Abe_IYNX(1).jpg

 

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản trong một nỗ lực rõ ràng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ của Hà Nội với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Nhật Bản, vị lãnh đạo đảng này đã gặp gỡ một số nhà lãnh đạo và giới tinh hoa của Nhật Bản - trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - để thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau từ thương mại song phương tới an ninh ở Biển Đông.

Ông Abe là một nhân vật có ảnh hưởng trong các mối quan hệ song phương. Năm 2006, khi ông nhậm chức lần đầu tiên, Nhật Bản và Việt Nam đã thúc đẩy một quan hệ đối tác chiến lược, với Nhật Bản là quốc gia thứ hai chỉ sau Nga xác nhận như một mối quan hệ như vậy với Việt Nam. Vào tháng 3/2013, khi ông Abe nhậm chức trở lại, hai nước đã nhất trí nâng quan hệ của mình lên thành một mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

Hợp tác kinh tế

Hợp tác kinh tế là một khía cạnh quan trọng của mối quan hệ song phương. Theo số liệu thống kê năm 2013, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Chưa kể Nhật Bản còn là quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường vào năm 2011.

Ngoài ra, cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang trong giai đoạn cuối cùng của đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định thương mại tự do này, hiện bao gồm 12 quốc gia đại diện cho 40% GDP toàn cầu, được cho là sẽ làm sâu sắc thương mại và đầu tư giữa hai nước với một tốc độ nhanh hơn nhiều một khi hoàn tất. Từ tháng 1/2015, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 37 tỷ USD, chỉ sau Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tokyo đang dẫn đầu về đầu tư được thực hiện trên thực tế.

Đối với các khoản vay ưu đãi, Nhật Bản là quốc gia tài trợ lớn nhất của Việt Nam về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cam kết viện trợ đến 2 tỷ USD trong năm 2012. Kể từ năm 2012, nguồn ODA tích lũy từ Nhật Bản đã đạt 22,7 tỷ USD. So với các dự án ODA của Trung Quốc tại Việt Nam, các dự án của Nhật Bản xếp hạng cao hơn nhiều về công nghệ, an toàn lao động, hiệu quả chi phí, biến đổi xã hội và thân thiện với môi trường.

Nhiều thỏa thuận song phương đã được ký kết để tạo ra các khuôn khổ thể chế cho việc thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. Vào tháng 4/2003, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và người đồng nhiệm Nhật Bản Junichiro Koizumi đã khởi động Sáng kiến Việt Nam-Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tháng 12/2008, Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-Việt Nam (JVEPA) đã được ký kết để đẩy nhanh hợp tác kinh tế, tự do hóa trao đổi hàng hóa và dịch vụ, và đầu tư giữa hai nước. Và vào tháng 7/2013, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí một “cơ chế tín chỉ chung” cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản mua các tín chỉ carbon trong khi giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon của riêng mình.

Theo các hiệp định này, Việt Nam đã tìm cách thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) từ Nhật Bản trong một nỗ lực giúp phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Năm 2013, khu công nghiệp Long Đức ở phía Nam tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Tổ hợp công nghiệp hỗ trợ Kansai để phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khu vực Kansai. Tương tự, vào tháng 12/2014 Khu kỹ nghệ Việt-Nhật được xây dựng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên và được dự kiến sẽ là một điểm đến ưa thích đối với các công ty Nhật Bản từ lĩnh vực sản xuất phụ trợ. Các nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh đã đặt nhiều hy vọng vào các nhà đầu tư Nhật Bản để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của thành phố bằng cách nhân rộng mô hình này sang các khu công nghiệp khác. Trong bối cảnh các dự án của Trung Quốc đang phát triển tại Việt Nam, công nghệ, chuyên môn và vốn của Nhật Bản là những gì Việt Nam thực sự cần để thúc đẩy nền kinh tế của mình và dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Các mối quan hệ an ninh và quốc phòng

Về hợp tác an ninh và quốc phòng, hai nước đã liên tục tăng cường các mối quan hệ của họ trước hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, xây dựng năng lực, và các chuyến thăm của tàu quân sự là một phần quan trọng của thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Những cải thiện cụ thể này dựa trên Bản ghi nhớ toàn diện về hợp tác quốc phòng mà hai nước đã ký kết vào tháng 10/2011.

