Nội dung chủ yếu bao gồm: kết thúc một cách “có trách nhiệm” cuộc chiến tranh Irắc, ổn định tình hình chiến sự Ápganixtan; tập trung lực lượng giải quyết các mối đe dọa đối với Mỹ như vấn đề hạt nhân Iran và chủ nghĩa khủng bố; từ bỏ kế hoạch “lấy dân chủ để cải tạo Trung Đông”; thực hiện rộng rãi ngoại giao “thực lực khôn khéo”, coi trọng chủ nghĩa đa phương; hòa giải với thế giới Hồi giáo; tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình Ixraen-Palextin. Thực chất tinh thần của chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” là kiên trì nguyên tắc tiết kiệm nguồn của cải và nguyên tắc can dự mang tính lựa chọn, giảm thiểu sự can thiệp vào các lĩnh vực và khu vực không trọng tâm. Đây là sự sửa đổi đối với chính sách “chủ đạo bá quyền” và thay đổi cách đầu tư quá nhiều nguồn của cải vào Trung Đông của Chính quyền Bush con, giảm thiểu sự ràng buộc của Trung Đông đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ. 

I) Điều có ý nghĩa châm biếm ở đây là, sau khi Chính quyền Obama lấy chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” để thay thế “Chủ nghĩa Bush”, hạ thấp vị thế của “nghị trình dân chủ” trong ngoại giao Mỹ, các nước Arập lại bất ngờ bùng nổ “cuộc cách mạng dân chủ”. Những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới của Mỹ, một mặt, vui mừng vì đây là thắng lợi đến muộn của “Chủ nghĩa Bush”, mặt khác, lại phê bình nền dân chủ lạnh nhạt, tiêu cực hiện nay của Chính quyền Obama, yêu cầu Chính quyền Obama phải nắm bắt cơ hội ngàn năm khó gặp này thúc đẩy “dân chủ hóa” ở các nước Arập bảo thủ. Nhưng do sự “dân chủ hóa” chủ yếu nảy sinh ở các nước Arập thân Mỹ như Tuynidi, Ai Cập, Baranh, Yêmen, Arập Xêút và Gioócđani, đặc biệt là các nước liên minh quan trọng như Ai Cập, Baranh và Yêmen tồn tại sự nguy hiểm của thế lực Hồi giáo cấp tiến cầm quyền hoặc trở thành tay sai của Iran, cho nên, một “Trung Đông dân chủ” không có lợi cho Mỹ. Trên thực tế, sự rối ren ở Trung Đông đã khiến cho rất nhiều nhà lãnh đạo thân Mỹ bị mất chức như Mubarak, Ben Ali, trực tiếp cắt đứt sợi dây nối liền mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và một số nước Arập thân Mỹ. Hơn nữa, cùng với sự trỗi dậy của dân chúng ở Trung Đông, đặc biệt là cùng với sự sụp đổ của các chính quyền đàn áp thế lực Hồi giáo, ảnh hưởng chính trị của thế lực Hồi giáo ở Trung Đông được nâng cao, ưu thế chiến lược của Mỹ ở Trung Đông bị suy yếu. Vì vậy, ở tầng nấc sâu hơn, sự rối ren ở Trung Đông lần này sẽ làm lay chuyển nền tảng truyền thống chính sách Trung Đông của Mỹ. Lâu nay, mối quan hệ liên minh giữa Mỹ với các nước Arập bảo thủ luôn là trụ cột quan trọng trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Thực chất của mối quan hệ liên minh này là sự trao đổi “an ninh-tự chủ” giữa nước lớn với nước nhỏ, tức là nước nhỏ phải hy sinh tính tự chủ nhất định (chẳng hạn như nhượng lại một số chủ quyền, cung cấp căn cứ quân sự và thực hiện chính sách phối hợp với nước lớn...) để đổi lấy sự bảo đảm an ninh hoặc viện trợ của nước lớn. Mô hình của mối quan hệ này chủ yếu được thể hiện ở ba mặt: Thứ nhất, Mỹ phải làm thỏa mãn nhu cầu an ninh ở mức thấp nhất của các nước Arập thân Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần phải ngăn chặn những hành vi quá mức của Ixraen, cũng như mưu đồ bá quyền của một số nước Trung Đông nào đó (chẳng hạn như Gamal Abdel Nasser của Ai Cập, Saddam Hussein của Irắc cũng như hiện nay là Iran); thứ hai, lấy dầu mỏ làm môi giới, tầng lớp tinh hoa thống trị ở các nước Arập sản xuất dầu mỏ cùng mưu tính với tầng lớp tư bản tài chính phương Tây; thứ ba, kiềm chế thế lực thứ ba ở các nước Arập thân Mỹ, bao gồm việc yêu cầu thế lực Hồi giáo cấp tiến và phong trào dân quyền trao trả chính quyền cho nhân dân. Vì thế lực thứ ba này vừa có thể đe dọa đến an ninh chính quyền của các nước Arập thân Mỹ, vừa có thể đe dọa mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này. Chính nhờ vào mối liên hệ này, Mỹ đã giành được đòn bẩy thao túng nền chính trị quốc tế Trung Đông và thị trường dầu mỏ thế giới, còn tầng lớp tinh hoa thống trị các nước Arập thân Mỹ thì giành được sự cầm quyền ổn định và lợi ích kinh tế phong phú. Nhưng sự ủng hộ mang tính thực chất của Mỹ đối với các chính quyền bảo thủ Arập khiến cho các chính quyền bảo thủ này có thể liên tục coi nhẹ yêu cầu quyền lợi của dân chúng.

