Ít được công chúng biết tới, Mike Pompeo, 54 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự West Point, Mỹ, và trường Luật Đại học Harvard, nơi ông từng là biên tập viên của tạp chí luật có uy tín Harvard Law Review. Ông lãnh đạo Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) từ tháng 1/2017. Trước đó, ông là hạ nghị sĩ của bang Kansas, thân cận với Đảng Trà bảo thủ (Tea Party). Tại Hạ viện, ông gây chú ý bởi tinh thần tranh luận chống lại Hiệp định hạt nhân Iran hoặc trong cuộc điều tra về vai trò của Hillary Clinton trong vụ khủng bố nhằm vào sứ quán Mỹ ở Benghazi. Ông đã xa lánh những người đỡ đầu có tư tưởng phóng khoáng của mình - Koch Brothers - đồng thời ủng hộ tích cực các chương trình giám sát mới của CIA và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Vị cựu binh lục quân này là một chuyên gia tình báo, nổi tiếng vì sự ủng hộ các chiến dịch bí mật. Ở Bộ Ngoại giao, ông sẽ phải thỏa hiệp với một êkíp đang nản chí vì bị cắt ngân sách, với những vụ từ chức hàng loạt và với một sự bị coi thường dưới thời Rex Tillerson. 

Còn John Bolton, 69 tuổi, nổi tiếng là người giáo điều, với vai trò Cố vấn An ninh quốc gia, sẽ phải phối hợp những lựa chọn mà các cơ quan nghiên cứu chính sách đối ngoại đệ trình lên tổng thống. Cộng tác viên thường xuyên của Fox News và cố vấn cho Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Bolton được xem là một nhân vật rất bảo thủ. Ông đã tuyên bố ủng hộ việc tấn công chống lại Triều Tiên cũng như Iran, và mặt khác, coi thường chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế. Sự coi thường này mở rộng sang cả Liên minh châu Âu (EU): trong một bản ghi chú do AEI công bố, Bolton đã hoan nghênh chủ trương Brexit đồng thời kêu gọi tăng cường quan hệ song phương giữa Washington và London. Sau khi đã qua những trách nhiệm khác nhau tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, năm 2001, ông trở thành Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, nơi ông gây chú ý với việc phản đối Tòa hình sự quốc tế, sự hoài nghi quá trình kiểm soát vũ khí và sự ủng hộ đối với cuộc chiến tranh Iraq. Tiếp đó, ông trở thành đại sứ gây chia rẽ và gây nhiều tranh cãi tại Liên hợp quốc. Những lời chỉ trích vốn rất nhiều của ông đã khắc họa hình ảnh ông như là một người theo chủ nghĩa can thiệp điên cuồng, "chưa bao giờ gặp một cuộc chiến tranh mà ông ta không ưa thích". Những người ủng hộ ông coi ông là một nhà đàm phán có hiệu quả, hoài nghi đối với ngoại giao, ủng hộ một sự răn đe dựa trên việc thường xuyên đe dọa sử dụng sức mạnh. Mặc dù có những lập trường chủ nghĩa can thiệp, Bolton lại tôn sung những người theo chủ nghĩa hiện thực truyền thống như James Baker (Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Giám đốc văn phòng tổng thống thời George H. W. Bush) hay Brent Scowcroft (Cố vấn An ninh quốc gia của Gerald Ford và George H. W. Bush). 

Trump nắm quyền kiểm soát 

Yếu tố cá nhân là trọng tâm để giải thích những sự bổ nhiệm này. Donald Trump không biết cả Tillerson lẫn McMaster trước khi chỉ định họ. Sau một năm ngồi ghế tổng thống, Trump muốn tập hợp quanh mình những người mà ông đã xây dựng một mối quan hệ cá nhân ngẫu hứng hơn. Ông cũng muốn có những lựa chọn khác với sự đồng thuận về chính sách đối ngoại của Washington mà ông coi thường. Một số người cũng nhìn thấy ở đó dấu hiệu ngày càng tự tin của tổng thống vào khả năng của ông trong việc thực hiện chức trách và ra quyết định. Việc bổ nhiệm Bolton làm thay đổi thế quân bình nội bộ của chính quyền có lợi cho Nhà Trắng. Điều này sẽ buộc Pompeo và Mattis phải đề xuất những lựa chọn có tính cạnh tranh và như vậy, hạn chế khả năng tránh né Nhà Trắng mà Bộ trưởng Quốc phòng có thể thực hiện trong cơ cấu trước đó. 

