Kinh tế của các nước ASEAN chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhu cầu và vốn phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Có chuyên gia chỉ rõ tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ công châu Âu đối với ASEAN ít nhất sẽ còn kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, đặc biệt là tác động đến các nước có nền kinh tế mở khá cao như Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan sẽ càng lớn hơn. Kinh tế trong nước, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu yếu ớt khiến nợ công trong các nước ASEAN không ngừng tăng, làm gia tăng rủi ro trong vận hành kinh tế và điều tiết tài chính. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu không ngừng lan rộng, thu ngân sách của một số nước ASEAN vốn có nguồn tài chính dư thừa đã sụt giảm, thậm chí xuất hiện thâm hụt ngân sách. 

Trong khi đó, từ mùa Hè năm nay, thiên tai lũ lụt do bão nhiệt đới gây ra đã lan rộng ra cả khu vực Đông Nam Á. Các nước như Thái Lan... đã hứng chịu thiên tai lũ lụt nghiêm trọng hiếm thấy, thêm vào đó trận động đất dẫn đến sóng thần và sự cố rò rỉ phóng xạ hạt nhân hồi tháng 3 tại Nhật Bản đã tác động đến kinh tế, nhu cầu xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng hàng hóa của Nhật Bản, khiến kinh tế của các nước ASEAN bị liên lụy bởi khủng hoảng nợ công châu Âu lại càng thêm khó khăn. Dưới tác động kép của bất ổn tài chính và thiên tai, tiến trình nhất thể hóa ASEAN, đặc biệt là xây dựng Cộng đồng ASEAN không thể tránh khỏi bị cản trở. Tuy nhiên, có chuyên gia chỉ rõ nếu ASEAN vẫn có được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và khả năng kết nối không ngừng nâng cao thì có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời sẽ tiếp tục trở thành động lực quan trọng lôi kéo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí cả thế giới. 

Cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Thương mại Inđônêxia Mahenđra cho biết chính sách mở cửa và xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã mang lại tăng trưởng cho kinh tế các nước ASEAN, phù hợp với lợi ích của các nước ASEAN, nhịp bước nhất thể hóa khu vực không nên chậm trễ do khủng hoảng kinh tế mà ngược lại cần phải tăng tốc, tăng cường sự bổ sung lẫn nhau về ngành nghề và ưu thế của các nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả khối ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói đến cuối tháng 7 năm nay, các nước ASEAN đã hoàn thành hơn 73% mục tiêu của kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. 

Những năm qua, các nước thành viên ASEAN đã thu được tiến bộ rõ rệt trong việc giảm bớt các rào cản thương mại và đầu tư. Tính đến cuối năm 2010, thuế đánh vào 99,11% các mặt hàng giữa các nước Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xinhgapo và Thái Lan đã được hủy bỏ trong khi thuế đánh vào 98,86% các mặt hàng của Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam đã giảm xuống còn dưới 5%. Về hợp tác đối ngoại, các nước ASEAN đã tận dụng các kênh hợp tác quan trọng như ASEAN-Trung Quốc (10+1), ASEAN và Trung-Nhật-Hàn (10+3), cùng với các đối tác thương mại chủ yếu triển khai hợp tác hiệu quả, khiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN tăng mạnh. 

Đứng trước thiên tai dồn dập, ASEAN nỗ lực gắn kết sức mạnh của các nước thành viên, tăng cường diễn tập chung cứu trợ thiên tai, dốc sức hình thành và hoàn thiện cơ chế hợp tác khu vực về ứng phó thiên tai, vận dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhiều nhà phân tích chỉ rõ, mặc dù đứng trước không ít khó khăn, song cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện, hợp tác khu vực ngày càng sâu sắc, cũng như ý nguyện chính trị mạnh mẽ thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế của lãnh đạo các nước ASEAN đã đảm bảo vững chắc để ASEAN vượt qua khó khăn tiến lên phía trước, biến nguy cơ thành cơ hội. Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN như con thuyền đang căng buồm ngược gió, lướt sóng tiến về phía trước dưới sự nỗ lực chung của các nước.

 

Theo Đài Bắc Kinh (Đêm 17/11)

Hùng Sơn (gt)