10/03/2016
Đầu năm 2015, một châu Âu thống nhất đã tỏ ra tự hào về việc công dân thuộc Khu vực Schengen có thể tự do đi lại khắp châu lục này. Đến cuối năm, các cuộc tấn công khủng bố và người xin tị nạn đã biến hiệp ước không biên giới này thành tình trạng hỗn loạn.
Giống như việc những quân cờ domino đổ chồng lên nhau, các nước châu Âu đã tái khẳng định chủ quyền của mình, bày tỏ sự mất lòng tin vào tính toàn vẹn chính trị của Liên minh châu Âu (EU). Nếu việc kiểm soát biên giới thường xuyên được đưa ra và Khu vực Schengen bị tan rã, người ta sẽ cảm nhận được một loạt tác động về chính trị, kinh tế và văn hóa trên khắp khu vực này và cả trên thế giới. Mặc dù con đường đưa hiệp ước Schengen của châu Âu đến bờ vực bị đổ bể được nhiều người biết đến, trong đó có 4 sự kiện then chốt đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng biên giới này. Vào tháng 1/2015, cuộc tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris đã làm tăng thêm sự ngờ vực nhằm vào những người di cư đang tới, gia tăng thái độ hoài nghi của Pháp đối với chính sách biên giới mở của Bắc Âu. Vào tháng 8/2015, sự can thiệp của quân nhân Mỹ đang nghỉ phép đã ngăn chặn được trong gang tấc một cuộc tấn công khủng bố bất thành nhằm vào một đoàn tàu cao tốc đi qua Hà Lan, Bỉ và Pháp, một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi về vấn đề kiểm soát biên giới và tự do đi lại. Những tuần sau đó, kiểm soát biên giới đã được áp đặt ở phần lớn Trung Âu – đáng chú ý là Áo và Đức – sau một sự gia tăng đáng kể lượng người di cư từ Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á tìm cách tị nạn ở châu Âu. Cuối cùng, các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 11/2015 ở Paris đã để lại một vết nhơ không thể tẩy sạch, và có thể là mãi mãi về chính sách biên giới của Pháp.
10 năm trước, người châu Âu thường chế nhạo việc kiểm soát biên giới của Mỹ, giễu cợt Bộ An ninh Nội địa, dễ chịu nhất thì là không hiệu quả còn tệ nhất thì là hà khắc. Tuy nhiên, cơ chế an ninh đang nổi lên của châu Âu dường như đã sẵn sàng để có một ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài hơn nhiều đối với một xã hội mà trước đây ủng hộ các chính sách xóa bỏ biên giới của mình như một tiêu chuẩn vàng cho nhân quyền. Các cuộc thảo luận đã nổi lên về một “Schengen thu nhỏ” ở Bắc Âu, thực sự chấm dứt tính đồng nhất tự nhiên của EU bằng việc loại Italy, Hy Lạp và Bán đảo Iberian ra khỏi khu vực tự do đi lại. Việc bổ sung kiểm soát biên giới, theo bất kỳ hình thức nào mà họ tiến hành, sẽ tác động đến toàn bộ các hiệp định kinh tế, các tuyến đường thương mại và chuỗi cung ứng mà từ lâu đã được xem là ổn định, chứ chưa nói đến những người trẻ tuổi đã quen với việc coi bản thân họ là những người châu Âu tự do, theo chủ nghĩa thế giới hơn là công dân của bất kỳ cá nhân quốc gia nào.
Cảm giác vượt biên như thế nào
Năm ngoái, vào cả mùa Xuân lẫn mùa Đông, tôi (tác giả bài viết) đã vượt qua biên giới Bắc và Nam Âu để có được một sự hiểu biết tương đối về việc kiểm soát biên giới ngày càng tăng của châu Âu có ảnh hưởng như thế nào đến công việc thường ngày ở các khu vực đã quen với việc đi lại không biên giới. Vào tháng 3 và tháng 4/2015, tôi đã đi qua biên giới giữa Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Estonia, Latvia và Litva. Cả 7 nước Bắc Âu này nằm trong khu vực Schengen, và tôi đã không bị kiểm tra hộ chiếu hay bị kiểm tra ở trạm kiểm soát một lần nào khi đi lại giữa các nước này. Khu vực kiểm tra an ninh chủ yếu đối với nhân viên không phải là giữa các nước Bắc Âu, mà là ở sân bay Frankfurt khi quá cảnh đến Mỹ và từ Mỹ đến. Tôi từng đi qua các trạm kiểm soát ở sân bay, tôi đã được tự do đi lại tương đối dễ dàng.
