_________________

 Ngoại giao nghị viện xuất hiện từ lâu. Song trong một thời gian dài ngoại giao nghị viện chưa có điều kiện phát triển mạnh và chỉ là cái bóng của ngoại giao chính phủ, ngoại giao nhà nước. Cùng với việc Chiến tranh lạnh kết thúc, chấm dứt đối đầu Đông-Tây, toàn cầu hóa, xu thế hòa bình và hợp tác phát triển trở thành xu thế lớn của quan hệ quốc tế… ngoại giao nghị viện mới thực sự có bước phát triển đột phá. Vai trò của quốc hội, nghị viện trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của quốc gia càng trở nên quan trọng. Giao lưu, tiếp xúc giữa các cơ quan lập pháp trên khắp các châu lục và giữa các nghị sỹ tại các diễn đàn song phương cũng như đa phương ngày một tăng, trở thành một đặc trưng của ngoại giao thế kỷ 21, ngoại giao kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Thông qua bài viết này, tác giả mong muốn giới thiệu khái quát về ngoại giao nghị viện nói chung và hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây. Khái niệm và đặc thù của ngoại giao nghị viện

Trước khi tìm hiểu khái niệm ngoại giao nghị viện, chúng ta cần xác định khái niệm về ngoại giao. Ngoại giao là hoạt động chính thức của người đứng đầu nhà nước, chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao và các cơ quan quan hệ đối ngoại khác, nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính sách đối ngoại của quốc gia; cũng như bảo vệ quyền lợi, lợi ích của quốc gia, tổ chức, công dân mình ở nước ngoài. Ngoại giao là phương tiện quan trong nhất để thực hiện chính sách đối ngoại. Đặc trưng của ngoại giao là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng đàm phán. Tóm lại, ngoại giao là thực hiện các mối quan hệ quốc tế bằng đàm phán; là công tác của nhà ngoại giao; là cơ sở khoa học về quan hệ quốc tế và là nghệ thuật đàm phán.

Những hoạt động trình bày trên đây thuộc về ngoại giao chính thức, ngoại giao nhà nước. Bên cạnh hình thức ngoại giao nhà nước còn có ngoại giao nhân dân, ngoại không chính thức, ngoại giao đảng, và ngoại giao nghị viện…

Vậy ngoại giao nghị viện là gì? Ngoại giao nghị viện là hình thức hoạt động đối ngoại của nghị viện (Quốc hội) hay nghị sỹ, có tác dụng hỗ trợ hoạt động ngoại giao nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu đường lối, chính sách đối ngoại của quốc gia. Bên cạnh việc tác động trực tiếp vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia, các nghị sỹ, với tư cách là những người được nhân dân trực tiếp bầu ra, đóng vai trò cầu nối giữa cử tri nước mình với dư luận thế giới. Đồng thời, khi tham gia quan hệ quốc tế, mỗi nghị sỹ còn thể hiện cả quan điểm, quan tâm của cử tri - những người do mình đại diện. Thông qua những hoạt động nói trên tại các diễn đàn song phương, đa phương, các nghị viện, nghị sỹ có những đóng góp hiệu quả vào việc hình thành, phát triển các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực, góp phần vào việc dân chủ hóa quan hệ quốc tế, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.

Ngoại giao nghị viện có những nét riêng. Ngoại giao nghị viện là một loại hình ngoại giao, bổ sung, hỗ trợ cho ngoại giao nhà nước và các loại hình ngoại giao khác trong việc thực hiện mục tiêu chính sách đối ngoại của quốc gia.