Sự gắn bó của mối quan hệ trao đổi “an ninh-tự chủ” giữa Mỹ và các nước Arập, là dựa vào việc nắm quyền kéo dài của tầng lớp tinh hoa truyền thống thân Mỹ. Nhưng do bị hạn chế bởi sự cạn kiệt của nguồn của cải mang tính hợp pháp, bản thân tính hợp pháp của các chính quyền bảo thủ Arập không thể kéo dài. Vì vậy, kiểu mô hình quan hệ Mỹ-Arập này phải trả giá bằng việc lợi ích của dân chúng đa số các nước Arập bị thiệt hại có sự suy yếu sẵn có. Một khi các nhà lãnh đạo thân Mỹ bị mất chức, Mỹ sẽ rất khó giành được sự ủng hộ của các nước Arập. Sự rối ren chính trị ở Trung Đông lần này, không chỉ trực tiếp làm yếu đi sợi dây nối liền của mối quan hệ trao đổi “an ninh-tự chủ” giữa Mỹ và các nước Arập thân Mỹ, mà còn lay chuyển toàn bộ nền tảng chính sách Trung Đông của Mỹ.

Cụ thể, các nền tảng chính sách Trung Đông truyền thống của Mỹ bao gồm: (1) duy trì sự đối kháng giữa Ixraen và các nước Arập ở mức độ thích hợp; (2) duy trì một Ixraen lớn mạnh, có thể khống chế; (3) tạo ra tình thế các nước Arập sợ hãi Ixraen, từ đó khiến cho sự dựa vào Mỹ của đa số các nước Arập trở thành tất yếu; (4) cần phải ngăn chặn bất kỳ quốc gia Arập thân Mỹ nào cố gắng thoát khỏi sự dựa vào Mỹ, bao gồm sự cải cách mang tính tự cường (chẳng hạn như việc tìm kiếm mô hình phát triển thích hợp cho đất nước hoặc phát triển vũ khí chiến lược có thể thực hiện an ninh quốc gia, đặc biệt là vũ khí hạt nhân) và tìm kiếm viện trợ an ninh bên ngoài mang tính thay thế (chẳng hạn như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh). Nhưng sự rối ren ở Trung Đông có thể sẽ lay chuyển một cách mạnh mẽ nền tảng thứ 1, 3 và 4, đồng thời, tăng thêm chi phí để Mỹ duy trì nền tảng thứ 2. 

Trước tiên, hiện nay, tuy cục diện chính trị ở các nước Arập nảy sinh sự rối ren chính trị vẫn chưa “đến hồi kết thúc”, nhưng có thể chắc chắn rằng sau này, bất luận là lợi ích của nhóm cầm quyền nào, thì chính sách ngoại giao của các nước Arập đều thuận theo dân ý nhiều hơn chứ không theo sự xúi giục của nước ngoài. Tính đến sự phản đối Ixraen rộng khắp của dân chúng các nước Arập, các nhà cầm quyền của các nước Arập trong tương lai sẽ khó thỏa hiệp hơn đối với Ixraen, mâu thuẫn giữa các nước Arập và Ixraen có chiều hướng ngày càng gay gắt. Cục diện bế tắc giữa Ixraen và các nước Arập trước đó có lợi cho Ixraen có thể sẽ bị phá vỡ. Mức độ khó khăn của việc Mỹ khống chế mâu thuẫn giữa các nước Arập và Ixraen ngày càng tăng. 

Thứ hai, đa số dân chúng Arập phản đối Mỹ vì lâu nay nước này luôn bao che cho Ixraen. Vì vậy, do sức ép của dân ý, các nhà cầm quyền các nước Arập trong tương lai sẽ giảm thiểu sự dựa vào và thỏa hiệp đối với Mỹ ở những mức độ khác nhau. Hơn nữa, nếu coi sự chống lại của dân chúng Trung Đông là những nỗ lực tìm kiếm mô hình phát triển thích hợp cho đất nước của dân chúng Arập, tức là cải cách mang tính tự cường, vậy thì một khi nỗ lực này giành được thành công, sự tự lực về nền kinh tế, chính trị của các nước Arập sẽ được nâng cao. Tương tự, điều này cũng sẽ hạ thấp sự dựa vào Mỹ của các nước này. 

Thứ ba, sự rối ren chính trị ở Trung Đông rõ ràng đã tăng cường sức ảnh hưởng của Iran ở khu vực này. Một “Vùng trăng lưỡi liềm phái Shiite” (bao gồm Irắc, Xyri, Li Băng và Baranh) với Iran là trọng tâm đang được hình thành. Sau khi Chính quyền Saddam Hussein sụp đổ, phái Shiite ở Irắc giành được vị thế chủ đạo, còn Xyri gặp phải sự chống đối của dân chúng cũng đang xích lại gần hơn với Iran, Hezbollah thân Iran đang cầm quyền ở Li Băng. Nếu Chính quyền Baranh nảy sinh thay đổi, thì phái Shiite đang chiếm 70% tổng dân số của nước này có thể sẽ lên cầm quyền. Trái ngược với các nước này, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ - nước có nền tảng Hồi giáo do đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền với Mỹ và Ixraen đang có chiều hướng thờ ơ lạnh nhạt, và sức ảnh hưởng của các nước Arập ôn hòa, đứng đầu là Ai Cập bị hạ xuống, đồng thời tồn tại khả năng dựa vào Iran. Tất cả những điều này cho thấy, vị thế chiến lược của Iran được nâng cao chưa từng có. Điều quan trọng hơn nữa là, một khi kế hoạch mở rộng vũ khí hạt nhân của Iran được phá vỡ, sẽ khiến cho nước này trở thành sự viện trợ an ninh bên ngoài mang tính thay thế của một số nước Arập nào đó. Vì vậy, tồn tại khả năng Iran sẽ tiến hành trao đổi “An ninh – tự chủ” với những nước Arập này. 

