_____________________________________

 

I. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong luật pháp và tập quán quốc tế

Muốn xác định đúng đắn và khách quan một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia nào, phải dựa vào những nguyên tắc và tiêu chuẩn của luật pháp và tập quán quốc tế để xem xét cơ sở pháp lý của mỗi bên tranh chấp, từ đó rút ra những kết luận chính xác, tránh kiểu "luật rừng" trong đó chỉ có yếu tố “mạnh được yếu thua” là đáng kể.

Những vấn đề pháp lý về chủ quyền lãnh thổ từ lâu đã  được các luật gia trên thế giới nghiên cứu, bổ sung để dần dần xây dựng nên những nguyên tắc và tiêu chuẩn được luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ, thực tiễn luật pháp quốc tế trong những thế kỷ trước đây đã chia ra năm hình thức chính thụ đắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia:

- Thụ đắc bằng chiếm hữu.

- Thụ đắc bằng chuyển nhượng.

- Thụ đắc theo thời hiệu.

- Thụ đắc bằng xâm chiếm.

- Thụ đắc bằng mở mang, phát triển.

Sự phát triển của luật pháp quốc tế ở nửa đầu thế kỷ XX đã tác động một cách cơ bản đến các nguyên tắc thụ đắc chủ  quyền lãnh thổ quốc gia. Với sự xuất hiện nguyên tắc cấm đe dọa bằng vũ lực và sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các nước, việc xâm chiếm lãnh thổ nước khác bằng hành động vũ trang đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật: Với sự xuất hiện nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia,  việc thay đổi chủ quyền lãnh thổ quốc gia bằng vũ lực hay bằng các thủ đoạn lấn chiếm khác đều là bất hợp pháp. Đồng thời sự xuất hiện nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết cũng đòi hỏi phải xem xét những hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng chiếm hữu, bằng chuyển nhượng, theo thời hiệu... để tìm ra những tiêu chuẩn pháp lý đúng đắn trong quan hệ quốc tế. Xem xét chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta cần nghiên cứu hai vấn đề:

- Thụ đắc chủ quyền bằng chiếm hữu.

- Thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu.

1. Thụ đắc chủ quyền bằng chiếm hữu

Trong những hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ, trước hết phải kể đến thụ đắc chủ quyền bằng chiếm hữu, tức là sự thụ đắc một vùng lãnh thổ vô chủ, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

Đến nay, khi những vùng lãnh thổ vô chủ hầu như không còn nữa, sự thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu đã mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Song nguyên tắc này vẫn được vận dụng trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ để chứng minh hay làm cơ sở chứng minh các quyền của một quốc gia với một vùng lãnh thổ nhất định.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự chiếm hữu đã trải qua hai giai đoạn: chiếm hữu tượng trưng và chiếm hữu thực sự.

Xuất hiện cùng với những phát kiến địa lý vĩ đại, sự chiếm hữu một thời gian dài mang tính chất hình thức. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, thuyết về quyền khám phá trước tiên và chiếm hữu tượng trưng được chấp nhận. Nhưng từ thế kỷ XIX, thuyết chiếm hữu thực sự lại trở thành cốt lõi của nguyên tắc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.

Ngày nay, trong luật pháp và tập quán quốc tế, người ta cho rằng chỉ có nguyên tắc chiếm hữu đầu tiên, thực sự, rõ ràng đối với đất vô chủ là có giá trị đem lại chủ quyền lãnh thổ cho quốc gia. Hành động chiếm hữu này phải là hành động của nhà nước. Đất vô chủ phải là đất không nằm trong hệ thống địa lý hành chính của một nước nào. Những vùng đất đã được biên chế chính thức vào hệ thống địa lý hành chính của một nước, dù vùng đất đó có hay không có đại diện thường trực tại chỗ của nhà nước, cũng không thể coi là đất vô chủ. Việc chiếm hữu bằng vũ lực, bằng hành động chiến tranh những vùng đất đã có chủ không bao giờ làm thay đổi được chủ quyền lãnh thổ.

Nguyên tắc nói trên không phải ngay một lúc đã hình thành và được chấp nhận mà phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài và phức tạp.

a. Nguyên tắc chiếm hữu tượng trưng

Từ đầu thế kỷ XIV, với sự phát triển của ngành hàng hải, những cuộc vượt biển đi tìm đất mới ngày một nhiều, đã thu hút sự chú ý của những người đứng đầu các vương quốc hùng mạnh. Sự kiện tìm ra quần đảo Canari năm 1130 của đoàn thủy thủ Tây Ban Nha; đoàn thủy thủ Pháp cập bờ biển châu Phi... đã thúc đẩy hàng loạt cuộc thám hiểm đường biển khác. Năm 1480, những người Bồ Đào Nha đến mũi cực nam châu Phi; 17 năm sau đó, Vasco da Gama đi vòng qua châu Phi đến ấn Độ bằng đường biển. Năm 1492, Christopher Columbus lần đầu tiên đặt chân lên lục địa châu Mỹ; 3 năm sau đó, Giovanni Cabot tìm ra Bắc Mỹ và vùng Đất Mới; năm 1499, Pedro Alvares Cabral đến bờ biển Nam Mỹ. Đầu thế kỷ XVI, đoàn thuyền của Ferdinand Magellan lần đầu tiên hoàn thành cuộc viễn du vòng quanh thế giới. Những cuộc thám hiểm ly kỳ hấp dẫn ấy càng lôi cuốn nhiều người đi tìm và làm chủ những vùng đất mới. Năm 1493, Giáo hoàng La Mã Alexander VI ra Sắc lệnh công nhận tất cả các vùng đất đã tìm thấy và sẽ tìm thấy cho hai  nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước đứng đầu hai dòng đạo Thiên chúa, theo một đường ranh giới khép kín vòng qua hai cực trái đất, cách phía tây quần đảo Capve 100 dặm.

Đặc quyền không thể chấp nhận này đã bị rất nhiều nước phản đối, nhất là Anh, Pháp, Hà Lan, những nước đang ra sức phát triển các đội chiến thuyền đi xâm chiếm thuộc địa để mở mang đế quốc. Họ đòi điều kiện chủ yếu của việc chiếm hữu lãnh thổ vô chủ phải là quyền khám phá trước tiên. Theo quan điểm này, một quốc gia qua trung gian của mình là một đội thuyền buôn, nếu cắm được cờ nước mình trước tiên lên một hòn đảo hay bờ biển hoang vắng, hoặc có khi chi cần nhìn thấy qua ống nhòm hay kính viễn vọng, là viên thuyền trưởng đã có thể tuyên bố quyền chiếm hữu đầu tiên và chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ đó Người ta dễ dàng nhận thấy hậu quả của thuyết này sẽ không dẫn đến đâu, nên chẳng bao lâu sau, nó đã bị bác bỏ.

 Sau khi luật gia người Hà Lan Grotius đã vận dụng những khái niệm về quyền sở hữu tài sản trong luật La Mã vào lĩnh vực chủ quyền lãnh thổ và thuyết về quyền chiếm hữu tượng trưng đã ra đời.

Thuyết này đòi hỏi nhà thám hiểm phải đổ bộ lên đảo hay bờ biển và phải lưu lại bằng chứng về việc mình đã đặt chân lên nơi đó, kèm theo một tuyên bố của nhà nước về sự khởi đầu quyền sở hữu. Như vậy phải có hai điều kiện:

Một là, điều kiện vật chất (corpus) nghĩa là phải có sự tiếp xúc vật chất giữa người chiếm hữu và đối tượng bị chiếm hữu.

Hai là, điều kiện tinh thần (animus remsibihabendi) nghĩa là người chiếm hữu phải biểu thị bằng hành động ý chí của  mình muốn chiếm hữu lãnh thổ ấy.

Hai điều kiện đó là đủ để một vùng đất vô chủ được coi là thuộc chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đã phát hiện ra nó mà không cần thiết lập sự kiểm soát trên thực tế.

Song cùng với sự phát triển của lịch sử, thuyết chiếm hữu tượng trưng ngày càng bộc lộ những thiếu sót và không còn được chấp nhận là cơ sở đầy đủ để thụ đắc chủ quyền lãnh thổ. Trước hết, một bằng chứng được lưu lại trên một vùng đất mới có thể chứng minh quyền khám phá trước tiên và ý chí thiết lập chủ quyền của một quốc gia đối với vùng đất đó, nhưng không thể xác định được phạm vi không gian của chủ quyền tới đâu. Nước Anh đã đòi chủ quyền đối với cả vùng Bắc Mỹ trong lúc Giovanni Caboto mới chỉ đi dọc theo bờ biển từ vĩ tuyến 560 đến 380 Bắc. Mặt khác, do điều kiện thông tin quốc tế lúc đó chưa phát triển nên đã dẫn tới tình trạng các nước không được thông tin đầy đủ và kịp thời về một vùng lãnh thổ nào đó đã được một quốc gia phát hiện và xác định thuộc về chủ quyền của mình. Còn những bằng chứng lưu lại như cờ, cây thập tự, cột gỗ v.v.. thì không phải bao giờ cũng giữ được nguyên vẹn trên những vùng đất mới phát hiện. Do đó đã xảy ra việc tái phát hiện và sáp nhập đi sáp nhập lại nhiều lần các vùng đất mới.

Một số luật gia đã bổ cứu thiếu sót này  bằng luận thuyết cho rằng, những bằng chứng tượng trưng như cắm cờ, dựng bia, ra tuyên bố... chưa đủ để chứng minh việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ, mà phải có những bằng chứng thực sự về việc thực hiện chủ quyền quốc gia như sự hiện diện của quốc gia, việc tiến hành các hoạt động thực hiện chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ bị chiếm hữu thì sự chiếm hữu mới có giá trị pháp lý. Thuyết này được đông đảo các luật gia và cả các chính phủ đồng tình ủng hộ.

b. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật pháp và tập quán quốc tế

Năm 1884, để giải quyết việc tranh chấp những vùng đất rộng lớn thuộc Congo (châu Phi), 13 nước châu âu và Mỹ đã họp hội nghị ở Berlin và ký Thỏa ước Berlin 1885, trong đó có hai điều khoản quy định:

1) Việc một quốc gia nào chiếm hữu một vùng lãnh thổ mới ở châu Phi đều phải được thông báo cho các nước tham gia hội nghị biết (Điều 34).

2) Các nước chiếm hữu phải bảo đảm sự tồn tại của một tổ chức chính quyền tại vùng lãnh thổ họ chiếm hữu để thi hành luật pháp, và khi cần thiết để bảo vệ tự do buôn bán và quá cảnh trong các điều kiện đã được quy định (Điều 35).

Thỏa ước Berlin tuy chỉ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Phi và chỉ ràng buộc 14 nước ký kết, nhưng hai điều kiện trên đã được chấp nhận làm cơ sở cho luật quốc tế về chủ quyền lãnh thổ và được Viện Pháp luật quốc tế Lausanne (Thụy Sĩ), đưa vào bản dự thảo tuyên bố ngày 7-9-1888 về chủ quyền lãnh thổ. Sau này Hòa ước Saint Germain ký ngày 10-9-1919 có một điều điều khoản bác bỏ Thỏa ước Berlin 1885, nhưng riêng hai điểm cơ bản nói trên vẫn được coi là tiêu chuẩn của việc xác lập chủ quyền lãnh thổ trên các vùng đất mới.

Từ đó đến nửa đầu thế kỷ XX, nhiều luật gia đã bổ sung thêm nhiều khía cạnh cụ thể. Ví dụ như việc thừa nhận chiếm hữu tượng trưng ở những nơi không có người ở hoặc ít người lui tới, còn ở các vùng đông dân cư thì chiếm hữu thực sự là điều kiện bắt buộc; hay chủ trương không nhất thiết phải có người ở mà việc chiếm hữu được coi là thực sự nếu quốc gia chiếm hữu có phương tiện thường xuyên lui tới lãnh thổ chiếm hữu đế kiểm soát quản lý. Những vùng đất tuy không có đại diện của nhà nước ở tại chỗ, thường xuyên, nhưng đã được các văn bản pháp lý chính thức xác nhận quyền chiếm hữu trước tiên, đã được biên chế vào trong hệ thống địa lý hành chính của nước đó và nhà nước đó đã có những hành động thực hiện chủ quyền một cách thực sự, rõ ràng, thì nếu quốc gia đó chưa có tuyên bố và hành động từ bỏ chủ quyền của mình, những vùng đất đó không thể coi là đất vô chủ. Luận thuyết này được áp dụng cho việc chiếm hữu các vùng đất ở châu Nam cực và các hòn đảo mà điều kiện địa lý không cho phép người dân đến định cư lâu dài.

Qua các quyết định của Tòa án quốc tế xét xử các vụ tranh chấp đảo Greenland giữa Đan Mạch và Na Uy, đảo Clipperton giữa Pháp và Mêhicô, đảo Palmas giữa Hoa Kỳ và Hà Lan... đến nay, theo tinh thần chung của luật pháp và tập quán quốc tế, sự thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng chiếm hữu chỉ có giá trị pháp lý khi nó đáp ứng những điều kiện cơ bản sau đây:

i) Vùng đất, đảo bị chiếm hữu phải là một lãnh thổ vô chủ, không nằm hoặc không còn nằm trong hệ thống địa lý hành chính của một quốc gia nào

Vùng đất, đảo đó có thể có hoặc không có người ở. Nhưng khái niệm vô chủ có nghĩa là vùng đất, đảo có không nằm trong hệ thống địa lý hành chính của bất cứ nước nào, hoặc tuy đã từng thuộc về một quốc gia nhưng quốc gia này đã từ bỏ vả không có ý định tiếp tục thực hiện chủ quyền của mình ở đó. Vùng đất, đảo như thế được coi là vô chủ và có thể trở thành đối tượng chiếm hữu của bất kỳ quốc gia nào. Thí dụ, đảo Saint Martin ở gần Guadeloupe thuộc Trung Mỹ do Tây Ban Nha chiếm hữu từ giữa thế kỷ XVII . Nhưng vì không có khả năng tổ chức quản lý, họ đã quyết định từ bỏ quyền chiếm hữu đảo, rút khỏi đảo sau khi đã phá hủy mọi thiết bị và công trình xây dựng. Đảo lại trở thành vô chủ. Người Pháp, người Hà Lan cùng một lúc đến chiếm đảo và tuyên bố thiết lập chủ quyền của nước họ. Cuộc tranh chấp đã được giải quyết như sau: nửa đảo nơi người Pháp đã đổ bộ lên thuộc chủ quyền của Pháp, còn nửa kia thuộc về Hà Lan.