Đặc thù của ngoại giao nghị viện thể hiện ở chính bản chất của nghị viện/quốc hội. Là cơ quan đại diện cho nhân dân thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề chung của đất nước, nghị viện đóng vai trò rất lớn, rất quan trọng trong xã hội dân chủ. Sự tham gia của nghị viện vào quan hệ đối ngoại của quốc gia thể hiện ở cả ba chức năng của nghị viện: lập pháp, đại diện và giám sát. Nếu như ngoại giao đảng mang nặng tính chính trị, hệ tư tưởng thì ngoại giao nhân dân là kênh trao đổi thông tin, giao lưu trực tiếp giữa nhân dân các nước, ít mang mầu sắc chính trị nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Do đó, ngoại giao nghị viện vừa mang tính chính trị, tính đảng lại vừa thể hiện ý chí của người dân. Khi nói về nét đặc trưng của ngoại giao nghị viện, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam khóa XI nhấn mạnh: “Nền ngoại giao nghị viện vừa có tính chất nhà nước, vừa có tính chất nhân dân. Bởi vì, nó vừa thể hiện ý nguyện của nhân dân, trực tiếp thông qua các nghị sỹ”.[1] Chất dân biểu chính là sự gần gũi với dân, nói tiếng nói của dân. Do có tính nhân dân nên ngoại giao nghị viện mềm mỏng hơn, có thể đi vào những nơi, những vấn đề gai góc mà ngoại giao Nhà nước, ngoại giao chính thức khó phát huy hiệu quả. Vì vậy, ngoại giao nghị viện vừa có vai trò mở đường, vừa có vai trò thúc đẩy quan hệ.[2]

 Nét khác của ngoại giao nghị viện còn ở phương diện hình thức. Nếu ngoại giao Nhà nước, ngoại giao chính thức nhất thiết phải đàng hoàng, long trọng, thì đối với ngoại giao quốc hội cũng phải đàng hoàng, nhưng không nhất thiết phải long trọng. Đàng hoàng và long trọng không trùng nhau trăm phần trăm.[3]

Vài nét về lịch sử ngoại giao nghị viện

 Nghị viện có lịch sử lâu đời, ra đời và phát triển cùng nhà nước dân chủ. Nghị viện cũng dần dần thực hiện các chức năng đối ngoại, tiến hành trao đổi, giao lưu và hợp tác quốc tế với các nghị viện, nghị sỹ nước ngoài về những vấn đề cùng quan tâm, song phương cũng như đa phương. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, ngoại giao nghị viện chưa thể phát triển vì hoạt động đối ngoại của quốc gia tập trung chủ yếu trong tay cơ quan hành pháp (nguyên thủ quốc gia và chính phủ). Mặt khác, tổ chức liên nghị viện tuy tồn tại, song cũng chỉ là hình thức, không có điều kiện phát triển. Thậm chí Liên minh nghị viện thế giới (IPU) ra đời từ năm 1889 với 14 thành viên, song cũng không có mấy hoạt động, vai trò vô cùng mờ nhạt. Hiện nay IPU có 146 thành viên chính thức, trong đó có Việt Nam và 7 thành viên liên kết.

Tiếp theo sự ra đời của Liên minh nghị viện thế giới là sự xuất hiện của Hiệp hội nghị viện khối Thịnh vượng chung của Khối Liên hiệp Anh vào năm 1911, mà lúc đầu gọi là Liên minh nghị viện của Đế chế. Việc xuất hiện tổ chức nghị viện này dựa trên cơ sở đòi hỏi của các chính phủ tự chủ mới ra đời ở Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Nam Phi, tạo điều kiện cho việc trao đổi, giao lưu giữa các cơ quan lập pháp và nghị sỹ các nước thành viên của Khối.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngoại giao nghị viện có bước phát triển mới với các tổ chức nghị viện khu vực như Tổ chức nghị viện khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1955, Tổ chức liên nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ năm 1967, Tổ chức liên nghị viện Liên minh châu Âu, Liên nghị viện các nước ASEAN - AIPA (1977)… Liên nghị viện ASEAN có 8 thành viên chính thức và 2 thành viên hưởng Quy chế quan sát viên đặc biệt. Ngoài ra, việc trao đổi, giao lưu, hợp tác giữa các đoàn đại biểu nghị viện, giữa các nghị sỹ trên bình diện song phương cũng diễn ra khá thường xuyên, song vai trò của ngoại giao nghị viện chưa có gì đáng kể, chỉ là cái bóng của ngoại giao nhà nước.