Thứ tư, Mỹ tăng cường chi phí bảo vệ an ninh cho Ixraen. Sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, Ixraen phải đối mặt với một thế giới Arập cứng rắn hơn và khó thỏa hiệp hơn. Điều này có nghĩa là để thực hiện cam kết an ninh đối với Ixraen, Mỹ cần phải tăng cường sự viện trợ cho nước này. Trên thực tế, ngày 9/3/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak đã yêu cầu Mỹ viện trợ thêm 20 tỷ USD cho quân sự. 

Bốn thách thức này không chỉ khiến cho sự lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông ngày càng tốn kém, mà còn có thể đe dọa đến bản thân vị thế lãnh đạo của nước này. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của Chính quyền Obama hiện nay chính là khôi phục, thậm chí xây dựng lại nền tảng chính sách Trung Đông của Mỹ, đồng thời tiến hành quản lý đối với cuộc khủng hoảng địa-chính trị do sự rối ren chính trị ở Trung Đông gây ra. 

II) Sự rối ren ở Trung Đông đã phá vỡ những bố trí chiến lược trước đó của Chính quyền Obama ở khu vực này, buộc Chính quyền Obama phải điều chỉnh chính sách Trung Đông của mình. Nhưng những điều chỉnh chính sách Trung Đông của Chính quyền Obama gặp phải sự hạn chế của rất nhiều nhân tố. Thứ nhất, Chính quyền Obama không thể tái đầu tư nguồn của cải trên quy mô lớn ở Trung Đông. Thứ hai, sức ép chính trị của trong nước. Sức ép của chủ nghĩa bảo thủ mới yêu cầu ủng hộ dân chủ hóa ở Trung Đông, khiến cho chính sách coi nhẹ việc giải quyết dân chủ trước đó khó có thể tiếp tục; sức ép của nhóm thân Ixraen, yêu cầu tiếp tục chính sách bao che cho Ixraen khiến cho Chính quyền Obama rất khó đưa ra những điều chỉnh mang tính chiến lược. Thứ ba, tính không xác định của tình hình chính trị ở các nước Trung Đông. Hiện nay, vẫn chưa có cách xác định liệu sự chuyển đổi chính trị của các nước Arập có thể bình ổn sự quá độ hay không, cũng chưa thể xác định cuối cùng thế lực chính trị nào (thân Mỹ, chống đối Mỹ hoặc trung gian) sẽ chủ đạo chính quyền của các nước Arập. Vì vậy, Chính quyền Obama vừa không dám ủng hộ dân chủ hóa một cách quả quyết, vừa không dám ủng hộ các Chính quyền Arập chuyên chế và hữu nghị trấn áp sự phản kháng của dân chúng. Kết quả là, những phản ứng của Chính quyền Obama đối với cuộc khủng hoảng Trung Đông đầy sự mập mờ và mâu thuẫn. “Từ các nước liên minh cho thấy, Obama thay đổi thất thường; từ những nhà cải cách cho thấy, Obama không đáng tin cậy”. Vì vậy, đến nay, “Obama nghe theo số mệnh lịch sử nhiều hơn, chứ không tạo ra lịch sử”. 

Trước bối cảnh này, những phản ứng của Chính quyền Obama hiện nay đối với tình hình khủng hoảng ở Trung Đông không căn cứ vào những tính toán chiến lược sâu sắc, nhuần nhuyễn, mà chỉ là những kế sách tạm thời. Điều này chủ yếu được thể hiện sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, một thay đổi lớn trong chính sách Trung Đông của Chính quyền Obama – buộc phải thực thi “sự phân tán về chiến lược”, tức là đầu tư nguồn của cải vào các khu vực lợi ích không trọng tâm, còn sự can thiệp đối với các khu vực lợi ích không trọng tâm ngược lại sẽ làm tổn hại hơn nữa các mục tiêu lợi ích quan trọng của Mỹ. Điều này trái với yêu cầu của chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo”, đó là nguyên tắc tiết kiệm nguồn của cải và nguyên tắc can dự mang tính lựa chọn. 

