Năm nay sẽ kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Trong những năm qua, hai nước đã dần bình thường hóa quan hệ, và gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có chuyến công du Việt Nam. Việc Washington tăng cường quan hệ với Việt Nam là một biểu hiện quan trọng cho sự cam kết chính trị của Mỹ tại khu vực. Chuyến thăm Việt Nam của ông Carter được các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ theo dõi sát sao, bởi ông Carter từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La gần đây rằng Mỹ đang tìm cách để bổ sung cho chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Củng cố quan hệ Việt-Mỹ sẽ là chất xúc tác thúc đẩy mối quan hệ riêng của Ấn Độ với Việt Nam. Trong vài năm qua, tầm quan trọng của Hà Nội đối với New Delhi ngày càng tăng lên, một phần là bởi Ấn Độ thực hiện chính sách “Hành động hướng Đông”, một phần là do những lo ngại về an ninh năng lượng và tầm quan trọng chiến lược về mặt địa chính trị của Việt Nam trong việc duy trì sự cân bằng tại khu vực.

Kể từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Ấn Độ đã kiên định xây dựng mối quan hệ chính trị với Việt Nam, coi Việt Nam là “người bạn và là đồng minh đáng tin cậy nhất” của Ấn Độ. Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ gần gũi, quan hệ đối tác giữa hai nước vẫn chủ yếu ở cấp độ chính trị và ngoại giao và hầu như không có tiến triển về mặt kinh tế và an ninh. Trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi tiếp thêm động lực mới cho chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, Việt Nam trở thành trung tâm trong tính toán chiến lược của Ấn Độ tại khu vực. Và mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được tiếp thêm động lực từ các chính sách của Mỹ đối với Việt Nam.

Trong một cuộc họp báo chung, ông Carter và người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, khẳng định rằng hai nước cam kết sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác trong 20 năm tiếp theo. Việt Nam và Mỹ đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung, trong đó Mỹ cam kết ủng hộ các chiến dịch và hoạt động huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, cũng như hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai. Bước tiến này đã mở ra cánh cửa dẫn tới sự hợp tác lớn hơn giữa hai nước trong tương lai.

"Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng" giữa Việt Nam và Mỹ được đưa ra sau tuyên bố của Washington hồi năm ngoái rằng Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Mặc dù tuyên bố này mới chỉ hạn chế ở việc bán các loại vũ khí và thiết bị giúp Việt Nam cải thiện khả năng đảm bảo an ninh hàng hải, song động thái này cho thấy Mỹ có những chính sách thực tế nhằm giúp tăng cường khả năng của các nước trong khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng dâng cao liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo và nỗ lực quân sự hóa, Thượng nghị sỹ cấp cao của đảng Cộng hòa John McCain cho rằng Mỹ cần cung cấp cho Việt Nam thêm các vũ khí phòng thủ. Những tuyên bố này cho thấy các chính sách truyền thống của Mỹ đối với Việt Nam đã có sự thay đổi rõ ràng, từ đó làm nổi bật lên những thay đổi địa chính trị trong thế kỷ 21.

Những sự thay đổi nói trên trong chính sách đối với khu vực Đông Á của Mỹ hoàn toàn phù hợp với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ với Việt Nam. Mặt khác, hợp tác Mỹ-Ấn tại Đông Á giúp đưa khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương trở thành một khái niệm chiến lược ám chỉ một khu vực liền mạch không bị chia tách. Việt Nam có thể trở thành quốc gia nằm ở trung tâm mối quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn, bởi cả New Delhi và Washington đều có thể được lợi từ điều này. Trong khi đó, thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn sẽ trở thành cơ sở cho những cam kết của Ấn Độ tại khu vực trong tương lai.

Đối lập với Đối thoại An ninh Bốn bên - trong đó chỉ có những cam kết rất khiêm tốn từ Úc và Nhật Bản, hợp tác Ấn-Mỹ tại khu vực là sự hợp tác trên thực tế, trong đó có sự liên kết rõ ràng giữa các chính sách quốc phòng và ngoại giao. Mỹ đầu tư cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược vào việc hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ấn Độ. Mặt khác, mặc dù mối quan hệ thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản khá mạnh mẽ và quan hệ với Australia đang ngày càng phát triển, song lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ với hai nước này hầu như không đạt được tiến triển. Thay vào đó, quan hệ giữa New Delhi với hai quốc gia quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương này vẫn chủ yếu dừng lại ở lĩnh vực chính trị và ngoại giao. 

Việc Nhật Bản chỉ đề nghị bán cho Ấn Độ máy bay thủy phi cơ Shin Maywa US-2 cho thấy Nhật Bản không muốn chia sẻ những công nghệ quan trọng với Ấn Độ. New Delhi quan tâm tới những chiếc tàu ngầm lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo song cho tới nay vẫn chưa nhận được sự đáp lại từ Tokyo. Để hợp tác quốc phòng đạt được mục đích là cân bằng quân sự với Trung Quốc, sự hợp tác này sẽ cần có được những bước tiến xa hơn là chỉ thực hiện các cuộc tập trận song phương lẻ tẻ, và tiến tới mức Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng với các nước đồng minh. Các động thái quân sự và chính trị mà không có sự hợp tác sâu sắc hơn trong lĩnh vực quốc phòng sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Ấn Độ. 

Mặt khác, Úc hầu như không có gì để khiến Ấn Độ quan tâm và bị hạn chế bởi quy mô có hạn của lực lượng quân đội. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Úc trong việc phối hợp với quân đội các nước trong khu vực là điều Ấn Độ có thể học hỏi. Trong bối cảnh hợp tác quốc phòng song phương Ấn Độ- Úc chưa có lực đẩy mạnh, hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.

Ấn Độ cần tăng gói tín dụng cấp cho Việt Nam, khoản tín dụng 100 triệu USD là một con số khiêm tốn nếu xét tới vai trò mà Ấn Độ mong muốn Việt Nam đảm nhận tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù điều đáng khích lệ là Ấn Độ đang chủ động xây dựng quan hệ với Việt Nam, song quy mô và tốc độ thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Việc Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam 4 tàu tuần tra xa bờ là trọng tâm trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước, vốn được đề xuất thực hiện hồi năm ngoái. Tuy nhiên, việc Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo và máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga cũng là cơ hội để Ấn Độ giúp Việt Nam trong công tác huấn luyện, dựa trên kinh nghiệm nhiều năm sử dụng các loại thiết bị này của Ấn Độ. Việc Ấn Độ bán tên lửa siêu thành Brahmos do Ấn Độ và Nga cùng phát triển là một “con đường” khác có thể tận dụng để tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam tại Biển Đông.

Một điều quan trọng nữa là Mỹ cần tăng cường các mối quan hệ an ninh song phương hiện có nhằm củng cố sức mạnh của các cường quốc trong khu vực. Việc Mỹ ủng hộ hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Philippines, cùng với đó là ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng với Việt Nam và những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trên biển của Việt Nam là những bước tiến nhằm duy trì cân bằng tại các khu vực tranh chấp. Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Ấn và việc đề cập tới vấn đề Biển Đông là sự phản ứng chiến lược của Ấn Độ đối với sức mạnh hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ củng cố quan hệ với Việt Nam và chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ là biểu hiện rõ ràng của hợp tác Mỹ-Ấn tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Sylvia Mishra và Pushan Das hiện làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Nhà Quan sát ở New Delhi. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)