Chiến tranh lạnh chấm dứt, căng thẳng, đối đầu hai phe không còn nữa, phát triển của xu thế toàn cầu hóa dưới tác động của cách mạng khoa học-công nghệ phát triển như vũ bão, bùng nổ các vấn đề toàn cầu như nguy cơ chiến tranh hạt nhân, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, điều kiện thuận lợi về giao thông, liên lạc do cách mạng khoa học công nghệ đem lại… là những nhân tố tạo ra chuyển biến nhanh chóng của ngoại giao nghị viện. Ngoại giao nghị viện thực sự đã bước sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Ngoại giao nghị viện không thể thiếu được trong giao lưu quốc tế. Việc thăm viếng lẫn nhau, gặp gỡ trao đổi ý kiến giữa các đại diện cơ quan lập pháp, giữa các nghị sỹ các nước trên thế giới trở nên sôi động và hình thức rất đa dạng.

Ý thức được vai trò ngày càng tăng của ngoại giao nghị viện, Liên Hợp Quốc và Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Tại New York, các nhà lãnh đạo nghị viện các nước trên thế giới đã tiến hành cuộc gặp lịch sử (30/8-1/9/2000) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa hai tổ chức lớn nhất hành tinh. Hội nghị đã ra tuyên bố “Tầm nhìn nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba”. Cuộc họp cấp cao lần thứ hai các nhà lãnh đạo nghị viện thế giới cũng diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tháng 9/2005.

Ngoại giao nghị viện trở nên sôi động hơn bao giờ hết, hình thức vô cùng phong phú, đa dạng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại của quốc gia, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đã xuất hiện thêm nhiều tổ chức liên nghị viện khu vực, liên khu vực như Diễn đàn Liên nghị viện châu Mỹ (2001), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Tổ chức nghị viên châu Á-Thái Bình Dương (AAPP), Diễn đàn nghị viện châu Á về dân số và phát triển (AFPPD)…

Vai trò của nghị viện trong chính sách đối ngoại quốc gia

Ở hầu hết các quốc gia, ngành hành pháp giữ vai trò chủ yếu trong công tác đối ngoại của đất nước. Cơ quan lập pháp chỉ đóng vai trò nhất định. Tuy nhiên, vai trò đối ngoại của nghị viện lớn hay nhỏ, nhiều hay ít là tùy theo từng quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa, điều kiện kinh tế-xã hội của quốc gia đó. Điều này thường thể hiện trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Nhìn chung, vai trò của nghị viện trong chính sách đối ngoại của quốc gia được thể hiện như sau:

Xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến công tác đối ngoại

  Chức năng chính của nghị viện/quốc hội là làm luật. Nghị viện của bất kỳ quốc gia nào cũng có chức năng lập pháp, trong đó có những điều luật liên quan đến công tác đối ngoại. Đạo luật cơ bản của mọi quốc gia là Hiến pháp, trong đó có quy định những nguyên tắc lớn, quan trọng về tổ chức nhà nước, quyền hạn của người đứng đầu nhà nước, chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao… Hiến pháp do nghị viện (hoặc ủy ban đặc biệt soạn thảo), thông qua. Ngoài ra, Quốc hội hay nghị viện có trách nhiệm soạn thảo các luật khác như luật ngoại giao, luật về biên giới lãnh thổ, luật lãnh sự, luật lễ tân, luật công tác ngoại giao, việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế... Ví dụ ngày 20/9/2001, Quốc hội U-crai-na đã thông qua Luật về Công tác ngoại giao của U-crai-na. Ở nước ta, Quốc hội đã thông qua Luật ký kết, gia nhập điều ước quốc tế (14/6/2005); các pháp lệnh về cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài (15/12/1993); Pháp lệnh hàm, cấp ngoại giao (12/6/1995)… Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua quyết định cho Việt Nam hưởng Quy chế thương mại bình thường, vĩnh viễn (PNTR) cuối năm 2006…