Trường hợp đảo Palmas ở đông nam Philippin cũng nêu một tiền lệ. Năm 1606, Tây Ban Nha đã chiếm hữu hòn đảo này cùng với các đảo khác trong quần đảo Philippin. Nhưng họ mới chỉ tuyên bố quyền chiếm hữu tượng trưng, chưa có tổ chức hành chính và biện pháp cai trị gì, chưa có một văn bản chính thức nào của nhà nước về thực hiện chủ quyền đối với hòn đảo, và đến cuối thế kỷ XVII thì rút bỏ hoàn toàn. Sau đó Hà Lan đã chiếm hữu đảo và trong các năm 1667,    1697, 1785, 1885, 1889, họ đã ký một loạt hiệp nghị và văn kiện với các tù trưởng địa phương, với Công ty Đông ấn... có liên quan đến việc tổ chức hành chính, kinh tế... trên đảo. Tây Ban Nha biết, nhưng không có ý kiến gì. Sau khi cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc, theo Hòa ước Paris ký ngày 10- 12 - 1898, Tây Ban Nha nhường cho Mỹ quần đảo Philippin, trong đó gồm cả đảo Palmas. Đầu năm 1906, khi Mỹ đã tiếp quản thì thấy đảo đang do chính quyền Hà Lan quản lý. Sự việc được đưa ra Tòa án quốc tế La Haye và Hà Lan đã thắng cuộc. Vì sau khi Tây Ban Nha chấm dứt chủ quyền đối với đảo này, nó đã trở thành vô chủ. Hà Lan đã chiếm hữu đảo và tổ chức quản lý kiểm soát thực sự, công khai, liên tục.

Trái lại, có một hòn đảo ở Biển Bắc do Anh chiếm hữu; lợi dụng việc quản lý và bảo vệ đảo có lúc lỏng lẻo, một nước khác đã đến chiếm đảo, xây dựng ở đó một cơ sở đánh bắt và chế biến cá voi khá lớn, rồi tuyên bố chủ quyền của mình đối với hòn đảo. Trước Tòa án quốc tế, chủ quyền đã được trả lại cho Anh vì việc chiếm hữu một vùng đất đã có chủ là hành động bất hợp pháp.

Qua thực tiễn trên ta thấy, việc phát hiện ra một vùng đất, đảo có thể giữ vai trò quan trọng đối với việc chiếm hữu vùng đất đảo đó nếu nó là vô chủ, nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó đã được một quốc gia khác chiếm hữu. Mặt khác, nguyên tắc chiếm hữu thực sự đòi hỏi phải có sự kiểm soát và quản lý trên thực tế vùng lãnh thổ đã chiếm hữu. Vì vậy, phát hiện ra một vùng đất mới mới chỉ là mầm mống của quyền đối với vùng đất đó, và quyền có tính chất mầm mống ấy có thể mất đi nếu nó không được củng cố bằng những hành động tích cực khác để thiết lập sự chiếm hữu thực sự. Tuy nhiên, yếu tố phát hiện trong  quá khứ vẫn có thể được sử dụng khi cần thiết phải chứng minh nguồn gốc của việc thiết lập chủ quyền.

ii) Việc chiếm hữu phải là hành động của nhà nước

 Việc chiếm hữu một vùng lãnh thổ phải là một hành động có tính chất nhà nước, nghĩa là được thực hiện bởi những viên chức đại diện cho nhà nước hoặc những người được nhà nước ủy quyền, thì mới có giá trị pháp lý. Hành động của những người mang tư cách cá nhân, hoặc của những tập thể, tổ chức tư nhân đều không có giá tri pháp lý để xác định chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các hành động của tư nhân với danh nghĩa công dân của một quốc gia, dù chưa được nhà nước đó chứng nhận, cũng có thể có một ý nghĩa nhất định. Như khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ, những hành động này sẽ là chứng cứ có lợi cho một quốc gia nếu phía bên kia không có một hành động có ý nghĩa pháp lý nào được thực hiện.

iii) Việc chiếm hữu phải là thực sự, rõ ràng

Cơ sở của sự chiếm hữu thực sự là phải thiết lập một cơ chế nhà nước cần thiết nhằm mục đích kiểm soát, quản lý, bảo vệ vùng lãnh thổ đã chiếm hữu và thực hiện trên thực tế quyền tài phán ở đó. Đây là một điều kiện pháp lý quan trọng đã được Tòa án quốc tế vận dụng khi xét xử các vụ tranh chấp lãnh thổ, như vụ tranh chấp quần đảo Minquier và écrehous giữa Anh và Pháp năm 1950. Pháp thì lập luận là năm 1204, sau khi quan hệ giữa Anh và Pháp bị cắt đứt, vua Philip II Augustus đã nắm lầy quần đảo Minquier và về địa lý hành chính, quần đảo này vốn phụ thuộc quần đảo Jersey của Pháp. Còn Anh thì đã chứng minh chủ quyền của mình đã được thiết lập ở đây từ nhiều thế kỷ. Họ dẫn ra hàng loạt bằng chứng như: những biện pháp pháp lý đối với những vụ phạm pháp hình sự trên quần đảo trong các năm 1881, 1883, 1891, 1913 và 1921; việc đặt quần đảo này thành một hải cảng ở biển Manche... Cuối cùng, Tòa án đã xử cho Anh thắng cuộc.

Đúng như luật gia ấn Độ S.Sác ma đã nhận xét: "Trong khi xác định tính thực sự của việc thực hiện chủ quyền, các tòa án quốc tế quan tâm nhiều đến những bằng chứng có quan hệ trực tiếp đến việc sở hữu vùng lãnh thổ tranh chấp hơn là đến những bằng chứng được dùng để khẳng định các quyền có tính chất trừu tượng đã có được từ những thời xa xưa".

Trước đây, một số luật gia cho rằng, để thiết lập sự quản lý và kiểm soát một vùng lãnh thổ thì không thể thiếu việc tổ chức dân cư. Ngày nay, với những vùng lãnh thổ không có dân cư việc kiểm soát có thể được tiến hành bằng các phương tiện kỹ thuật, do đó việc tổ chức dân cư không còn là biện pháp duy nhất. Luật gia H.Uônđơ cho rằng: "Theo luật pháp quốc tế hiện đại, tiêu chuẩn có tính chất quyết định quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ nhất định là việc thực hiện chức năng nhà nước một cách phù hợp với các điều kiện của vùng lãnh thổ đó và với một khối lượng cần thiết đề thi hành các nghĩa vụ của quốc gia theo luật quốc tế".

Khi xét xử tranh chấp đảo Greenland giữa Đan Mạch và Na Uy, Tòa án quốc tế đã công nhận chủ quyền của Đan Mạch đối với Đông Greenland, mặc dù trước đó ở đây không có dân Đan Mạch, còn về sau thì có cả dân Na Uy. Tòa kết luận: "Có ý định hành động với tư cách là người có chủ quyền lãnh thổ và có sự thực hiện trên thực tế quyền lực nhà nước là đủ”.

Trong vụ tranh chấp đảo Clipperton, trọng tài tuyên bố: “Nếu một vùng lãnh thổ không có dân cư từ thời điểm chiếm hữu đầu tiên của một quốc gia mà thuộc chủ quyền hoàn toàn và không thể tranh cãi được của quốc gia đó, thì việc chiếm hữu có thể được coi là đầy đủ”. 

Luật pháp quốc tế đòi hỏi việc thực hiện các chức năng nhà nước trên vùng lãnh thổ chiếm hữu phải mang tính liên tục, bởi vì việc đình chỉ một hoạt động như vậy trong một khoảng thời gian tương đối dài mà không khôi phục lại nó có thể được hiểu là sự từ bỏ vùng lãnh thổ này và không có ý định tiếp tục thực hiện chủ quyền ở đó.

Tuy nhiên, yêu cầu thực hiện các chức năng nhà nước một cách thường xuyên, liên tục không có nghĩa là phải có tính định kỳ thật đều đặn. Nhà nghiên cứu Xô-viết B.M.Klimencô cho rằng: "Khoảng cách giữa những hành động thực hiện chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đã chiếm hữu có thể khác nhau, phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể, kể cả vị trí của vùng lãnh thổ và tình hình dân cư ở đó".

Như vậy đối với những vùng lãnh thổ khó đi đến, tính liên tục của việc thực hiện chủ quyền không có ý nghĩa tuyệt đối mà phụ thuộc vào mức độ cần thiết và khả năng đi đến v`ùng lãnh thổ đã chiếm hữu đó.

iv) Tính hòa bình của sự chiếm hữu, việc chiếm hữu phải được dư luận đương thời chấp nhận

Yêu cầu về tính hòa bình của sự chiếm hữu có nghĩa là sự chiếm hữu  không được là sự tước đoạt quyền của một quốc gia khác bằng vũ lực hay bằng hoạt động lén lút, việc chiếm hữu phải công khai và được dư luận đương thời chấp nhận.

Ngày nay, người ta thường dùng hình thức tuyên bố hoặc thông báo bằng các phương tiện thông tin đại chúng để công khai hóa các sự kiện. Nhưng đối với các sự kiện xảy ra trong quá khứ khi quan hệ quốc tế chưa phát triển rộng rãi, việc công khai hóa các sự kiện chỉ bằng hình thức gián tiếp hoặc tay đôi, thì khi xem xét việc một nước đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ, người ta chỉ chú ý đến việc lãnh thổ này trước đó đã thuộc chủ quyền của một nước nào chưa? Sự chiếm hữu ấy có bị nước nào chống lại không và dư luận đương thời đã chấp nhận hay phủ nhận chủ quyền đối với vùng đất ấy?... Trên cơ sở đó, đánh giá cơ sở pháp lý của chủ quyền nước đó đối với vùng lãnh thổ.

Một số luận cứ khác cũng được đưa ra để biện minh quyền chiếm hữu đối với một vùng đất, nhưng đã bị luật pháp và tập quán quốc tế cũng như thực tế lịch sử bác bỏ.

Trước khi nguyên tắc chiếm hữu thực sự có vị trí vững chắc trong luật pháp quốc tế, có lúc các nguyên tắc kế cận địa lý và liên tục lãnh thổ đã được đưa ra để vận dụng.

Có những nước lập luận rằng một số đảo tuy nằm ở ngoài lãnh hải nhưng ở gần lãnh thổ nước họ hoặc nằm trên phần kéo dài liên tục của lãnh thổ nước họ, nên phải thuộc về chủ quyền của họ. Lập luận này được sử dụng nhằm mở rộng các yêu sách lãnh thổ ra ngoài ranh giới vùng lãnh thổ có trong thực tế.

Việc xác định chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc kế cận địa lý hoặc liên tục lãnh thổ vì không có ranh giới rõ ràng nên đã làm nảy sinh nhiều tranh chấp. Đến khi sự kiểm soát của các quốc gia đối với lãnh thổ của mình được tăng cường, chủ quyền lãnh thổ được xác định trên những vùng lãnh thổ có đường biên giới quốc gia được định hình rõ ràng thì nguyên tắc kế cận địa lý và liên tục lãnh thổ đã bị bác bỏ và nhường chỗ cho nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Kết luận của Tòa án quốc tế về cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Hà Lan đối với đảo Palmas đã chỉ rõ: "Yếu tố kế cận địa lý không thể được thừa nhận là một biện pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ vì nó hoàn toàn không chính xác và nếu áp dụng nó thi sẽ dẫn đến những kết quả độc đoán".

Đã có những lập luận: Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982  đã thừa nhận các quyền thuộc chủ quyền của nước ven biển đối với thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của đất liền của nước đó ra biển, như thế có nghĩa là Công ước đã chấp nhận nguyên tắc liên tục của lãnh thổ. Tất nhiên, sự liên tục lãnh thổ là nguồn gốc của những lợi ích kinh tế, chính trị, chiến lược và các lợi ích khác của quốc gia có thể dẫn tới việc quốc gia thiết lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên điều này cũng chỉ có giá trị đối với một vùng lãnh thổ ngập nước chưa được luật pháp quốc tế xác định tính chất chủ quyền lãnh thổ tức là còn vô chủ, chứ không thể áp dụng đối với các đảo và vùng lãnh thổ ngập nước đã được luật pháp quốc tế xác định tính chất chủ quyền lãnh thổ từ lâu.

Trong thực tiễn quốc tế đã có rất nhiều trường hợp yếu tố kế cận địa lý không được lấy làm cơ sở để xác định chủ quyền lãnh thổ. Trong vụ tranh chấp đảo Clipperton, một hòn đảo ở Thái Bình Dương cách bờ biển Mexico 500 hải lý và cách nước Pháp trên 10.000 hải lý, nhưng Tòa án quốc tế đã kết luận đảo đó thuộc nước Pháp vì Pháp đã thiết lập chủ quyền trên đảo này trước tiên. Đảo Cocos cách Ôxtrâylia tới 2.500 và ở gần Inđônêxia hơn nhưng lại thuộc chủ quyền của Ôxtrâylia. Hòn đảo Boign, Sai bai cách bờ biển Papua New Guinea 4 km, cách Ôxtrâylia 140 km nhưng thuộc chủ quyền của Ôxtrâylia. Đảo Corse- quê hương của Na-pô-lê-ôn ở cách xa bờ biển nước Pháp gấp mấy lần khoảng cách tới bờ biển Italia, nhưng lại thuộc Pháp.

