stock-footage-japanese-flag-waving-against-time-lapse-clouds-background.jpg

Việc đóng mới 12 chiếc tàu ngầm để thay thế cho hạm đội tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Úc cho thấy đây là chương trình mua sắm vũ khí lớn nhất trong lịch sử Úc. Sách Trắng Quốc phòng Úc 2016 dự báo tiến trình mua sắm theo từng giai đoạn sẽ kéo dài khoảng 20-30 năm với ngân sách lên tới hàng chục tỷ đôla Úc (AUD). Tuy nhiên, Chương trình Tàu ngầm Tương lai của Úc lại trở thành một đề tài tranh cãi chính trị gay gắt, đặc biệt liên quan đến sự tham gia của nước ngoài trong dự án này. Nhật Bản - cùng với Pháp và Đức - là một trong ba đối thủ cạnh tranh được Chính phủ Úc lựa chọn tham gia đấu thầu dự án. Vị trí của Nhật Bản hơi khác so với hai ứng cử viên còn lại.

Thứ nhất, Nhật Bản là một quốc gia châu Á. Trong lịch sử, nhu cầu vũ khí của Úc lại phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu.

Thứ hai, Nhật Bản ban đầu dường như là nhà cung cấp được ưa tiên lựa chọn. Tuy nhiên, dưới áp lực chính trị trong nước, Chính phủ Úc sau đó thông báo về một “quá trình đánh giá cạnh tranh” và mời hai ứng cử viên khác tham gia cuộc đua giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc.

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Úc. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Úc trong hơn ba thập kỷ cho đến năm 2007 khi bị Trung Quốc hạ bệ. Trong khi quan hệ kinh tế giữa Úc với Trung Quốc phát triển mạnh và Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Úc, Canberra và Tokyo bắt đầu phát triển các mối quan hệ chiến lược, an ninh ngày càng sâu rộng hơn. Năm 2007, Nhật Bản và Úc đã ký Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh.

Nhật Bản và Úc ngày nay có tác động, ảnh hưởng lẫn nhau về quốc phòng và ngoại giao, thông qua việc đào tạo và tập trận giữa các lực lượng quân đội, hải quân và không quân hai nước; gặp gỡ thường xuyên; hợp tác trong việc hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai; an ninh hàng hải và gìn giữ hòa bình. Gần đây nhất, hai bên đã ký các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, khoa học-công nghệ, an ninh thông tin, chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Phạm vi hợp tác quốc phòng ngày càng được mở rộng và củng cố với các khả năng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực hàng không, phòng thủ tên lửa và các công nghệ chiến tranh trên biển.

Giống như Úc, Nhật Bản là một đồng minh an ninh của Mỹ và mối liên kết này đã đưa quan hệ Mỹ-Nhật-Úc hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Ba nước này hiện gặp gỡ thường xuyên trong tiến trình đối thoại an ninh ba bên. Các cuộc gặp, trao đổi, đối thoại song phương và ba bên như vậy trong những năm qua đã khiến lòng tin chiến lược giữa Úc và Nhật Bản đạt được ở mức độ cao. Trước đây, Nhật Bản duy trì hạn chế xuất khẩu vũ khí nên nước này có ít cơ hội bán thiết bị quốc phòng. Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, vào tháng 4/2014, Nhật Bản đã nới lỏng những hạn chế này. Việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí đã mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác giữa Nhật Bản và Úc với lòng tin chiến lược được củng cố bởi quan hệ đồng minh an ninh chung của hai nước này với Mỹ.

Trong phần đầu của hồ sơ dự thầu, Nhật Bản đã khá thoải mái tiếp cận thỏa thuận này khi đề cập đến những tính năng tàu ngầm lớp Soryu, dự định chuyển giao cho Úc, phù hợp với khả năng tích hợp các thiết bị của Mỹ. Tuy nhiên, khi vấn đề mua sắm tàu ngầm trở nên nóng trên phương tiện truyền thông trong nước, các nhà lãnh đạo chính trị Úc đã bị lung lay vì các bên liên quan muốn chia sẻ lợi ích chính trị và kinh tế của hợp đồng vũ khí khổng lồ này. Bang Nam Úc, nơi có Tập đoàn Đóng Tàu ngầm Úc (ASC) do Chính phủ sở hữu, đã bày tỏ lo ngại về tương lai của ngành công nghiệp quốc phòng Úc cũng như nguy cơ hàng nghìn người bị mất việc làm. Công đảng đối lập, cũng như những người bất đồng trong chính phủ liên minh, đã lên tiếng đòi hỏi tiến trình thực hiện dự án phải minh bạch. Điều này đã mở đường cho quá trình đánh giá cạnh tranh của ba nhà thầu trên.

Nhiều thông tin cho biết cả ba quốc gia cạnh tranh hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc đã nộp hồ sơ dự thầu và quyết định cuối cùng có thể sẽ được đưa ra vào giữa năm 2016. Tất cả mọi người đều muốn biết liệu Nhật Bản có giành được bản hợp đồng này hay không. Nếu Nhật Bản giành được hợp đồng này, quan hệ Úc-Nhật Bản sẽ tăng thêm vài bậc, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Điều này sẽ đem lại ý nghĩa chiến lược không nhỏ cho Mỹ vì Washington kỳ vọng rằng các đồng minh của mình sẽ hợp tác và chia sẻ gánh nặng quốc phòng để hỗ trợ chính sách “trở lại” châu Á của Mỹ. Các cường quốc lớn trong khu vực - có thể ngoại trừ Trung Quốc - nhìn chung sẽ ủng hộ thành công của Nhật Bản khi giành được bản hợp đồng vũ khí quy mô lớn đầu tiên của nước này trong khu vực. Ngoài ra, chiến thắng của Nhật Bản trong việc giành được hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc còn một ý nghĩa quan trọng khác. Hình ảnh của Nhật Bản đã bị Trung Quốc làm lu mờ trong những năm gần đây và Nhật Bản có lý do chính đáng để ăn mừng thành công này trong bối cảnh hai "gã khổng lồ" Đông Bắc Á cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng ở khu vực.

Với rất nhiều ý nghĩa đối với ngành công nghiệp quốc phòng và quan hệ với đối tác an ninh chủ chốt, Nhật Bản tất nhiên sẽ vô cùng thất vọng nếu không giành được bản hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc. Tuy nhiên, Tokyo sẽ tôn trọng các quy trình và quan điểm của Úc, duy trì và củng cố mối quan hệ song phương thông qua các phương tiện khác. Đây là những gì mà mối quan hệ song phương phát triển giữa Nhật Bản và Úc dựa trên những thể chế và giá trị chung lâu dài cần phải có.

Tác giả Purnendra Jain là Giáo sư tại Khoan Nghiên cứu Châu Á, Đại học Adelaide. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á".

Nhật Linh (gt)