Nam Âu từ lâu đã là một câu chuyện khác. Vì tuyến đường trên bộ phía Bắc từ Hy Lạp đến Hungary và Slovenia bao gồm một vài nước luôn duy trì kiểm soát biên giới, việc vượt qua một trạm kiểm soát và nhận được một con dấu hộ chiếu khi đi qua Nam Tư cũ là một điều bình thường vào năm 2015 trước khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố và người tị nạn. Nhưng dọc tuyến đường Balkan, cường độ kiểm tra – và tác động xuất hiện sau đó đối với thương mại và du lịch – đã gia tăng trong năm qua, điều đã dẫn đến những tác động mạnh mẽ đối với việc di chuyển lên phía Bắc từ Nam Âu.
Vào tháng 12/2015, tôi đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Serbia, đi qua 6 trạm kiểm soát khi vượt qua 3 biên giới quốc tế, cũng như trạm kiểm soát ở sân bay quốc tế Ataturk của Istanbul. Trong đó bao gồm một sự kiểm soát ở lối ra và lối vào ở mỗi nước quá cảnh, nước nghiêm ngặt nhất trong số đó là Hy Lạp. Từng là một thủ tục qua loa, kiểm tra biên giới Hy Lạp-Macedonia đã trở thành một trong những sự kiểm soát nghiêm ngặt nhất mà tôi từng thấy trong gần một thập kỷ qua lại ở biên giới.
Đến trạm kiểm soát quốc tế vào một buổi sáng sớm lạnh lẽo, tất cả hành khách xuống xe, gom nhặt những chiếc túi của họ và xếp hàng để chờ kiểm tra. Từ khi đi qua biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp, cho đến trạm kiểm soát ở Macedonia, người lái xe buýt vẫn tiếp tục kiểm tra hộ chiếu của tất cả hành khách – có thể cho là một biện pháp chống buôn lậu mà các nhà chức tránh EU và/hoặc Hy Lạp đòi hỏi. Người lái xe buýt đưa hộ chiếu cho các nhà chức trách Hy Lạp, và sau đó là Macedonia để kiểm tra riêng biệt. Trong 35 phút, 6 nhân viên hải quan Macedonia cho mở tất cả các ngăn hành lý, soi đèn pin khắp xung quanh, gõ nhẹ vào kim loại để tìm hàng buôn lậu và lục soát gầm xe. Kế bên chiếc xe buýt, những chiếc xe tải chuyên chở đã xếp hàng dài hơn 2 dặm chờ thông quan. Chúng tôi đã không được nhận lại hộ chiếu cho đến sau khi vào Macedonia và không giữ chúng trong suốt thời gian chúng tôi ở Hy Lạp.
So sánh và tìm ra điểm khác biệt giữa các biên giới
Hai sự so sánh giữa việc đi qua biên giới trên bộ ở châu Âu và đi vào Mỹ đã khiến tôi ngạc nhiên. Thứ nhất, việc đi qua một biên giới trên bộ giữa hầu hết các nước châu Âu đòi hỏi hai loại giấy tờ và những sự kiểm tra khám xét – một giấy tờ về việc rời khỏi một nước; giấy tờ còn lại về việc đi vào một nước khác – thay vì chỉ một điểm duy nhất mà ở đó việc kiểm tra vào và ra kế tiếp nhau, như dọc các lối vào biên giới trên bộ của Mỹ. Giữa biên giới các quốc gia ở cạnh nhau, các nước định rõ một không gian trống dài 1km. Đối với các hành khách hợp pháp, khu vực này cung cấp một cửa hàng miễn thuế với rượu và thuốc lá giá rẻ. Đối với những người tị nạn vượt biên bất hợp pháp, không gian chết này là một vùng đất không có người sinh sống, đem lại một thách thức ghê gớm đối với những kẻ buôn lậu và cho phép những người thi hành pháp luật ở biên giới có thời gian và khoảng cách để bắt giữ bất kỳ ai cố gắng vượt ra ngoài trạm kiểm soát.
