Tháng 1/2015, Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm lịch sử tới Ấn Độ để chúc mừng ngày Quốc khánh với tư cách khách mời của Thủ tướng Narendra Modi. Trong chuyến thăm này, hai bên đã tuyên bố "6 nỗ lực mở đường" cho hợp tác cùng sản xuất và phát triển vũ khí quốc phòng. Kể từ đó, quan hệ Mỹ-Ấn đã có nhiều tiến triển nhanh chóng. Mặc dù, một số dự án hiện tại còn khiêm tốn nhưng hai bên có thể sớm tiến tới những dự án lớn hơn liên quan đến những công nghệ quan trọng mà Ấn Độ tìm kiếm nhằm phát triển nền công nghiệp quốc phòng và cũng khiến Ấn Độ trở thành đối tác lớn mà Mỹ cần trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Về phần mình, Ấn Độ có thể đẩy nhanh các thỏa thuận trên nếu đồng ý ký kết ba "thỏa thuận nền tảng" mà Mỹ yêu cầu đối với tất cả các đối tác quốc phòng. Ký kết những thỏa thuận đó thể hiện cam kết của Ấn Độ trong hợp tác quân sự và giúp duy trì mối quan hệ hợp tác này trong tương lai. Cho đến lúc đó, Mỹ nên nhớ rằng sự thành công của những dự án hợp tác quân sự của Mỹ trước đây đều phụ thuộc vào việc quản lý phù hợp và một chiến lược toàn diện làm cơ sở cho sự phối hợp. Mỹ sẽ phải thể hiện rằng Mỹ không phải là người bạn bỏ rơi bạn bè trong lúc khó khăn mà sẽ là bạn bè lâu dài. 

Đồng minh tự nhiên 

Khi Tổng thống Bill Clinton còn tại nhiệm, Mỹ đã theo đuổi mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ, mối quan hệ mà Thủ tướng Ấn Độ khi đó Atal Bihari Vajpayee gọi mối quan hệ Mỹ-Ấn là "đồng minh tự nhiên". Ấn Độ là một quốc gia dân chủ, đang lớn mạnh và có chung tầm nhìn chiến lược với Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 

Tuy nhiên, phản ứng của Ấn Độ với những đề nghị này khá lạnh nhạt. Ấn Độ đã do dự về sự gắn kết quá gần với bất cứ cường quốc nào và họ cũng có những lo ngại về sự ủng hộ của Mỹ đối với Pakistan cũng như sự đáng tin cậy của Mỹ về dài hạn. Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn năm 2008, điều mà Mỹ đẩy mạnh như là một cách thức củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, có vẻ như đã tạo nên bước đột phá trong hàn gắn quan hệ hai bên. Kể từ khi nhậm chức năm 2014, Thủ tướng Modi đã chào đón mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ như là một cách củng cố an ninh quốc gia và các mục tiêu kinh tế của Ấn Độ. 

Kết quả là, thậm chí trước những chuyến thăm ngoại giao mới đây, quan hệ quân sự Mỹ-Ấn đã rất phát triển. Hai nước đã tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với sự phối hợp của tất cả các binh chủng. Trên thực tế, Ấn Độ tiến hành tập trận với Mỹ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Trong 10 năm qua, thương mại quốc phòng song phương đã phát triển nhảy vọt với việc Ấn Độ mua đến 10 tỷ USD các loại vũ khí từ Mỹ, con số này vượt qua cả thương mại quốc phòng giữa Ấn Độ với Nga và Israel - nước này hiện là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ. 