Một số người vin vào “sự tối cần thiết về an ninh - quốc phòng" của nước mình đề đòi hỏi chủ quyền đối với một vùng đất, đảo nào đó. Thực chất đây chỉ là một biến tướng của thuyết "không gian sinh tồn" của phát xít Đức trước đây. Dựa vào thuyết này, chúng đã lần lượt xâm chiếm lãnh thổ của các nước xung quanh.

Từ quang Dụ trong báo Quân giải phóng Trung Quốc ngày 3- 4-1987 đã đưa ra một luận điểm về “đường biên giới địa lý và đường biên giới chiến lược". Tác giả của nó lập luận: đường biên giới địa lý là đường biên giới tương đối ổn định đã được các văn bản pháp lý công nhận. Còn đường biên giới chiến lược là một đường biên giới co giãn, thể hiện sức mạnh tổng hợp của một quốc gia, và phục vụ cho lợi ích sinh tồn, lợi ích kinh tế, an ninh và khoa học của quốc gia đó. Nếu nước nhỏ, yếu không đủ sức bảo vệ đường biên giới địa lý của mình thì đường biên giới chiến lược sẽ phải lùi vào phía trong đường biên giới địa lý và lâu dần sẽ bị mất đất đai lãnh thổ. Còn nước lớn mạnh thì có đủ sức đưa đường biên giới chiến lược ra xa ngoài đường biên giới địa lý và nếu khống chế được đường biên giới chiến lược đó lâu dài từ sẽ mở rộng được lãnh thổ của mình. Đối chiếu với tình hình trong nước, tác giả đã kết luận: "... cần phải đưa quốc môn (cửa ngõ quốc gia) của mình ra đến những vùng biển rộng lớn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Theo luận điểm này, chủ quyền lãnh thổ được thu hẹp hay mở rộng chỉ phụ thuộc vào sức mạnh. Thực chất đây cũng chỉ là một biến tướng của thuyết "không gian sinh tồn" đã nói ở trên với một cái vỏ khác mà thôi. Đây là một luận điệu vô cùng nguy hiểm, biện hộ cho chiến tranh xâm lược, lắp ngòi nổ cho các cuộc chiến tranh liên miên, đe dọa sự ổn định và hòa bình của khu vực và của thế giới.

2. Thụ Đắc chủ quyền theo thời hiệu

Trong các hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ, cũng cần xem xét nguyên tắc thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu, một nguyên tắc mà một số nước lợi dụng để mạo nhận chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ mà họ đang chiếm đóng một cách bất hợp pháp.

Thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu trong luật pháp quốc tế được hiểu là thụ đắc chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ bằng chiếm hữu trên thực tế trong một thời gian dài và không có sự tranh chấp trực tiếp, tuy về mặt pháp lý chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Thuyết thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu đã hình thành vào thời kỳ mà việc gây chiến tranh xâm lược và xâm chiếm bằng vũ lực những vùng lãnh thổ của các nước khác chưa bị luật pháp quốc tế lên án và cấm đoán, còn nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết thì chưa được coi là một tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Về sau thuyết này bị coi là không phù hợp với những nguyên tắc và tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế hiện đại, trừ trường hợp sự thụ đắc chủ quyền lãnh thổ không phải là xâm chiếm bằng vũ lực những vùng lãnh thổ của nước khác và không vi phạm quyền dân tộc tự quyết.

Người ta phân biệt hai trường hợp thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu diễn ra từ lúc bắt đầu sự chiếm hữu:

- Chiếm hữu một vùng lãnh thổ mà trước đó đã được coi là thuộc về một quốc gia khác.

- Chiếm hữu một vùng lãnh thổ mà nguồn gốc không rõ ràng, còn bị tranh cãi hoặc khó chứng minh tính hợp pháp của việc chiếm hữu.

Trong trường hợp thứ nhất, việc bắt đầu chiếm hữu một vùng lãnh thổ của nước khác nhằm mục đích tạo ra chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó theo thời gian chiếm hữu, là bất hợp pháp.

Trong trường hợp thứ hai, nguồn gốc của sự bắt đầu chiếm hữu không rõ ràng, sự chiếm hữu vào thời điểm đó chưa được hình thành một cách đầy đủ, sự tồn tại chủ quyền trước đó đối với vùng lãnh thổ này vẫn có thể bị tranh cãi.

Sự khác nhau giữa chiếm hữu thực sự và thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu là ở chỗ: sự chiếm hưu thực sự hàm ý cả quyền sở hữu lãnh thổ về pháp lý và trên thực tế (de jure et de facto) còn thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu chỉ đòi hỏi sự thực hiện chủ quyền quốc gia trên thực tế (de facto) đối với lãnh thổ đó mặc dù trong nột thời gian dài, về mặt pháp lý (de jure) vùng lãnh thổ đó không phải là bộ phận lãnh thổ của quốc gia Còn sự giống nhau là ở chỗ việc thực hiện quyền lực quốc gia và chức năng nhà nước thích hợp với các điều kiện của vùng lãnh thổ trong hai trường hợp đều như nhau.

Sự thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu đòi hỏi việc thực hiện chủ quyền trên thực tế đối với một vùng lãnh thổ trong một thời gian tương đối dài, nhưng thực tiễn luật pháp quốc tế chưa hề định ra một thời hạn chung nào cho tất cả mọi trường hợp.

Luật pháp quốc tế hiện đại đã phê phán và không chấp nhận nguyên tắc thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu vì nó đã nhiều lần bị lợi dụng để biện minh cho những hành động xâm lược. Một số nước đã dùng hành động quân sự hoặc lén lút xâm chiếm những vùng lãnh thổ vốn thuộc chủ quyền của một nước khác, thiết lập quyền kiểm soát ở đó rồi lợi dụng nguyên tắc thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu, lâu dần biến lãnh thổ nước khác thành lãnh thổ của mình một cách bất hợp pháp. Sự chiếm đoạt lãnh thổ của nước khác một cách bất hợp pháp như vậy đã vi phạm cùng một lúc ba nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế hiện đại thừa nhận: nguyên tắc cấm đe dọa bằng vũ lực  và sử dụng vũ lực, nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Những hành động đó nhất định sẽ bị luật pháp quốc tế và dư luận tiến bộ trên thế giới lên án mạnh mẽ.

II. Quan điểm của các nước tham gia vào cuộc tranh chấp hai quần đảo với Việt Nam

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời. Nhưng do hai quần đảo ở vào vị trí chiến lược trọng yếu trên Biển Đông, đồng thời lại chứa đựng những tài nguyên quý giá, nên từ đầu thế kỷ XX nhiều nước đã và đang tìm mọi cách tranh chấp hai quần đảo này.

Tình hình tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này đã diễn ra rất phức tạp. Có nước nhảy vào chiếm đóng trái phép một cách trắng trợn, có nước lại đi dần từng bước, vừa thăm dò, vừa lấn chiếm. Có nước thì bộc lộ ý đồ tranh chấp đã gần trăm năm nay, có nước gần đây mới bắt đầu xen vào cuộc tranh chấp.

Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa có Nhật Bản và Trung Quốc. Tranh chấp quần đảo Trường Sa thì có Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Philíppin và Malaixia.

Vào những năm 20  của thế kỷ XX, Nhật Bản lấy lý do người Nhật đã từng đến lập nghiệp và khai thác phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa để đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo này. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật đã cho quân chiếm đóng hai quần đảo và lập những căn cứ quân sự ở đó. Năm 1945, Nhật thua trận, đã phải rút quân khỏi hai quần đảo, trả lại chủ quyền cho Pháp. Tháng 9-1951, tại Hội nghị San Francisco, Nhật đã chấp nhận ghi trong Hòa ước: "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Âm mưu của Nhật tranh giành quyền làm chủ đối với hai quần đảo này đến đây chấm dứt.

Nước Anh, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, sau mấy chục năm xen vào tranh chấp với nhà cầm quyền Pháp ở quần đảo Trường Sa, cuối cùng tự thấy không có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục cuộc tranh chấp nên cũng đã lặng lẽ rút lui.

Cho đến nay chỉ còn lại Trung Quốc và Đài Loan tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Philíppin và Malaixia tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo ở quần đảo Trường Sa.

Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét hành động và yêu sách của các nước này trong việc tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo ở quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

1. Trung Quốc

Cho đến đầu thế kỷ XX, hàng loạt tài liệu và bản đồ chính thức và nửa chính thức của Trung Quốc đều vẽ đảo Hải Nam là điểm cuối cùng về phía nam của lãnh thổ Trung Quốc (như Đại Thanh đế quốc toàn đồ do Thương vụ ấn thư quán Thượng Hải ấn hành năm 1905, in lại lần thứ 4 năm 1910) hoặc ghi rõ ràng: "Điểm cực nam của Trung Quốc nằm trên bờ biển Châu Nhai, phủ Quỳnh Châu - tức đảo Hải Nam (như Hoàng Triều nhất thống dư địa toàn đồ in năm 1894, cũng như trong cuốn Trung Hoa địa lý học giáo khoa thư của Tuke năm   1906).

Năm 1895- 1896, hai chiếc tàu Bellona của Đức và Imezin Maru của Nhật chở đồng cho Anh bị đắm ở Hoàng Sa, người dân Trung Quốc ở đảo Hải Nam ra cướp đồng trên hai chiếc tàu đó đem về bán. Người Anh lên tiếng phản đối, thì Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Đông) trả lời rằng quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc, do đó Trung Quốc không chịu trách nhiệm gì về việc đó cả.

Năm 1909, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc bộc lộ tham vọng đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng cách cho hai pháo thuyền nhỏ tiến hành một cuộc thăm dò chớp nhoáng lên vài hòn đảo của quần đảo Hoàng Sa trong một ngày đêm.

Vào khoảng giữa những năm 30 của thế kỷ XX, lần đầu tiên bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam được thể hiện dưới cái tên Trung Quốc "Tây Sa quần đảo" và "Nam Sa quần đảo" trong bản đồ phụ tỉnh Quảng Đông, in trong tập Trung Quốc phân tỉnh tân đồ xuất bản ở Thượng Hải.

Cuối năm 1946, một năm sau khi Nhật Bản bại trận phải rút khỏi Đông Dương, lợi dụng lúc tình hình ở đây chưa ổn định chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc đã cho một số tàu chiến đưa quân ra đổ bộ lên mấy hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Chính phủ Pháp đã chính thức lên tiếng phản đối hành động bất hợp pháp này và cho tàu chiến đưa quân đổ bộ lên lập lại trạm đồn trú trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 1-12-1947, Tưởng Giới Thạch ký một sắc lệnh đặt tên cho các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà họ gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa" đồng thời sáp nhập hai quần đảo vào lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1950, khi chính quyền Quốc dân Đảng thất trận ở lục địa Trung Hoa phải rút về Đài Loan thì cũng rút luôn số quân chiếm đóng trái phép mấy đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 15- 8- 1951, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức nêu yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo:"Các quần đảo Tây Sa (túc Hoàng Sa của Việt Nam) và Năm Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) cũng như các quần đảo Đông Sa và Trung Sa (thực ra là một bãi ngầm chưa nổi lên khỏi mặt nước) lúc nào cũng là lãnh thổ Trung Quốc". Điều đáng lưu ý là yêu sách chính thức này được đưa ra tiếp sau việc công bố Trung Hoa nhân dân Cộng hòa quốc phân tỉnh tinh đồ in năm 1950, trong đó có bản đồ phụ vẽ ba quần đảo ở Biển Đông: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (mà họ gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa), quần đảo Đông Sa và bãi ngầm Macclesfield (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa), thể hiện đường quốc giới trên biển của Trung Quốc ôm lấy gần như toàn bộ Biển Đông (trên 80%) đi sát bờ biển của Philíppin, mở rộng đến tận vĩ độ 40 Bắc sát bờ biển Malaixia, xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của nhiều nước ở chung quanh Biển Đông.

Năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp đóng ở quần đảo Hoàng Sa đang rút lui, quân đội của chính quyền Sài Gòn chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc cho quân đội ra chiếm nhóm phía đông quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan cho quân đội ra chiếm đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa.

Đêm 20 rạng ngày 21- 2- 1959, Trung Quốc cho lính giả làm "ngư dân" đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa hòng chiếm nốt nhóm đảo phía tây còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Các đơn vị hải quân Sài Gòn đồn trú trên các đảo này đã kịp thời đối phó, bắt giữ 5 chiếc tàu và 82 người giả danh thợ đánh cá của Trung Quốc.

Tháng 1-1974, được sự đồng tình và làm ngơ của đế quốc Mỹ, lợi dụng lúc nhân dân Việt Nam đang phải tập trung vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, quân đội Sài Gòn đang mất tinh thần trước những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Trung Quốc đã huy động một lực lượng hải quân, không quân quan trọng đánh chiếm nốt nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa.

Điều đáng lưu ý là trong hành động xâm chiếm này có sự câu kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 2-2-1974, đại sứ của chính quyền Sài Gòn tại Mỹ là Trần Kim Phượng đã báo cáo rằng: "Qua cuộc trao đổi với trợ lý ngoại trưởng Arthur Hummel, thành viên Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng, thấy rõ là ngoại trưởng Kissinger chỉ coi cuộc tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa như là một vấn đề ngoài lề, thậm chí là một điều bất lợi trong khung cảnh sự phối hợp với Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Việt Nam". Vì thế khi đó Hạm đội 7 của Mỹ đang ở trong Biển Đông đã nhận được nghiêm lệnh không được có bất cứ hành động can thiệp nào.

Từ đó đến nay Trung Quốc đã ra sức tăng cường xây dựng quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ quân sự liên hợp, có cầu cảng, sân bay để làm bàn đạp mở rộng xâm lược xuống quần đảo Trường Sa ở phía nam mà từ trước đến nay họ chưa bao giờ đặt được chân tới.

Ngày 30-7-1977, Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa tuyên bố: "Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết".

