Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 20 năm, quan hệ song phương có sự phát triển vững chắc. Về kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam năm 1994 chỉ là 220 triệu USD. Một năm sau khi Chính quyền Bill Clinton xóa bỏ lệnh cấm vận, năm 1995, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 452 triệu USD, Mỹ xuất siêu 54 triệu USD. Sau khi Việt Nam giành được Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) vào năm 2006, kim ngạch thương mại song phương tăng vọt vào năm 2013 lên tới 29,662 tỷ USD, Việt Nam bắt đầu xuất siêu sang Mỹ, lên tới 19,636 tỷ USD. Việt Nam hiện nay đã trở thành thành viên đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ nắm vai trò chủ đạo, Mỹ trở thành nước nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Về chính trị, các chuyến thăm lãnh đạo hai nước dần dần tăng lên. Vào mùa Thu năm 1995, Chủ tịch Việt Nam Lê Đức Anh đi thăm New York, tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc, đồng thời có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Bill Clinton, các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước bắt đầu được khởi động. Bill Clinton đi thăm Việt Nam vào năm 2000, Tổng thống George W. Bush đến thăm Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương năm 2006, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng hiện nay John Kerry cũng nhiều lần đến thăm Việt Nam. Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang cũng như các Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng đều lần lượt đi thăm Mỹ, chuyến thăm gần đây nhất là của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trong thời gian Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Mỹ vào năm 2013, ông đã cùng Tổng thống Mỹ Obama ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ thành đối tác toàn diện. Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây, hai nước đã coi “đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu trong thời gian dài” là phương hướng phát triển của quan hệ song phương, cho dù không đạt kỳ vọng của mọi người là xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

Tiến triển khiến người ta quan tâm nhất trong quan hệ hai nước là lĩnh vực quốc phòng. Học giả Mỹ cho rằng chuyến thăm Hà Nội vào ngày 12/7/1996 do Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Wanthony Lake dẫn đầu là sự mở đầu của giao lưu bình thường trong lĩnh vực quốc phòng. Trên thực tế, sau khi Tổng thống Bill Clinton đến thăm Hà Nội vào năm 2000, quân đội hai nước đã bước vào tiến trình thực hiện bình thường hóa quan hệ. Năm 2010, lãnh đạo quân đội hai nước đã tổ chức đối thoại trực tiếp lần đầu tiên tại Hà Nội, cơ chế “đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm” được thiết lập từ thời điểm đó, đây là cột mốc đánh dấu bình thường hóa giữa quân đội hai nước. Hai nước còn xây dựng cơ chế “đối thoại quốc phòng song phương”, chuyên nghiên cứu làm thế nào để hiểu biết lẫn nhau nhằm thực hiện đối thoại chính sách quốc phòng. Ngày 1/6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ cùng ra văn kiện chiến lược “Nguyện vọng chung của quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt”, đã xác lập lợi ích an ninh chung của hai nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm: bảo vệ ổn định và an ninh khu vực, bảo vệ luật pháp và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, loại trừ mối đe dọa an ninh phi truyền thống, bảo đảm tự do đi lại trên biển, trên không và trên đất liền.

Như trên đã phân tích, 20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh quan hệ hai nước không ngừng ấm lên, xu hướng hợp tác kinh tế, chính trị và quốc phòng liên tục tăng cường, từ đó đã thúc đẩy chuyến thăm chưa có tiền lệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm này chưa thực hiện đột phá mang tính cơ cấu của quan hệ Việt-Mỹ, vẫn ở vào trạng thái quan hệ đối tác toàn diện do Mỹ nắm vai trò chủ đạo.

Động lực cơ bản phát triển quan hệ Việt-Mỹ

Quan hệ Việt-Mỹ từ thù địch đến đối tác đã tiến triển rất nhanh chóng, vậy động lực cơ bản để quan hệ phát triển thuận lợi là gì?

Trước hết, hai nước đã thúc đẩy phá băng quan hệ để giải quyết vấn đề hậu quả chiến tranh. Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, vấn đề quân nhân Mỹ mất tích và tìm hài cốt của họ luôn gây khó khăn cho Chính phủ Mỹ trong nhiều nhiệm kỳ, cũng là vấn đề chính trị lớn trong tranh cử giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ. Năm 1991, Việt Nam đồng ý cho Mỹ mở “Văn phòng tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và tìm kiếm hài cốt” ở Hà Nội, hai nước bắt đầu tiến trình hợp tác về hoạt động nhân đạo. Sau đó, Việt Nam đã đưa cho Mỹ những hồ sơ chiến tranh, hỗ trợ tổ công tác của quân đội Mỹ đến vùng xảy ra Chiến tranh Việt Nam tìm hài cốt lính Mỹ, thể hiện sự phối hợp và được Mỹ ca ngợi. Năm 1995, Ngoại trưởng Mỹ Warren Minor Christopher đến thăm Hà Nội, Mỹ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, thực hiện bình thường hóa quan hệ.