Thứ hai, không giống như hầu hết những tương tác biên giới trên bộ ở châu Âu, biên giới Mỹ trên thực tế không bắt đầu ở biên giới vật lý. Trước khi vào Mỹ, hành khách bị kiểm tra để được phép vào các sân bay (chẳng hạn như Frankfurt và Istanbul) hay để được thông qua trước ở Canada và Mexico tại các trạm xe buýt hay các bến tàu biển. Đối với các công ty đồng ý trao đổi nhiều dữ liệu khác nhau với Chính phủ Mỹ, các công-te-nơ hàng hóa được các nhân viên có quyền hành động nhân danh chính phủ tại các nhà máy của Mexico hay các bến cảng của Trung Quốc tiến hành kiểm tra và niêm phong. Bởi khối lượng người và hàng hóa vào Mỹ quá lớn đến nỗi không thể kiểm tra kỹ lưỡng ở các lối vào, chính sách của Mỹ đã (và tiếp tục) xác định những hàng hóa và người nào là “đáng tin cậy” để kiểm tra qua loa, và ai hay cái gì có nguy cơ cao hơn.
Chính sách phân loại nguy cơ này đã được tăng cường sau sự kiện 11/9, khi các cảng đất liền, cảng biển và cảng hàng không của Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, được đặt trong tình trạng cảnh báo cấp độ 1, cấp độ cảnh báo đòi hỏi các nhân viên kiểm soát phải khám xét tất cả người và hàng hóa tại các lối đi vào. Sáng hôm sau, giao thông đi vào Detroit từ Canada đã bị kẹt cứng trong 12 giờ và các xe tải đã phải đợi 24 giờ để đi qua từ Tijuana vào San Diego. Các nhà quản trị thuộc các xí nghiệp ô tô dựa vào việc giao hàng đúng thời hạn đã cảnh báo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng rằng nếu thời gian chờ đợi tiếp tục, họ sẽ bị phá sản chỉ trong vòng 1 tuần.
Đó là nền kinh tế, ngốc ạ!
Ở châu Âu, mức độ không thể dự đoán hiện đang tồn tại liên quan đến việc đi qua biên giới quốc tế đã để lại cái trong hai thập kỷ là các quy trình có trình tự trong hỗn loạn. Hơn 1/3 hàng hóa đường bộ được vận chuyển trên khắp Khu vực Schengen đi qua một biên giới quốc tế. Ngày nay, từ Estonia đến Tây Ban Nha, nông dân, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ từng quen với việc giao hàng đúng thời hạn hiện nay đang điều chỉnh để thích nghi với những ý nghĩ chợt nảy ra của các nhà chức trách tại các trạm kiểm soát ngẫu nhiên, tạo ra những sự chậm trễ kéo dài từ nhiều giờ đến nhiều ngày. Năm 2015, việc đi lại từ Malmo, Thụy Điển, đến Copenhagen, Đan Mạch diễn ra thường xuyên đến nỗi nhiều người Đan Mạch đã chuyển đến Thụy Điển do chi phí đất đai thấp hơn. Hiện nay, việc đi qua đường biên giới quốc tế mới làm tốn thêm nhiều giờ đồng hồ vào việc đi lại hàng ngày, và đã đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của nhân công và lực lượng lao động được phản ánh khắp châu Âu.