Để chuẩn bị kế hoạch xâm chiếm quần đảo Trường Sa, từ năm 1981   hải quân Trung Quốc đã đưa sở chi huy hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giang, đồng thời xây dựng hàng loạt căn cứ ở Trạm Giang, Hải Khẩu, Dục Lâm, Bắc Hải và điều những phương tiện đổ bộ hiện đại nhất từ phía bắc xuống bổ sung cho hạm đội Nam Hải. Họ cũng cho năm tàu chiến của hạm đội Bắc Hải thực hiện một chuyến thăm dò trinh sát ở vịnh Bắc Bộ. Năm 1983, họ lại cho hai tàu chiến lớn thực hiện một chuyến đi dài 6.000 hải lý tới cực nam quần đảo Trường Sa để thăm dò trinh sát, đồng thời liên tục cho các tàu đánh cá vũ trang xuống hoạt động ở vùng biển này.

Tháng 6-1984, Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập khu hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 5-9-1987, Hội nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đề nghị của Thủ tướng Triệu Tử Dương thành lập tỉnh Hải Nam là tinh thứ 30 của Trung Quốc và giao cho Quốc vụ viện chuẩn bị trình Quốc hội khóa VII phê chuẩn vào đầu năm 1988.

Tờ Liên hợp báo, một tờ báo lớn của Đài Loan cho rằng hành động này có tầm quan trọng chiến lược ngang với việc Trung Quốc đưa quân vào Tây Tạng năm 1950 mà hệ quả là đã đẩy đường biên giới phía tây nam của Trung Quốc tới phía bắc dãy núi Himalaya.

Năm 1987, từ ngày 16-5 đến ngày 16-6 Trung Quốc tiến hành diễn tập ở quần đảo Trường Sa có sự tham gia của nhiều tàu thuộc Hạm đội Nam Hải; cuối tháng 6 lại tổ chức một cuộc diễn tập đồ bộ có thủy quân lục chiến tham gia ở quần đảo Hoàng Sa với tình huống giả định có sử dụng cả vũ khí hóa học. Khi đó dư luận phương Tây đã bình luận rằng các cuộc diễn tập này có lẽ sẽ có những hậu quả rộng lớn khắp vùng Đông Nam á. Tiếp đó, họ lại tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập khác: tháng 7, diễn tập cấp cứu trên biển. Tháng 9, không quân, hải quân diễn tập bắn phá các mục tiêu trên Biển Đông. Tháng 10 và 11, Hạm đội Nam Hải diễn tập thực binh trên biển dài ngày có nhiều loại tàu tham dự từ phía bắc xuống phía nam quần đảo Trường Sa.. Đồng thời núp dưới danh nghĩa khảo sát khoa học, họ cho nhiều tàu đi thu thập tin tức tình báo ở các đảo phía nam quần đảo Trường Sa, cắm bia chủ quyền trên hòn đảo Luixa (mà họ gọi là đảo Nam Thông) ở phía nam quần đảo Trường Sa, công bố kết quả khảo sát nói là đã tiến hành ở xung quanh 200 hòn đảo san hô trên Biển Đông với diện tích 82.000 km2. Tháng 2, họ cho hạ thủy chiếc tàu chở máy bay trực thăng đầu tiên của hải quân Trung Quốc và tổ chức diễn tập hành quân đường dài trên Biển Đông với 70 lần chiếc tàu thuyền tham gia, đồng thời thành lập các lữ đoàn lính thủy đánh bộ và chuyển lực lượng này xuống quần đảo Hoàng Sa.

Từ cuối tháng 1- 1988, Trung Quốc đã điều động nhiều tàu chiến xuống quần đảo Trường Sa và đã cho bốn tàu trong đó có cả tàu khu trục mang tên lửa cản trở và khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở vùng biển thuộc quần đảo này. Họ đã tập trung ở đây một lực lượng hải quân mạnh gấp nhiều lần lực lượng tiến công quần đảo Hoàng Sa năm 1974  và đưa lực lượng quân sự lên chiếm trái phép hai bãi đá Chữ Thập và Châu Viên là hai bãi san hô còn chưa nổi hẳn lên trên mặt nước thuộc quần đảo Trường Sa. Họ cho tàu chiến đi sục sạo, thăm dò các đảo có quân đội Việt Nam đóng giữ, đổ quân lên một số bãi đá khác trong cụm đảo Nam Yết và Sinh Tồn của ta. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 14-3-1988, tàu chiến Trung Quốc có trang bị pháo 100 ly và tên lửa đã trắng trợn tiến công bắn cháy và bắn chìm ba tàu vận tải của Việt Nam hoạt động ở khu vực đảo Sinh Tồn. Khi tàu cấp cứu của Việt Nam có treo cờ chữ thập đỏ vào cấp cứu tàu bị nạn, tàu chiến Trung Quốc đã ngăn cản việc thực hiện công việc nhân đạo này. Họ còn cho quân lên chiếm thêm một số bãi đá ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn với ý đồ chiếm đóng lâu dài. Đúng như tờ báo Người hướng dẫn khoa học đạo Kitô (Mỹ) ngày 1 6-3-1988 đã nhận xét: "Các cuộc thao diễn hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông đang hỗ trợ cho những ý kiến khẳng định của những người lãnh đạo các nước Đông Nam á là Bắc Kinh có những mục đích bá quyền ở khu vực".

Cùng với những hành động nói trên, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã tìm mọi cách dựng nên các bằng chứng, tạo ra các luận cứ để cố chứng minh rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc từ thời kỳ xa xưa, hòng giành lấy sự công nhận của dư luận quốc tế đối với cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với hai quần đảo từ rất lâu vốn của Việt Nam. Tuy đã mất nhiều công sức nhưng những lập luận của họ hoàn toàn không có giá trị, vì không có cơ sở pháp lý.

Những tờ báo lớn của Trung Quốc như Nhân dân nhật báo, Quang Minh nhật báo, Văn hối báo... và văn kiện do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 30-1-1980 đã trích dẫn nhiều cuốn sách, nhiều tư liệu từ các thế kỷ trước để chứng minh cho quan điểm của họ. Dưới đây lấy là một số lập luận chính mà họ thường nhắc đi nhắc lại.

a. Lập luận về sự “phát hiện từ lâu của nhân dân Trung quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như nhiều sách báo khác thường trích dẫn những cuốn sách như Nam Châu di vật chí, Phù Nam truyện đời Tam Quốc (220-265) để cố chứng minh từ lâu người Trung Quốc đã phát hiện ra "Tây Sa" và "Nam Sa". Họ nói: "Từ đời Tây Hán, Đông Hán, Trung Quốc đã mở đường ra Nam Hải, lúc đó gọi là Trướng Hải (?). Đời Tam Quốc phát hiện các bãi cát ngầm gọi là Từ Thạch ở Nam Hải, gây khó khăn cho tàu bè qua lại".

Họ lại dẫn các sách Lĩnh ngoại địa, Chư phiên chí... để chứng minh: "Đời Tống, kỹ thuật hàng hải phát triển, địa hình đáy biển được hiểu rõ thêm, các đảo Nam Hải được chính thức đặt tên là Thạch Đường, Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, Cửu Nhũ Sa Thạch, Thất Châu Dương...". Họ nói: Đời Nguyên, đoàn thuyền của Sử Bật đã đi qua những đảo ở Nam Hải. Đời Minh, Trịnh Hoà trong bảy lần qua các đại dương phía tây, đã ghi chép về những đảo ở Nam Hải và vẽ thành bản đồ. Có nhiều sách hướng dẫn hàng hải như Đảo di chí lược, Đông Tây dương khảo, Chỉ nam chính pháp. . . ghi chép tỉ mỉ tình hình vùng biển đảo ở Nam Hải. Đời nhà Thanh, những bản đồ và sách vở ghi chép về các đảo ở Nam Hải có nhiều hơn nữa như Đông Dương, Nam Dương hải đảo đồ, Hải quốc kiến văn lục, Sứ Tây ký trình. . .”.

Những sách được trích dẫn kể trên phần lớn là các sách ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục... của các nước ngoài như: chuyện về nước Bồ Nam (Phù Nam truyện), về các nước phiên thuộc (Chư phiên chí) về những điều tai nghe mắt thấy ở các nước ngoài biển (Hải quốc kiến văn lục), các đất nước bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc (Lĩnh ngoại địa). Một số sách khác là bút ký ghi lại hành trình của một vài nhân vật Trung Quốc đi ra nước ngoài như Sử Bật, Trịnh Hoà (Sử Bật truyện, Vũ bị chí), Chuyện Quách Tùng Bảo đi sứ sang nước Anh như Doanh hoàn chí lược, sách hướng dẫn hàng hải hoặc địa lý hàng hải như Đông Tây dương khảo, Chỉ nam chính pháp, Đông Dương, Nam Dương hải đảo đồ v.v..

Nội dung được trích dẫn từ các sách đó nói chung chỉ là sự miêu tả địa lý vùng biển, đảo hoặc những điều các tác giả nhận biết được trên đường hàng hải từ Trung Quốc đi ra nước ngoài: "Đi về hướng đông bắc, có những mỏm núi rất lớn, lô nhô, đi ra Trướng Hải nước nông vừa phải, có nhiều từ thạch..." hoặc "trong bản đồ có vẽ những chỗ nguy hiểm gọi là thạch sàng" hoặc "qua Thất Châu Dương, Vạn lý Thạch Đường là biên giới giữa đất Giao Chỉ và Chiêm Thành v.v..

Trong các đoạn trích dẫn đó không có một câu nào nói lên được mối quan hệ về địa lý hành chính giữa các quần đảo nói trên với lãnh thổ Trung Quốc, cũng không có một câu nào nhắc đến chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này.

Ví dụ trong cuốn Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống có đoạn viết: "Phía đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng, mênh mông vô bờ, trời nước một màu. Các thuyền qua lại chỉ dựa vào kim chỉ nam, ngày đêm phải chú ý cẩn thận, chỉ sai một chút xíu là đã quan hệ đến vấn đề sống chết". Vậy trong đoạn văn này ý nào của Triệu Như Quát nói lên Thiên Lý Trường Sa, Vạn lý Thạch Sàng là đất Trung Quốc?

Còn những tên cổ mà Trung Quốc cho là các sách nói trên đã “đặt” cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù có đúng để chỉ hai quần đảo này đi chăng nữa, thì cũng chỉ là những tên mà người Trung Quốc thời xưa dựng để mô tả địa lý nước ngoài hoặc đường hàng hải ở Biển Đông. Tên gọi mỗi đời, mỗi sách một khác. Đời Hán gọi là Từ Thạch. Đời Tống lúc gọi là Cửu Nhũ Loa Thạch, lúc gọi lả Thất Châu Dương, lúc gọi là Vạn Lý Thạch Đường. Đời Minh - Thanh khi thì viết Cữu Nhũ Loa Châu, khi lại viết Thạch Tinh Thạch Đường hoặc Vạn Sinh Thạch Đường. Hẳn là người trước đi qua trông thấy đặt một cái tên, người sau đi qua lại đặt một tên khác. Nhưng cái tên nào chỉ quần đảo Hoàng Sa, tên nào chỉ quần đảo Trường Sa? Lấy gì để chứng minh đó đúng là tên gọi những quần đảo này vào thời đại ấy? Nên những địa danh ấy hoàn toàn không có cơ sở và giá tri pháp lý để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Trong văn kiện ngày 30- 10- 1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tìm cách giải thích: "Vạn Chấn (Nam châu dị vật chỉ đời Hán khi nói về hành trình đi biển từ  bán đảo Mã Lai đến lục địa Trung Quốc đã viết là "ra Trướng Hải, cạn nhưng nhiều từ thạch. Trướng Hải tức Nam Hải ngày nay. Nói "từ thạch" ở đó bao gồm quần đảo Tây Sa và Nam Sa lúc đó cát chưa nhú lên mặt nước, cát ngầm, tàu thuyền chạm đến là mắc cạn khó mà ra được, đó gọi là "từ thạch". Nam châu dị vật chí chỉ nói "nhiều từ thạch". Vậy tại sao có thề suy diễn vả kết luận rằng ' nói từ thạch ở đó bao gồm quần đảo Tây Sa và Nam Sa"?

Cũng cần nói là hàng loạt tên mà các sách cũ của Trung Quốc đưa ra, đến nay vẫn còn là vấn để phải nghiên cứu, không thể chủ quan gán ghép tên này là chỉ "Tây Sa", tên kia chỉ "Nam Sa". Ví dụ trong cuốn sách Đánh giá lại Mã Hoan, hai tác giả Min và Duyvăngđát cho rằng "Thạch Đường" lả bãi ngầm Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa). Nhưng Grôennơven, người dịch Sử Bật truyện lại cho rằng "Vạn Lý Thạch Đường" mới là bãi ngầm Macclesfield. Ngay một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có ý kiến khác với ý kiến của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong cuốn Lưỡng chủng hải đạo chân kinh do Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1961  , có câu chú thích: "Khó tin rằng Vạn Lý Thạch Đường là phần phía nam của quần đảo Tây Sa... Vạn Lý Trường Sa phải là phần phía bắc của quần đảo Tây Sa". Như vậy, theo sách này Vạn Lý Thạch Đường không phải là Trường Sa, cũng không phải là Trung Sa và Vạn lý Trường Sa lại là quần đảo "Tây Sa" (tức Hoàng Sa của Việt Nam).

Những ví dụ trên cho thấy lập luận của Trung Quốc về việc họ "phát hiện từ lâu” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn không có cơ sở thực tế và pháp lý.

b. Lập luận về sự "không ngừng cần cù khai thác" của nhân dân Trung Quốc đối với hai quần đảo

Trong bài Từ thời cổ xưa, những hòn đảo ở Nam Hải là lãnh thổ nước ta đăng trên tờ Quang Minh nhật báo (24-11-1975) và Nhân dân nhật báo (25-11-1975) tác giả Sư Đệ Tổ viết: “Từ thời cổ xưa, trong thực tiễn đi lại và sản xuất lâu đời ở Nam Hải, nhân dân nước ta đã đầu tiên phát hiện ra những hòn đảo này, không ngừng cần cù khai phá và kinh doanh, lần đầu  tiên tiến hành công việc cai quản và thực hiện chủ quyền, do đó làm cho những hòn đảo, mỏm đá và cồn cát này từ trước đến nay trở thành một bộ phận của lãnh thổ nước ta". Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã trích dẫn một đoạn nói là trong sách Quỳnh đài ngoại ký đời Minh: "Mỗi khi bão thổi tới, thủy triều dâng lên dữ dội, huỷ hoại nhà cửa, vùi ngập ruộng đất..." để khẳng định là "ngay từ cuối thế kỷ XV sang đầu thế kỷ XVI, nhân dân đảo Hải Nam đã ra định cư ngày càng nhiều, xây nhà, làm ruộng, trồng cây, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm...".

