Trump là kết quả của quá trình cấp tiến hóa trong đảng Cộng hòa

Nhiều nhất Trump chỉ là kết quả gián tiếp. Đối với các nhà bình luận cánh tả như Paul Krugman và nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa tân bảo thủ như Robert Kagan, có một điều rất rõ ràng: Trump là “con quái vật Frankenstein” của đảng Cộng hòa, là kết quả của chính sách cản trở nhiều năm qua tại Quốc hội và lối nói ngày càng cấp tiến hơn từ các tổ chức Đảng Trà và kênh truyền hình Fox News. Đảng Cộng hòa đã kích động một cuộc cách mạng chống lại giới quyền uy, chống lại Washington, chống lại sự thỏa hiệp chính trị, một cuộc cách mạng đang nhấn chìm chính đảng này. Nhưng mọi việc lại không đơn giản như vậy. Vì không chỉ những nhân vật thuộc dòng chủ đạo có khuynh hướng ôn hòa như Jeb Bush đã thất bại trước Trump, mà còn cả cánh hữu trong đảng Cộng hòa. Ted Cruz và Marco Rubio, những người đã khéo léo cưỡi con sóng phong trào Đảng Trà và được các nhóm lợi ích bảo thủ chứng nhận là có “thái độ bỏ phiếu phù hợp” tại Thượng viện ở mức đáng kinh ngạc là 98% đến 100%, cũng đều thất bại trước Trump.

Trump không phải là một nhân vật bảo thủ, dù thế nào cũng không theo đường lối cánh hữu tôn giáo vốn bị ám ảnh bởi những vấn đề xã hội (nạo phá thai, hôn nhân đồng tính), và cũng không theo đường lối đảng viên Cộng hòa kiểu Reagan, những người coi bộ máy nhà nước bành trướng là gốc rễ của mọi điều tồi tệ. Trump, vốn để lộ một đường lối chính trị trong các tuyên bố thường mơ hồ và mâu thuẫn của mình, đại diện cho một chương trình chứa đựng cả yếu tố dân tộc chủ nghĩa lẫn yếu tố xã hội: Gạt người nhập cư, người gốc Mexico và người Hồi giáo ra khỏi xã hội; cuộc chiến chống thương mại tự do và cam kết về nhà nước an sinh. Không điều gì trong số này phù hợp với chính sách của những “đảng viên Cộng hòa cấp tiến” như Reagan, Gingrich và Bush. Vì vậy Trump, người từng quyên góp cho Hillary Clinton trong các chiến dịch tranh cử trước đây và có quan điểm chính sách xã hội khá gần với của Bernie Sanders, đã đạt được những thành công rõ ràng nhất trong các cuộc bầu cử sơ bộ “mở”, trong đó tất cả các công dân được phép bỏ phiếu chứ không chỉ riêng đảng viên Cộng hòa.

Vì thế, Trump không hẳn là kết quả của quá trình cấp tiến hóa trong đảng Cộng hòa mà là đỉnh cao, hoặc vực sâu của một tiến triển lâu dài trong văn hóa chính trị của Mỹ. Điều này trước hết liên quan tới sự chia rẽ về hệ tư tưởng ngày càng mạnh mẽ trong tầng lớp chính trị kể từ cuối những năm 1980, chính sự chia rẽ này đã ngày càng gây khó khăn cho việc tìm ra sự thỏa hiệp chính trị. Kết quả là các cuộc chiến chính trị đảng phái nghiêm trọng – người ta có thể chứng kiến chúng trong các cải cách mạnh bạo và đơn phương của Tổng thống Obama về chính sách kinh tế, đối ngoại, chăm sóc sức khỏe và sự phản đối hoàn toàn của đảng Cộng hòa trong Quốc hội – và sự thất vọng gia tăng trước “sự trì trệ tại Washington”.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu (có thu nhập thấp) rơi vào tình trạng đình trệ về kinh tế và cảm thấy bị đe dọa bởi các tác động của toàn cầu hóa như nhập cư và sự cạnh tranh trên thị trường việc làm. Với những điều kiện như vậy, ngay cả nền dân chủ đầy tự hào của Mỹ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những mặt xấu hơn của nền dân chủ, chẳng hạn như sự thô lỗ, vô nghĩa lý và sự hào hứng dành cho “những người nổi tiếng”. Đối với một người như Trump, vốn thuộc về các đại lộ sang trọng và các chương trình truyền hình thực tế với vai trò người tự lực thành công đầy quyết đoán trong nhiều thập kỷ, thời điểm đã chín muồi.

