Trong một động thái mang tính lịch sử, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố vào hôm thứ Hai (23/5) rằng Washington đã dỡ bỏ hoàn toàn một lệnh cấm vận tồn tại nhiều thập kỷ đối với việc bán vũ khí cho Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia Đông Nam Á này, kết thúc nhiều tuần đồn đoán về động thái này. Bước đi này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Việt mà còn đối với di sản chính sách đối ngoại của Obama và các động lực khu vực rộng lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng của động thái này là rõ ràng nhất đối với quan hệ song phương Mỹ-Việt, vốn bắt đầu quá trình bình thường dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995. Về mặt biểu tượng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận - sau khi dỡ bỏ một phần vào tháng 10/2014 - là một sự loại bỏ trở ngại của quá khứ - một “vết tích còn rơi rớt lại của Chiến tranh Lạnh", như Obama đã đề cập trong bài phát biểu của mình tại Hà Nội - mở đường cho các mối quan hệ được cải thiện trong tương lai. Các quan chức Việt Nam từ lâu đã nói rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đã được bình thường hóa hoàn toàn. Bước đi này cũng phù hợp với câu chuyện mà cả hai bên đã đón nhận là gác lại quá khứ và hướng tới tương lai trong quan hệ.

Điều quan trọng là đây là một bước tiến lớn đối với hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, ngay cả khi có thể không thu được các lợi ích nhanh như một số người hy vọng. Sau khi ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng 2015 giữa hai bên hồi cuối tháng 6, một sự dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế còn tồn tại đối với phạm vi Washington có thể cung cấp vũ khí cho Hà Nội phục vụ mục đích quốc phòng của Việt Nam, ngay dù bất kỳ vụ mua bán trên thực tế nào cũng vẫn sẽ phải đáp ứng các đòi hỏi nghiêm ngặt và sẽ được phê duyệt trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Việc bán hàng cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác, bao gồm cả khả năng thích ứng ngày càng tăng của Việt Nam với các thủ tục mua sắm tại Mỹ so với các đối tác quốc phòng truyền thống khác của nước này như Nga. Điều đó nói lên rằng việc cả hai bên đã tiến hành các bước đi gần đây để giải quyết vấn đề này có thể mở đường cho những giao dịch trong tương lai - trong đó có việc tổ chức một hội nghị chuyên đề công nghiệp quốc phòng vào đầu tháng này để tạo điều kiện tương tác giữa các quan chức Việt Nam và các công ty quốc phòng của Mỹ.

Nhưng động thái này cũng có ý nghĩa vượt ra ngoài mối quan hệ song phương. Các cố vấn của tổng thống, cũng như bản thân Obama, coi quỹ đạo tích cực của quan hệ Mỹ-Việt là một sự thúc đẩy cho sự chú trọng của chính quyền Mỹ vào việc can dự cũng như nuôi dưỡng những đối tác mới trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương. Một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Obama là theo đuổi các cơ hội trước đây chưa được khai thác để đạt được tiến bộ trong các mối quan hệ quan trọng nhưng trước đó có vấn đề - như có thể thấy trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba, và can dự nhiều hơn với Myanmar. Mặc dù quan hệ với Việt Nam đã được bình thường hóa từ năm 1995, nhưng dỡ bỏ lệnh cấm vận, cách hiện thực hóa một cơ hội chưa được khai thác như vậy, được coi là một phần của nỗ lực thận trọng nhằm thúc đẩy thậm chí hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt lần đầu tiên được ký kết vào năm 2013.

Khi xét tới chiến lược “xoay trục” hay tái cân bằng của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là bằng chứng cho thấy Washington coi trọng các đối tác mới nổi tại khu vực Đông Nam Á như Việt Nam cùng với các quốc gia khác như Malaysia (ngoài các đồng minh hiệp ước truyền thống là Thái Lan và Philippines). Động thái này – vốn đã cần tới một số công việc khó khăn trong nước và châm ngòi cho sự phản đối từ các nhà hoạt động, các nhóm vì quyền lợi và một số nhà lập pháp – đã được thực hiện bất chấp điều này, một phần như là sự công nhận của Washington về tầm quan trọng chiến lược đang gia tăng của Việt Nam trong chính sách châu Á của Mỹ, cũng như vai trò của nước này trong khu vực và thế giới.

Sự can dự của Hà Nội vào một loạt sáng kiến quan trọng do Mỹ lãnh đạo – từ thỏa thuận thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới Sáng kiến an ninh hàng hải mới – cùng với đóng góp ngày càng tăng của Việt Nam cho khu vực và thế giới trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, đồng nghĩa với việc giá trị của nước này đối với Mỹ đã tăng lên đáng kể so với thậm chí chỉ vài năm trước. Quả thực, bất chấp những hạn chế như nhân quyền, các quan chức chính quyền Mỹ dường như thường xuyên không còn từ ngữ nào để miêu tả đường hướng phát triển đi lên của quan hệ hai nước trong hai thập kỷ qua – từ “ấn tượng” rồi “khác thường” tới “ngoạn mục”. Và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mở cánh cửa cho nhiều cơ hội hơn nữa về lĩnh vực quốc phòng mà có thể chứng kiến vị thế của Hà Nội trong bức tranh khu vực phát triển hơn nữa trong tương lai.

Cuối cùng, tác động của việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, cùng với thời điểm của nó, có nghĩa rằng nó cũng sẽ có những hàm ý quan trọng đối với động lực của khu vực. Điều rõ ràng nhất là thực tế rằng quyết định này được đưa ra sau vụ kiện rất được chờ đợi giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc và khu vực. Đối lập với một số diễn giải – trong đó có một số diễn giải từ Bắc Kinh – thông điệp này không liên quan đến việc kiềm chế Trung Quốc. Thay vào đó, chính các hành động gây bất ổn của Trung Quốc, được minh chứng Biển Đông với các động thái như hạ đặt một giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam năm 2014, đang khiến các quốc gia xích lại gần hơn với Mỹ và khiến Bắc Kinh tự cô lập chính mình. Việc Philippines ký kết một hiệp ước quốc phòng mới với Mỹ năm 2014 lại là một ví dụ khác cho thấy xu hướng này, cùng với các thỏa thuận về quyền tiếp cận khác mà Washington đã ký kết với các quốc gia Đông Nam Á.

Vì vậy, tuy tác động của việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam chủ yếu sẽ được nhìn qua lăng kính quan hệ song phương, nhưng trên thực tế tầm quan trọng của quyết định này sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ đó. Khi chúng ta hướng tới những tháng cuối cùng còn lại của Chính phủ Mỹ này cũng như cái có thể là một mùa Hè bận rộn trên Biển Đông, đây là một điểm đáng nhớ.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)