00_93478.jpg

Phần lớn những cuộc bàn tán sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đều tập trung vào mối quan hệ giữa ông Trump và Tổng thống Putin, cũng như vai trò của hệ thống các cơ quan an ninh Nga trong cuộc bầu cử. Dư luận muốn biết có phải Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để tác động cho Trump thắng cử và đánh bật ứng cử viên nặng ký Hillary Clinton của đảng Dân chủ hay không.

Thực ra, những tranh cãi này là không cần thiết và vô nghĩa. Từ nhiều năm qua Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử chính trị ở một số quốc gia chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU). Vậy chẳng có lý gì để Moskva bỏ qua nước Mỹ. Tác giả cho rằng có thể Trump đang mắc nợ tài chính với Nga, hoặc FSB đang nắm trong tay “kompromat” (tài liệu nhạy cảm) về ông ta, hoặc cả hai điều trên. Tác giả phản đối ý kiến cho rằng Trump là một “gã khờ chính trị”, ngay cả khi ông ta tỏ ra liều lĩnh một cách nguy hiểm. Bạn sẽ không thể đánh bại 17 đối thủ chính trị để bước chân vào Nhà Trắng nếu là một kẻ khù khờ trong lĩnh vực này. Việc ông Trump đề cử ông Rex Tillerson - Chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil - làm Ngoại trưởng của nước Mỹ nhìn bề ngoài có vẻ nực cười, nhưng thực ra lại rất có lý.

Trước đây cũng từng có những đề xuất lạ lùng tương tự với những người như cựu Thị trưởng Giuliani, cựu ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Romney, cựu Giám đốc CIA Petraeus hay nghị sĩ đảng Cộng hòa Corker. Ở đây, rõ ràng là ông Trump đang đùa với dư luận và muốn người dân Mỹ tin rằng ông ta có quan điểm mở, có cái nhìn mở trong việc bổ nhiệm nội các mới và những người mà ông chọn cũng sẽ có quan điểm tương tự. Tân Tổng thống Mỹ đang cố gắng tạo ra một không gian chính trị thuận lợi nhất cho các ứng cử viên của mình, những người sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa từ các nghị sĩ cả hai đảng khi quyết định đề cử họ được trình lên Thượng viện. Trong số này TREX – biệt danh của Rex Tillerson – là người được Trump quan tâm nhất.

Vậy Tillerson là người như thế nào? Ông ta là một CEO cực kỳ thành đạt của Exxon Mobil, giúp mang về hàng tỷ USD cho tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới này thông qua những thỏa thuận với những đối tác khó chịu nhất. Tillerson cũng rất có tài dẫn dắt giới tài phiệt trong ngành năng lượng thế giới và đã tham gia rất tích cực vào thị trường năng lượng của Nga từ những năm 1990. Trước đây, Exxon Mobil từng đàm phán thành công thỏa thuận thăm dò dầu khí trị giá 650 triệu USD ở vùng Bắc cực của Nga, nhưng đã buộc phải cho “đắp chiếu” từ năm 2013 sau khi Mỹ quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine. Đối tác đàm phán khi đó của Tillerson là Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosneft và là bạn thân của Tổng thống Putin từ thời cùng làm trong ngành an ninh. Sechin cũng từng nắm giữ một số vị trí chủ chốt trong Chính phủ Nga.

Vài năm trở lại đây, các CEO của cả Nga lẫn Mỹ cùng phải đối mặt với một khó khăn chung về việc suy giảm tài sản và vận may kinh doanh. Các lệnh trừng phạt Nga là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, nhưng không phải là tất cả. Tại Mỹ, các nguồn năng lượng sạch, như quang điện và phong điện, ngày càng có chi phí cạnh tranh hơn do được chính phủ ưu tiên đẩy mạnh. Các ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, nhất là than, gặp rất nhiều khó khăn do Chính quyền Tổng thống Barack Obama áp đặt các quy định bảo vệ môi trường. Gánh nặng tài chính đè nặng lên các tập đoàn sản xuất năng lượng như Exxon Mobil và tâm điểm của điều này là Thỏa thuận khí hậu Paris đã được 196 bên nhất trí thông qua tại hội nghị COP tháng 12/2015.