Tiền quyết định cuộc bầu cử

Một lập luận cũ rích đến từ chủ nghĩa chống Mỹ cổ lỗ sĩ. Ngoài thực tế rằng việc tổ chức chiến dịch tranh cử tại một quốc gia rộng lớn và đa dạng như vậy chắc chắn sẽ rất tốn kém, từ bỏ hoàn toàn việc tài trợ cho các chiến dịch tranh cử không hẳn sẽ được coi là đặc biệt dân chủ và tự do. Ngoài ra, chiến dịch tranh cử sơ bộ đã một lần nữa cho thấy thành công không đến với những ứng cử viên nhận được nhiều khoản quyên góp nhất, mà các nhà tài trợ ủng hộ những ứng cử viên được lòng cử tri. Những nhà tài trợ lớn của ngành công nghiệp và thế giới tài chính bám lấy những ứng cử viên hứa hẹn giúp họ có được thành công và ảnh hưởng.

Điều này được thể hiện rõ bên phía đảng Cộng hòa khi xét tới các Super-PAC (“Ủy ban hành động chính trị”), các tổ chức gây quỹ không giới hạn tiền tài trợ, trái ngược với các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, nhưng chỉ được phép gián tiếp sử dụng số tiền này để ủng hộ chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên. Một quy tắc từ kinh nghiệm của chiến dịch tranh cử 2015/2016 là: Super-PAC càng hùng mạnh về tài chính, ứng cử viên càng nhanh chóng bị loại. Jeb Bush nhận được 150 triệu USD từ Super-PAC có tên là “Right to rise”, nhiều hơn bất cứ ứng cử viên nào, nhưng đã phải từ bỏ cuộc đua sau 3 thất bại ở vòng bầu cử sơ bộ. Ngược lại, các ứng cử viên như Ted Cruz và Marco Rubio đã có thể gia tăng số tiền tài trợ của họ sau khi đạt được thành công tại một số bang đầu tiên.

Điều đó cho thấy trong kỳ bầu cử này, các khoản quyên góp lớn hầu như không giúp được gì, thậm chí có thể gây hại. Ngoại lệ duy nhất là ở bên phía đảng Dân chủ: Hillary Clinton đã gây quỹ được 250 triệu USD, hầu hết đến từ các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty luật. Tuy nhiên đối thủ của Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, lại bỏ xa bà về khoản quyên góp của các cá nhân riêng lẻ. Sanders trên thực tế không nhận được tiền từ các Super-PAC, nhưng lại nhận được hơn 180 triệu USD từ các khoản quyên góp riêng lẻ - đa phần trong số đó ít hơn 200 USD. Lập luận của Sanders rằng ông đại diện cho “những người dân bình thường”, còn Clinton đại diện cho “những doanh nghiệp lớn”, ít nhất là rất thuyết phục ở điểm này.

Tỷ phú Trump lại tranh cử theo cách riêng của ông. Cho tới nay, ông không chỉ nhận được rất ít tiền quyên góp (khoảng 10 triệu USD), mà còn hầu như không đầu tư nhiều tiền của: Ông đã đầu tư khoảng 35 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình – chỉ là một khoản nhỏ so với các đối thủ, ngay cả Ben Carson cũng nhận được 80 triệu USD. Tài sản của Trump là một phần cho sức hút về chính trị của ông, vì nó khiến ông được coi là một ứng cử viên độc lập. Nhưng đồng thời Trump cũng không cần đầu tư nhiều tiền. Ông luôn hiện diện trên truyền thông và thúc đẩy các cử tri của mình đi bầu mà không cần xây dựng mạng lưới rộng lớn các nhân viên hỗ trợ được trả tiền. Điều này khiến ông trở thành một ngoại lệ đáng kinh ngạc và chứng minh rằng tiền không phải là yếu tố quyết định cho thành công tại các cuộc bầu cử.