Trong thập kỷ tới, nếu Khu vực Schengen biến mất, các nhà chức trách của EU ước tính sản lượng kinh tế sẽ bị sụt giảm tới 124 tỷ USD như là kết quả của chi phí kiểm soát biên giới. Con số này không bao gồm các chi phí mà mỗi chính phủ trong số 26 chính phủ của Khu vực Schengen sẽ phải gánh chịu để xây dựng, bố trí nhân viên và duy trì kiểm soát biên giới, hay các chi phí liên quan đến các chương trình giam giữ hay trục xuất. Ở Mỹ, chi phí thực thi kiểm soát biên giới và kiểm soát nhập cảnh của năm 2015 là 18,9 tỷ USD. Ở phần lớn Trung Âu, các nước đã sử dụng thẩm quyền pháp lý khẩn cấp và lệnh cho các lực lượng quân sự giám sát biên giới. Các chính sách như vậy sẽ không thể duy trì được nếu Schengen bị tan rã hoàn toàn.
Hy Lạp, Đức và khoảng trống ở giữa
Mặc dù người ta sẽ cảm nhận được tác động về kinh tế trên khắp khu vực châu Âu khi kiểm soát biên giới được thắt chặt, nước sẽ phải hứng chịu nhiều nhất từ thất bại của EU trong việc đưa ra một chính sách chung để quản lý một cách công bằng người tị nạn đi về phía Bắc là Hy Lạp. Trong khi nước này về mặt kỹ thuật vẫn là một phần của Khu vực Schengen được tự do đi lại của châu Âu, trên thực tế Hy Lạp bị cách ly bởi chính địa lý của mình. Những chuyến phà đến Italy bị kiểm tra nghiêm ngặt và bản thân Italy cũng không tránh khỏi việc kiểm tra hộ chiếu ngẫu nhiên đối với các phương tiện và hành khách đi đến Slovenia, Áo, Thụy Sỹ và Pháp. Các nước Balkan ở phía Bắc Hy Lạp, như tôi chứng kiến, đã biến những gì từng là các thủ tục mang tính thứ yếu thành những sự kiểm tra khám xét hung hăng và tốn thời gian.
Sự tăng cường kiểm soát biên giới đồng nghĩa với việc Hy Lạp đặc biệt bị cách ly, cả về mặt vật lý lẫn kinh tế, khỏi phần còn lại của châu Âu. Nếu không đáp ứng được các điều kiện nghiêm ngặt, nhiều người đi đến các bờ biển của Hy Lạp về mặt pháp lý không được phép rời đi, và những người bị trục xuất từ Bắc Âu mà yêu cầu xin tị nạn của họ bị bác bỏ được gửi trở lại đất nước họ đã đăng ký khi đến, hầu hết là Hy Lạp, Italy hay Tây Ban Nha. Toàn bộ đất nước này, và không chỉ đảo Lesbos, nơi mà hàng triệu người di cư đã đến vào năm 2015 sau một chuyến đi tàu dài 3 dặm từ Thổ Nhĩ Kỳ, thực sự đã trở thành trại tị nạn của châu Âu.
Con đường từ Hy Lạp vào Đức mà người tị nạn lựa chọn dường như có thể hỗn loạn, nhưng sự di cư hợp pháp qua biên giới trên bộ của châu Âu không giống với sự di cư tăng lên vào Mỹ đã diễn ra trong hai thập kỷ qua. Mặc dù việc đưa lậu người di cư vào Đức tất nhiên không phải là không thể, hầu hết người xin tị nạn vào Đức trong năm qua đã làm như vậy với văn kiện pháp lý của EU và sử dụng một lộ trình hợp pháp. Các nhân viên cứu trợ tại các khu trại ở Macedonia, Serbia, Croatia và Slovenia tiến hành xử lý người tị nạn thông qua việc kiểm tra giấy tờ trước khi đẩy họ lên những chiếc xe buýt hay tàu hỏa đưa họ lên phía Bắc để đến điểm giao cắt biên giới quốc tế tiếp theo. Hành trình từ một loạt khu trại tị nạn trên đảo Lesbos đến Munich có thể khiến người ta kiệt sức, nhưng hầu hết hành khách không phải bất hợp pháp hay không được cấp giấy phép.