Hiện cả Mỹ và Ấn Độ đang xóa bỏ những trở ngại quan liêu để chuyển từ quan hệ mua-bán sang một giai đoạn hợp tác mới. Giống như các đồng minh NATO, Ấn Độ hy vọng hướng lái sự thay đổi này một cách thành công và có lợi. Trong suốt chuyến thăm của Obama, Mỹ và Ấn Độ đã đạt được khuôn khổ hợp tác quân sự 10 năm nhằm thực hiện hiệu quả Sáng kiến về Công nghệ và Thương mại Quốc phòng Mỹ-Ấn năm 2012 (DTTI) - sáng kiến này đặt ra những quy định thúc đẩy thương mại quốc phòng giữa hai nước. Vài tháng sau chuyến thăm của Obama, vào tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã dừng chân tại Ấn Độ để chính thức ký kết các văn bản cho khuôn khổ hợp tác mới. Tháng 9/2015, Lầu Năm Góc thành lập "Phòng Phản ứng nhanh Ấn Độ" - đây là lần đầu tiên Mỹ thành lập một đơn vị đặc biệt kiểu này - để đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ. Tháng 12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã gặp Bộ trưởng Carter tại Washington để thảo luận về các bước tiếp theo trong hợp tác quân sự giữa hai nước. 

Về lĩnh vực vũ khí 

Trong giai đoạn tiếp theo của hợp tác Mỹ-Ấn, Ấn Độ - nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, đang tìm kiếm cách thức tự dựa vào bản thân nhiều hơn trong sản xuất các trang thiết bị quốc phòng hay như họ nói là "nội địa hóa vũ khí". Có khả năng thiết kế và xây dựng vũ khí của chính mình mang lại những lợi ích rõ ràng nhưng vẫn nằm xa tầm tay của các quốc gia đang phát triển vì họ chưa có đủ vốn và những kiến thức chuyên môn cần thiết. 

Sự lựa chọn tốt nhất tiếp theo là cùng phát triển, trong đó hai hay nhiều quốc gia tham gia quá trình nghiên cứu và phát triển những thiết bị quốc phòng mới. Các quốc gia tham gia đều giữ lại một phần sở hữu công nghệ tạo ra nhưng họ có thể chia sẻ chi phí nghiên cứu và lợi nhuận bán các thiết bị đó. Cùng phát triển thường không bao gồm việc nước này chuyển giao công nghệ cho nước khác vì sản phẩm cuối cùng là công nghệ mới được sản xuất và phát triển trong quá trình hợp tác. Những thỏa thuận này có thể khó dàn xếp và thực hiện. Nó yêu cầu cả hai bên hoàn toàn nhất trí về những thiết bị nào mà hai bên cùng có lợi khi phát triển. 

Một sự lựa chọn khác ở mức độ thấp hơn cùng phát triển là cùng sản xuất - liên quan đến quá trình chế tạo hàng hóa quốc phòng sử dụng thông tin kỹ thuật về chuyên môn, các bộ phận hoặc bí quyết từ nước ngoài. Cùng sản xuất có những lợi thế kinh tế của nó như hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất và tạo ra việc làm nhưng hạn chế về chuyển giao công nghệ. Các dự án cùng sản xuất cũng đáng giá do chúng cho phép một quốc gia sản xuất hàng hóa quốc phòng không chỉ để sử dụng trên chiến trường mà còn để bán ra nước ngoài. 

Trong giai đoạn đầu, DTTI tập trung vào những sáng kiến cùng phát triển và cùng sản xuất ở mức độ thấp. Bốn dự án mở đường khá khiêm tốn do lo ngại những thách thức về công nghệ và nhạy cảm quân sự. Trong số này có hai dự án cùng phát triển ở cấp chính phủ đã được thực hiện, bao gồm nghiên cứu và phát triển nguồn năng lượng điện tích hợp di động và quần áo bảo hộ thế hệ tiếp theo. Hai dự án cùng sản xuất là hệ thống cánh quạt cho máy bay C-130 và máy bay không người lái loại nhỏ hiệu Raven vẫn đang được thảo luận. Sự thiếu tiến triển ở hai dự án này thể hiện sự do dự của Ấn Độ trong hợp tác và cũng phản ánh sự thiếu sẵn sàng của Mỹ trong bắt đầu các dự án yêu cầu chuyển giao công nghệ nhạy cảm và độc quyền hơn. 

