Trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chững lại và mức tăng 2 con số được cho là “không tưởng” trong tương lai gần, nhiều quốc gia khác trong khu vực và các vùng lân cận có tiềm năng trở thành những trung tâm chế tạo những mặt hàng nhất định. Một trong số những quốc gia thu hút nhiều sự chú ý nhất hiện nay là Việt Nam.

Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán 8 thỏa thuận thương mại mới. Hơn thế nữa trước thực tế là kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp hoàn tất vào cuối năm nay, và đi cùng với đó là hy vọng về sự tự do thương mại hơn trên các thị trường Đông Nam Á, các nhà sản xuất hàng đầu không khỏi tin tưởng vào tương lai Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu hàng hoá thương mại tự do.

Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định một nền kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trung bình là 5,8% trong 5 năm qua, cho phép giữ lạm phát ở mức hợp lý. Trong cùng giai đoạn này, xuất khẩu đã tăng 131% và chạm mốc 132 tỷ USD vào năm 2013, tạo sức cạnh tranh lớn trong việc tìm kiếm các thị trường ở nước ngoài. Sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài được phản ánh thông qua lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đạt 8,9 tỷ USD trong năm 2013, cao hơn rất nhiều con số 1,6 tỷ USD trong 10 năm trước đó.

Việt Nam thu hút sự chú ý phần nhiều nhờ vào quá trình đàm phán hai thỏa thuận thương mại quy mô lớn, có sự tham gia của 19 nước. Thứ nhất phải kể đến là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà nếu thành công, sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội chưa từng có trong việc trở thành một trung tâm chế tạo trọng yếu. TPP có sự tham gia của 12 nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, với tổng dân số là khoảng 805 triệu người và tổng GDP 28 nghìn tỷ USD. Mỹ là nước đang ra sức thúc đẩy hoàn tất đàm phán TPP để đảm bảo vững chắc vị trí siêu cường thế giới và hạn chế sức ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Thỏa thuận quy mô thứ hai có sự tham gia của Việt Nam là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP là nơi thiết lập nên khối thương mại gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 6 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. 16 quốc gia này có tổng dân số là khoảng 3 tỷ người, với GDP vào khoảng 17,23 nghìn tỷ USD. Việt Nam hiện đã có những thỏa thuận thương mại với các nước này song mục tiêu của Việt Nam là hợp nhất những thỏa thuận hiện nay thành một thỏa thuận chung quy mô với sự góp mặt của tất cả 16 nước kể trên.

Việt Nam cho rằng hai thỏa thuận này sẽ giúp thay đổi đáng kể diện mạo lĩnh vực thương mại và tạo điều kiện để các ngành công nghiệp hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn. Nếu điều này trở thành hiện thực, ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam sẽ nhận được lực đẩy rất lớn, đủ sức xuất khẩu sang các khu vực trước đây từng không thể tiếp cận được do hệ thống bảo hộ và thuế quan.

Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước tham gia đàm phán RCEP và TPP đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2009-2013, và đạt ngưỡng 84,3 tỷ USD, tương đương 63% tổng sản lượng xuất khẩu. Tình hình xuất khẩu giữa các nước tham gia đàm phán TPP và RECP cũng đang ở giai đoạn tích cực. Sản lượng xuất khẩu giữa các nước tham gia đàm phán TPP đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD trong năm 2009 lên 2 nghìn tỷ USD trong năm 2013, với tăng trưởng trung bình thường niên vào khoảng 11%. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu giữa các nước tham gia đàm phán RCEP trong cùng kỳ đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD lên 2,2 nghìn tỷ USD, tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 16%.

Việt Nam có lợi thế lớn trên toàn cầu về dệt may, da giày, cà phê, gạo và du lịch. Mặc dù là nhà xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, các mặt hàng như dệt may và đồ thủ công sang Mỹ song Việt Nam hiện đang nhắm tới mục tiêu sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thay vì các mặt hàng giá trị thấp như hiện nay. Bên cạnh đó, triển vọng phát triển ngành công nghiệp tự động hóa hiện là rất lớn.

Có ý kiến cho rằng các nhà sản xuất đang bắt đầu dịch chuyển sự chú ý từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy là quốc gia nhỏ hơn Trung Quốc, song Việt Nam lại hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn để đáp ứng những yêu cầu hiện hành. Thu nhập hàng năm trung bình ở mức 2.364 USD, bằng ¼ so với Trung Quốc. Trong Bảng xếp hạng Hoạt động Kinh doanh, Việt Nam đứng ở thứ 78, trong khi Trung Quốc xếp thứ 90. Tiền thuê đất đai và giá các dịch vụ công cộng ở Việt Nam tương đối thấp, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 22%, thấp hơn 5% so với ở Trung Quốc. Nhiều chính quyền địa phương Việt Nam cũng đã có nhiều đầu tư đáng kể nhằm xây dựng các khu công nghiệp quy mô, tạo điều kiện thu hút giới đầu tư nước ngoài.

Ấn Độ, tuy chưa có các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia đang tham gia đàm phán TPP và RCEP, song cần xem xét và cải cách cho phù hợp với những chiến lược khu vực của mình để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp Ấn Độ nắm bắt các cơ hội từ Việt Nam, một thị trường thu nhập trung bình đang nổi, và sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên có lợi từ hội nhập thị trường sâu rộng một khi những thỏa thuận tự do thương mại chính thức có hiệu lực.

Rahul Mazumdar, Trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Ấn Độ (Exim Bank of India). Bài viết được đăng trên Business Line.

Văn Cường (gt)