Modi trước đó vẫn theo đuổi chính sách hòa dịu với Trung Quốc và hoàn toàn bất ngờ khi bị Trung Quốc tấn công. Đây đáng lẽ phải là hồi chuông cảnh tỉnh cho Modi nhưng có lẽ, Modi vẫn “chìm trong giấc ngủ” khi để thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày một lớn.
Tương tự, Úc và Nhật Bản cũng phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc chiếm gần một phần ba thương mại quốc tế Úc và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Úc và Nhật đều tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn dắt. Rõ ràng, với Úc và Nhật, cho phép Trung Quốc định hình “luật chơi” ở Ấn - Thái là cái giá quá nhỏ so với lợi ích đạt được từ gia tăng thương mại khu vực.
Thay vì tiếp tục củng cố quyền lực kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc, Bộ Tứ nên biến hợp tác kinh tế/thương mại giữa bốn thành viên thành trọng tâm chính sách khu vực. Tổng thống Mỹ Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh Tế Ấn – Thái (IPEF) bao gồm mọi lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng đến kinh tế số. Tuy nhiên, tiềm năng của IPEF bị hạn chế bởi chính quyền Biden không sẵn sàng mở rộng thị trường Mỹ cho đối tác và đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào khu vực.
Ngoài ra, Biden hiện thúc đẩy Bộ Tứ theo đuổi chương trình nghị sự quá rộng, gồm những vấn đề không không liên quan đến mục tiêu cốt lõi của nhóm (như biến đổi khí hậu, phân phối vắc-xin COVID-19 hay chuỗi cung ứng bền bỉ).
Xung đột ủy nhiệm ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Nga khiến cục diện chiến lược khu vực thêm ảm đạm. Biden là Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp cam kết chuyển trọng tâm chiến lược chính sang châu Á và rộng lớn hơn là Ấn - Thái. Tuy nhiên, chiến sự Ukraine có thể khiến Biden khó hoàn thành mục tiêu, giống như Trump và Obama.
Cuộc chiến cũng có thể khiến Biden theo đuổi chính sách hòa dịu hơn với Trung Quốc. Ngay cả trước khi chiến sự Ukraine xảy ra, Biden đã giảm sức ép lên Trung Quốc khi không truy cứu nguồn gốc COVID-19, bỏ qua chuyện Trung Quốc không đáp ứng cam kết theo Thỏa thuận Thương mại “Giai đoạn một” năm 2020. Mỹ cũng rút cáo buộc gian lận đối với con gái ông chủ Huawei - tập đoàn công nghệ khổng lồ có dính líu tới quân đội Trung Quốc. Các trừng phạt Mỹ áp đặt lên Trung Quốc vì vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương chỉ mang tính biểu tượng.
Với tình hình hiện nay, Mỹ có thể sẽ nhân nhượng Trung Quốc hơn nữa vì Mỹ muốn đảm bảo Trung Quốc không giúp Nga chống lại trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ hiện đã tái miễn thuế lên 352 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc mà chính quyền Trump đã đánh thuế. Hiện tại, Nhà Trắng đang xem xét tiếp tục giảm thuế cho nhiều hàng hóa phi chiến lược lược từ Trung Quốc.
Nhìn chung, Bộ Tứ có thể tùy ý tổ chức các hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp, Bộ Tứ sẽ không đem lại kết quả thực chất. Bộ Tứ cần đóng vai trò là bức tường thành chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và đảm bảo cân bằng quyền lực ở Ấn - Thái. Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 24/5, tất cả các vấn đề khác nên xếp sau mục tiêu này.
Người dịch: Đỗ Thị Thu Ngân & Lê Thanh Long
Hiệu đính: Đỗ Hoàng.
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...
Trung Quốc đang làm tốt hơn và nhiều hơn Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á, dù chính quyền Biden giành được nhiều thiện chí của các nước trong khu vực. Hai cuốn sách xuất bản gần đây là “Dưới bóng con rồng: Đông Nam Á trong kỷ nguyên Trung Quốc” của tác giả Sebastian Strangio và “Dưới...