Biểu hiện nổi bật trước tiên đó là sự can dự bằng quân sự của Chính quyền Obama đối với Libi. Đa số nhà chiến lược Mỹ kết luận, Libi không liên quan đến lợi ích trọng tâm của Mỹ . Nhưng sự biện hộ của Obama là can dự bằng quân sự phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, bởi vì không có gì quan trọng hơn so với việc xác lập trật tự và công lý trong khu vực rối ren. Ở đây, nguyên tắc trừu tượng đã trở thành bản thân các mục tiêu. Mấu chốt của vấn đề là, mục tiêu to lớn cần phải dựa vào nguồn của cải rất lớn cũng như sự tự chủ trong việc sử dụng những nguồn của cải này. Nhưng điều mà Chính quyền Obama đang thiếu chính là “nguồn của cải rất lớn cũng như sự tự chủ trong việc sử dụng nguồn của cải này”. Một mặt, điều quan tâm trước tiên của công chúng Mỹ vẫn là sự phục hồi nền kinh tế trong nước, không muốn can thiệp đối ngoại. Điều tra của Viện Gallup cho thấy, hành động quân sự của Mỹ đối với Libi chỉ nhận được sự ủng hộ của 47% người Mỹ được hỏi, thấp hơn tỷ lệ ủng hộ của đa số hành động quân sự mà Mỹ đã thực hiện trong 40 năm qua. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ John Boehner còn trực tiếp viết thư chất vấn Obama, rốt cuộc mục tiêu và vai trò các hành động quân sự của Mỹ ở Libi là gì? Mặt khác, việc cắt giảm số thâm hụt tài chính đã trở thành nhận thức chung của hai đảng, Chính quyền Obama không có cách giành được sự ủng hộ về nguồn của cải quy mô lớn để tiến hành can dự một cách có hiệu quả. Điều này có nghĩa là sự can thiệp của Mỹ đối với Libi buộc phải “có giới hạn”.Vì vậy, Obama nhấn mạnh “mục tiêu của các hành động không phải là muốn dùng vũ lực để trục xuất Gaddafi ”, nhưng lại “không thể tưởng tượng Libi trong tương lai vẫn nằm trong sự khống chế của Gaddafi ”. Sự can dự có giới hạn của Mỹ đối với Libi không thể khiến cho Gaddafi mất chức; ngược lại, chiến sự hiện nay đang rơi vào “cục diện bế tắc”. “Sự phân tán về chiến lược” của Chính quyền Obama ở khu vực lợi ích không trọng tâm, khiến cho “khoảng cách giữa mục tiêu mang tính mở rộng và các hành động quân sự có giới hạn không ngừng nới rộng”.

Biểu hiện thứ hai về “sự phân tán về chiến lược” của Chính quyền Obama đó là sự cam kết quá mức đối với “dân chủ”. Đối mặt với làn sóng chống đối của dân chúng Trung Đông, để ứng phó với sức ép của chủ nghĩa bảo thủ mới, cũng như bảo vệ hình tượng “vệ sĩ bảo vệ dân chủ” của Mỹ, Chính quyền Obama buộc phải một lần nữa cân bằng mối quan hệ giữa mục tiêu giá trị quan và lợi ích địa-chính trị, thay đổi chính sách tiêu cực trước đó để thúc đẩy sự “dân chủ”. Obama tuyên bố, Mỹ cần phải ủng hộ “dân chủ”, cần phải đứng về phía lịch sử chân chính. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn ca ngợi “cải cách dân chủ” ở Trung Đông là “sự cần thiết của chiến lược”. Việc ủng hộ “dân chủ hóa” lại một lần nữa trở thành mục tiêu quan trọng “bề ngoài” của Mỹ. Nhưng sự ủng hộ tích cực của Chính quyền Obama đối với “dân chủ”, không chỉ xa lánh các liên minh trước đây, đe dọa Libi đã “cải tà quy chính”, mà còn làm trầm trọng hơn nữa “thái độ thù địch” của các nước như Iran và Xyri, từ đó khiến cho hiệu quả của các chính sách tiếp xúc trước đó bị giảm đi rất nhiều. 

Vì vậy, vấn đề khó khăn của Chính quyền Obama là làm thế nào để bên cạnh việc “đứng về phía lịch sử chân chính”, còn không chịu sự trừng phạt của địa-chính trị? Do sự “dân chủ hóa” chủ yếu nảy sinh ở các nước liên minh Arập của Mỹ, nếu Mỹ ủng hộ cuộc vận động “dân chủ hóa” một cách quá rõ ràng, sẽ có thể xa lánh chính quyền bảo thủ thân Mỹ, từ đó chịu sự chỉ trích của việc bội bỏ liên minh. Quan trọng hơn là các thế lực chống đối Mỹ có thể thông qua “bầu cử dân chủ” lên cầm quyền, điều này sẽ khiến cho lợi ích địa-chính trị quan trọng của Mỹ bị tổn hại. Vì vậy, bên cạnh việc bề ngoài ủng hộ sự “dân chủ hóa”, Mỹ cũng không thể không đề phòng kiểu ủng hộ làm tổn hại lợi ích địa-chính trị mang tính thực chất của mình này. 

Điều có ý nghĩa châm biếm là, bên cạnh việc Chính quyền Obama vì ủng hộ “dân chủ” và “nhân quyền” mà thực hiện “sự phân tán về chiến lược”, đi ngược lại chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo”, nhưng lại tăng thêm ham muốn thực hiện chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo”. Biểu hiện nổi bật của chiến lược này là Chính quyền Obama buộc phải nhờ đến tấm màn che sự xấu xa - “chủ nghĩa đa phương” để cân bằng khoảng cách giữa mục tiêu và biện pháp. Obama cho rằng “Mỹ không nên một mình đảm nhiệm chi phí. Sự lãnh đạo thực thụ là tạo điều kiện để các nước liên minh cùng tham gia, khiến cho việc đảm nhiệm trách nhiệm và chi phí của Mỹ ở mức tương ứng.” Vì vậy, Chính quyền Obama đã tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của Tổ chức hiệp hội Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước Arập để gán chi phí lãnh đạo. Nhưng cái giá phải trả là Mỹ buộc phải từ bỏ sự bá quyền. Vì vậy, về vấn đề Libi, Chính quyền Obama đã chủ động từ bỏ vị thế lãnh đạo can dự bằng quân sự và chỉ đóng vai “bên ủng hộ”. Điều này chẳng khác nào là sự châm biếm rất lớn đối với việc tổng thống tuyên bố phải “khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ”. 