Trong văn kiện ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cố chứng minh rằng ngư dân Trung Quốc từ lâu đã khai thác "Tây Sa" và "Nam Sa" bằng những lời lẽ chung chung như "từ đời Hán Vũ đế trước công lịch hai thế kỷ, nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu đi lại trên "biển Nam", "đã khắc phục mọi khó khăn, lũ lượt đến hai quần đảo này cần cù khai thác, làm ăn", "ngư dân Trung Quốc muộn nhất cũng đã bắt đầu sinh sống và hoạt động sản xuất như đánh cá chẳng hạn, trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa từ đời Đường, đời Tống".

Trong nhiều tài liệu, Trung Quốc công bố đã đào được trên một vài hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa những đồ sứ, đồ sành, như lọ sành men đời Đường, bát sứ lớn men xanh, lọ sứ men xanh đời Bắc Tống và những dụng cụ sinh hoạt như dao sắt, nồi sắt, xương chim... một số tiền đồng đời nhà Tần, nhà Đường, Bắc Tống... và kết luận: "Tất cả những thứ đó bày ra trước mắt chúng ta một bức tranh sinh động về việc nhân dân Trung Quốc thời kỳ Đường, Tống đã khai phá, sinh sống, làm ăn trên những đảo ở Nam Hải liên tục cho đến nay chưa hề khi nào gián đoạn".

Với tất cả những bằng chứng cố tạo ra đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhiều nhất cũng chỉ có thể chứng minh được rằng ngư dân Trung Quốc đã từng đến đây đánh cá cùng với ngư dân của nhiều nước khác, chứ không có cơ sở để khẳng định rằng người Trung Quốc "đến đây sớm nhất" và "chỉ có họ" đến đây mà thôi. Hơn nữa việc ngư dân Trung Quốc có đến "Tây Sa" và "Nam Sa" đâu phải là một bằng chứng pháp lý để chứng minh "Tây Sa" và "Nam Sa" là lãnh thổ của Trung Quốc.

Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu người của nhiều nước đã từng qua lại Biển Đông. Từ thời xa xưa ngoài người Việt Nam, còn có người Inđônêxia, người ảrập, người Ba Tư, người ấn Độ đã qua lại vùng biển này và từ thế kỷ XIV-XV còn có người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... đâu phải chỉ có người Trung Quốc là đã đi lại, làm ăn và "phát hiện" các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc người dân nước này sang làm ăn sinh sống trên lãnh thổ một nước khác vốn là một điều bình thường và phổ biến trong quan hệ quốc tế. Những kiều dân đó dù đông mấy cũng không thể làm thay đổi chủ quyền của nước sở tại. Luật pháp quốc tế không coi thành phần dân cư là một tiêu chuẩn để xác định chủ quyền lãnh thổ: Vì vậy việc dân Trung Quốc đã có lúc qua lại, làm ăn sinh sống trên các hòn đảo ở biển Nam, cho dù là có thật, thì cũng không thể biện minh gì cho vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo đó.

Việc tìm thấy vài đồng tiền cổ, vài mảnh bát vỡ trên quần đảo Hoàng Sa cũng không thể là bằng chứng để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo. Xưa nay việc giao lưu, thông thương giữa các nước là chuyện bình thường. Các nhà khảo cổ đã từng đưa lên khỏi lòng đất của đất nước họ những di vật của các nước khác. Những đồng tiền cổ, đồ dùng bằng bạc nạm vàng, đồ dệt của Vương quốc Ba Tư cổ đại đã được phát hiện khá nhiều trên đất Trung Quốc. Trống đồng Đông Sơn của Việt Nam cũng đã tìm thấy ở 130 địa điểm trên đất nước Trung Quốc: Tiền cổ Tây Ban Nha, tiền La Mã từ thế kỷ II cũng đã được tìm thấy ở Việt Nam. Nhưng những điều đó không làm thay đổi được chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên đất nước Trung Quốc, cũng như chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất nước Việt Nam. Vì thế xưa nay khảo cổ học không hề đóng một vai trò gì về mặt pháp lý trong việc khẳng định hoặc phủ định chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ.

Lập luận của Trung Quốc về sự "không ngừng cần cù khai thác" là hoàn toàn không có căn cứ và giá trị pháp lý.

c. Lập luận về "sự cai quản" của các triều đại Trung Quốc đối với hai quần đảo

Trong tất cả các lập luận được đưa ra, đối với Trung Quốc điểm mấu chốt là làm sao chứng minh nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu hai quần đảo “Tây Sa" và "Nam Sa" từ bao giờ và đã cai quản hai quần đảo có như thế nào?

Đây là một điểm yếu nhất đã làm cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc đau đầu và cũng chính ở điểm này họ tỏ ra lúng túng, gượng gạo nhất và đã phải dùng nhiều thủ pháp cắt xét, gán ghép tư liệu một cách lộ liễu nhất để đạt được mục đích của họ.

Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30-1-1980 viết: "Chính phủ các triều đại Trung Quốc đã thực hiện việc cai quản đối với hai quần đảo này". Để chứng minh họ đưa ra một số sự kiện có ý nghĩa điển hình cho suốt cả một  thời kỳ dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, trong đó có mấy sự kiện được nhấn mạnh nhiều nhất.

Sự kiện thứ nhất mà văn kiện đưa ra nói là trích dẫn trong cuốn Vũ kinh tổng yếu viết đời Nhân Tông Bắc Tống (1023-1064): "Triều đình Bắc Tống (từ năm 960 đến 1127) lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ, đặt dinh luỹ tuần biển ở Quảng Nam (tức Quảng Đông ngày nay). Chiến hạm ra biển đi từ Đồn Môn Sơn, dùng gió đông, hướng tây nam bảy ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu. Điều đó chứng tỏ quần đảo Tây Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đời Bắc Tống. Vì vậy đã cử chiến hạm đi tuần nơi này".

Thực ra trong Vũ kinh tổng yếu đoạn này dịch theo nguyên văn như sau: "Lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ, đặt dinh luỹ thủy quân tuần biền ở hai cửa biển phía đông và phía tây rộng 280 trượng, cách Đồn Môn Sơn 200 dặm đóng tàu chiến đao ngư".

“Từ Đồn Môn Sơn dùng gió đông đi về hướng tây nam bảy ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu, đi ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới nước Hoàn Châu lại đi ba ngày nữa đến Lăng Sơn Đông có nước ngọt. Đi nữa về phía tây nam là các nước Đại Thực Phật, Sư Tử, Thiên Trúc không thể tính được hành trình”.

Theo nguyên văn đoạn trích trên đây của cuốn Vũ Kinh tổng yếu thì đoạn trên ghi chép sự kiện vua Tống Nhân Tông ra lệnh đặt dinh luỹ thủy quân tuần biển ở hai bên cửa sông Châu Giang thuộc Quảng Châu, Trung Quốc. Đoạn dưới mô tả hành trình đi biển từ cửa biển Quảng Châu qua Biển Đông sang ấn Độ Dương. Hoàn toàn không phải là nói thủy quân Trung Quốc đi tuần tra đến vùng  quần đảo "Tây Sa", không có ý nào khẳng định "Cửu Nhũ Loa Châu (mà văn kiện nói trên chú thích là quần đảo "Tây Sa") là thuộc về Trung Quốc.

Sự kiện thứ hai xảy ra sau sự kiện thứ nhất khoảng 300 năm, được văn kiện nói trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn dắt như sau: "Đời Nguyên năm thứ nhất tiến hành đo đạc thiên văn 27 nơi trong nước, đời Nguyên năm thứ 16 (năm 1279) nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt đích thân sai Đồng Tri thái sử viện sự Quách Thủ Kính, nhà thiên văn nổi tiếng, đến biển Nam Hải tiến hành đo đạc. Kết quả đo đạc cho thấy Nam Hải ở vị trí vĩ tuyến 150 Bắc. Điểm thiên văn Nam Hải chính là ở quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó nói rõ quần đảo Tây Sa thời Nguyên đã nằm trong biên thuỳ Trung Quốc".

Trong Nguyên sử, bộ sử chính thức của nhà Nguyên, sự kiện đo đạc thiên văn nói trên được ghi chép như sau: "Việc đo bóng mặt trời bốn biển ở 27 nơi. Phía đông tới Cao Ly, phía tây tới Điền Trì, phía nam qua Chu Nhai, phía bắc tới Thiết Lặc"'. Dưới đầu để "đo đạc bốn biển" Nguyên sử chép rõ tên 27 nơi đo đạc trong đó có Cao Ly, Thiết Lặc, Bắc Hải, Nam Hải.

Đối chiếu với nguyên bản, ta thấy việc đo đạc thiên văn ở 27 nơi nói trên không phải là trong nước như văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, mà là đo đạc bốn biển nên mới có những địa điểm nằm ngoài biên giới ngày nay của Trung Quốc như: Cao Ly nay là Triều Tiên, Thiết Lặc nay thuộc vùng Xibia (Liên bang Nga), Bắc Hải nay là vùng biển phía bắc Xibia, Nam Hải tức Biển Đông. Và dù cho địa điểm đo đạc ở Nam Hải có nằm trên quần đảo  "Tây Sa" thật thì điều đó cũng không có nghĩa là "Tây Sa" nằm trong "cương vực Trung Quốc đời Nguyên". Chính Nguyên sử (phần địa lý chí)  cũng đã nói rõ "cương vực" Trung Quốc đời Nguyên phía nam chỉ đến Chu Nhai (tức đảo Hải Nam ngày nay), phía bắc không quá sa mạc Gôbi, và trong toàn bộ tác phẩm không có một câu nào nói đến cả "Tây Sa" lẫn "Nam Sa".

Sự kiện thứ ba xảy ra sau sự kiện thứ hai hơn 430 năm mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc cố soi tìm trong lịch sử mới thấy để đưa vào văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30-1-1980: "Từ năm 1710 đến năm 1712, đời Khang Hy nhà Thanh từ năm 49 đến năm 51, phó tướng thủy sư Quảng Đông Ngô Thăng từng thống lĩnh thủy quân đi tuần biển từ Quỳnh Nhai, qua Đồng Cổ, qua Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, vòng quanh ba ngàn dặm, đích thân đi tuần tra xem xét. Gọi Thất Châu Dương ở đây tức vùng biển Tây Sa ngày nay. Lúc bấy giờ do hải quân Quảng Đông phụ trách đi tuần".

Chúng ta hãy xem các địa điểm nêu trong đoạn nói trên là ở đâu?

Theo Trung văn đại từ điển xuất bản ở Đài Loan năm 1963, Quỳnh Nhai tức "đạo binh bị Quỳnh Nhai" đời thanh, lỵ sở ở phía bắc đảo Hải Nam tại Quỳnh Sơn, gần thị trấn Hải Khẩu ngày nay.

Trong Trung Quốc tân dư đồ in ở Thượng Hải năm 1917, Đồng Cồ ở mỏm đông bắc đảo Hải Nam, Tứ Canh Sa là bãi cát phía tây đảo Hải Nam. Còn "Thất Châu Dương" được Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi chú là "Tây Sa ngày nay" thì ở đâu?

Trong Quỳnh Châu phủ chí năm Khang Hy thứ 15 (năm1676) đoạn nói về đảo Hải Nam viết: "Núi Thất Châu Dương ở cách phía đông huyện hơn 100 dặm, trong biển có bảy ngọn núi đứng liền nhau, kề nhau với núi Đồng Cổ, đều có cửa đá". Như vậy Thất Châu Dương là vùng có bảy hỏn đảo nhỏ ở phía đông đảo Hải Nam.

Trong mảnh hải đồ số 5012 của Hải quân Trung Quốc in năm 1965  tỷ lệ 1/500000 mang tên "Bán đảo Lôi Châu và đảo, Hải Nam, hiện còn lưu ở Hải quân Nhân dân Việt Nam ghi chú bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Trung Quốc, ở phía đông bắc đảo Hải Nam có vẽ một nhóm đảo ghi tên quần đảo Thất Châu, giữa quần đảo Thất Châu và bờ biển đảo Hải Nam có ba chữ Thất Châu Dương được viết bằng hai thứ tiếng, tiếng Trung Quốc in mực đen, tiếng Việt in mực đỏ.

Trong bản đồ Nam Hải địa hình đồ tỷ lệ 1/3000000 do Sở nghiên cứu hải dương Nam Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc chủ biên, Địa đồ xuất bản xã xuất bản lần thứ nhất tháng 5-1984, ở phía đông bắc đảo Hải Nam về một nhóm đảo ghi tên Thất Châu liệt đảo, giữa quần đảo Thất Châu và bờ biển đảo Hải Nam có ba chữ Thất Châu Dương và ngay dưới đó có ghi Đồng Cổ Giác (Mũi Đồng Cổ).

Như vậy tất cả các địa danh được nêu trong văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều nằm ở xung quanh đảo Hải Nam. Cuộc tuần biển của phó tướng thủy sư Ngô Thăng chi diễn ra quanh đảo Hải Nam đã bị xuyên tạc thành cuộc tuần biển ở "vùng biển quần đảo Tây Sa" và "Thất Châu Dương" là nhóm đảo ở sát ngay bờ biển phía đông bắc đảo Hải Nam lại biến thành "vùng biển Tây Sa".