Thứ hai, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ về kinh tế. Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách cải cách mở cửa vào năm 1986, Việt Nam mong muốn cải thiện kinh tế, nâng cao sức mạnh của đất nước. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Mỹ và phương Tây đã thực hiện cấm vận kinh tế mạnh mẽ đối với Việt Nam. Hơn nữa, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, con đường giao lưu kinh tế đối ngoại của Việt Nam một lần nữa bị tác động tiêu cực. Do tác động của hai sự kiện trên, Việt Nam một mặt tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, khôi phục quan hệ hai đảng và hai nước với Trung Quốc, đồng thời cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Sau khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, Mỹ đã trao cho Việt Nam quan hệ thương mại bình thường, đồng thời ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), không lâu sau đó đã trao cho Việt Nam PNTR, từ đó Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Việt Nam còn hy vọng thông qua tham gia TPP do Mỹ nắm vai trò chủ đạo để củng cố địa vị thương mại của họ ở thị trường Mỹ, đây là động lực chủ yếu để Việt Nam tăng cường quan hệ Việt-Mỹ.

Thứ ba, Việt Nam và Mỹ đều có mong muốn tận dụng nhau về an ninh, là động lực thúc đẩy cơ bản của tiến trình từ thù địch sang hợp tác hữu nghị. Điều không thể phủ nhận là sự trỗi dậy của Trung Quốc và địa chiến lược trở thành một nhân tố quan trọng khiến Việt Nam và Mỹ xem xét xích lại gần nhau. “Chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” mà Mỹ thực hiện là nhằm bao vây Trung Quốc, cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, Mỹ không những củng cố quan hệ đồng minh an ninh châu Á-Thái Bình Dương hiện có, mà còn phải tích cực phát triển quan hệ đối tác an ninh. Mấy năm gần đây, Mỹ đã làm tất cả những gì có thể nhằm lôi kéo Việt Nam, để Việt Nam trở thành đối tác an ninh mới rất quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn, Mỹ giúp Việt nam nâng cao năng lực sử dụng năng lượng hạt nhân, hai nước đã ký “Hiệp định hợp tác hạt nhân hòa bình Việt-Mỹ”, Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Việt Nam tham gia “Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” do Mỹ nắm vai trò chủ đạo, Việt Nam và Mỹ đã ký “Tuyên bố chung về tầm nhìn quốc phòng”. Từ “Tuyên bố chung tầm nhìn quan hệ Việt-Mỹ” mà ông Nguyễn Phú Trọng và ông Obama đã đưa ra, có thể thấy Việt Nam và Mỹ cam kết phải tăng cường hợp tác trong vấn đề phòng ngừa mối đe dọa an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam và Mỹ tận dụng lẫn nhau về an ninh để thúc đẩy hợp tác, thậm chí còn có sự can dự nhiều hơn của Nhật Bản. Đây là xu hướng đáng để mọi người quan tâm.

Thứ tư, ngoại giao cân bằng nước lớn mà Việt Nam thực hiện là động lực thúc đẩy Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau. Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, trên cơ sở lợi ích của mình, Việt Nam đánh giá lại một cách thận trọng chiến lược ngoại giao dựa vào nước lớn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bắt đầu thực hiện ngoại giao cân bằng nước lớn toàn diện, có người Nhật Bản cho rằng Việt Nam duy trì ngoại giao có khoảng cách ngang nhau giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Trong vấn đề ứng phó với việc nước lớn sử dụng quân cảng của Việt Nam, Việt Nam đã thể hiện rõ chiến lược cân bằng nước lớn. Việt Nam tuyên bố Việt Nam đã mở cửa, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các cảng biển của Việt Nam như Đà Nẵng, Cam Ranh..., chỉ cần họ tuân thủ luật pháp của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Sau khi Nga ngừng thuê cảng Cam Ranh vào năm 2002, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ rất nhiều lần thăm cảng Cam Ranh, nhưng tàu chiến Mỹ chỉ có thể vào khu vực thương mại của cảng này để sửa chữa. Mặc dù Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trong quá trình duy trì quan hệ cân bằng với nước lớn, nhưng nếu phân tích từ bảo đảm lợi ích quốc gia của Việt Nam, có thể thấy Việt Nam có thể lấy biện pháp này để phát triển quan hệ Việt-Mỹ, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu.

Đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển quan hệ Việt-Mỹ

Sau khi Obama lên làm tổng thống, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, trước hết khởi đầu từ việc quay trở lại Đông Nam Á, sau đó đề xuất chính sách chuyển hướng sang châu Á, thay đổi chính sách trung lập mà Mỹ thực hiện lâu nay, ủng hộ các quốc gia trong đó có Việt Nam. Mỹ coi tranh chấp các hòn đảo ở Biển Đông xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam là cơ hội, có ý đồ tăng cường xích gần lại quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị ngoại giao, an ninh, tìm cách gây tác động đến sự phát triển quan hệ Trung-Việt. Do đó, việc làm thế nào để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan quan hệ Việt-Mỹ và ảnh hưởng của mối quan hệ này, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy ngoại giao láng giềng mang đặc sắc Trung Quốc, phát triển quan hệ giữa hai đảng và hai nước Trung Quốc-Việt Nam.

Thứ nhất, đánh giá như thế nào việc Mỹ lôi kéo Việt Nam tham gia đàm phán TPP? Phải nhận thấy rõ TPP là một trong những trọng tâm của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, là một trong những biện pháp quan trọng để Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh an ninh ở châu Á, đây là một biện pháp quan trọng để Mỹ thông qua kinh tế thực hiện mục đích chính trị và an ninh. Trong quá trình thúc đẩy TPP và liên kết kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không những muốn mở ra cánh cửa lớn thương mại của các nước thuộc khu vực này, mà còn khiến Trung Quốc phục tùng quy tắc thương mại thế hệ mới theo phiên bản Mỹ. Mỹ lôi kéo Việt Nam tham gia bởi vì Việt Nam đã tham gia đàm phán với danh nghĩa quan sát viên, nên tiếp đó đã đồng ý để Việt Nam trở thành thành viên đàm phán chính thức, lấy thị trường to lớn tiềm năng của Mỹ làm mồi nhử, ép Việt Nam chấp nhận hàng loạt yêu cầu của Mỹ.

Mỹ từng yêu cầu các nước tham gia đàm phán TPP trong đó có Việt Nam cải cách chính sách kinh tế trong nước, chủ trương lấy lý do chính sách sau khi ký kết có phù hợp với tiêu chuẩn của Mỹ hay không để thay đổi chính sách cạnh tranh trong nước, chính sách sản xuất của các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Khái niệm và biện pháp trung lập cạnh tranh mà Mỹ đưa ra giải quyết “sự cạnh tranh không công bằng” trong quan hệ kinh tế khu vực của doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam và Malaysia. Đương nhiên, xem xét về lâu dài, đây cũng có ý thách thức cơ chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với chế độ công hữu nắm vai trò chủ đạo của Trung Quốc. Mỹ từng lấy lý do bảo vệ quan niệm giá trị của phương Tây và quyền lợi người lao động, thúc đẩy tự do tuyên truyền thông tin trên mạng, cho phép xây dựng hiệp hội độc lập, bảo vệ quyền tự do biểu tình phi pháp của người lao động, thách thức chế độ chính trị xã hội hiện nay của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Hiện tại, đàm phán TPP đã bước vào giai đoạn cuối cùng, Mỹ đã thay đổi thái độ đối với một số vấn đề chính trị nhạy cảm, tạm gác lại đàm phán trong một số vấn đề. Để bảo vệ sự phát triển kinh tế và lợi ích của dân chúng trong nước, Việt Nam có thể đưa ra một số nhượng bộ trong một số vấn đề kinh tế, nhưng lãnh đạo Việt Nam có đầy đủ niềm tin đối với việc tăng cường cải cách hội nhập hệ thống kinh tế quốc tế. Việt Nam cho rằng khi gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không bị thiệt hại, ngược lại kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng và toàn diện. Việt Nam nhận định tham gia TPP là chiến lược cơ bản để nước này mở cửa ra thế giới, thành bại đều nằm trong nội lực chủ quan của mình, Việt Nam đã thực sự ứng phó với khó khăn, nỗ lực hội nhập hệ thống kinh tế quốc tế. Do đó, việc mượn TPP để tham gia thị trường quốc tế có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với họ, đối với Trung Quốc chưa chắc đã là việc xấu. Từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh năm 2014 đã thiết lập “Lộ trình APEC thúc đẩy khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương”, bản chất đều là hội nhập liên kết kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, do đó, xem xét từ tình hình hiện nay, giữa Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện mở rộng không gian trong vấn đề hợp tác kinh tế khu vực.