Đến nay, cam kết của hai bên đối với quan hệ đối tác đã ngăn chặn những thất bại không đáng có và những dự án mới tiếp tục được thảo luận. Các nhóm làm việc đang tìm kiếm khả năng chuyển giao công nghệ tàu sân bay, động cơ phản lực và cách thức để Ấn Độ nâng cấp quân đội. Tuy vậy, nếu tiếp tục không đạt được các mục tiêu và kỳ vọng đặt ra, nó có thể làm chệch hướng DTTI và cản trở những tiến triển trong quan hệ quân sự giữa hai nước. 

"Sự cho không ngu ngốc" 

Mỹ có thể lo ngại về những bài học của chính họ trong các dự án cùng phát triển và cùng sản xuất trước đây. Mỹ lần đầu tiên bước vào quan hệ hợp tác quân sự sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm giúp xây dựng căn cứ quân sự cho các nước đồng minh NATO. Những mối quan hệ này được thiết kế nhằm đảm bảo "sự ưu việt về công nghệ quân sự so với những kẻ thù tiềm năng". Tuy nhiên, vấn đề then chốt là Mỹ vẫn muốn duy trì sự ưu việt về công nghệ so với các nước đồng minh. Ban đầu trong giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ thích bán trực tiếp những vũ khí công nghệ thấp hơn theo chương trình trợ giúp quân sự và bán vũ khí ra nước ngoài, hơn là theo các dự án cùng sản xuất và cùng phát triển. Sau đó, khi nền kinh tế của các nước đồng minh trong NATO phục hồi và họ tìm kiếm khả năng tự sản xuất vũ khí thì Mỹ lựa chọn cách thức phối hợp sản xuất và sau đó là phối hợp phát triển. 

Ví dụ, chương trình phối hợp sản xuất hệ thống phòng không HAWK (được triển khai ở toàn bộ NATO) là một thành công đối với Mỹ do chi phí sản xuất thấp hơn nhưng cải thiện được khả năng thông tin mà vẫn giảm thiểu được vấn đề chuyển giao công nghệ. Ngược lại, thỏa thuận hợp tác quân sự với Nhật Bản bắt đầu thất bại vào những năm 1980 khi cạnh tranh kinh tế trở thành vấn đề gây chia rẽ giữa các nước này. Dự án cùng phát triển và cùng sản xuất loại máy bay chiến đấu FSX của Nhật Bản với công nghệ của loại máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ gần như "trượt khỏi đường ray" vì những lo ngại của Washington về việc thỏa thuận này là "sự cho không ngu ngốc" về công nghệ - điều này có thể đem đến cho Nhật Bản những lợi thế cạnh tranh ở lĩnh vực thương mại hàng không vũ trụ trên toàn cầu. Ở góc độ chiến lược, dự án này giúp gắn kết liên minh Mỹ-Nhật nhưng ở góc độ kinh tế thì nó làm giảm sức cạnh tranh và lợi nhuận của Mỹ. 

Tất cả những chương trình này đều phải đối mặt với sự chỉ trích từ các thành phần trong chính quyền cũng như công chúng Mỹ bởi đây có thể là mối đe dọa với tính vượt trội cả về quân sự và kinh tế của Mỹ. Lý do căn bản mang tính chiến lược khi triển khai các dự án này - như là việc vũ trang cho các nước đồng minh NATO để chống lại Liên bang Xôviết - đã giúp xua đi những mối lo ngại trên, ít nhất là tạm thời. Tuy vậy, hợp tác quân sự thường dễ bị đe dọa khi khối liên minh thay đổi hoặc khi các mối đe dọa đã tiêu tan. 

Hiện nay, hợp tác quân sự Mỹ-Ấn nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Mỹ bởi Ấn Độ là quốc gia dân chủ đang lớn mạnh và có chung lợi ích chiến lược với Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác vì thế dễ có khả năng tiếp tục, thậm chí dưới thời của một chính quyền Mỹ mới. Tuy nhiên, bất cứ dự án nào có giá trị đối với cả hai đảng thì chúng cũng cần phải được định nghĩa rõ ràng, với những kỳ vọng, quan điểm, lợi ích rõ ràng. 