Tham gia hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia

 Mặc dù nghị viện không đóng vai trò chính trong hoạch định chính sách đối ngoại, song cũng có vai trò không nhỏ trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia. Nghị viện thường đóng vai trò giám sát quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Hoạt động giám sát rất đa dạng: từ đề nghị cung cấp thông tin, cung cấp tài liệu liên quan và chất vấn chính phủ về các đề án đối ngoại, dự thảo các chính sách, quyết định... Một số nước ở Bắc Âu, Tây Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Sỹ áp dụng thủ tục: bắt buộc chính phủ tham khảo ý kiến nghị viện trong việc xây dựng các dự thảo quyết định các vấn đề đối ngoại, nhằm tạo sự đồng thuận trong nội bộ. Ngoài ra, ở nhiều nước Ủy ban đối ngoại Quốc hội có thể kiến nghị tổ chức phiên họp bất thường hoặc bổ sung chương trình nghị sự của phiên họp toàn thể nghị viện để thảo luận những vấn đề đối ngoại. Đó là quy định của Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Phần Lan, Phi-lip-pin…

Nghị viện không chỉ có vai trò đóng góp ý kiến trong hoạch định chính sách đối ngoại quốc gia, mà còn trực tiếp quyết định nhiều vấn đề đối ngoại quan trọng. Nghị viện nhiều nước có quyền hạn quyết định các vấn đề về lãnh thổ, biên giới, cho phép quân đội nước ngoài quá cảnh hoặc vào đóng trên lãnh thổ nước mình. Liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế, nghị viện nhiều nước có quyền hạn cho phép phê chuẩn hoặc phê chuẩn những điều ước quốc tế quan trọng. Ví dụ như ở Ai Cập, Nay Uy, Thụy Điển…, các điều ước quốc tế liên quan đến việc gia nhập các tổ chức quốc tế đều phải được nghị viện thông qua trước khi phê chuẩn. Ở nhiều nước như Bun-ga-ri, Hy Lạp, Đức, Ru-ma-ni nghị viện trực tiếp phê chuẩn các điều ước thuộc loại này.

Ở một số nước, do các điều ước quốc tế, được trình lên nghị viện sau khi đã đàm phán, ký kết, nghị viện không thể thay đổi được nội dung văn bản điều ước. Nhưng nghị viện có thể bảo lưu một số nội dung (nếu điều ước cho phép) hoặc từ chối chấp thuận hoặc chuyển vấn đề cho chính phủ để thương lượng lại. Ở Phần Lan trước khi phê chuẩn điều ước quốc tế, Chính phủ phải trình văn bản điều ước cho cả Thượng viện và Hạ viện, nếu trong vòng 30 ngày Quốc hội không có phản hồi, điều ước coi như được Quốc hội thông qua. Nếu có từ 15 thượng nghị sỹ hoặc 30 hạ nghị sỹ trở lên có ý kiến rằng điều ước cần được xem xét thêm, thì khi đó điều ước phải được toàn thể Quốc hội thông qua theo quy trình như thông qua dự án luật.

Ở một số nước, nghị viện trực tiếp tham gia hoạch định chính sách đối ngoại. Quốc hội thông qua định hướng đường lối chính sách đối ngoại dưới dạng một văn bản pháp luật như học thuyết, hay định hướng. Ví dụ, tháng 7/1993, Quốc hội U-crai-na đã thông qua một văn bản có tiêu đề “Những phương hướng cơ bản của chính sách đối ngoại U-crai-na”, nêu những mục tiêu, nguyên tắc, phương hướng chính của chính sách đối ngoại của quốc gia.

Giám sát thực hiện chính sách đối ngoại và ngoại giao

Một trong các chức năng quan trọng của cơ quan lập pháp các nước là giám sát các hoạt động của chính phủ, trong đó có công tác đối ngoại và ngoại giao. Về cơ bản, chính phủ đều phải có báo cáo cho nghị viện về công tác ngoại giao. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ nước này không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Có lẽ đây là trường hợp đặc biệt, duy nhất trên thế giới. Còn ở Thụy Sỹ, không có quy định về bỏ phiếu thẩm vấn, phê phán Chính phủ ; các thành viên Chính phủ không bị Nghị viện bãi nhiệm trong suốt cả nhiệm kỳ của mình.