III) “Sự phân tán về chiến lược” của Chính quyền Obama chỉ là kế sách tạm thời trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng Trung Đông, khó có thể duy trì lâu dài. Vì vậy, điều mấu chốt trong chiến lược Trung Đông của Mỹ không phải ở Libi mà là việc duy trì trao đổi “an ninh-tự chủ” giữa Mỹ với những nước thân Mỹ; không phải là “sự dân chủ” của các nước Trung Đông, mà là sự ổn định của chính quyền thân Mỹ. Hơn nữa, do thực lực của Mỹ và sự ràng buộc chính trị trong nước, Chính quyền Obama thiếu đi nhận thức chung trong nước và nguồn tài nguyên cần thiết trong việc thực hiện “sự phân tán về chiến lược” lâu nay. Từ đó, Mỹ buộc phải quay lại chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo”, tức là tiết kiệm nguồn tài nguyên và can dự mang tính lựa chọn. Nhưng do sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, ưu thế chiến lược của Mỹ bị yếu đi, chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” mới của Mỹ sẽ có giá hơn so với trước; đồng thời, sự “lãnh đạo” của Mỹ cũng sẽ ít có ý nghĩa quyết định hơn. 

Trước tiên, để phục hồi thậm chí tái thiết nền tảng truyền thống của mối quan hệ Mỹ-Arập, trọng tâm chính sách Trung Đông của Chính quyền Obama sẽ chuyển đổi mô hình chính trị thành tô tạo các nước Arập thân Mỹ. Ý nghĩa cốt lõi của nó là tránh để các thế lực Hồi giáo cấp tiến cầm quyền. Bảo đảm chắc chắn nước Aicập thời hậu Mubarak tiếp tục duy trì con đường thân Mỹ là nghị trình ưu tiên nhất trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Tầm quan trọng của Aicập là ở chỗ nó không chỉ là nước Arập có sức ảnh hưởng lớn nhất, mà là một Aicập thực hiện chính sách thân Mỹ và chung sống hòa bình với Ixraen. Đây là điều mấu chốt của việc “chia ra để trị” thế giới Arập của Mỹ. Nhưng Chính quyền Aicập thời hậu Mubarak vẫn tồn tại tính không xác định rất lớn, nhất là tương lai anh em nhà Mubarak cầm quyền rất có thể là “bi kịch của nền an ninh Mỹ”. Vì thế, một mặt Chính quyền Obama tiếp tục tăng cường quan hệ với phía quân đội Aicập, mặt khác tăng cường viện trợ kinh tế đối với Aicập. Sau một tháng Mubarak từ chức, ngày 15/3 Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến Aicập, cam kết trên cơ sở viện trợ 150 triệu USD trước đây, lại viện trợ khẩn cấp thêm 90 triệu USD. Đồng thời, Chính quyền Obama đang có ý đồ tiếp xúc với anh em Mubarak để gây ảnh hưởng đến xu thế tình hình chính trị của Ai cập trong tương lai. 

Một trọng điểm khác của Chính quyền Obama là an ủi các nước đồng minh Arập đang trong cuộc khủng hoảng. Vào thời khắc cuối cùng, Chính quyền Obama đã rũ bỏ người bạn liên minh Mubarak 30 năm qua. Điều này đã tổn hại nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ với Chính quyền thân Mỹ, thậm chí đến mức rất nhiều nhà lãnh đạo các nước Arập lo lắng liệu bản thân họ có thể trở thành “Mubarak thứ hai” hay không? Chẳng trách vào tháng 3 vừa qua, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất đến thăm Arập đã bị Quốc vương Arập từ chối với lý do không được khỏe. Vì vậy, việc làm thế nào để tái xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa Mỹ với chính quyền các nước Arập bảo thủ là đề tài quan trọng trong chính sách Trung Đông của Chính quyền Obama. Điều này đòi hỏi Chính quyền Obama giảm áp lực yêu cầu chính quyền các nước Arập bảo thủ tiến hành cải cách. Một mặt, Mỹ kêu gọi giải quyết những bất đồng chính trị bằng phương thức hòa bình; mặt khác, tránh chỉ trích quá độ chính quyền các nước Arập bảo thủ, ủng hộ kế hoạch ổn định chính quyền bảo thủ, chẳng hạn như kế hoạch “tiền đổi lấy sự ổn định” của các nước như Arập và Baranh, đồng thời lại ngầm cho phép chính quyền thân Mỹ như Baranh, Yêmen, Gioócđani dùng vũ lực trấn áp sự chống lại của dân chúng. 