Thiện chí của Ấn Độ trong ký kết 3 thỏa thuận nền tảng về phối hợp an ninh là then chốt. Trong một thời gian dài, Ấn Độ đã từ chối ký Thỏa thuận Ghi nhớ về Liên lạc và An ninh thông tin (CISMOA) nhằm bảo đảm liên lạc giữa hai đối tác trong các hoạt động và tập trận song phương, đa phương; Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA) để hỗ trợ trao đổi các nguồn cung cấp và dịch vụ hậu cần giữa quân đội Mỹ và lực lượng vũ trang của các nước đối tác; Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA) nhằm chia sẻ thông tin tình báo. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố những thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của họ. 

Chính phủ và quân đội Mỹ không thể kỳ vọng sẽ dễ dàng hợp tác quân sự với Ấn Độ nếu các quy định về hợp tác không được vạch ra rõ ràng và không nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng cũng như nếu Ấn Độ không tuân theo hoặc đi chệch khỏi những quy định hợp tác quân sự như dự định ban đầu. Mỹ cũng đã kiên quyết đòi hỏi những thỏa thuận tương tự với tất cả các đối tác hợp tác quân sự khác của Mỹ. Trong trường hợp của Ấn Độ, Mỹ vẫn có thể khắc phục được những thỏa thuận bị bỏ lỡ để chuyển giao công nghệ ở mức độ thấp hơn và tiến hành tập trận chung, tuy nhiên, điều này không thể tiếp tục một cách vô hạn định và sẽ không thể có một thỏa thuận phù hợp với những công nghệ nhạy cảm hơn. Điều đó quá mạo hiểm cả về quân sự và kinh tế. 

Tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Parrikar, Ấn Độ được cho là đã đồng ý để mở lại đàm phán với Mỹ về LSA và chấp nhận xem xét lại lập trường của họ đối với hai thỏa thuận còn lại. Tuy đã có tiến triển nhưng còn lâu mới có một thỏa thuận ngay lập tức. 

Kết quả cuối cùng của việc hợp tác 

Lợi ích của việc có quyền hợp tác quân sự là rất lớn. Đối với Mỹ, kết quả cuối cùng là một đối tác vững vàng trong một khu vực đang thay đổi và đầy rẫy vấn đề rắc rối, đó là chưa kể đến một thị trường mới cho các công ty quốc phòng tư nhân. Với Ấn Độ, quan hệ đối tác có thể đem lại một khoản tiết kiệm khổng lồ cho việc nghiên cứu và phát triển, đem lại cơ hội tiếp cận những công nghệ hàng đầu và quá trình sản xuất vũ khí quốc phòng nhanh hơn và sinh lời hơn. 

Hiện tại, các dự án hợp tác quân sự Mỹ-Ấn sẽ được duy trì tại Ấn Độ miễn là chúng mang lại lợi ích kinh tế - thông qua việc giúp cho quá trình sản xuất ít tốn kém hơn, tạo ra nhiều việc làm và hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, để có các dự án mở đường cho quan hệ đối tác quân sự phức tạp hơn liên quan đến chuyển giao công nghệ quan trọng thì mức độ sâu sắc trong quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ cần được thể hiện rõ hơn. Để làm được điều đó, Ấn Độ cần thể hiện rằng họ nghiêm túc trong ký kết các thỏa thuận nền tảng và Mỹ cần phải tiếp tục thể hiện với Ấn Độ rằng Mỹ là một đối tác lâu dài đáng tin cậy. Nếu lợi ích chiến lược của Mỹ và Ấn Độ không còn tương đồng thì lịch sử đã chứng minh rằng hợp tác quân sự sẽ dần phai mờ, lùi vào dĩ vãng và chỉ là những dự án xảy ra một lần mà thôi.

Ashlyn Anderson,  trợ lý nghiên cứu về các vấn đề Ấn Độ, Pakistan, Nam Á. Amy Nelson, chuyên gia thuộc Chương trình Nghiên cứu An ninh Hạt nhân Stanton. Cả hai tác giả đểu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR). Bài viết được đăng trên Tạp chí Foreign Affairs.

Trần Quang (gt)