So sánh các đoạn trích dẫn trong văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với nguyên bản các tác phẩm do chính văn kiện ấy nêu ra, có thể dễ đàng thấy rõ cả ba sự kiện nói trên đều không liên quan gì đến quần đảo "Tây Sa", không có điều nào nói lên quần đảo "Tây Sa" là của Trung Quốc, mà chi có sự suy diễn của những người viết ra văn kiện đó mà thôi.

Lục lọi đống tài liệu của nhiều thế kỷ sau đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ đưa ra thêm được chuyện "năm 1909  Lý Chuẩn dẫn hơn 170 lính thủy đi trên mấy chiếc tàu tuần tiểu nhỏ thi sát vùng biển quần đảo Tây Sa, bắn pháo, treo cờ, lập lại chủ quyền trên đảo Vĩnh Hưng" và chuyện "chính quyền tỉnh Quảng Đông tháng 5-1928 lập đội điều tra quân chính và các nhà khoa học đi quân hạm đến quần đảo Tây Sa điều tra tại chỗ và làm báo cáo tường tận".

Theo luật pháp quốc tế, việc tuần tra, thậm chí cả việc chiếm cứ bằng hành động chiến tranh hoặc bằng phương tiện quân sự cũng không thể đem lại chủ quyền lãnh thổ, huống chi một cuộc đổ bộ chớp nhoáng, lén lút của Lý Chuẩn lên một vài hòn đảo trong vòng một ngày đêm rồi vội và rút lui. Đó chỉ là một hành động bất hợp pháp, vì khi đó quần đảo Hoàng Sa đã là bộ phận lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam ít ra cũng từ mấy trăm năm trước, không còn là đất vô chủ nữa.

Trong suốt cả lịch sử gần 2.000 năm, chỉ tìm ra được có mấy dẫn chứng mơ hồ và xuyên tác về "sự cai quản" của các triều đại Trung Quốc thì thật là quá nghèo nàn, ít ỏi!

Lập luận về "sự cai quản" của Trung Quốc đối với hai quần đảo là không có cơ sở thực tế và không phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

d. Lập luận về "sự tiếp nhận hai quần đảo từ tay quân đội Nhật Bản"

Ngày 15-8-1951, Trúng Quốc tuyên bố: "Mặc dù những đảo này (tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) đã có lúc bi Nhật Bản chiếm đóng một thời gian do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật đầu hàng, Chính phủ Trung Hoa đã thu hồi những đảo đó".

Trước hết, trong lịch sử, hai quần đảo này chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc nên không thể có cái gọi là Trung Quốc "thu hồi" hay "tiếp nhận" hai quần đảo này từ tay quân đội Nhật.

Một năm trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân Pháp, mượn cớ để khai thác nhưng thực ra để thực hiện âm mưu lập căn cứ chiến lược làm bàn đạp tiến công vùng Đông Nam á. Cuối tháng 3-1939, Nhật Bản thông báo quyết định đặt quần đảo Trường Sa (lúc này vẫn do Pháp đóng quân) dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, và suốt cả thời gian chiến tranh, Nhật Bản đã đóng quân trên hai quần đảo này cho tới  khi đầu hàng Đồng minh.

Trong Tuyên cáo Cai rô (Ai Cập) ngày 27-11-1943 do Tổng thống Mỹ Rudơven, Thủ tướng Anh Sớcsin và Tưởng Giới Thạch cùng ký chỉ nói: "Tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản cướp của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ phải được trả lại cho Trung Hoa dân quốc". Nếu như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thực là của Trung Quốc và bị Nhật chiếm đoạt thì trong lúc chỉ có đại diện Trung Quốc tham gia cuộc họp, Pháp và Việt Nam đều không có mặt để bảo vệ chủ quyền của mình thì có thời cơ nào tốt hơn để Trung Quốc đưa ra yêu cầu giao trả hai quần đảo đó cho mình? Thế nhưng bản Tuyên cáo Cairô đã không hề nhắc đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong số những đảo mà Nhật phải trả lại cho Trung Quốc.

Hội nghị những người đứng đầu ba nước lớn (Mỹ, Anh, Trung Quốc) ở Pốtxđam tháng 7-1945 cũng khẳng định: "Các  điều khoản của bản Tuyên cáo Cai rô sẽ được thi hành" tức là vẫn không đả động gì đến cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị Pốtxđam cùng thoả thuận lấy vĩ tuyến 160 Bắc để làm chuẩn để chia Đông Dương ra làm hai khu vực giải pháp quân đội Nhật, phía bắc giao cho quân đội Tưởng Giới Thạch, phía nam do liên quân Anh - ấn thực hiện. Quần đảo Hoàng Sa ở khoảng vĩ độ 15045’ đến 17015’ nên giao cho quân đội Tưởng Giới Thạch, còn quần đảo Trường Sa ở vĩ độ 120 trở xuống nên giao cho liên quân Anh - ấn.

Trong Hòa ước San Francisco ký ngày 8-9-1951 có Chương II về vấn đề lãnh thổ, Điều 2 của chương này có 6 điểm, mỗi điểm đề cập đến nghĩa vụ của Nhật Bản đối với một quốc gia hoặc một khu vực.

Điểm a): nói về nền độc lập của Triều Tiên.

Điểm b): nói về đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ

Điềm c): nói về quần đảo Curin, bán đảo Xakhalin.

Điểm d): nói về chế độ ủy trị của Hội Quốc liên.

Điểm e): nói về vùng Nam Cực.

Điềm f): nói về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Nguyên văn điềm 2 (b) như sau: "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với đảo Đài Loan (Formosa) và quần đảo Bành Hồ (Pescadores).

Điểm 2 (f): "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands).

Rõ ràng điểm 2 (b) nói về các đảo của Trung Quốc, điểm 2 (f) nói về các đảo của Việt Nam. Trong Hội nghị có ý kiến đề nghị đưa điểm 2 (f) vào điểm 2 (b) nhưng đã bị gạt khỏi chương trình nghi sự với 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. ý đồ gộp quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và các đảo của Trung Quốc đã bị bác bỏ. Cũng tại Hội nghi San Francisco, ngày 7-9-1951, khi Thủ tướng Trần Văn Hữu, trưởng đoàn đại biểu chính phủ Bảo Đại, tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo thì không một nước nào trong số 51 nước dự Hội nghi lên tiếng phản đối hoặc bảo lưu.

Qua đó ta thấy, từ Tuyên cáo Cairô, Hội nghi Pốtxđam đến Hòa ước San Francisco, không có văn bản nào để cập đến vấn đề trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản chiếm đoạt từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Điều này chứng tỏ đại biểu các nước dự các hội nghi đó không ai cho rằng quần đảo này thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Việc quân đội Tưởng Giới Thạch cũng như liên quân Anh - ấn vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật chỉ là làm nhiệm. vụ tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật theo quyết định của Hội nghị Pốtxđam chứ tuyệt nhiên không có liên quan gì đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trên đất liền, quân đội Trung Quốc ở phía bắc, liên quân Anh - ấn ở phía nam vĩ tuyến 16 vào giải giáp quân đội Nhật nhưng chủ quyền đất nước vẫn nằm trong tay nhân dân Việt Nam, thì trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng vậy.

Lập luận Trung Quốc đã "thu hồi" những đảo này từ tay quân đội Nhật là không đúng sự thật và không có cơ sở pháp lý.

e. Lập luận về "chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đã được công nhận trong các sách báo và bản đồ của một số nước"

Văn bản của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã viện dẫn một vài bản đồ của một vài nước trong những năm gần đây (tất cả đều in sau năm 1945) có ghi "Tây Sa" và "Nam Sa" để chứng minh rằng chủ quyền đối với hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc.

Lập luận và những bản đồ được viện dẫn đều in sau khi Trung Quốc nhảy vào cuộc tranh chấp. Những bản đồ đó có thề dựa vào những nguồn thông tin sai lạc do Trung Quốc cố tình đưa ra hoặc cũng có thể chỉ sao chép một cách không có ý thức những bản đồ do Trung Quốc xuất bản. Vì vậy, có thể hiểu được tại sao trên một vài tấm bản đồ nước ngoài nào đó đã có sự thể hiện sai lệch mà Trung Quốc đã lợi dụng để chứng minh "chủ quyền" của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc còn viện dẫn một tấm bản đồ và một cuốn sách giáo khoa lớp 9 của Việt Nam trước đây đã dùng tên Tây Sa và Nam Sa do Trung Quốc đặt ra, đề nói rằng Việt Nam đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo.

Phải chăng, theo quan điểm của Trung Quốc, một tác giả hoặc một tập thể tác giả của nước này hay nước khác, khi biên vẽ bản đồ, khi biên soạn sách, chỉ bằng nét vẽ hay lời văn, hữu ý hoặc vô tình, do thông tin sai lạc hay do thiếu kiến thức, lại có thể có thẩm quyền chuyển một bộ phận lãnh thổ của nước này sang cho nước khác?.

Trong thực tiễn, luật pháp và tập quán quốc tế không thừa nhận những tài liệu, bản đồ không chính thức là bằng chứng có ý nghĩa quyết đinh trong việc xác đinh chủ quyền lãnh thổ. Ai cũng biết rằng khi có sự tranh chấp, mỗi bên đều tìm cách viện dẫn các tư liệu, bản đồ có lợi cho mình, trong đó có thể có những thông tin sai lạc, hay tạo dựng có dụng ý. Cho nên chỉ có các văn kiện, bản đồ đã được ghi trong các hiệp ước quốc tế hoặc đã được các bên có liên quan ký kết thừa nhận mới có đầy đủ giá tri Pháp lý trong những vấn đề có liên quan tới chủ quyền lãnh thổ.

Trong phán quyết về vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, trọng tài quốc tế đã biểu thị quan điểm "coi các bản đồ là những chứng cứ gián tiếp", "chỉ với một thái độ cực kỳ thận trọng mới có thề tính đến việc dùng các bản đồ để giải quyết một vấn đề về chủ quyền lãnh thổ", và "khi mà trọng tài biết chắc chắn rằng có những sự kiện pháp lý có tính chất quyết định mâu thuẫn với những nội dung khẳng định của những người vẽ bản đồ mà ta không rõ lấy nguồn thông tin ở đâu, thì hoàn toàn có thể bỏ qua giá trị của bản đồ dù cho nó có nhiều và được đánh giá cao đến đâu chăng nữa”.1

f. Về tuyên bố việc “Việt Nam lật lọng với Trung Quốc”

Văn kiện ngày 30-1-1980 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng trước kia, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã “công nhận” các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, nay lại phủ nhận điều đó. Họ dẫn ra mấy việc trong đó có Công hàm ngày 14-9-1958 và Tuyên bố ngày 9-5-1965 của Chính phủ Việt Nam.

Mọi người còn nhớ vào những năm đó, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chưa được nhận vào Liên hợp quốc, tàu chiến của Đài Loan luôn luôn vào quấy phá đất liền, tàu chiến Mỹ thường thâm nhập vùng biển Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo hàng trăm lần. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc đưa ra tuyên bố về quy định lãnh hải, nhưng tuyên bố này chưa được nhiều nước chú ý tới. Với nhiệt tình ủng hộ sự nghiệp Cách mạng chính đáng của nhân dân Trung Quốc, với thái độ hữu nghị, thiện chí và tôn trọng quy định của một nước láng giềng anh em, ngày 14-9-1958 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi Chính phủ Trung Quốc một công hàm toàn văn như phần 2.

Năm 1965, khi đưa quân viễn chinh trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ tuyên bố khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ bao gồm Việt Nam và vùng nước kế cận cách bờ biển Việt Nam khoảng 10 hải lý. Lúc ấy nhân dân Việt Nam phải dùng mọi hình thức đấu tranh, cô lập kẻ thù, tranh thủ bạn đồng minh, tận dụng mọi sự giúp đỡ quốc tế để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ tàn bạo của đế quốc Mỹ. Tuyên bố ngày 9-5-1965 của Chính phủ Việt Nam chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử đó.

Cũng cần nói rõ thêm là năm 1965 khi chính quyền Johnson quy định khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc không hề có phản ứng gì, mặc nhiên coi đây là việc riêng giữa Việt Nam và Mỹ, không liên quan gì đến Trung Quốc. Thái độ này giống như thái độ của triều đình Mãn Thanh trong những năm 1895- 1896 khi đáp lại sự phản kháng của Anh trong sự kiện tàu Bellona và tàu Imezi Maru đã nói ở trên.

g. Một luận điệu mới: “Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không phải “Tây Sa” và “Nam Sa” của Trung Quốc.

Văn kiện ngày 30-1 -1980 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kết thúc bằng một sự khẳng định bất ngờ đến kỳ cục: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam không phải là quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc, mà chỉ có thể là “những đảo và bãi cát ven biển miền Trung Việt Nam”. Họ còn nói Việt Nam không thể chứng minh được rằng quần đảo Trường Sa là quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc. Đây là một luận điệu mới từ trước đến nay chưa bao giờ được Trung Quốc đưa ra.

Trong văn kiện nói trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như trong tạp chí Thế giới tri thức số 14 năm 1980, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng phải thừa nhận là có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đồng thời họ lại nói là cũng có quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ họ phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nên tìm cách nói lái sang một hướng khác.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong khi tìm cách xuyên tạc bài báo năm 1837 của giám mục J.L.Taberd ngụy biện rằng theo như lời văn trong bìa báo thì quần đảo “Paracels mà giám mục mô tả chỉ là những đảo và bãi cát ven biển miền Trung Việt Nam, lại không biết hoặc cố tình quên rằng một năm sau, năm 1838, giám mục J.L.Taberd đã cho in tấm bản đồ An Nam địa quốc hoạ đồ trong cuốn từ điển Latinh- An nam. Trong bản đồ đó, phía ngoài các hòn đảo ở ven biển miền Trung Việt Nam như Cù lao Chàm, Cù lao Ré, Cù lao Xanh v.v... có vẽ một phần quần đảo Hoàng Sa và ghi rõ ràng “Paracels tức Cát Vàng” (Paracels seu Cat Vang) ở đúng vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt nam trên các bản đồ hiện đại. Như vậy J.L.Taberd đã phân biệt rất rõ quần đảo Paracels ở ngoài Biển Đông với các đảo ở ven biển miền Trung Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng trích dẫn xuyên tạc các tác phẩm cổ của Việt Nam để chứng minh rằng Bãi Cát Vàng trong bản đồ của Đỗ Bá, Hoàng Sa trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã viết:“ở ngoài cửa biển An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa có núi gọi là Cù lao Ré... phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa... đi ba ngày đêm thì mới đến”. (Đại Trường Sa là tên chung của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời đó).