Vào tháng 2/2015, chiếc tàu đầu tiên trong số 6 tàu tuần tra theo thỏa thuận của Nhật Bản dành cho Việt Nam hồi năm ngoái đã được chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam. Số tàu còn lại sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào cuối năm nay và sẽ là những bổ sung có giá trị cho trang thiết bị an ninh hàng hải không đầy đủ của Hà Nội.

Ý nghĩa rộng hơn

Theo một cái nhìn rộng hơn, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chỉ là một sự tiếp nối nỗ lực của Việt Nam nhằm đa dạng hóa trong chính sách đối ngoại của mình. Vào tháng 4/2015, ông Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm thứ hai tới Bắc Kinh với tư cách Tổng Bí thư ĐCSVN. Vào tháng 7/2015, ông đã có một chuyến thăm lịch sử đến Mỹ và được chào đón tại Phòng Bầu dục của Tổng thống Barack Obama. Tháng 10 hoặc tháng 11/2015, ông Trọng được cho là sẽ đón tiếp người đồng nhiệm Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại Hà Nội. Obama có thể sẽ có một chuyến thăm Việt Nam sau đó.

Những động thái chính sách đối ngoại của Việt Nam là một ví dụ sinh động cho chiến lược nước đôi với sự kết hợp cân bằng mềm chống lại Trung Quốc. Hà Nội đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nhật Bản và Mỹ trong khi được cho là tiếp tục tôn trọng Bắc Kinh. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đặc biệt là ở Biển Đông - điều gây ra mối quan ngại ở Nhật Bản và các cường quốc khu vực khác.

Mô hình quan hệ Việt-Nhật phản ánh một sự hội tụ sâu rộng lợi ích quốc gia giữa hai nước. Việt Nam coi Nhật Bản là một nguồn đáng tin cậy các khoản tài trợ, công nghệ, đổi mới và an ninh. Nguồn vốn ODA và đầu tư của Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Về phần mình, Nhật Bản nhìn Việt Nam qua lăng kính các cơ hội kinh tế và chính trị. Việt Nam là một thị trường lớn gồm 90 triệu người với một tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh cho hàng hóa và các sản phẩm của Nhật Bản, cũng như một nơi thân thiện cho các khoản đầu tư của Nhật Bản với chi phí lao động tương đối rẻ và công nhân lành nghề. Ngoài ra, Việt Nam là một thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là quốc gia có kinh nghiệm nhất khu vực trong việc đương đầu với Trung Quốc.

Quan trọng hơn, ý nghĩa rộng lớn hơn của quan hệ đối tác Việt-Nhật nằm ở chỗ nó phù hợp như thế nào với một mạng lưới rộng lớn hơn các liên minh không chính thức ở ngoại vi của Trung Quốc. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, trật tự khu vực châu Á thường được mô tả là trật tự bao gồm “trung tâm và các vệ tinh” - một hình ảnh trực quan về một hệ thống do Mỹ dẫn đầu bao gồm các mối quan hệ an ninh song phương với các đồng minh châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, trật tự bá quyền này dần dần phát triển thành một hệ thống “được kết nối” hơn - một mạng lưới các mối quan hệ an ninh có liên hệ với nhau, gần như đa phương. Mạng lưới an ninh này bao gồm các mối quan hệ quân sự song phương giữa các đồng minh truyền thống của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và Philippines) cũng như giữa các đồng minh này và các nước Đông Nam Á khác.