Sự xuất hiện của những sản phẩm năng lượng hóa thạch được khai thác bằng công nghệ mới cũng góp phần khiến thị trường năng lượng càng thêm khốc liệt. Bằng việc đưa vào sử dụng công nghệ sản xuất dầu đá phiến (dùng nước dưới áp lực cao làm vỡ đá để lấy dầu), nhiều công ty khai thác dầu tại Mỹ đã tạo ra một nguồn năng lượng mới dồi dào. Mặc dù những tác động đối với môi trường của công nghệ mới này vẫn còn gây tranh cãi, song một lợi thế không ai có thể phủ nhận là đã giúp nhà sản xuất giảm thiểu chi phí lao động và tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ hơn nhiều so với các nguồn năng lượng hóa thạch khác. Cũng nhờ công nghệ này mà Mỹ đã lấy lại vị thế của nước xuất khẩu dầu mỏ từ cuối năm 2015.

Trong khi đó ở phía đầu kia của thế giới, Nga cũng đang phải chật vật đối phó với sự sụt giảm nhu cầu năng lượng từ các khách hàng truyền thống và đặc biệt là Trung Quốc do suy giảm tăng trưởng kinh tế. Việc phương Tây xóa bỏ trừng phạt Iran đã cho phép nước này bơm dầu trở lại thị trường quốc tế, càng làm tăng thêm sức ép với ngành xuất khẩu dầu khí của Nga. Tuy nhiên, tác động lớn nhất vẫn là các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Vốn đã lao đao vì giá dầu sụt giảm mạnh, Nga càng thêm khốn khó khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khiến nước này vừa không thể xuất khẩu dầu sang châu Âu, vừa không nhập khẩu được những công nghệ khai thác tân tiến giúp hiện đại hóa và giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, với việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và chính thức tiếp quản Nhà Trắng từ ngày 20/1, những khó khăn này dường như sẽ được đẩy lùi. Các nhà tài phiệt năng lượng của Nga và Mỹ đang trông chờ vào cơ hội phục hồi đầy khởi sắc nhờ vào những chính sách thay đổi mạnh mẽ của Chính quyền Trump và sự ấm lên trong quan hệ hai nước. Nga và Mỹ đều muốn khôi phục lại những vận may và tài sản khổng lồ đã bị mất đi trong lĩnh vực năng lượng truyền thống. Nhưng điều này sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Tillerson và Chủ tịch Sechin của tập đoàn năng lượng Rosneft sẽ mang lại những câu trả lời. Tất nhiên, hai CEO này không thể quay đồng hồ ngược về lịch sử nhưng họ có thể cùng nhau đảo ngược xu hướng tác động tiêu cực kéo dài nhiều năm qua. Để làm được như vậy, hai bên sẽ phải tiến hành một loạt bước đi cụ thể và họ có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để thực hiện những bước đi đó.

Thứ nhất là ông Trump đã dành chiến thắng ngoạn mục trước ứng cử viên nặng ký Hillary Clinton. Trong chiến dịch tranh cử, bà Hillary ủng hộ mạnh mẽ tiếp tục trừng phạt Nga và duy trì hỗ trợ của chính phủ cho các ngành công nghiệp sản xuất năng lượng sạch. Trong khi đó, ông Trump có vẻ quyết tâm làm ngược lại.

Thứ hai, chiến thắng của ông Trump đã đặt nền móng cho việc tháo gỡ các quy định nhằm ngăn chặn, đơn cử như New York, trở thành trung tâm ô nhiễm môi trường như thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hay New Delhi của Ấn Độ. Tháng 11/2016, mức độ ô nhiễm đo được ở New Delhi cao gấp 15 lần mức quy định thông thường, đe dọa gây ra các bệnh ung thư và đường hô hấp. Cần nhớ rằng người được ông Trump đề cử nắm giữ cương vị lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường từng tuyên bố sẽ bãi bỏ các quy định trên. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng Chính quyền Trump sẽ rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, hay ít nhất là “đóng băng” sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận khí hậu đầy tham vọng này.

Thứ ba, nếu muốn đẩy giá năng lượng trở lại như trước để làm lợi cho Exxon Mobil và Rosneft, Mỹ cần tạo ra vòng xoáy khủng hoảng ở Trung Đông. Các vụ thảm sát người Sunni ở thành phố Aleppo của Syria hay Saudi Arabia sẽ là lý do tốt để Mỹ nhắm vào Chính phủ Iran hiện do người Shiite lãnh đạo. Trong nhiều năm qua, Saudi Arabia đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của đối thủ truyền kiếp Iran trong không gian địa chính trị trải rộng từ Liban tới Syria và Iraq. Lực lượng ủng hộ Iran cũng chiếm lợi thế trong cuộc nội chiến tại Yemen. Vì vậy, Saudi Arabia rất lo ngại sẽ xảy ra làn sóng bất ổn mới giữa cộng đồng thiểu số ở nước này với các cộng đồng Shiite ở những quốc gia vùng Vịnh láng giềng, tạo ra khủng hoảng trên diện rộng giữa những người Sunni và Shiite trong khu vực.