Mặc dù điều đó có thể thay đổi vào năm 2016, đối với tất cả những sự hăm dọa ầm ĩ ở châu Âu về khủng bố và thay đổi xã hội, những vòng an ninh xuất phát từ nhiều sự kiểm soát đồng nghĩa với việc biên giới của Bắc Âu đã chặt chẽ hơn so với của Mỹ – cũng như các phí tổn thực thi liên quan. Những kẻ buôn lậu cùng lắm phải vượt qua 3 trạm kiểm soát từ Mexico vào Mỹ: một trạm kiểm soát nội địa ở Mexico, một điểm giao cắt biên giới quốc tế và một trạm kiểm soát nội địa ở Mỹ. Ở châu Âu, một kẻ buôn lậu tiềm tàng sẽ phải đi qua tối thiểu 12 trạm kiểm soát khi lái xe từ Athens đến Munich – và con số này chỉ tính lối ra và vào ở biên giới quốc tế. Cuối năm 2015, những lợi ích khi để cho người Syria, người Iraq và người Afghanistan – những quốc tịch duy nhất mà Macedonia cho phép đi vào từ Hy Lạp – đến Đức một cách hợp pháp đã lớn hơn so với những rủi ro của việc thuê một kẻ buôn lậu (vào ngày 19/2/2016, Macedonia đã loại các công dân Afghanistan ra khỏi danh sách cho phép quá cảnh, chỉ cho phép người Syria và Iraq là những người xin tị nạn được phép).
Khi kiểm soát biên giới tiếp tục thắt chặt và hầu như không có hi vọng gì cho hòa bình ở Syria, Iraq hay Afghanistan, sự di cư hợp pháp và bất hợp pháp vào châu Âu từ Trung Đông có khả năng sẽ gia tăng vào mùa Xuân và Hè này. Như đã xảy ra trước đây trong lịch sử châu Âu và trên khắp thế giới, những ranh giới mới này một lần nữa sẽ trở thành các địa điểm đối lập về văn hóa: các khu vực pha trộn ngôn ngữ, sắc tộc và tôn giáo được đánh dấu bởi hàng rào, dây thép gai và các tấm biển cảnh báo cấm vào. Việc thường xuyên củng cố bất kỳ đường biên giới quốc tế nào cũng đều tạo ra những hậu quả mở rộng vượt ra khỏi hai nước đang thiết lập các trạm kiểm soát hay xây dựng những bức tường ngăn cách. Sự biến đổi này của châu Âu sẽ làm thay đổi bối cảnh kinh tế, văn hóa, địa chính trị và kích động tình trạng không chắc chắn, suy thoái và bất hòa đối với một thế hệ đang đến châu lục này.
Tác giả David J. Danelo là giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Viện Nghiên Quan hệ Đối ngoại. Bài viết đăng trên trang “Fpri” – tháng 2/2016.
Hương Trà (gt)
Với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU), cũng như phần còn lại của thế giới, đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó sự tổn thất về người, sự thiệt hại về kinh tế và chính trị hết sức nặng nề.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển biến thành tình trạng xung đột lâu dài, thì dường như một đặc điểm đang định hình cuộc chiến địa chính trị ngày càng khắc nghiệt hơn này mang hơi hướng của một cuộc chiến công nghệ.
Cho dù đã tăng cường chính sách quyết đoán tại Đông Nam Á, lập trường của châu Âu vẫn bộc lộ chính những vấn đề mà các chuyên gia và giới chức ở châu Âu đã nêu bật: Ngoại trừ thương mại, EU gần như không có biện pháp nào khác để gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực.
Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nước trong chính sách của họ đối với Trung Quốc? Mức độ hội tụ đến đâu và liệu sự hội tụ này có thể được coi là một cách tiếp cận chung thống nhất của châu Âu đối với Trung Quốc hay không?
Nước Anh cho rằng họ là đối tác bình quyền với EU trong đàm phán Brexit. Nhưng bài học từ những cuộc đàm phán gia nhập Cộng đồng châu Âu (EC) năm 1973 của Anh đã cho thấy rõ ai là người cao tay hơn trong cuộc chơi này.
Ban đầu đa số đều cho là Madrid đã phản ứng quá tệ với cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, khi nhìn lại, có vẻ thủ tướng Rajoy, một chính trị gia kỳ cựu từng là một thế lực hàng đầu trong nền chính trị Tây Ban Nha gần 2 thập kỷ qua, đã xử lý cuộc khủng hoảng đầy khéo léo.