Một tầm nhìn mang tính thỏa hiệp và không có được, mất về quan hệ quốc tế 

Những sự bổ nhiệm này xác nhận và cũng tăng cường tầm nhìn mang tính thỏa hiệp về quan hệ quốc tế của Donald Trump. 

Nước Mỹ trước tiên, khẩu hiệu cho chính sách đối ngoại của ông, không có nghĩa là sự co mình lại theo chủ nghĩa biệt lập mà đúng hơn là chủ nghĩa quốc gia đơn phương: nếu như Tổng thống Mỹ không tin vào công cuộc xây dựng quốc gia, ông không bác bỏ việc sử dụng sức mạnh, hoặc ít ra là thường xuyên đe dọa sử dụng nó, để đạt được các mục đích của mình. Về cơ bản, không một Tổng thống Mỹ nào kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, xét lại các trụ cột của trật tự quốc tế tự do với sự kiên trì như vậy. Đối với nhiều chuyên gia Mỹ, khuếch trương tự do thương mại, mở rộng hệ thống liên minh, giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và thúc đẩy dân chủ tự do là nguồn sức mạnh của Mỹ. Vậy mà, Trump bác bỏ sự phân tích này khi cho rằng hệ thống đó về cơ bản có hại cho nước Mỹ. Bằng việc áp đặt các chuẩn mực và những cấm kỵ, nước Mỹ sẽ tự bó buộc mình và đặt sự thịnh vượng quốc tế hoặc việc bảo vệ liên minh lên trên lợi ích của chính mình. Nước Mỹ bị lừa dối bởi các đối tác thương mại (thâm hụt thương mại là kết quả của việc này) và các đồng minh, những hành khách trốn vé dưới cái ô quân sự của họ. Để điều chỉnh sự mất cân bằng này, tất cả được đặt lên bàn đàm phán: mức thuế quan để buộc các nước châu Âu tăng thêm chi phí quân sự; đe dọa sử dụng sức mạnh chống Iran hoặc Triều Tiên... 

Không có sự trả thù nào đối với phe tân bảo thủ ở đây: Sở dĩ lập trường của Bolton và Pompeo về Israel có thể đưa họ xích lại gần với phe tân bảo thủ, đó là vì triết lý của họ không hề bị áp đặt bởi một sứ mệnh đặc biệt là thúc đẩy nền dân chủ, mà bởi một chủ nghĩa quốc gia thích hợp. Bolton thường dành ưu tiên cho sự lựa chọn quân sự và không hối tiếc việc ủng hộ chiến tranh tại Iraq, tuy nhiên sự thúc đẩy các giá trị dân chủ hay bảo vệ nhân quyền không phải là mục tiêu của ông. 

Một đòn bẩy bổ sung cho đàm phán trong chiến lược gây căng thẳng thường trực 

Là người tự tin và khó lường, Tổng thống Trump chắc chắn coi rằng một sự bổ nhiệm có thể được dùng để gửi một thông điệp chính trị nhằm tăng cường lập trường đàm phán của ông vào một thời điểm cụ thể. Ông đã không bao giờ che giấu rằng phương pháp đàm phán của mình là khởi động với những đòi hỏi vô độ. Khi thời hạn tháng 5 tới gần để tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và cũng trong tháng đó, tổng thống sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, thì cuộc bổ nhiệm kép này khiến cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ choáng váng. Như vậy trong các cuộc đàm phán tới, Trump xác định tư thế của mình như là lực lượng ôn hòa của một chính quyền sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cử các cố vấn của mình ra như một sự đe dọa trước những người đối thoại. Vả lại không loại trừ Trump sẽ lại một lần nữa thay đổi bộ trưởng trong vài tháng tới, nếu tình hình chính trị đòi hỏi. 