Hiện tại, Saudi Arabia đang dành khoảng 13% ngân sách cho các lực lượng vũ trang, một trong những nước có tỷ lệ ngân sách dành cho quốc phòng cao nhất thế giới. Trong khi đó, tổng thu nhập của nền kinh tế lại bị giảm mạnh do giá dầu lao dốc. Vì vậy, xung đột với Iran sẽ đẩy giá dầu tăng lên và tạo cho Ryiadh cơ hội trở lại thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, hậu quả khó tránh khỏi của cuộc xung đột này là tình trạng bất ổn ở Trung Đông, giống như những gì mà cuộc chiến tranh Iran – Iraq những năm 1980 đã gây ra. Khi đó, cả Iran và Saudi Arabia đều sẽ bị mất đi năng lực xuất khẩu dầu mỏ và chỉ những nhà xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ và Nga trở thành “ngư ông đắc lợi”.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Trump có các khoản đầu tư vào ngành năng lượng của Mỹ và Nga, nhưng mọi khả năng đều có thể xảy ra. Khi tranh cử trước đây, ông Trump từng tuyên bố muốn loại bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thì phải ném bom các giếng dầu do lực lượng này chiếm giữ và để các công ty năng lượng Mỹ nhảy vào. Tuy nhiên, chiến thắng của Tillerson và Sechin, chiến thắng của ngành năng lượng hóa thạch không phải là lợi ích của phần đông dân chúng. Tại Mỹ, năng lượng tái tạo ngày càng rẻ so với năng lượng hóa thạch. Sản xuất năng lượng tái tạo tạo ra nhiều việc làm hơn và có triển vọng thúc đẩy hợp tác quốc tế theo điều khoản trong Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. Tại Nga, giá dầu và khí đốt cao hơn sẽ cản trở những cải cách triệt để vốn rất cần thiết cho hệ thống quản trị nhà nước nếu Nga muốn đẩy mạnh phát triển trong thế kỷ này. Chưa kể, việc tiếp tục khuấy động bạo lực tôn giáo ở Trung Đông sớm muộn cũng sẽ đe dọa đến nước Nga, nơi có tới 15 triệu người Hồi giáo với khoảng 20% trong số đó đang sinh sống ở Moskva. Do đa phần người Hồi giáo ở Nga theo dòng Sunni nên ông Putin có thể kích động họ nổi loạn để có cớ chống khủng bố và tăng cường nỗ lực củng cố chế độ độc tài. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một thảm họa thực sự.

Tóm lại, có thể nhìn thấy trước là liên minh Trump-Tillerson-Putin-Sechin sẽ đẩy giá dầu truyền thống tăng lên, mang lại nguồn lợi lớn cho ngành dầu mỏ Mỹ và Nga. Tuy nhiên, giá dầu tăng cũng sẽ tác động đến tình hình chính trị ở những nước khác. Đơn cử như ở Venezuela, giá dầu tăng sẽ dập tắt triển vọng mờ mịt về khả năng tiến hành cải cách dân chủ, giúp chế độ hiện nay tiếp tục cầm quyền và giảm áp lực phải thay đổi lên quốc đảo Cuba. Venezuela từng cứu Cuba khỏi nguy cơ sụp đổ kinh tế vào cuối những năm 1990 thông qua các khoản tài trợ hào phóng và cung cấp dầu giá rẻ. Đổi lại, Cuba cử đội ngũ giáo viên, bác sĩ và nhân viên an ninh sang giúp Venezuela bảo vệ chế độ Chavista, giống như Cuba bảo vệ chế độ Fidel. Tất nhiên nói vậy không có nghĩa những viễn cảnh trên chắc chắn sẽ xảy ra. Rất có thể Thượng viện Mỹ sẽ tìm cách kiềm chế ông Trump. Cũng có thể làn sóng bài bác quy định sẽ sớm bị đẩy lùi, còn Ryiadh và Tehran sẽ được dẫn dắt bởi những cái đầu lạnh. Và còn rất nhiều khả năng khác có thể xảy ra.

Tác giả David Law, nguyên Giám đốc Bộ phận Hoạch định Chính sách của NATO, là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Quản trị An ninh. Bài viết đăng trên trang "web" của Viện Hiệp hội Quốc phòng Canada.

Vũ Hiền (gt)