Trump có thể đánh bại Clinton

Việc này ít có khả năng xảy ra. Sau khi Clinton hoàn toàn đánh giá thấp Trump cho tới giữa vòng bầu cử sơ bộ, các chuyên gia chính trị đã cảnh báo về việc lặp lại sai lầm này tại cuộc bầu cử chính. Và họ có một số lập luận rất hợp lý cho cảnh báo này. Cử tri của Trump thực sự không thể dự đoán được. Một số lượng lớn người bỏ phiếu cho Trump trong vòng bầu cử sơ bộ là những công dân từ rất lâu đã không còn hoặc chưa bao giờ đi bầu. Trump cũng thu hút những cử tri không đóng vai trò nào trong các mô hình đánh giá lâu nay của các cuộc thăm dò ý kiến hoặc không thể được nhìn nhận đúng đắn trong các dự đoán này.

Ngoài ra, Trump còn nhận được sự cộng hưởng hết sức lớn từ những người nam giới da trắng có trình độ học vấn trung bình thuộc tầng lớp lao động và tầng lớp trung lưu có thu nhập thấp. Trong nhóm này, ông có được uy tín lớn hơn so với Mitt Romney hay George W. Bush, vốn bị coi là những đứa con trai được nuông chiều của những người đàn ông giàu có và quyền lực. Trump cũng là con trai của một doanh nhân giàu có, nhưng người ta tin rằng ông làm chính trị không chỉ vì giới tinh hoa.

Sự thất vọng và tức giận của một bộ phận dân chúng, vốn đang chịu sức ép về kinh tế và xã hội và cảm thấy điều này là không công bằng, đã được truyền vào chiến dịch tranh cử của Trump. Những người này tin rằng họ đã bị giới tinh hoa của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa coi thường trong nền chính trị, kinh tế, truyền thông và khoa học – đây là một suy nghĩ không hoàn toàn sai. Chúng ta có thể nhớ tới nhận định của Obama về “những người cảm thấy cay đắng và bám chặt lấy tôn giáo và vũ khí của họ”, vì họ chẳng có gì trong cuộc sống. Nếu Trump có thể huy động mạnh mẽ hơn nhóm cử tri này, ông ít nhất sẽ cạnh tranh được với Hillary Clinton tại các bang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái của ngành công nghiệp sản xuất.. Và do các bang thuộc vành đai công nghiệp – chẳng hạn như Ohio, Pennsylvania, Michigan – gần đây được đảng Dân chủ coi là các bang dao động, Trump có thể có triển vọng tốt cho một chiến thắng toàn diện, chừng nào ông giành được các bang đã bỏ phiếu cho Romney năm 2012 và McCain năm 2008.

Ngoài ra cho tới nay, Trump đã khiến mọi người kinh ngạc với “khả năng không thể bị tấn công” về chính trị của ông. Các bài diễn văn tranh cử được soạn thảo một cách tự do của ông chứa đầy mâu thuẫn và lời nói dối, hoạt động kinh doanh và đời sống riêng tư của ông đem lại nhiều tư liệu cho các vụ bê bối, ông từ chối công khai bản kê khai thuế của mình và thường xuyên xúc phạm phụ nữ, nhà báo và người nước ngoài. Một trong số những đặc điểm này có thể đem tới thất bại cho bất cử ứng cử viên nào khác của đảng Cộng hòa. Ngược lại, Trump thậm chí còn được nhóm cử tri của ông coi là có bản chất thành thực. Ngoài ra, Trump còn có khả năng kỳ lạ là lợi dụng rất tốt những điểm yếu của đối thủ. Người ta sẽ không thể quên Jeb Bush “thiếu sinh khí” và Marco Rubio “bé bỏng”. Việc Hillary “không trung thực” sẽ chống lại các cuộc tấn công như vậy như thế nào sẽ là một trong số các câu hỏi thú vị của chiến dịch tranh cử.