Thứ hai, làm thế nào để đánh giá hợp tác quân sự Việt-Mỹ? Hợp tác quân sự Việt-Mỹ gần đây có dấu hiệu tăng cường, đây là hiện tượng mới xuất hiện trong môi trường địa an ninh phức tạp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam và Mỹ đã có những tiến triển nhất định trong việc thúc đẩy ngoại giao hải quân, hợp tác hải quân, hợp tác hạt nhân giữa hai nước, Mỹ xóa bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam cũng có thể được sở hữu tàu chiến, tàu tuần tra, thiết bị theo dõi tàu thuyền... của Mỹ. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey nói biển là lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ có cùng lợi ích. Đó là lợi ích an ninh, do đó trang bị phòng vệ an ninh sẽ trở thành nội dung chủ yếu của quân đội Mỹ cung cấp cho Việt Nam. Nhưng phải nhận thấy rõ việc xóa bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam không thể là “bữa ăn miễn phí”, đòi hỏi Việt Nam phải đáp lại.

Đơn hàng mà Mỹ đưa ra có thể bao gồm các nội dung sau: Việt Nam phải có chính sách ngả sang Mỹ nhiều hơn, công khai cam kết chấp nhận chính sách phối hợp với Mỹ. Chẳng hạn, sau khi Mỹ chính thức xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, Việt Nam phải mở cảng biển của nước mình cho tàu chiến hải quân của Mỹ, chứ không phải như hiện tại quy định mỗi năm có bao nhiêu tàu chiến Mỹ được vào một cảng biển, yêu cầu Việt Nam mở cửa cảng nước sâu Cam Ranh cho quân Mỹ. Mỹ đang có kế hoạch tăng cường đào tạo cho quân nhân Việt Nam, không những đào tạo ngôn ngữ, điều quan trọng hơn là Mỹ và quan niệm giá trị của họ sẽ tiến vào Việt Nam.Trung Quốc phải quan tâm chặt chẽ, kịp thời thức tỉnh, chuẩn bị ứng phó sự kiện bất ngờ vào bất kỳ lúc nào.

Thứ ba, về chính trị, quan hệ Việt-Mỹ tạm thời không thể xuất hiện sự thay đổi mang tính cơ cấu, Việt Nam vẫn là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có sự khác biệt lớn về chế độ chính trị với Mỹ và các nước phương Tây. Mỹ yêu cầu Việt Nam phối hợp về vấn đề nhân quyền, thả nhiều tội phạm chính trị hơn. Nguyện vọng lớn nhất của Mỹ là thực hiện dân chủ kiểu Mỹ ở Việt Nam. Đối với chính quyền Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể nghe theo yêu cầu vô lý của Mỹ. Tuy nhiên, điều Trung Quốc không thể xem nhẹ là cho dù giữa Mỹ và Việt Nam tồn tại mâu thuẫn mang tính cơ cấu, nhưng khả năng thay đổi mâu thuẫn mang tính cơ cấu vẫn tồn tại.

Thứ tư, làm thế nào để đánh giá tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông? Xem xét từ một số góc độ, Trung Quốc và Việt Nam đã ở một “cộng đồng chung lợi ích”, hợp tác hữu nghị là chủ lưu của quan hệ hai nước. Điều không thể phủ nhận là ngoài dòng chủ lưu này cũng có những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Cho dù Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng, nhưng khó tránh khỏi có lúc va chạm. Mâu thuẫn và va chạm chủ yếu tác động đến quan hệ hai nước mấy năm gần đây là tranh chấp các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa. Quan hệ hai nước có vấn đề va chạm với nhau, vốn là điều không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng một số người cố ý làm ồn ào vấn đề, đây là điều Trung Quốc cần cảnh giác.