Những sự bổ nhiệm này, đối với 3 hồ sơ chiến lược khẩn cấp nhất mà chính quyền phải đối mặt, cho thấy điều gì? 

Iran: Viễn cảnh về một sự rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) trở nên rõ ràng 

Sự có mặt của Pompeo và Bolton đã củng cố một cách đáng kể kịch bản về một sự rút lui của Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Vả lại, sự nhiệt tình của Tillerson đối với JCPOA là lý do khiến Trump loại bỏ ông. Dưới thời Barack Obama, Mike Pompeo đã phản đối các cuộc đàm phán về JCPOA, yêu cầu tiết lộ các thỏa thuận bí mật được ký kết ngầm với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Trở thành Giám đốc CIA, ông đã không kêu gọi rút lui khỏi hiệp định, nhưng đòi hỏi một cơ chế thanh tra mạnh mẽ hơn cũng như một chính sách khu vực cứng rắn hơn chống lại ảnh hưởng của Iran. Còn John Bolton đã kiên quyết phản đối hiệp định, khi nêu rõ quan điểm trong một bài xã luận trên tờ New York Times vào tháng 3/2015: "Để Iran dừng sản xuất bom, hãy đánh bom Iran". 

Ngày 12/5 tới là hết thời hạn pháp lý, tổng thống sẽ phải quyết định rút khỏi hiệp định và tái áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc tiếp tục tạm hoãn như hiện nay. Các đối tác của Mỹ vẫn hy vọng rằng hiệp định sẽ được bổ sung bằng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Tehran: chống lại chương trình tên lửa đạn đạo, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, và với khả năng gia hạn hiệp định sau khi những quy định ép buộc chính hết hiệu lực (các điều khoản có giá trị trong 15 năm). Tuy nhiên, cần phải xem xét các kịch bản trong trường hợp rút khỏi hiệp định. Giả thuyết lạc quan nhất dự kiến một sự rút lui của Mỹ, với sự trở lại của các lệnh trừng phạt, tuy nhiên, có sự bảo lưu hiện trạng hiệp định nếu Iran thấy họ có lợi ích khi không rút khỏi hiệp định. Các lệnh trừng phạt mới có thể ngoại trừ các khoản đầu tư của châu Âu vào Iran để khích lệ việc duy trì hiệp định không có Mỹ. 

Triều Tiên: Sử dụng sức mạnh ngoại giao trực tiếp, một chính quyền không còn kiêng kỵ 

Tháng 2/2018, khi chính quyền thông báo lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, Bolton coi các lệnh này là không cần thiết, ông cho rằng: "Lựa chọn ngoại giao chủ yếu ở giai đoạn này là thuyết phục Trung Quốc thay đổi chế độ ở Triều Tiên", trong khi một lựa chọn khác là "thống nhất 2 miền Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Hàn Quốc". Mặt khác, trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street ngày 28/2, với lập luận táo bạo về mặt pháp lý, Bolton cho rằng việc Mỹ “tấn công ngăn chặn” Triều Tiên là "hoàn toàn chính đáng". Vì đợi đến lúc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ là sự vô trách nhiệm. 

Cho tới nay, chiến lược của Mỹ nhằm tránh lựa chọn khó khăn hoặc phải can thiệp quân sự hoặc phải chấp nhận một sự tương quan về răn đe hạt nhân với Triều Tiên. Nếu như phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn là mục tiêu chính thức, thì Donald Trump đã vạch ranh giới đỏ trước khả năng Triều Tiên tấn công lãnh thổ Mỹ với một tên lửa đạn đạo. Vì vậy, chính quyền Mỹ mở rộng các lựa chọn: đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, tăng sức ép với Trung Quốc, công khai đe dọa sử dụng sức mạnh nhưng cũng đặt ra khả năng đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên. Thông báo về cuộc gặp song phương đã khiến nhiều nhà phân tích bất ngờ, tuy nhiên, nó đã được Trump tính đến trong chiến dịch tranh cử.