Theo luật pháp của nhiều nước, hoạt động đối ngoại của chính phủ bị nghị viện giám sát, kiềm chế khá chặt chẽ và bằng nhiều cách. Ví dụ: ở Mỹ, Tổng thống và nội các phải chịu trách nhiệm trước Hạ viện và Thượng viện về các quyết định đối ngoại. Quốc hội có thể thông qua, hay bác bỏ, tăng hay giảm ngân sách cho các hoạt động đối ngoại của Chính phủ. Các quan chức chính phủ, trong đó có các nhà ngoại giao, có thể bị nghị viện triệu tập để giải thích các hoạt động đối ngoại của họ. Việc bổ nhiệm đại sứ ở nước ngoài phải được Thượng nghị viện chấp nhận…

Vai trò giám sát của nghị viện còn thể hiện ở việc xem xét các hoạt động đối ngoại của chính phủ tại các phiên họp toàn thể cũng như ở các phiên họp ở các ủy ban thường trực, hay ủy ban đặc biệt.

Chức năng giám sát chính sách đối ngoại của nghị viện thông thường thông qua Ủy ban Đối ngoại. Ví dụ Ủy ban đối ngoại Thượng viện, Hạ viện Mỹ, I-ta-li-a, Đan Mạch, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam… có trách nhiệm thẩm định báo cáo về công tác đối ngoại của Chính phủ. Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại của nghị viện có thể yêu cầu chính phủ báo cáo về vần đề cụ thể nào đó hoặc yêu cầu cung cấp tài liệu, thông tin về chính sách đối ngoại hay những vấn đề có liên quan. Ở Hy Lạp, Nghị viện có thể lập ủy ban đặc biệt để xem xét vấn đề khi cần thiết, để thanh tra hoạt động của chính phủ. Các ủy ban về Đối ngoại ở cả Thượng và Hạ viện Mỹ  được phân bổ ngân sách hoạt động riêng, có quyền đi lại trong nước, quốc tế để tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề, sự việc, có quyền thuê nhân viên để thực hiện công việc trên…

Nghị viện trực tiếp tiến hành hoạt động đối ngoại hay tham gia hoạt động đối ngoại

Như đã nêu ở trên, nghị viện và các nghị sỹ trực tiếp tham gia các hoạt  động đối ngoại song phương cũng như đa phương ngày càng sôi động, nhất là sau Chiến tranh lạnh.

Các mối quan hệ quốc tế của cơ quan lập pháp và của cá nhân các nghị sỹ đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, khi công tác ngoại giao ngày càng bớt yếu tố bí mật và giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn.

Hầu hết các học giả, các nghị sỹ đều nhất trí vai trò ngày càng tăng của ngoại giao nghị viện. Tuy nhiên, cũng còn những tranh luận. Tháng 4/2002, Chi nhánh Ca-na-đa Liên nghị viện Pháp ngữ đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học quốc tế một ngày, có nhiều nghị sỹ, học giả Ca-na-đa, Mỹ tham gia với chủ đề “Ngoại giao nghị viện: Vai trò đang nổi lên của các nghị sỹ trong công tác ngoại giao”  (Parliamentary Diplomacy: The Emerging Role for Parliamentarians in Diplomacy). Các nghị sỹ và nhà nghiên cứu đã thảo luận rất sôi nổi vấn đề liệu các nghị sỹ có nên đẩy mạnh hoạt động ngoại giao hay không? Có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, ngoại giao nghị viện trở lên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng của các thể chế đa phương… thì sự tham gia của các nghị sỹ vào công tác ngoại giao sẽ đảm bảo cho việc phát triển các giá trị xã hội dân sự. Mặt khác, việc gia tăng ngoại giao nghị viện cũng bởi vì thiếu sự kiểm soát hữu hiệu đối với hoạt động ngoại giao của các chính phủ. Do đó, các nghị sỹ nên tăng cường công tác ngoại giao, tham gia giải quyết các vụ xung đột quốc tế, vì các nghị sỹ nhiều thuận lợi hơn các nhà ngoại giao chính thức, dễ tiếp xúc với các bên xung đột, và góp phần đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Để ngoại giao nghị viện đạt kết quả, phải có qui định luật pháp riêng cho đại diện nghị viện và đại diện ngoại giao chính phủ. Ngoài ra, các Hiệp hội nghị viện, Liên nghị viện phải có nguồn lực đảm bảo cho nghị viện thực hiện vai trò ngoại giao của mình. Quan điểm khác cho rằng, ngoại giao nghị viện rất khó khăn, không dễ dàng phát huy tác dụng, nhất là khi chủ nghĩa nghị viện chưa phát triển ở một số nước. Đại biểu  Ca-na-đa cho rằng việc thông qua luật chống khủng bố, đã gián tiếp coi tổ chức này, tổ chức kia là khủng bố và loại một số tổ chức ra khỏi tiến trình đối thoại và do đó khó giải quyết được xung đột?[4]