Một là Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định chính sách về vấn đề Biển Đông từ tầm cao toàn cục quan hệ Trung-Việt. Tính chất đặc thù của mối quan hệ này là hai đảng cầm quyền của hai nước từng là chiến hữu trên một chiến hào, có tình hữu nghị đặc biệt khác thường “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Quan hệ Trung-Việt xấu đi trong quá khứ đã được chính thức  khôi phục vào năm 1991. Nhưng tâm lý “oán ghét” dường như vẫn còn sót lại đến nay cùng với vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Đánh giá quan hệ hai nước từ tầm cao chiến lược, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nắm chắc địa vị chiến lược của quan hệ hai đảng, quyết không cho phép vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai đảng, coi những vấn đề đặc biệt của quan hệ hai đảng là hòn đá tảng giữ cân bằng ổn định quan hệ hai nước. Tinh thần 16 chữ và bốn tốt (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) trong quan hệ hai nước mà Trung Quốc đưa ra phát huy vai trò giữ ổn định chiến lược quan hệ hai nước, giúp cho Trung Quốc, Việt Nam và các nước có liên quan cùng xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam cần phải trở thành điển hình tốt đẹp thực hiện gác tranh chấp, cùng khai thác trước khi hoàn thành phân giới trên biển. Sau khi quan hệ hai nước khôi phục, lãnh đạo hai nước đạt được nhận thức chung quan trọng thông qua đàm phán hòa bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đây cũng trở thành nguyên tắc chỉ đạo để Trung Quốc và Việt Nam khôi phục đàm phán giữa các chuyên gia và quan chức chính phủ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển và trên đất liền. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và Việt Nam có thử nghiệm tích cực trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đã giành được thành quả nhất định. Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đã trải qua nỗ lực ký được “Hiệp định phân giới cắm mốc trên bộ Trung-Việt” (năm 1999), “Hiệp định phân giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam” (năm 2000), cơ bản đã giải quyết vấn đề phân giới trên bộ và vùng biển vịnh Bắc Bộ giữa hai nước. Ngoài ra, năm 2011, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh, Trung Quốc và Việt Nam đã ký “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển của hai nước”, đã đưa ra kiến nghị nguyên tắc cụ thể về biện pháp và phương thức kiểm soát. Hai bên quyết định phải tích cực nghiên cứu biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai nước bao gồm tích cực nghiên cứu và đàm phán về vấn đề cùng khai thác. Nhận thức chung này có ý nghĩa cột mốc, Trung Quốc và Việt Nam có thể trở thành điển hình tốt đẹp gác tranh chấp, cùng khai thác trước khi hoàn thành phân giới trên biển.

Ba là cùng với kiên trì chính sách hòa thuận láng giềng, yên ổn láng giềng, làm giàu láng giềng, Trung Quốc đã đưa ra và thực hiện khái niệm thân, thành, huệ, dung (gần gũi, chân thành, ưu đãi, cởi mở), tích cực thúc đẩy xây dựng “Một vành đai, một con đường”, nỗ lực tìm kiếm điểm chung với lợi ích các nước xung quanh trong đó có Việt Nam, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Biển Đông hòa bình, hữu nghị càng trở thành nhiệm vụ rất quan trọng của ngoại giao Trung Quốc. Việt Nam là khâu then chốt trong các quốc gia xung quanh Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình đứng đầu đã đón tiếp trọng thể. Báo chí Việt Nam coi đây là hình thức đón tiếp cao nhất. Có người cho rằng ký ức về quan hệ trăng mật giữa hai nước đã lùi xa về quá khứ, nhưng khi mọi người chứng kiến cuộc hội đàm thân thiết giữa hai Tổng Bí thư, dường như lại nhìn thấy tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh xây dựng. Do đó, đối với việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và báo chí Việt Nam nhấn mạnh truyền thống hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là nhấn mạnh quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em”, mọi người vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Mọi người cũng càng có lý do tin rằng lãnh đạo hai nước khẳng định lại tư duy chiến lược gác tranh chấp Biển Đông, nghiên cứu biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai nước, trong đó có tích cực nghiên cứu và đàm phán vấn đề cùng khai thác, phải có lòng tin đầy đủ.

Bốn là tình trạng vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp những năm gần đây là kết quả của chính sách mới sau khi Obama lên nắm quyền. Quan hệ Việt-Mỹ thực sự có tiến triển nhất định từ năm 1995 đến nay, Trung Quốc luôn có niềm tin lạc quan khi các nước xung quanh Trung Quốc kể cả Việt Nam phát triển quan hệ song phương với bất kỳ quốc gia nào. Sau khi thăm Trung Quốc không lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Mỹ, xem xét từ thứ tự ưu tiên của ngoại giao nước lớn của Việt Nam, có thể thấy Trung Quốc đứng thứ nhất. Nếu xem xét từ chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hai năm trước, thì sự việc cũng như vậy, đầu tiên thăm Trung Quốc, sau đó đi thăm Mỹ. Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ đặc biệt giữa hai đảng cầm quyền, Trung Quốc là láng giềng quan trọng của Việt Nam về mặt địa lý, sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng lớn. Thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối trên biển, điều sẽ đem lại không gian hợp tác to lớn cho kinh tế Việt Nam.

Đọc bản tiếng Trung tại đây.

Theo tạp chí Thế giới Đương đại (Trung Quốc)

Hoàng Lan (gt)