Văn kiện ngày 30-1-1980 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Về chiều dài và diện tích, tài liệu Việt Nam viết: Bãi Cát Vàng “ước dài 30 dặm”, “bằng phẳng rộng lớn”. Nhưng chiều dài của đảo Vĩnh Hưng (tên mà họ đặt cho đảo Phú Lâm của Việt Nam) đảo lớn nhất trong quần đảo “Tây Sa” cũng không tới 2km, diện tích cũng chỉ 1,85km2”. Song nếu họ nhìn vào bản đồ ở khoảng vĩ độ 16o15’ Bắc, kinh độ 111o40’ Đông chắc sẽ thấy ngay cồn Cát Vàng là một cồn san hô, hình thành một vành đai san hô mà trong các bản đồ phương Tây ghi là “Banc de Découverte” nằm ở phía nam nhóm Lưỡi Liềm, có chiều dài khoảng gần 30km, chiều rộng khoảng gần 10km, giữa có hồ nước lặng, đúng như Lê Quý Đôn đã mô tả trong Phủ biên tạp lục:“Trong các đảo có cồn Cát Vàng (Hoàng Sa chử) dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy”.

Văn kiện nói trên lại viết: “Về đặc trưng địa hình và núi mạo, tài liệu Việt Nam viết: quần đảo Hoàng Sa có cá núi linh tinh hơn 130 ngọn. Thế nhưng, các đảo thuộc quần đảo Tây Sa chỉ cao hơn mặt biển 5-06 mét, chỗ cao nhất cũng chỉ 15,9 mét, địa thế thấp, bằng phẳng, hoàn toàn không có nhiều núi. Quần đảo Tây Sa có tất cả 35 đảo, đá ngầm và bãi cát, nên càng không có cái gọi là 130 ngọn núi”.

Ở đây có hai vấn đề:

Thứ nhất là, các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm ra vẻ không biết rằng các hòn đảo ở ngoài biển theo chữ Hán thường được gọi là “sơn”, thí dụ chỉ ở ven bờ biển tỉnh Triết Giang của Trung Quốc đã có tới 40- 50 hòn đảo mang tên “sơn” như: Đan Sơn, Trương Bạch Sơn, Đại Ngũ Sơn, Trung Vệ Sơn, Nhất Giang Sơn, Động Đầu Sơn, Bạch Sơn, Đại Dương Sơn v.v... ở Việt Nam tên nhiều đảo cũng mang thêm chữ “sơn” như Lý Sơn, Ngoại La Sơn (Cù Lao Ré), Cửu Đầu Sơn, Lò Chúc Sơn v.v... Nguyên văn chữ Hán trong Phủ biên tạp lục viết: “Hải ngoại chi đông bắc hữu đảo dự yên, quần sơn linh tinh bách nhất thập dư đỉnh” rõ ràng là nói về đảo chứ không phải núi trên đất liền như các học giả Trung Quốc bắt bẻ.

Hai là, các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm như không biết rằng những thế kỷ trước đây cho đến thời Lê Quý Đôn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được gộp làm một và gọi dưới một tên chung là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa... trong các bản đồ hàng hải phương Tây trước đây hai quần đảo được vẽ gộp làm một như vậy. Mãi đến thế kỷ gần đây, khi khoa học hàng hải và đo đạc bản đồ phát triển mới tách ra thành hai quần đảo riêng biệt. Ngay trong Đại Nam nhất thống toàn đồ in khoảng năm 1838, tuy đã ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa riêng biệt nhưng  vẫn vẽ chung hai quần đảo làm một.

Năm 1958, 82 người Trung Quốc cải trang ngư dân đi trên 5 chiếc thuyền giả danh đánh cá đổ bộ lên ba đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã bị quân đội Sài Gòn bắt giữ. Về vụ này Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối, trong đó họ cũng xác nhận những người đó bị bắt ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ nói là quần đảo “Tây Sa” của Trung Quốc.

Tháng 1- 1974, nhà cầm quyền Sài Gòn tố cáo Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố biện bạch cho hành động xâm lược của họ cũng không thể chối cãi được là cuộc xung đột đã xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” chứ không phải ở các đảo ven biển miền Trung Việt Nam.

Như vậy, lập luận của Trung Quốc: Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không phải là “Tây Sa” và “Nam Sa” của Trung Quốc, tự nó đã không thể đứng vững được.

i. Về lập luận “quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa” nằm trên thềm lục địa Trung Quốc kéo dài từ Mông Cổ đến Boócnêô”.

Đã có một thời gian, trong một số tài liệu và trên báo chí, Trung Quốc đưa ra lập luận cho rằng quần đảo "Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và quần đảo "Nam Sa" tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) nằm trên thềm lục địa Trung Quốc kéo dài từ Mông Cổ đến Boócnêô nên chúng thuộc về Trung Quốc. Các ngành khoa học vật lý hải dương, địa chất của Trung Quốc đều ra sức tìm tòi, nghiên cứu để cố chứng minh luận cứ đó.

Nhưng như trên đã trình bày, luật pháp quốc tế đã kết luận là không thể lấy yếu tố địa lý như cấu tạo địa chất, địa hình, vị trí kế cận hoặc tiếp giáp làm cơ sở để xác định chủ quyền lãnh thổ. Giáo sư J.P. Ferrer đã nhận xét: "Luận cứ của Trung Quốc nói rằng thềm lục địa Trung Quốc kéo dài từ Mông Cổ đến Boócnêô bao gồm các đảo trên thềm lục địa Boócnêô và tất nhiên là cả quần đảo “Hoàng Sa là hết sức quá đáng" và "tính chất quá đáng của tham vọng làm cho luận cứ của Trung Quốc mất hết giá trị". Còn nhà nghiên cứu Xôviết E.Đ.Xtêpanốp trong cuốn Trung Quốc bành trướng trên hướng biển thì coi luận cứ về địa lý của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một luận cứ không có cơ sở và là một kết luận khoa học giả hiệu. Có lẽ vì thế sau này và trong văn kiện ngày 30-1-1980 các không thấy đề cập đến luận cứ này nữa.

Với cả một chiến dịch tuyên truyền rùm beng, với biết bao công sức tìm tòi, cắt xén, lắp ghép các tài liệu, xây dựng lý lẽ trong mấy chục năm qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã không thể chứng minh được rằng Trung Quốc đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao giờ, đã thực hiện chủ quyền ở đó như thế nào. Đó là một điều họ không bao giờ có thể làm được. Vì một lý do đơn giản: Từ trước tới nay, quần đảo Hoàng Sa (phương Tây gọi là Paracels) và quần đảo Trường Sa (phương Tây gọi là Spratly) mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa" và “Nam Sa" chưa hề bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc.

Nhận xét về các luận cứ mà Trung Quốc đưa ra để chứng minh chủ quyền của mình đối với hai quần đảo của Việt Nam, các luật gia có tiếng trên thế giới đã  có nhiều bình luận xác đáng.

Giáo sư J.P. Ferrier phát biểu: "Luận cứ về lịch sử của Trung Quốc rất kém chinh xác, và phải chăng việc đó thể hiện thái độ thiếu tự tin của Trung Quốc đối với loại luận cứ này", trong khi đó luận cứ của Việt Nam "khá phong phú, chính xác hơn và có sức thuyết phục hơn". Trong tạp chí Hérođote năm 1981, giáo sư Yves Lacoste cũng nhận xét: "Nếu lập luận theo các quyền lịch sử thì các lập luận cứ của Việt Nam có trọng lượng hơn". Giáo sư Charles  Rousseau, trường Đại học luật Paris, ủy viên Viện pháp luật quốc tế cũng có một nhận xét tổng quát như sau: "Trên thực tế các mối quan hệ lịch sử lâu đời và vị trí địa lý gần gũi là hai danh nghĩa có ưu thế mà Việt Nam có thể nêu ra và họ đã làm điều đó... Nhưng một danh nghĩa như vậy ch có giá trị nếu nó dựa vào việc chiếm hữu thực sự cụ thể mà Việt Nam là nước duy nhất đã có thể thực hiện ở đây hoặc có khả năng vận dụng hơn tất cả các nước khác. Về mặt chiếm hữu thực sự, nữ luật gia Từ Đặng Minh Thu-Việt Kiều ở Pháp đã viết: “Cần nhận xét ngay rằng trong các bản tuyên bố của Trung Quốc không có một chứng cứ nào về sự chiếm hữu thực sự" và “trên thực tế Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành chiếm hữu thực sự các quần đảo đó".

Giáo sư J.P. Ferrer đánh giá: cho đến trước năm 1946 (là năm Trung Quốc cho quân ra chiếm đóng trái phép một số hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) "không có một dấu vết nào về một sự chiếm hữu của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa" trong khi các luận cứ của Việt Nam nhằm chứng minh rằng họ chiếm hữu thực sự hai quần đảo này vừa nhiều vừa có tính thuyết phục".

 Thật rõ ràng, những lập luận vô căn cứ và những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã bị dư luận tiến bộ trên thế giới kiên quyết lên án và bác bỏ.

2. Philíppin

Philíppin vốn là nước không có quyền gì đối với quần đảo Trường Sa vì trong lịch sử Philíppin chưa bao giờ đặt chân tới quần đảo này và trong Hiệp ước Tây Ban Nha - Mỹ ký tại Paris ngày 10-12-1898, Điều 3 xác định rõ: đường biên giới phía tây của quần đảo Philíppin đi theo kinh tuyến 118Đông tới vĩ tuyến 100 Bắc (gần đảo Palavan) không bao gồm bất kỳ một hòn đảo, đá hoặc bãi san hô nào của quần đảo Trường Sa.

Trong một cuộc họp báo tổ chức ở Manila ngày 17-5-1951, để chuẩn bị dư luận cho việc nhảy vào tranh chấp quần đảo trường Sa, lần đầu tiên Tổng thống Philíppin Quirinô đưa ra ý kiến: "Vì quần đảo Trường Sa xét về phương diện địa lý ở kế cận quần đảo Philíppin, nên nó phải thuộc về Philíppin". ý kiến này bị  Bắc Kinh phản đối, và tiếp đó sau khi thủ tướng chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Hội nghị San Francisco ngày 7-9-1951 thì sự việc đã lắng đi. 

Ngày 15-3-1956, chiếc tàu PMI IV của Trường hàng hải Philíppin do thuyền trưởng Filemon Cloma ghé vào một số hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, cắm cờ Philíppin rồi tuyên bố: đã chiếm hữu các đảo này phù hợp với thực tiễn quốc tế và đặt tên là Freedomlạnd (Đất Tự do).

Ngày 15-5- 1956, Thomas Cloma - hiệu trưởng Trường hàng hải Philíppin, anh của Filemon Cloma - thông báo cho ngoại trưởng Philíppin biết việc ông ta và các đồng sự của mình đã chiếm hữu những hòn đảo mà họ cho là "một lãnh thổ ở Nam Hải bên ngoài vùng biển của Philíppin".

Trong cuộc họp báo ngày 19-5- 1956, tuy chưa dám khẳng định dứt khoát chủ quyền của Philíppin đối với quần đảo Trường Sa, ngoại trưởng Các lốt P.Gácxia vẫn tuyên bố là nhóm đảo ở Biển Đông, trong đó có đảo Ba Bình (Itu-Aba) và Trường Sa (Spratly) phải thuộc về Philíppin vì chúng ở kế cận với Philíppin. Trong bức thư thứ hai gửi ngoại trưởng Philíppin ngày 6-7-1956, kèm theo một danh sách các đảo ở Trường Sa, Thomas Cloma thông báo đã thành lập một chính quyền riêng cho quần đảo "Freedomland" và yêu cầu chính phủ Philíppin cho quần đảo này được hưởng quy chế "bảo hộ". Trong thư trả lời, ngoại trưởng Các lốt nói rằng ngoài bảy hòn đảo mà quốc tế gọi là Spratly, còn tất cả các đảo, bãi cạn khác đều là đất vô chủ" và mọi công dân Philíppin đều có quyền tự do đến sinh cơ lập nghiệp. Đối với bảy đảo của quần đảo Spratly, chính phủ Philíppin coi là đặt dưới chế độ giám hộ của các quốc gia Đồng minh trong đó có cả Philíppin, nên công dân Philíppin cũng có quyền khai thác và cư trú.

Các sự kiện và tuyên bố trên đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ của các nước có liên quan trong khu vực. Tháng 8- 1956, chính quyền Sài Gòn cho tàu chiến ra quần đào Trường Sa, cắm cờ và dựng bia chủ quyền trên một số đảo. Ngày 1-10-1956, Đài Loan  cho hai tàu chiến đến tịch thu vũ khí, tài liệu và bản đồ trên chiếc tàu của Filemon Cloma.

Sự việc bị lắng xuống, và 15 năm trôi qua không có một hành động gì đáng kể khác của Philíppin.

Cho đến năm 1971, ngày 10-7, trước ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 6 của Hiệp hội các quốc gia châu á và Thái Bình Dương (ASPAC), Tổng thống Philíppin Phécđinăng Máccốt lên tiếng trong một cuộc họp báo tố cáo quân đội Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu-Aba) đã bắn vào các máy bay và tàu thủy của Philíppin đi thị sát trong vùng. Ông ta nhắc lại quan điểm cho rằng quần đảo Trường Sa đang ở dưới chế độ giám hộ trên thực tế (de facto) của các quốc gia Đồng minh, và đòi quân đội Đài Loan phải rút khỏi đảo Ba Bình. Khi hội nghị ASPAC bế mạc, cũng trong một cuộc họp báo tồng thống Mác-cốt nói rõ thêm là Philíppin không đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa; quần đảo này được đặt dưới quyền giám hộ của các nước Đồng minh, không một quốc gia nào được quyền chiếm đóng, kể cả Philíppin, trừ khi có sự thỏa thuận của Đồng minh.