 Các hình thức hoạt động của ngoại giao nghị viện                            

Hoạt động ngoại giao nghị viện có hai hình thức cơ bản: song phương và đa phương. Hợp tác song phương giữa các nghị viện là hình thức hợp tác truyền thống, phổ biến của hoạt động ngoại giao nghị viện. Đây là hình thức hợp tác rất hiệu quả, giúp cho các nghị viện có những mối liên hệ ban đầu. Hợp tác song phương giữa hai nghị viện diễn ra khi hai bên cùng có lợi ích chung, mối quan tâm chung.

Hợp tác song phương giữa các nghị viện thường được thực hiện theo cách thông thường là trao đổi đoàn các cấp từ cấp chủ tịch nghị viện, chủ tịch hạ viện, thượng viện, cấp phó chủ tịch đến các cấp lãnh đạo ủy ban thường trực, nhằm trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề cùng quan tâm. Đồng thời với việc trao đổi đoàn là tổ chức các nhóm nghị sỹ hữu nghị… Ngoài ra, trên cơ sở quan hệ giữa hai nghị viện, còn diễn ra những cuộc trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa cá nhân các nghị sỹ của hai nước.

Như trình bày ở trên, hợp tác nghị viện đa phương ra đời từ cuối thế kỷ 19 (1889), và có bước phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với việc xuất hiện nhiều diễn đàn, tổ chức liên nghị viện khu vực và liên khu vực. Thông qua tham dự các diễn đàn, tổ chức liên nghị viện, các nghị viện không chỉ cùng chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác lập pháp, mà còn cập nhật thông tin, đóng góp vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, gia tăng việc trao đổi, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới.

Hợp tác song phương hỗ trợ cho hợp tác đa phương và ngược lại, hợp tác đa phương thúc đẩy hợp tác song phương. Hai hình thức quyện chặt vào nhau. Đã hình thành các cơ chế hợp tác hỗn hợp. Ví dụ Liên nghị viện ASEAN có quan hệ chặt chẽ với nghị viện một nước đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc… hợp tác khá sôi động. Hình thức hợp tác giữa các tổ chức liên nghị viện với nhau cũng diễn ra.

Ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam

 Lịch sử ngoại giao nghị viện Việt Nam đã có bề dày lịch sử, gắn liền với việc thành lập Quốc hội Việt Nam DCCH đầu năm 1946. Cũng như các nghị viện khác trên thế giới, Quốc hội Việt Nam có vai trò rất lớn và rất quan trọng trong công tác đối ngoại, thể hiện từ việc xây dựng hệ thống pháp luật đối ngoại, giám sát các hoạt động đối ngoại của Chính phủ, của Nhà nước và thực hiện quan hệ đối ngoại của bản thân Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng xây dựng pháp luật về đối ngoại. Đây là một trong những hướng hoạt động rất quan trọng của Quốc hội, thực hiện chức năng lập pháp của mình.

Quốc hội đã xây dựng Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước. Gần đây nhất, Hiến pháp năm 1992 khẳng định: Quốc hội quyết định những vấn đề cơ bản về đối nội và đối ngoại của Nhà nước, xác định những nguyên tắc chỉ đạo đường lối chính sách đối ngoại, chức năng đối ngoại của các tổ chức của Nhà nước. Quốc hội đã xây dựng được hệ thống pháp luật đối ngoại khá đầy đủ và toàn diện về biên giới, lãnh thổ, ngoại giao, lãnh sự, công tác ngoại giao… Quốc hội đã phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng như: về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp ước về biên giới trên bộ với Trung Quốc, Căm-pu-chia, Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá với Trung Quốc, Hiệp định thương mại Việt-Mỹ…