Trên thực tế, lập luận quan trọng nhất cho một chiến thắng tiềm tàng cho Trump chính là đối thủ của ông. FBI đã điều tra Clinton về việc bà xử lý không cẩn trọng các thư tín bí mật từ thời còn là Ngoại trưởng – vụ bê bối mới nhất trong một chuỗi các bê bối chính trị và đời tư dường như vô tận mà gắn với tên tuổi bà. Hillary Clinton là một trong số những nhân vật không được yêu mến nhất tại Mỹ trong hơn 20 năm qua. Tính tới thời điểm này của chiến dịch tranh cử, không ứng cử viên tổng thống nào ngoài Clinton có số lượng lớn đến vậy người dân nói rằng họ sẽ “không bao giờ” bỏ phiếu cho bà. Chỉ một ứng cử viên khác có số người phản đối còn cao hơn: Donald Trump. Điều này cho thấy sự chia rẽ gia tăng trong nền chính trị và việc đảng Cộng hòa đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời như thế nào để giành lại Nhà Trắng khi đề cử Trump. Vì tất cả những lập luận lý giải tại sao Trump hoàn toàn có cơ hội chiến thắng không thể che giấu được việc ông sẽ không thể đạt được 270 phiếu đại cử tri cần thiết nếu không xảy ra phép màu hay thảm họa. Clinton gần như chắc chắn nhận được 200 phiếu đại cử tri, do đảng Dân chủ chắc chắn giành được đa số phiếu tại các bang như California và New York. Đây tiếp tục là con đường đa dạng tới chiến thắng của Clinton, trong khi thất bại tại một bang dao động lớn – chẳng hạn như Florida và Ohio – sẽ phá hỏng con đường tới Nhà Trắng của Trump.

Bộ máy tranh cử mạnh hơn của đảng Dân chủ và cá tính gây tranh cãi của Trump sẽ khiến đảng Cộng hòa gặp thêm nhiều khó khăn để đảo ngược tình thế tại các bang họ thua rất sít sao như Virginia hay Colorado. Khả năng Trump giành chiến thắng tại các bang có truyền thống bầu cho đảng Dân chủ tuy có thể xảy ra, nhưng lập trường cứng rắn của ông về vấn đề nhập cư và thái độ coi thường của ông đối với các nhóm thiểu số có nguy cơ đẩy các bang có truyền thống bầu cho đảng Cộng hòa như Arizona và Georgia về phía đảng Dân chủ. Trump nhận được sự ủng hộ nhiều nhất từ nhóm cử tri da trắng, nhưng phần đóng góp của nhóm này trong tổng số cử tri Mỹ đã giảm từ 89% năm 1976 xuống còn 72% hiện nay.

Ngoài ra, người ta còn nghi ngờ việc liệu Trump có thể huy động đầy đủ phe bảo thủ để tiếp tục giữ khả năng cạnh tranh tại các bang dao động hay không. Theo quan điểm của phe bảo thủ, nhà tỷ phú này là một kẻ tiếm quyền, người đã cướp quyền chỉ huy một đảng có gốc rễ sâu trong nhân dân với nhiều nhân tài chính trị. Kể từ năm 2009, đảng Cộng hòa đã giành được thêm 69 ghế trong Hạ viện, 13 ghế trong Thượng viện, hơn 900 ghế trong quốc hội các bang và 12 ghế thống đốc. Không ít nhân vật lãnh đạo bên phía đảng Cộng hòa ngầm hy vọng vào một thất bại nặng nề của Trump để có thể khởi động một sự khởi đầu mới trên nền tảng ổn định hơn.

Một Tổng thống Trump sẽ là một vấn đề đối với Đức và châu Âu

Đúng là như vậy. Một người ngu dốt về chính sách đối ngoại với tính khí làm người ta nghĩ tới một vở hài kịch như Trump trở thành tổng thống Mỹ trước hết là vấn đề đối với chính nước Mỹ. Như đã được nhận thấy từ trước tới nay, chính sách đối ngoại của Trump được xác định bởi cách diễn giải hạn hẹp các lợi ích kinh tế của Mỹ - đặc biệt là lợi ích của người lao động trong ngành công nghiệp sản xuất. Ông tuyên truyền một chính sách theo chủ nghĩa trọng thương, bao gồm đánh thuế cao vào hàng nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu, với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Ngoài các tác động gây bất ổn đối với hệ thống thương mại toàn cầu và quan hệ Mỹ-Trung, một chính sách như vậy sẽ gây sức ép lên quan hệ của Mỹ với Đức và EU. Trump muốn xóa bỏ Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà hai bên đang thúc đẩy đàm phán, một hiệp định có tầm quan trọng lớn về chiến lược đối với phương Tây. Và trong lĩnh vực chính sách an ninh, ông cũng đưa ra những nhận định có vấn đề, như hoài nghi về tầm quan trọng của NATO, đánh giá thấp sự nguy hiểm của Vladimir Putin và Kim Jong-un và cổ vũ cho sự rút lui về quân sự của Mỹ. Tất cả những dấu hiệu này củng cố sự không chắc chắn trong hệ thống quốc tế mà một quốc gia thương mại như Đức lại phụ thuộc vào sự ổn định của hệ thống này.