Những lời tuyên bố trên đã gây ra phản ứng ở nhiều nước có liên quan, Đài Loan và Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối. Chính quyền Sài Gòn cũng lên tiếng và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Sau một thời gian thăm dò và chuẩn bị dư luận, từ năm 1971, Philíppin chuyển sang hành động. Họ cho quân lần lượt chiếm đóng trái phép năm đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Trường Sa với lý do "để giảm bớt mối đe dọa đè nặng  lên nền an ninh của Philíppin". Trong các năm 1977- 1978, Philíppin lại cho quân ra chiếm thêm hai đảo nữa của quần đảo Trường Sạ. Bộ trưởng quốc phòng Philíppin giải thích hành động này là "để củng cố vị trí của Philíppin trên quần đảo".

Philíppin ra sức củng cố bảy hòn đảo mà họ đã chiếm trái phép gồm các đảo Song Tử Đông, Loại Ta, Loại Ta Đông, Bến Lạc, Bình Nguyên, Vĩnh Viễn và Thị Tứ bằng cách chở đất ra trồng dừa, cạp thêm đảo làm đường băng cho máy bay chiến đấu lên xuống, mở đường hàng không thường kỳ, thiết lập các cơ sở đánh cá xây dựng các kho ướp lạnh, tổ chức thăm dò, khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong, một bãi nước ngầm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa. Theo số liệu năm 1979, khu vực khai thác dầu khí này đã cung cấp tới 10% nhu cầu nhiên liệu lỏng cho Philíppin.

Tháng 2-1979, tiến thêm một bước trong việc nhằm hợp pháp hóa "chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Tổng thống Philíppin Máccốt công bố một sắc lệnh coi toàn bộ quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa của Việt Nam) là thuộc lãnh thổ của Philíppin và đặt thành một đơn vị hành chính mang tên Kalayaan nằm trong tỉnh Palawan. Sắc lệnh này đề ngày 11-6-1978 và có hiệu lực ngay sau khi ký, nhưng mãi tám tháng sau, tháng 2-1979 mới được công bố. Hành động này của Philíppin đã bị dư luận nhiều nước lên án mạnh mẽ.

Ngày 28-7-1980, Philíppin tổ chức cuộc hành quân "Pôlait I" cho quân đóng chiếm thêm đảo Côngđo, một hòn đảo ở phía nam quần đảo Trường Sa, cách hòn đảo gần nhất mà Philíppin chiếm đóng trái phép trước đây khoảng 180 hải lý.

Tháng 4-1982, Thủ tướng Philíppin Xê da Virata cùng nhiều quan chức cao cấp khác của Philíppin đã ra các đảo đá chiếm đóng trên quần đảo và tuyên bố: "Do những hành động vừa qua, chúng ta có thể tiến một cách hòa bình tới vùng lãnh hải rộng lớn chung quanh Philíppin để xác định những tài nguyên thiên nhiên có thể có ở đáy biền, trong lòng đất dưới đáy biển, nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước".

Để thực hiện âm mưu mở rộng quyền tài phán trên các vùng biển chung quanh các đảo chiếm đóng trái phép và cả các đảo mà họ chưa chiếm được, để tạo cho mình một "thế đứng pháp lý" ở khu vực này, Philíppin đã chuẩn bị một dự luật quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quần đảo Philíppin, theo đó, đường cơ sở đi qua tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam trừ đảo Trường Sa. Ngày 10-11-1987, Bộ trưởng ngoại giao và Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện Philíppin đã tuyên bố trong một cuộc họp báo là Philíppin sẽ đưa dự luật đó ra thông qua chính thức trước Quốc hội và lãnh thổ của Philíppin sẽ bao gồm hầu hết các đảo đang có mặt quân đội Việt Nam. Với dự luật này, Philíppin âm mưu lợi dụng quy chế quốc gia quần đảo trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng lãnh thổ của họ ra ngoài đường biên giới phía tây của Philíppin đã được xác định trong Hiệp ước Paris năm 1898. Nhưng khi đưa ra Quốc hội, dự luật nói trên đã không được thông qua do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Qua những sự việc trên, ta thấy ý đồ của Philíppin trong việc tranh chấp chủ quyền đối với các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là rõ ràng, bước đi cũng được tính toán cặn kẽ: từ giai đoạn thăm dò, chuẩn bị dư luận đến giai đoạn hành động chiếm đóng trái phép dần từng đảo. Nhưng Philíppin hoàn toàn không có cơ sở gì về lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của họ đối với các đảo này. Lập luận của Philíppin hết sức mơ hồ và không nhất quán.

Năm 1951, Tổng thống Philíppin đưa ý kiến nhằm thăm dò dư luận là quần đảo Trường Sa phải thuộc về Philíppin vì về mặt địa lý nó kế cận với quần đảo Philíppin. Năm 1956, Philíppin lại lập luận rằng hầu hết các đảo, đá, cồn, bãi trong quần đảo Trường Sa là "vô chủ", chỉ có bảy đảo thuộc quyền giám hộ" của Đồng minh. Năm 1979  sắc lệnh của tổng thống Philíppin lại giải thích là quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Philíppin và rất hệ trọng đối với nền kinh tế và an ninh của Philíppin. Nhưng dư luận dễ dàng nhận thấy rằng những lập luận của họ đều không phù hợp với những nguyên tắc, tiêu chuẩn của luật pháp và tập quán quốc tế, và không thể biện minh cho những hành động của họ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

3. Malayxia

Malaixia là nước bộc lộ ý đồ nhảy vào cuộc tranh chấp muộn hơn cả. 

Ngày 3 -2- 1971, đại sứ Malaixia tại Sài Gòn gửi một công hàm cho Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn gợi ý một cách dè dặt rằng họ có chủ quyền đối với phần phía nam quần đảo Trường Sa ở giữa vĩ độ 90 Bắc và kinh độ 1120 Đông mà họ gọi là nước Cộng hòa Môrắc Songhrati Mit nằm trong Liên bang Malaixia. Ngày 20-4-1971, chính quyền Sài Gòn trả lời bác bỏ ý kiến đó khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam, thì Malaixia im lặng không tỏ thái độ gì. Mãi đến tháng 12-1979, Malaixia cho xuất bản một tấm bản đồ vẽ ranh giới lãnh hải của Malaixia lấn vào vùng biển phía nam quần đảo Trường Sa, trong đó có các đảo An Bang, Thuyền Chài có quân đội Việt Nam đóng giữ và đảo Côngđo do Philíppin chiếm đóng trái phép.

Năm 1982 , Malaixia cho quân đội ra đặt cột mốc, dựng cột cờ trên đảo Hoa Lau của quần đảo Trưởng Sa. Đến tháng 6-1983, đích thân tổng tham mưu trưởng quân đội Malaixia chỉ huy một cuộc hành quân ra chiếm đóng đảo Hoa Lau ở phía đông nam đảo An Bang 60 hải lý nhằm giành chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn từ đảo Hoa Lau đến bờ biển Malaixia và có được một chỗ đứng chân để tranh chấp một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau đó, họ cho đào ở đảo này một con kênh dài 1.800 mét qua bãi san hô cho tàu thuyền vào trú đậu, xây dựng đảo thành  một điềm tựa cho các hoạt động lấn chiếm tiếp theo.

Tháng 12- 1986, Malaixia lại tổ chức cuộc hành quân ra chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân ở phía bắc Hoa Lau khoảng 40 hải lý, đông An Bang khoảng 60 hải lý, và chiếm bãi đá Kiệu Ngựa ở phía đông bắc Hoa Lau khoảng 40 hải lý.

Tháng 6-1999, Malaixia đã cho quân chiếm thêm 2 vị trí ở quần đảo Trường Sa là bãi đá én Ca và bãi cạn Thám hiểm.

Ngày 5/3/2009, Thủ tướng Malaysia đã thăm đảo đá Hoa Lau thuộc quần đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này cùng các vùng biển phụ cận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã nói “Lập trường của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với 2 quần đảo này”, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Không nên có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hoà bình ổn định và hợp tác ở khu vực.

III. Kết luận

Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông, có bờ biển dài hơn 3260km với hàng ngàn hòn đảo và quần đảo gần bờ, xa bờ, trong đó có những quần đảo như quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển tới trên 150 hải lý, quần đảo Trường Sa cách bờ khoảng 250 hải lý v.v.. trên một vùng biển liền với đất liền không có gì ngăn cách.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc về lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo từ khi chúng chưa thuộc về bất cứ quốc gia nào, và đã liên tục, thực sự thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước mà qua lịch sử mấy trăm năm không hề có một quốc gia nào lên tiếng phản đối. Dư luận quốc tế cũng mặc nhiên công nhận. Các công ty nước ngoài kể cả ở các nước nằm ngoài phạm vi Biển Đông, khi muốn đến khai thác một hòn đảo nào cũng phải xin phép nhà cầm quyền theo đúng thủ tục.

Các vấn đề vùng biển thuộc chủ quyền, thuộc quyền về chủ quyền và thuộc quyền tài phán quốc gia ngày càng được mở rộng (bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa) nên các quốc gia có biển lao vào những vùng đất và đảo thuộc chủ quyền của mình, thậm chí không phải thuộc chủ quyền của mình một cách hợp  pháp để tranh giành những quyền lợi không chính đáng và hợp lý. Biển Đông cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc tranh chấp của đảo ở Biển Đông vốn đã căng thẳng nay lại càng căng thẳng, vốn đã phức tạp nay lại trở nên một trong những tranh chấp lãnh thổ trên biển phức tạp nhất trên thế giới.

Mặc dù hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu và luôn luôn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Nhà nước ta luôn luôn chủ trương thương lượng hòa bình với những nước có liên quan để giải quyết các vấn đề một cách hợp tình hợp lý phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, phù hợp với xu thế đối thoại trong khu vực Đông Nam á và với nguyện vọng của nhân dân thế giới.

Từ năm 1977 , Việt Nam đã tham gia Hội nghị của Liên hợp quốc bàn về Luật Biển và đã có những đóng góp nhất định vào cuộc đấu tranh chung của các nước trên thế giới đặc biệt là của nước đang phát triển, đấu tranh vì một trật tự pháp lý mới công bằng trên biển. Việt Nam là một trong 130 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua công ước về Luật Biển 1982 và là một trong 119 quốc gia đã ký vào Công ước ngày 10-12-1982. Ngay từ năm 1977, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố công khai nêu rõ quan điểm giải quyết của tranh chấp trên biển là "... cùng các nước có liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc gia, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên". Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất theo tinh thần công ước ở khu vực Đông Nam á, để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển thông qua giải pháp thương lượng trực tiếp và thiện chí, trên cơ sở tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, không áp đặt nhau, nhằm đi đến thoả thuận về một giải pháp công bằng hợp lý mà các bên đều chấp nhận được.

Ngày 12-11-1982, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định lại quan điểm "thông qua thương lượng" của tuyên bố 12-5-1977. Trong Nghị quyết ngày 23-6-01994, phê chuẩn Công ước về Luật Biển 1982, kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định lại lập trường " ... giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biền Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, liên kết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Một lần nữa, Việt Nam đã biểu thị rõ quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Trong thực tế, trên cơ sở lập trường, quan điểm nói trên, Việt Nam đã từng thương lượng và đàm phán với nhiều nước trong khu vực những vấn đề đang còn lại tranh chấp. Ngày 30- 3-1988, trong chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu ủy ban Quốc phòng và An ninh Hạ nghị viện Philíppin, Việt  Nam và Philípin đã thoả thuận "sẽ không dùng vũ lực để giải quyết mọi bất đồng, kể cả về quần đảo Trường Sa. Con đường duy nhất để giải quyết là thông qua đám phán" và "Cộng hòa Philíppin và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mãi mãi là bạn của nhau". Thỏa thuận này thể hiện thiện chí hòa bình của hai nước, phù hợp với thoả thuận giữa Việt Nam, Malaixia và Philíppin năm 1978: mọi bất đồng và tranh chấp về lãnh thổ sẽ được giải quyết thông qua thương lượng trên tinh thần hòa giải và hữu nghị, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế và xu thế đối thoại đang phát triển ở Đông Nam á và trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã thông qua đàm phán ký được Hiệp định giải quyết vấn đề phân định ranh giới với Thái Lan ngày 9-8-1997, đã được hai nước thoả thuận trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế. Đã hoàn tất việc phân định thềm lục địa với Inđônêxia (2003).

Đối với những nước chưa giải quyết được dứt điểm được vấn đề phân định, Việt Nam đã duy trì thoả thuận, thăm dò khai thác chung dầu khí trong vùng biển tây nam với Malaixia và thúc đẩy đàm phán và khai thác chung dầu khí ở vùng chồng lấn ba bên Việt Nam - Malaixia - Thái Lan. Trong khi chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề phân định, việc duy trì các thỏa thuận và đám phán về khai thác chung các vùng biển, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác của các nước hữu quan và trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển 1982, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Các biện pháp tạm thời này không ảnh hưởng đến việc giải quyết dứt khoát vấn đề phân định giữa các bên hữu quan sau này và trước mắt có thể đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh và trật tự trong khu vực. Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc còn gay go phức tạp và lâu dài, nhưng chúng ta có chân lý, lẽ phải và chính nghĩa, luôn luôn được dư luận thế giới đồng tình ủng hộ, nhất đinh sẽ đạt được thành công. 

Vũ Phi Hoàng, Nguyên Giám đốc Văn phòng chỉ đạo miền Nam, Liên Bộ Quốc Phòng- Giao thông Vận Tải- Khí tượng Thủy văn

www.nghiencuubiendong.vn

 



 

1 Tạp chí Công pháp quốc tế, Paris, 1975.