Bên cạnh đó, Chính quyền Obama đã đẩy mạnh áp lực cải cách chính trị đối với các chính quyền chống Mỹ như Xyri và Iran . Chính phủ Iran nhanh chóng dập tắt những chống đối ở trong nước, không đem lại cơ hội can dự cho Mỹ. Xyri từng trải qua những phản kháng trong nước gay gắt. Chính quyền Bashar al-Assad trấn áp mạnh mẽ những sự phản kháng của dân chúng trong nước, và đã làm cho hàng trăm người bị chết. Nhưng Chính quyền Obama ngoài việc chỉ trích sự “vi phạm nhân quyền” của Chính quyền Bashar al-Assad, đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể, hiệu quả. Chính quyền Obama rốt cuộc có thể ảnh hưởng đến tiến trình chính trị của các nước Trung Đông ở mức độ rất lớn hay không? Đối với điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói thẳng rằng: “Chúng ta không có cách khống chế. Chúng ta đang chìm trong bóng tối, không ai biết được kết quả sẽ như thế nào”. Nguyên nhân là hiện nay, Chính quyền Obama vẫn thiếu khả năng và ý chí đầu tư quy mô lớn vào nguồn năng lượng ở khu vực Trung Đông. Ví dụ, rất nhiều học giả trong nước Mỹ chủ trương thực hiện “Kế hoạch Marshall” mới ở Trung Đông, giúp đỡ các nước thân Mỹ hoàn thành việc chuyển đổi mô hình dân chủ. Nhưng điều này rất khó giành được sự ủng hộ của Quốc hội. Trên thực tế, việc đề nghị Chính quyền Obama miễn trừ khoản nợ 3,3 tỷ USD cho Aicập và 70 triệu USD cho Tuynidi đã gặp phải sự phản đối của Quốc hội. Vì thế, trong tình hình Trung Đông biến đổi trong tương lai, Mỹ rất khó chuyển đổi mô hình chính trị của các nước Trung Đông khác bằng cách can thiệp quân sự như đã từng can thiệp vào Libi. Đúng như Obama thừa nhận “Mỹ không nên, cũng không thể can dự vào cuộc khủng hoảng trên thế giới mỗi khi xảy ra”. Thứ nữa, Mỹ sẽ dựa vào sức mạnh khu vực nhiều hơn để tạo dựng trật tự Trung Đông. Sự rối ren chính trị của các nước Arập không hoàn toàn là “dân chủ hóa” đơn thuần, mà kèm theo đó là xung đột dân tộc và đấu tranh giáo phái mang tính xuyên quốc gia. Vì thế, những thay đổi so sánh sức mạnh chính trị khác nhau trong nội bộ các nước Arập đã kéo theo sự so sánh sức mạnh giữa các nước khu vực Trung Đông. Điều này có nghĩa ở mức độ rất lớn, trật tự Trung Đông trong tương lai sẽ được quyết định bởi những thay đổi trong nội chính các nước Trung Đông. 

Do phần đông chính quyền các nước thân Mỹ và chung sống hòa bình với Ixraen gặp phải tác động trong cuộc rối ren chính trị lần này, ưu thế chiến lược của Mỹ ở Trung Đông bị yếu đi. Có thể dự đoán, sau khi ưu thế chiến lược của Mỹ ở Trung Đông bị hạ xuống, để thực hiện chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo”, Mỹ sẽ theo xu hướng dựa vào những nước lớn khu vực thân Mỹ để gánh vác trách nhiệm nhiều hơn ở Trung Đông. Một mặt, trong một thế giới Arập ý kiến dân chúng đang trỗi dậy, việc Mỹ quá can thiệp trực tiếp vào công việc nội chính của các nước Arập sẽ kích động tư tưởng chống Mỹ của dân chúng các nước Arập; mặt khác, để các nước lớn khu vực gánh vác trách nhiệm là phù hợp lôgích với chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” của Mỹ. Điều cần chú ý, Aicập là nước liên minh Arập quan trọng nhất trong truyền thống của Mỹ, do vấn đề nội chính, trong khoảng thời gian tương đối dài, nước này sẽ là một sự phiền phức của Mỹ, chứ không phải là nước trợ thủ gánh vác trách nhiệm. Vì thế, các nước liên minh tương đối ổn định như Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút sẽ là nước trọng điểm để Mỹ dựa vào trong chính sách Trung Đông trong tương lai. Với tư cách là nước liên minh NATO của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là hình mẫu của “nền dân chủ Hồi giáo”. Đồng thời, với tư cách là nước Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ vừa có khả năng can thiệp vào các công việc khu vực, vừa có ưu thế về bản thân. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ chặt chẽ với các thế lực Hồi giáo cấp tiến như Những người anh em Hồi giáo, điều này khiến nó trở thành chỗ dựa vững chắc cho Mỹ gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị của các nước Arập khác. Chính vì thế, sau khi Aicập xảy ra biến động, Obama đã vài lần nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, điều tiết chính sách song phương. Hiện nay, về vấn đề can thiệp quân sự vào Libi, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ tầm quan trọng hơn. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ chủ động đưa ra phương án ngừng bắn đối với Gaddafi. Trong bài đăng trên “Thời báo Oassinhtơn”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tỏ rõ Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm lớn hơn ở Trung Đông. Nhưng vấn đề khó của Chính quyền Obama là do Thổ Nhĩ Kỳ có đảng AKP cầm quyền mang đậm tính chất Hồi giáo, cũng có khả năng chuyển sang cấp tiến, thách thức nguyên tắc “chia rẽ chính giáo”. Nhất là sau khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen xấu đi, Thổ Nhĩ Kỳ có xu thế áp dụng chính sách cứng rắn đối với Ixraen. Vì thế, bên cạnh việc Mỹ coi trọng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thể không ngăn chặn sự đảo chiều của nước này. Arập Xêút là nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất trên thế giới, là nước lãnh đạo Ủy ban hợp tác các quốc gia vùng Vịnh, là chỗ dựa quan trọng của Mỹ trong việc ổn định khu vực vùng Vịnh. Sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, để tránh những rủi ro do can thiệp trực tiếp, Mỹ ngầm cho phép và ủng hộ tiến trình chính trị của Arập Xêút lấy Ủy ban hợp tác các quốc gia vùng Vịnh làm sân chơi ảnh hưởng đến các quốc gia vùng Vịnh. Ví dụ, ngày 14/3, Mỹ ngầm cho phép lực lượng nhiều nước, đứng đầu là Arập Xêút đưa quân đến Baranh, giúp Chính phủ Baranh trấn áp phái Shiite. Cho dù điều này trái với mục tiêu ủng hộ “dân chủ hóa” của Mỹ, nhưng một chính quyền thân Mỹ mà ổn định (cho dù là “dân chủ” hay không) không còn nghi ngờ gì nữa là đều phù hợp với lợi ích địa-chính trị của Mỹ. 