Quốc hội Việt Nam còn thực hiện rất có hiệu quả vai trò giám sát của Quốc hội đối với hoạt động đối ngoại của Chính phủ như: thẩm tra các báo cáo công tác đối ngoại hàng năm của Chính phủ, thẩm tra công tác phân giới, cắm mốc, thẩm tra ngân sách cho hoạt động đối ngoại và đóng góp nhiều ý kiến, khuyến nghị hay, bổ ích cho Chính phủ…

Trong việc thực hiện chức năng đối ngoại của Quốc hội, công tác ngoại giao của bản thân Quốc hội rất được coi trọng. Trước thời kỳ đổi mới, quan hệ đối ngoại của Quốc hội Việt Nam chủ yếu là quan hệ song phương và chỉ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và một số nước dân tộc chủ nghĩa. Trong bối cảnh mới, thực hiện đường lối đối ngoại mới; ngoại giao nghị viện Việt Nam có nhiều bứt phá, thực sự bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Quan hệ đối ngoại song phương của Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước trên thế giới được mở rộng. Hiện nay Quốc hội nước ta đã đặt quan hệ chính thức với 140 nghị viện - thành viên Liên minh nghị viện thế giới. Những năm gần đây, chúng ta đã cử hàng chục đoàn, trong đó có nhiều đoàn cấp cao đi thăm viếng nhiều nước ở cả năm châu Á, Âu, Mỹ, Phi, Đại Dương và đón tiếp, trao đổi hợp tác với hàng chục đoàn nghị viện các nước đến thăm Việt Nam. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay đã có khoảng vài chục chuyến thăm, cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi song phương, đa phương giữa Quốc hội và các nghị sỹ Việt Nam với quốc tế. Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội nước ta Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức rất thành công đến ba nước Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản và Hàn Quốc (9-23/3/2008). Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, chúng ta đã đón, làm việc với các Chủ tịch Quốc hội Mi-crô-ne-zi-a, Lãnh đạo Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Hàn-Việt, Phó chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Bun-ga-ri…

Quan hệ đối ngoại của Quốc hội nước ta không chỉ phát triển theo chiều rộng, mà còn đẩy mạnh theo chiều sâu. Các mối quan hệ phát triển thực chất, thiết thực hơn, nhất là quan hệ giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc… Các chuyến thăm đối ngoại đã bớt tính nặng lễ tân, hình thức. Ví dụ trong chuyến thăm ba nước vừa nêu trên, tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có cả các doanh nghiệp; Chủ tịch gặp cả giới doanh nhân để tuyên truyền, giới thiệu về làm ăn ở Việt Nam. Các nghị sỹ Việt Nam khi đi thăm Mỹ, đã góp phần quan trọng vận động các nghị sỹ Mỹ. Nghị sỹ Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, khóa XI nhận xét: “Những chuyến công du của các nhà lập pháp Việt Nam sang Mỹ năm 2006 đều có chủ đích rõ ràng là vận động các nghị sỹ Mỹ ủng hộ để hai bên sớm kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO; đồng thời vận động Quốc hội Mỹ dành Quy chế thương mại bình thường, vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam”.[5] Quốc hội ta cũng cử nhiều đoàn sang Mỹ, để trao đổi với các nghị sỹ Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam.

Tại các tổ chức, diễn đàn nghị viện đa phương, hoạt động của Quốc hội ta cũng ngày càng đa dạng và rất năng động. Quốc hội Việt Nam đã tăng cường tham dự hoạt động của Liên minh nghị viện thế giới. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã tham dự cả hai hội nghị nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nghị viện quốc tế tổ chức tại Trụ sở Liên Hợp Quốc năm 2000 và 2005. Trong thập niên cuối của thế kỷ 20, chúng ta đã tham gia thêm nhiều tổ chức, diễn đàn liên nghị viện mới như Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ APF, Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO, nay là AIPA), Diễn đàn nghị sỹ châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Tổ chức nghị sỹ châu Á-Thái Bình Dương (AAPP), Diễn đàn nghị sỹ châu Á-Thái Bình Dương về dân số và phát triển (AFPPD), Tổ chức nghị sỹ châu Á-Thái Bình Dương về môi trường và phát triển (APPCED), Tổ chức nghị sỹ ngành y quốc tế (IMRO)… Quốc hội Việt Nam còn là quan sát viên của một số tổ chức liên nghị viện khác. Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tham dự kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 28 (8/2007) tại Ma-lai-xi-a. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng đăng cai và tổ chức rất thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn của các tổ chức liên nghị viện như: AIPA, APF và Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP)…