Bolton mới đây đã cho rằng một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy, chỉ có mục tiêu duy nhất là xác định máy bay vận tải Mỹ sẽ hạ cánh ở đâu để mang đi các vũ khí của Triều Tiên. Như vậy, nếu như McMaster đã ưu tiên một cách tiếp cận cứng rắn, thì lập trường của Bolton còn rõ ràng hơn. Không nghi ngờ gì nữa, Trump sẽ sử dụng sự bổ nhiệm này như một thông điệp rất rõ ràng đối với Triều Tiên: bất chấp những rủi ro rất lớn, Mỹ không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự trong trường hợp đàm phán thất bại. 

Nga: Hai khó khăn đối với một chính quyền mắc chứng tâm thần phân lập 

Mặc dù Donald Trump luôn tránh chỉ trích công khai Vladimir Putin, và trái với điều mà các phương tiện thông tin đại chúng vốn bị ám ảnh bởi cuộc điều tra của Robert Mueller loan truyền, chính quyền Mỹ đã chứng tỏ, đôi khi kín đáo, một thái độ kiên quyết không thể phủ nhận đối với Moskva: tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Âu trong khuôn khổ của chính sách tái trấn an Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bán vũ khí sát thương cho Ukraine, trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, đưa ra những biện pháp trừng phạt mới,... Sự đáp trả của Mỹ chống lại việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 lẽ ra có thể cứng rắn hơn nữa, dù sao chính sách của Mỹ cũng đã khác rất xa so với những lời tâng bốc khen ngợi mà Donald Trump dành cho Moskva, đặc biệt trong chiến dịch tranh cử của ông. 

Thực tế này sẽ không thay đổi với Bolton hay Pompeo, mà trái lại. Với vai trò Giám đốc CIA, Mike Pompeo đã cáo buộc rõ ràng trách nhiệm của Nga trong vụ can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2016 và coi WikiLeaks là "cơ quan tình báo nước ngoài thù địch". Còn John Bolton đã nhiều lần mô tả nhà lãnh đạo Nga là một "kẻ dối trá", đồng thời cảnh báo Trump chớ có tỏ ra “tâm đầu ý hợp” với Putin. Ông ủng hộ bãi bỏ hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) và muốn đe dọa Nga sẽ rút khỏi hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Dù tuyên bố ủng hộ việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ đầu độc Sergei Skripal, Bolton cũng đã nhấn mạnh đây không phải là một đòn "đáp trả 'tương đối' mạnh". 

Ưu tiên nói về những lợi ích chung hơn là các giá trị và những chuẩn mực 

Cách tiếp cận mang tính thỏa hiệp thể hiện qua các quyết định bổ nhiệm này, khác xa so với tầm nhìn của đa phần các nước châu Âu trong quản lý khủng hoảng. Sự ép buộc và tương quan sức mạnh thay thế cho sức mạnh mềm và sự gắn bó với các giá trị chung xuyên Đại Tây Dương. Từ đó đối với Washington, nước Pháp với quan điểm thực dụng trong quan hệ với Mỹ, trở thành một người đối thoại dễ chịu hơn Đức. Sự tự chủ về chiến lược của Pháp trong các hành động can thiệp bên ngoài tạo cho nước này vị thế của một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm, đồng thời mang đến một giá trị gia tăng về các vấn đề an ninh và đấu tranh chống khủng bố. Bolton hay Pompeo có ít quan tâm đến cách nhìn nhận về đạo đức hay nói về những chuẩn mực. Nếu người châu Âu muốn được lắng nghe, họ phải phát huy sức nặng kinh tế hay quân sự của họ trong mỗi vấn đề. EU cần phải đảm bảo được sự tương quan quyền lực (đặc biệt là về các vấn đề thương mại) và sắp xếp thứ tự các ưu tiên của mình trong quan hệ với Washington.

Benjamin Haddad là chuyên viên nghiên cứu Viện Hudson với chuyên ngành về Châu Âu và các vấn đề xuyên Đại Tây Dương. Bài viết được đăng trên Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI).

Trần Quang (gt)