Thứ ba, Mỹ sẽ tăng cường đối thoại với đối thủ như Iran . Cho dù, Chính quyền Obama thúc đẩy các nước chống Mỹ như Iran tiến hành cải cách “dân chủ”, nhưng do sự lựa chọn trong chính sách có hạn, Chính quyền Obama không thể can thiệp vào tiến trình chính trị của Iran . Ngược lại, một nước Mỹ có ưu thế chiến lược bị suy yếu sẽ theo đuổi việc giải quyết vấn đề bằng đối thoại nhiều hơn. Sự rối ren chính trị ở Trung Đông không chỉ đã làm thay đổi sức ép của các nước như Mỹ và Ixraen đối với vấn đề hạt nhân Iran, điều quan trọng hơn là đã nâng cao vị thế chiến lược của Iran. Vì thế, nhu cầu của Mỹ trong việc kiềm chế Iran càng lớn, nhưng mức độ khó khăn càng nhiều. Điều đáng nói là một Iran có vũ khí hạt nhân vừa là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, vừa là trợ thủ của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề Trung Đông khác. Vì vậy, hai bên không chỉ tồn tại những xung đột về lợi ích, mà còn tồn tại những lợi ích chung. Những lợi ích chung này bao gồm: trong khoảng thời gian ngắn, tránh việc đánh bài ngửa quân sự cuối cùng; duy trì Irắc và Ápganixtan ổn định. Do đó, sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, nhu cầu tiếp xúc Iran của Mỹ cũng tăng lên. Mỹ buộc phải nâng sức ảnh hưởng đối với Iran trong việc kiềm chế và tiếp xúc. Trong khoảng thời gian tương đối dài, Mỹ không thể từ bỏ việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng biện pháp ngoại giao. Gần đây, Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn cho rằng “hoàn toàn có thể tránh khỏi vũ khí hạt nhân của Iran”, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành đối thoại mang tính xây dựng đối với Iran. 

Về phía Ápganixtan, Chính quyền Obama bắt đầu ủng hộ việc đối thoại giữa Chính quyền Hamid Karzai với Taliban. Trước đó, Mỹ yêu cầu Taliban trước tiên cần phải từ bỏ bạo lực, khống chế Tổ chức Al-Qaeda và tuân thủ hiến pháp Ápganixtan. Nhưng vào tháng 2/2011, tại Hiệp hội châu Á, Ngoại trưởng Hillary Clinton ngầm tỏ rõ Mỹ không chỉ đưa vấn đề này là điều kiện tiên quyết của đàm phán, mà là kết quả tất yếu của cuộc đàm phán. Ngoại trưởng Hillary Clinton bổ nhiệm Marc Grossman làm đại diện mới phụ trách các công việc Ápganixtan, chủ trương đàm phán hòa bình với Taliban. Ngày 2/5 là ngày Mỹ bắn chết tên trùm khủng bố Al-Qaeda, Bin Laden, Ngoại trưởng Hillary Clinton tỏ rõ nếu như Taliban và Tổ chức Al-Qaeda không còn dính dáng với nhau, Taliban có thể tham gia tiến trình chính trị hòa bình của Ápganixtan. Ngoài ra, Bin Laden chết cũng có lợi cho Chính quyền Obama thực hiện kế hoạch rút quân từ Ápganixtan trước đó. Trên thực tế, việc rút quân nhanh chóng khỏi Ápganixtan cũng phù hợp lôgích với chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo”. Tại phiên điều trần Quốc hội ngày 3/5, đúng như Chủ tịch Ủy ban quan hệ ngoại giao Mỹ Richard N. Haass nêu rõ Ápganixtan thuần túy là sự phân tán về chiến lược của Mỹ. Đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ, Ápganixtan không đáng được Mỹ đầu tư nguồn của cải nhiều như thế - mỗi năm khoảng 110 đến 120 tỷ USD. Vì thế, lịch sử thế kỷ 21 không được quyết định bởi một Ápganixtan núi non trùng điệp. 

