Sự kiện có sự tham dự của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp tại chỗ và gần 60 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó 20 diễn giả từ 10 quốc gia; gần 20 đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam từ gần 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; hơn 60 đại diện từ các cơ quan trung ương và địa phương, nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trên cả nước. Nhiều phóng viên từ các hãng truyền thông cũng tới tham dự, đưa tin bài về sự kiện.
Qua bốn phiên thảo luận, Đối thoại biển tập trung trao đổi: (1) Nội dung và triển vọng từ Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (sau đây gọi tắt là Hiệp định BBNJ); (2) Triển vọng mới trong xây dựng các quy định liên quan đến khai thác đáy biển quốc tế; (3) Cơ hội và thách thức trong hợp tác quốc tế tại vùng biển quốc tế và (4) Đề xuất, khuyến nghị pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy khai thác và bảo tồn tại các vùng biển quốc tế.
Phát biểu khai mạc Đối thoại biển, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn đánh giá Hiệp định BBNJ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong phát triển nhận thức - một bước nhảy vọt của nhân loại, từ "khai thác trước" sang "bảo tồn trước". Việt Nam luôn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Hiệp định BBNJ và là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết văn kiện này. Trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (
sau đây gọi tắt là UNCLOS) có hiệu lực, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh về tầm quan trọng hàng đầu của UNCLOS – ngọn hải đăng định hướng hành động tại các vùng biển thuộc thẩm quyền quốc gia và các vùng biển quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn cho biết mục tiêu của Đối thoại biển lần thứ 13 là nhằm nâng cao nhận thức chung của các nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia khoa học và pháp lý về tầm quan trọng của Hiệp định về BBNJ.
Trong Phiên khai mạc, ông Florian Feyerabend, Đại diện thường trú Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng UNCLOS tạo nền tảng dẫn dắt những nỗ lực hợp tác trong bảo vệ đại dương, thúc đẩy hoà bình, thịnh vượng và bền vững. Hiệp định BBNJ là minh chứng cho cam kết của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc tế; phản ánh quyết tâm chung trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và bảo đảm sự cân bằng giữa khai thác - bảo tồn. Theo ông Florian Feyerabend, Đức là một trong những quốc gia đầu tiên ký Hiệp định BBNJ, điều này thể hiện cam kết của Đức trong hợp tác quốc tế và sử dụng bền vũng tài nguyên biển.
Trong Phiên dẫn đề quan trọng, Bà Rena Lee, Đại sứ Singapore phụ trách các vấn đề đại dương và luật biển, Chủ tịch Hội nghị liên chính phủ đàm phán về Hiệp định BBNJ, cho biết: Sau hơn 20 năm thảo luận và đàm phán, Hiệp định BBNJ đã được ký kết, nhưng cộng đồng quốc tế còn nhiều việc cần làm để chuyển sang một chương mới, trước hết là việc phê chuẩn để Hiệp định chính thức có hiệu lực. Đại sứ Rena Lee nhấn mạnh một trong những nội dung quan trọng trong Hiệp định BBNJ là hợp tác quốc tế. Việc đảm bảo phối hợp giữa các cơ chế trong khuôn khổ BBNJ và các khuôn khổ khác là vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia, Hiệp định BBNJ điều chỉnh nhiều vấn đề quan trọng để đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển như nguồn gen biển; các biện pháp quản lý vùng trong đó có khu vực bảo tồn biển; đánh giá môi trường biển và xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ. Liên quan đến khai thác đáy biển quốc tế, nhiều chuyên gia chia sẻ về khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động dưới đáy biển quốc tế, về vai trò của Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (sau đây gọi tắt là ISA) và các chương trình quản lý môi trường khu vực trong khuôn khổ Tiểu ban Pháp lý Kỹ thuật của ISA. Có ý kiến cho rằng hiện nay nhận thức của cộng đồng quốc tế về hệ sinh thái dưới đáy biển quốc tế còn chưa đầy đủ. Để tiến hành các hoạt động khai thác, cần phải xây dựng hoàn thiện các quy định liên quan, dựa trên các dữ liệu khoa học và đánh giá tác động môi trường và trên nguyên tắc phòng ngừa.
Đánh giá tác động của Hiệp định BBNJ, các chuyên gia cho rằng Hiệp định mang lại cả cơ hội và thách thức. Hiệp định góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo chuyên gia Úc, Hiệp định BBNJ sẽ đảm bảo quyền tự do, bảo vệ việc lắp đặt, sửa chửa các tuyến cáp ngầm thiết yếu quốc tế; tạo cơ hội tăng cường phối hợp giữa các chính phủ và các công ty cáp ngầm thông qua cam kết, đối thoại và nâng cao nhận thức. Trong lĩnh vực nghề cá, một số chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy phối hợp giữa các khuôn khổ, hiệp định sẵn có như Hiệp định nghề cá. Tại Biển Đông, các quốc gia có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường biển chiến lược hoặc xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, khoa học biển. Chuyên gia Indonesia cho rằng ASEAN có thể dẫn dắt trong chính sách về khai thác đáy biển, dựa vào vai trò trung tâm của Hiệp hội và tập trung vào mục tiêu đảm bảo tài nguyên bền vững.
Có ý kiến cho rằng Hiệp định BBNJ mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển trong việc tiếp cận các nguồn lợi một cách công bằng tại các vùng biển quốc tế, trong nâng cao năng lực và tham gia vào quản lý đa dạng sinh học biển ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển cũng gặp phải một số hạn chế như nhân lực hoặc nguồn lực tài chính.
Đa số ý kiến cho rằng để đảm bảo thực thi các mục tiêu về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển, cần có sự tham gia của tất cả chủ thể trong cộng đồng quốc tế, từ các nhà hoạch định chính sách tới các chuyên gia khoa học; không chỉ cần vai trò của chính phủ mà còn của các tổ chức quốc tế (liên chính phủ hoặc phi chính phủ), khu vực tư nhân như các công ty cáp ngầm quốc tế.
Phát biểu bế mạc Đối thoại biển, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn đánh giá cao những trao đổi thảo luận đa chiều và toàn diện, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về Hiệp định BBNJ. Qua trao đổi, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn cho rằng: Để chuẩn bị cho việc thực thi công ước, cộng đồng quốc tế cần có cách thức sáng tạo, thúc đẩy hợp tác và có sự phối hợp, hài hoà giữa các khuôn khổ, cơ chế hiện hành. Trong tương lai, cũng cần cần tiếp tục thảo luận về việc giải thích các nguyên tắc chung và cơ chế quy định trong Hiệp định BBNJ và các quy định trong khai thác đáy biển sâu, từ đó tìm kiếm những biện pháp cụ thể để thực thi hiệu quả.
Đối thoại Biển là sáng kiến của Học viện Ngoại giao nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 13 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại./.