Hiện nay, người ta không chỉ phản ứng đầy lo âu trước một sự thay đổi chính sách như vậy tại Nhà Trắng, họ còn phản ứng một cách hoài nghi, yên tâm hay thực tế. Những người hoài nghi có thể lập luận rằng Trump sẽ tìm thấy nhiều bạn bè tại châu Âu. Đối với cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy như đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD) và đảng Tự do Áo (FPÖ), Viktor Orban và Geert Wilders, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) và đảng Mặt trận quốc gia, sẽ không khó để chấp nhận Trump, xét cho cùng họ đều đại diện cho những kẻ thất bại trong quá trình hiện đại hóa. Việc bác bỏ TTIP và các tư tưởng “tân tự do” cũng sẽ thu hút được cánh tả và những người phản đối toàn cầu hóa. Vì vậy, Trump có thể đại diện cho một sự tái sinh cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương mới – cho dù theo một tinh thần rất khác với chủ nghĩa Đại Tây Dương cổ điển.

Những người cảm thấy yên tâm lập luận rằng nguyên Thống đốc bang New York Mario Coumo có lý khi nói rằng: “Chiến dịch tranh cử là bài thơ, điều hành là văn xuôi”. Nếu Trump trở thành Tổng thống, cơ chế chia sẻ quyền lực, các hạn chế về cấu trúc, và sức nặng của vị trí cũng sẽ khiến ông phải thực dụng hơn. Ông sẽ phải trở nên sẵn sàng thỏa hiệp hơn và ít khiêu khích hơn, và như vậy các chính phủ tại Berlin và châu Âu cũng sẽ tìm được sự hòa hợp với ông. Nhưng liệu điều này chắc chắn có xảy ra không? Ronald Reagan, George W. Bush và Barack Obama trong nhiệm kỳ của mình đã không thực hiện tất cả những gì họ có kế hoạch làm trước đó. Nhưng họ cũng cho thấy khả năng hành động của tổng thống lớn đến mức nào – đặc biệt trong chính sách đối ngoại và trước hết trong các tình huống khủng hoảng. Không có lý do gì để khẳng định rằng Trump sẽ từ bỏ những quan điểm ông thể hiện ở vòng bầu cử sơ bộ khi bước vào Nhà Trắng.

Lập luận thực tế cho rằng các nước châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn với Donald Trump – nhưng với mọi tổng thống Mỹ khác ngày nay cũng đều như vậy. Khi ngay cả Barack Obama, chủ nhân giải Nobel hòa bình và là người thuộc phe dân chủ xã hội cánh tả (theo tiêu chuẩn của Mỹ) cũng cho rằng các nước châu Âu đang hưởng lợi nhưng lại không đóng góp gì trong chính sách an ninh, người ta không nên ngạc nhiên khi Trump đặt câu hỏi tại sao Mỹ nên luôn đảm nhận phần phí tổn lớn hơn trong việc bảo vệ châu Âu trong khuôn khổ NATO – trong khi các quốc gia hàng đầu châu Âu như Đức thậm chí không đầu tư được 2 cent từ mỗi đồng euro kiếm được vào quốc phòng. Khi xét tới hợp tác giữa các cơ quan tình báo và các đóng góp quân sự đáng kể trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng, tất cả các tổng thống Mỹ đều sẽ khiến công chúng Đức và châu Âu cảm thấy không thoải mái – và qua đó hy vọng rằng các tổng thống Mỹ sẽ giúp bảo vệ các nước châu Âu trước sự tự mãn nguy hiểm.

Theo Internationale Politik

Hương Lan (gt)