Thứ tư, coi trọng ngoại giao công cộng đối với Trung Đông. “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” Mỹ năm 2010 nêu rõ: “Khi kết thân với khu vực này (chỉ các nước Trung Đông), chúng ta cần có chiến lược và toàn diện. Chúng ta không nên giới hạn bởi việc đối phó với mối đe dọa trong khoảng thời gian ngắn, mà nên cố gắng đạt được sự ủng hộ của dân chúng nơi đó bằng sự công bằng, giáo dục và thời cơ, tìm kiếm mối quan hệ hợp tác tích cực và lâu dài giữa Mỹ với khu vực này. Sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, đối mặt với một Trung Đông mà ý nguyện của dân chúng đang trỗi dậy, việc Chính quyền Obama có được sự ủng hộ của dân chúng Trung Đông sẽ trở nên quan trọng hơn. Bà Hillary Clinton tỏ rõ Mỹ sẽ coi việc xây dựng mối quan hệ đối tác với dân chúng, chứ không phải là chính phủ là trọng tâm của chính sách. Một mặt, Chính quyền Obama tích cực lợi dụng các phương tiện truyền thông mới như Internet để gây ảnh hưởng đến dân chúng các nước Arập, làm suy yếu đi sức thu hút của các thế lực Hồi giáo cấp tiến; đồng thời mở rộng giao lưu với dân chúng các nước Arập, chẳng hạn như vào tháng 3/2011, khi đến thăm Aicập, Hillary Clinton đã chủ động đến quảng trường Tahrir, trung tâm của “cách mạng” Aicập, tiếp xúc với thanh niên Aicập. Mặt khác, Chính quyền Obama tiếp tục chính sách hòa giải với thế giới Hồi giáo. Chính quyền Obama về cơ bản không có sự thay đổi về chính sách Trung Đông – không từ bỏ sự bá quyền ở Trung Đông; không thay đổi chính sách nghiêng về Ixraen; trên thực tế, Chính quyền Obama vẫn ủng hộ chính quyền bảo thủ thân Mỹ để kiềm chế nhu cầu quyền lợi của dân chúng, vẫn sẽ đặt sự ổn định của chính quyền thân Mỹ lên trên quyền lợi của dân chúng Trung Đông. 

Kết luận 

Sau sự rối ren chính trị ở Trung Đông, đường hướng chính trong việc điều chỉnh chính sách Trung Đông của Chính quyền Obama là xử lý như thế nào mối quan hệ giữa chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” với “sự phân tán về chiến lược”. Một mặt, ưu thế chiến lược chịu thiệt hại hơn nữa do sự suy yếu của Mỹ, lo lắng xuất hiện hiệu ứng “đôminô”. Vì thế, Chính quyền Obama có khuynh hướng can thiệp rộng rãi hơn vào tình hình Trung Đông. Nhưng sự can thiệp rộng rãi này trên thực tế là một hành vi của “sự phân tán về chiến lược”, nguồn của cải đã được đầu tư vào các lĩnh vực và khu vực lợi ích không trọng tâm. Kết quả là hiện nay, trọng điểm chính sách và phân chia nguồn tài nguyên của Chính quyền Obama ở Trung Đông không có tầm quan trọng như thực tế phản ánh ở các khu vực khác nhau. Ví dụ, từ khi nền chính trị Trung Đông biến động đến nay, Mỹ đã viện trợ cho Aicập - nước liên minh trọng tâm Trung Đông chỉ có 240 triệu USD, trong khi đó đã tiêu tốn hơn 1 tỷ USD vào hành động quân sự ở Libi. Xét thấy tầm quan trọng của Aicập, sự phân chia nguồn của cải của Chính quyền Obama hiện nay đương nhiên không hợp lý. 
Mặt khác, với điều kiện nguồn của cải của Mỹ có hạn, “sự phân tán về chiến lược” của Chính quyền Obama đang dẫn đến sự chênh lệch giữa mục tiêu và biện pháp của Mỹ ngày càng lớn. Điều này có nghĩa là sức ép của việc Chính quyền Obama quay trở lại chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” cũng ngày càng lớn, tức là phân chia nguồn tài nguyên quan trọng ở những khu vực trọng điểm, và gán trách nhiệm cho các nước liên minh vào đúng lúc. Có thể dự đoán, Chính quyền Obama trong tương lai sẽ rút quân khỏi Libi đúng lúc, trọng điểm chính sách chuyển sang mô hình tô tạo chính quyền thân Mỹ; tích cực triển khai ngoại giao công cộng, giành sự ủng hộ của dân chúng các nước Arập; đồng thời dựa vào nước liên minh khu vực và chủ nghĩa đa phương quốc tế để quản lý Trung Đông, duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông bằng nguồn của cải có hạn. 

Cho dù mục đích của chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” là duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông, nhưng chiến lược này lại sẽ làm yếu đi sự “lãnh đạo” của Mỹ ở mức độ nhất định. Vì thế việc dựa vào nước liên minh khu vực và chủ nghĩa đa phương quốc tế để quản lý Trung Đông, trên thực tế là đã đem lại cơ hội cho các nước khác chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Arập và nước lớn châu Âu phát huy vai trò ngày càng lớn ở Trung Đông. Cho dù điều này có lợi cho việc giảm đi “chi phí lãnh đạo” của Mỹ, nhưng điều này đồng nghĩa với việc Mỹ buộc phải thừa nhận việc phát huy vai trò ngày càng lớn của các nước lớn khác ở Trung Đông, sự “lãnh đạo” của Mỹ sẽ thiếu đi ý nghĩa quyết định. Đây chính là cái giá mà Chính quyền Obama phải trả cho chiến lược “hạ thấp vị thế lãnh đạo” ở Trung Đông./.

  Theo Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc, (số 5/2011)

 Viết Tuấn (gt)