rtr45xts.jpg

 

Ngày 17/1, Thủ tướng Abe đã kết thúc chuyến công du kéo dài 5 ngày tới các nước Bắc và Đông Nam Âu. Sau khi thăm Estonia, Lithuania, Latvia, ông Abe đã tới Bulgaria, Serbia và Romania. Chuyến thăm tới các nước khu vực Baltic và Balkan nằm trong chiến lược sử dụng quyền lực "mềm" và sức mạnh tài chính nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và chính trị mà Tokyo đã và đang triển khai nhiều thập kỷ qua.

Chặng dừng chân ở khu vực Balkan của ông Abe có một số điểm đáng chú ý. Romania có lẽ là điểm dừng chân ít quan trọng nhưng “hài hước” nhất. Thủ tướng Romania Mihai Tudose đã từ chức ngay trước thời điểm ông Abe đặt chân xuống thủ đô Bucharest, khiến Thủ tướng Nhật Bản bị “bỏ rơi”. Điều đáng chú ý là sự cố này xảy ra trong bối cảnh ông Abe là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thăm Romania - dấu mốc có thể coi là “lịch sử” trong quan hệ giữa 2 nước. Việc Romania là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của ông Abe đã giúp giảm bớt đi phần nào sự cố này khi chương trình hội kiến với Tổng thống Klaus Iohannis được thu xếp một cách nhanh chóng.

Sofia, thủ đô của Bulgaria, là điểm khởi đầu cho chuyến công du tới khu vực Balkan của ông Abe. Bulgaria hiện đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2018. Tokyo hy vọng trên cương vị này, Sofia sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Nhật Bản và EU (EPA), được ký kết hồi cuối năm 2017 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2019. EPA là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm thâm nhập sâu hơn vào thị trường có gần 600 triệu dân của EU, cạnh tranh với Hàn Quốc - nước đã ký kết Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với Liên minh này. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở châu Á, sau Trung Quốc. EPA là nhân tố quan trọng trong kế hoạch “hồi sinh” nền kinh tế Nhật Bản của ông Abe.

Trong lịch trình công du châu Âu, chuyến thăm tới Serbia của ông Abe có ý nghĩa đặc biệt. Serbia là nước duy nhất không phải thành viên của EU trong chuyến công du vừa qua của ông Abe. Quan hệ giữa Nhật Bản với Serbia có nhiều điểm khác biệt với 5 nước còn lại trong chuyến thăm của ông Abe. Thứ nhất, nguyên thủ Nhật Bản từng tới thăm Serbia mặc dù chuyến thăm này diễn ra từ hơn 30 năm về trước khi Liên bang Nam Tư vẫn tồn tại. Do đó, không giống với 5 nước còn lại lần đầu tiên tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản, chuyến thăm của ông Abe thể hiện nỗ lực “hồi sinh” mối quan hệ cũ nhiều hơn. Ngoài ra, mục đích chính của ông Abe trong việc tới thăm 5 nước thành viên EU là nhằm thúc đẩy tiến trình phê chuẩn EPA. Tháp tùng ông Abe là một phái đoàn gồm 30 doanh nghiệp Nhật Bản với nhiệm vụ đặt nền móng cho mối quan hệ thương mại song phương trong tương lai, nhất là khi EPA có hiệu lực.

Tuy nhiên, Serbia không phải là thành viên EU nên sẽ không liên quan gì tới EPA. Trong khi đó, tuyên bố thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết với Nhật Bản trong giải quyết vấn đề hạt nhân củaTriều Tiên chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Động lực thực sự đằng sau chuyến công du tới Serbia của ông Abe liên quan tới mối quan hệ gần gũi của nước này với Trung Quốc trong 5 năm gần đây. Serbia là “mắt xích” quan trọng trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) trị giá 1.000 tỉ USD mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013. BRI nhằm kết nối châu Á, châu Âu, Trung Đông, thậm chí là cả châu Phi, châu Mỹ và Úc, hình thành hệ thống thương mại phức tạp do Trung Quốc chi phối. Nếu được hiện thực hóa, BRI sẽ giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các hoạt động đầu tư lớn ở Serbia nhằm hình thành mạng lưới hạ tầng cho phép hàng hóa Trung Quốc đến được với thị trường châu Âu, nhất là Đức. Trung Quốc sử dụng cảng Piraeus của Hy Lạp do Tập đoàn COSCO kiểm soát và điều hành, để vận chuyển hàng hóa qua khu vực Balkan vào EU. Với vị trí địa lý gần cảng Piraeus và kênh đào Suez hơn là các cảng Rotterdam (Hà Lan) hay Hamburg (Đức), Balkan dường như là con đường thuận tiện và là sự lựa chọn hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc trong việc đưa hàng hóa vào sâu trong EU.

Chuyến thăm Serbia của Thủ tướng Abe cho thấy Nhật Bản đang tìm cách đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh "mềm" ở khu vực Balkan bằng việc “mở hầu bao” và tăng cường quan hệ chính trị với quốc gia nhỏ này. Thông qua cam kết đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin hay phát huy vai trò của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong việc xác định các lĩnh vực hợp tác kinh tế triển vọng, Nhật Bản hy vọng có thể đối phó ở mức độ nào đó với tác động của việc Trung Quốc đẩy mạnh thâm nhập vào khu vực Balkan trong những năm gần đây. Tại Serbia, Thủ tướng Abe đã đề xuất “Sáng kiến hợp tác khu vực Tây Balkan”, trong đó có việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh phụ trách khu vực này tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ông Abe cũng tuyên bố ủng hộ việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập EU của Serbia.

Mặc dù vậy, ông Topaloff cho rằng khó có thể đánh giá về mức độ mà Nhật Bản có thể ngăn chặn việc Trung Quốc thâm nhập khu vực Balkan hay khả năng của EU trong việc kiểm soát khu vực này. Cơ hội gia nhập EU của Serbia hiện rất mong manh. Cũng tương tự như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Serbia đang dần trở nên thất vọng với triển vọng gia nhập EU. Ngày càng nhiều người Serbia cho rằng gia nhập EU không có lợi cho nước này. Mặc dù triển vọng gia nhập EU xa vời, song các khoản đầu tư của Trung Quốc lại hiện hữu. Tuy cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng Tokyo khó có thể cạnh tranh với mức độ đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực Balkan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước có quan hệ chính trị gần gũi với Serbia, nhất là liên quan đến việc đối phó với Kosovo tách ra độc lập hay phong trào tự trị ở Tây Tạng và Tân Cương. Việc Nhật Bản và các nước lớn Trung Quốc, Nga, Mỹ và EU cùng quan tâm tới khu vực Balkan mang lại hy vọng rằng cuộc cạnh tranh nước lớn này sẽ đem lại lợi ích cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguy cơ khu vực Balkan sẽ rơi vào tình trạng bất ổn hơn từ cuộc cạnh tranh này.

Tác giả là Tiến sỹ Liubomir K. Topaloff, Trường Đại học Meiji (Nhật Bản). Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Vũ Hiền (gt)