Ngoại giao nghị viện Việt Nam trong những năm qua đã có những đóng góp cụ thể như sau: (i) Tăng cường sự hiểu biết và tin cậy trong quan hệ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam với nghị viện thế giới; (ii) Làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ, thiện cảm, đồng tình và ủng hộ sự nghiệp đổi mới của chúng ta; (iii) Tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân; và (iv) Làm sáng tỏ chính sách đúng đắn đầy thiện chí của Việt Nam về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, góp phần tranh thủ dư luận quốc tế.

Đánh giá về hoạt động ngoại giao nghị viện Việt Nam trong những năm qua, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Vũ Mão nhận xét: “Ngoại giao nghị viện thực sự trưởng thành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam.[6]

*

*    *

Tóm lại, Ngoại giao nghị viện xuất hiện từ lâu, song sự phát triển bùng nổ của ngoại giao nghị viện là nét mới của ngoại giao thế kỷ 21. Ngoại giao nghị viện hỗ trợ, bổ sung cho ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân, cùng góp phần thực thi chính sách đối ngoại của quốc gia. Ngoại giao nghị viện vừa mang tính ngoại giao chính thức vừa có tính nhân dân, do vậy khá mềm mỏng, uyển chuyển, có thể đi đầu mở đường, khai thông quan hệ, thúc đẩy quan hệ, nhất là trên các vấn đề, địa bàn phức tạp, tế nhị. Trong thời kỳ đổi mới, Quốc hội Việt Nam đã và đang triển khai rất thành công ngoại giao nghị viện.

 
PGS. TS. Vũ Dương Huân,  Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao, Bộ Ngoại giao.
 
Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1 (72), tháng 3 - 2008, Học viện Ngoại giao

 

 

Tài liệu tham khảo

1.   Vũ Mão, 60 năm nền ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam”, Tạp chí Thông tin đối ngoại, số 5/2006.

2.   Bùi Ngọc Thanh, Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO: Điểm gặp nhau giữa yêu cầu hội nhập với xu thế khu vực hóa ý nguyện nhân dân, Báo Nhân dân, ngày 18/11/2007.

3.   Ngoại giao nghị viện: Mở đường, khai thông và thúc đẩy, Bài trả lời phỏng vấn báo chí của ông Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Báo Người đại biểu nhân dân, ngày 29/2/2008.

4.   Ăn bánh chưng nghe chuyện ngoại giao nghị viện”, Trao đổi với bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại quốc hội, tại địa chỉ www.vtc.vn, ngày 29/2/2008.

5.   Robert Miller, The Roles of Parliament in Trade Policy Making”, Trade Knowledge Workshop organized by Parliamentary Centre, March 19th, 2007, Canada.

6.   The Arguments For and Against a new Parliamentary Diplomacy, Symposium Parliamentary Diplomacy, April 29, 2002, Canada, available at http: //www.parl.gc.ca/information/InterParl/Associations.

7.     Bernard Patry: Parliamentary Diplomacy, Symposium Parliamentary Diplomacy, April 29, 2002, Canada



[1] Vũ Mão, “60 năm nền ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam”, Tạp chí Thông tin Đối ngoại, số 5/2006.

[2] “Ngoại giao nghị viện: Mở đường, khai thông và thúc đẩy”, Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Báo Người đại biểu nhân dân, ngày 29/2/2008.

[3] “Ăn bánh chưng nghe chuyện ngoại giao nghị viện”, Phỏng vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tại địa chỉ http://www.vtc.vn, ngày 29/2/2008.

[4] Symposium Parliamentary Diplomacy. April 29,2002. pp. 2-3.

[5] “Ăn bánh chưng nghe chuyện ngoại giao nghị viện”, tlđd.

[6] Vũ Mão, tlđd.