Bên trong hệ thống này, ngoài Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cũng đang tăng cường quan hệ chiến lược của mình với Việt Nam. Ấn Độ đã trở thành một nhà cung cấp vũ khí chiến lược chính và là nhà đầu tư chủ yếu vào các dự án dầu khí ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông, trong khi Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn để phát triển lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam. Nhật Bản cũng đã tiếp cận với cả Ấn Độ và Philippines trong những năm gần đây, với Chính quyền Shinzo Abe từng bước xây dựng một vai trò an ninh khu vực cho Tokyo. Tất cả các bên tham gia khu vực này đã và đang hoạt động song song với chiến lược xoay trục sang châu Á rộng lớn hơn của Mỹ, chiến lược một phần nhằm hạn chế hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Philippines đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán quốc phòng với các đối tác khác trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Úc. Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã có chuyến thăm hai ngày tới Manila, nơi ông đã ký một hiệp ước quốc phòng mới để trao đổi thông tin mật, các quan chức quân đội, thúc đẩy và hợp tác chống lại các mối đe dọa phi truyền thống và xuyên quốc gia. Manila cũng đang lên kế hoạch để tiến hành hai cuộc tập trận chung với Úc vào cuối năm nay. Philippines và Úc đã có được các mối quan hệ quân sự sâu sắc, bằng chứng là Hiệp định thăm viếng quân sự Philippines-Australia mà hai nước đã ký kết năm 2007. Manila sẽ ký một hiệp ước tương tự khác với Nhật Bản trong những năm tới.

Môi trường an ninh quốc tế cũng đã chứng kiến một “Đối thoại ba bên Nhật Bản-Úc-Ấn Độ” mới được khởi động vào tháng 6. Khuôn khổ đa phương này được Nhật Bản khởi xướng và được Úc cũng như Mỹ đón nhận mạnh mẽ. Cuộc họp hồi tháng 6 giữa các nhà ngoại giao Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đã thể hiện sự hội tụ lợi ích ngày càng lớn chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.

Một trong những kết quả cụ thể của sự hội tụ ngày càng lớn này là Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar vào tháng 10, một cuộc tập trận hải quân chung hàng năm giữa Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews thừa nhận hồi đầu tháng này rằng Úc sẽ tham gia cuộc tập trận này. Sự tham gia của hải quân của Nhật Bản vào cuộc tập trận chung trên biển là biểu hiện của một kỷ nguyên mới hợp tác quân sự có phối hợp, được thúc đẩy bởi hành vi quyết đoán của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Ấn Độ Dương.

Một cấu trúc liên minh thân thiết, được kết nối hơn do Mỹ dẫn dắt là quan trọng bởi vì nó tạo ra động lực lớn hơn cho các bên tham gia châu Á - bao gồm cả Việt Nam và Nhật Bản - để đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh tập thể. Không sự “xoay trục”, không chiến lược quốc gia về Biển Đông - nếu có tồn tại - nào có thể bỏ qua một yếu tố chủ chốt ở châu Á. Lấy một ví dụ, những căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang làm cho lập trường của Mỹ và Nhật Bản bổ sung cho nhau hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, những đóng góp của Nhật Bản - thực tế và tiềm năng - không nhỏ chút nào trong vấn đề Biển Đông, bởi Tokyo là một bên ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc được nhất trí chung của luật pháp quốc tế và là một nhà cung cấp quan trọng những khả năng cụ thể cho các quốc gia khác như Việt Nam.

Cần đánh giá quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật chính trong bối cảnh rộng lớn hơn này. Quan hệ song phương sâu sắc hơn không chỉ liên quan đến tác dụng đòn bẩy mà Việt Nam có thể giành được trước Trung Quốc ở Biển Đông. Liên kết chặt chẽ hơn với Nhật Bản cũng chắc chắn sẽ đưa Việt Nam vào một mạng lưới các đối tác thân thiện với Nhật Bản. Điều đó sẽ không chỉ đưa đến một Việt Nam mạnh mẽ hơn, mà còn một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng hơn, điều sẽ đem lại lợi ích cho các nước bên trong cũng như vượt ra ngoài khu vực này./.

Theo “The Diplomat

Viết Tuấn (gt)