Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) được tổ chức 5 năm 1 lần. Tại Đại hội lần thứ 12 vừa diễn ra tại Hà Nội, ĐCSVN đã bầu Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính Trị, Tổng Bí thư và đề cử nhân sự tham gia các vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước để Quốc hội khóa tới thông qua. Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu phương Đông của báo Gazeta bình luận về Đại hội như sau:

Sau 30 năm đổi mới

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, nếu năm 1990 tổng thu nhập quốc nội tính theo đầu người của Việt Nam chỉ đạt 220 USD thì đến năm 2014 con số này đã tăng gấp 10 lần, đạt 2052 USD.

Điều này có được là nhờ Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, bởi cũng giống như tất cả các công xưởng khác của thế giới, thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam là ở bên ngoài. Chỉ trong năm 2015 Việt Nam ký Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhận định về vấn đề này, ông Mazyrin - Tiến sỹ Kinh tế, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - cho rằng: “Kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trước thềm Đại hội XII có ý nghĩa to lớn đối với tương lai phát triển đất nước. Đại hội đã tổng kết 30 năm tiến hành chính sách đổi mới và mở cửa được khởi xướng từ năm 1986. Chính sách đối nội của Việt Nam đã đi theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần với vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Mô hình này được gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 30 năm, chính sách này đã mang lại cho Việt Nam nhiều thành công quan trọng và cho cả Đại hội XII”.

Kết quả quan trọng nhất của Đại hội là bầu lại ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư với nhiệm kỳ 5 năm. Tiến sỹ sử học Kolotov từ Đại học tổng hợp Saint-Peterburg cho biết: “Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại lãnh đạo đất nước. Ở Việt Nam, Tổng Bí thư là người có quyền lực cao nhất”.

Các chuyên gia cho rằng sau Đại hội sẽ khó xảy ra sự thay đổi quan trọng. Phó Tiến sỹ sử học Lokshin thuộc Viện Viễn Đông nhận định: “Đại hội đã bầu ra ban lãnh đạo mới sau nhiều vòng hiệp thương và tranh luận. Cuộc bầu cử vừa qua diễn ra dân chủ và Đại hội đã đóng vai trò quan trọng nhất. Nhìn chung, ĐCSVN giữ được sự thống nhất, thành phần đội ngũ lãnh đạo được trẻ hóa. Tuy nhiên, sẽ không có sự thay đổi đáng kể trong đường lối đối nội cũng như đối ngoại sau Đại hội. Đường lối của Việt Nam được hoạch định trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn và Việt Nam hiểu rõ điều gì mang lại thành công, điều gì không. Tất cả các quyết sách cụ thể ở Việt Nam đều được thông qua dựa trên tình hình thực tế”.

Tiến sỹ Mazyrin bổ sung thêm: “Nhìn chung, Đại hội khẳng định tính kế thừa đường lối trước đây, vì vậy ít khả năng có sự thay đổi trên bình diện này hay bình diện khác. Việc bầu đội ngũ lãnh đạo mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử đã khẳng định Việt Nam trung thành với đường lối đối ngoại cân bằng, tự chủ và cải cách kinh tế thị trường. Khuynh hướng đối ngoại chủ đạo của Việt Nam trong nhiều năm qua là hội nhập sâu vào đời sống quốc tế, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam tiến hành rộng rãi chính sách này, bằng cách thành lập các khu vực thương mại tự do và chiếm lĩnh thị trường các nước”.

Kinh tế tăng trưởng 7%

Chuyên gia Lokshin cho biết: “Đại hội XII đã đi đến các kết luận mới, đề ra nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ nâng GDP bình quân đầu người lên 3300 USD và giữ mức tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%/năm”. Các chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ không có thay đổi lớn, tuy nhiên Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đổi mới.

Chuyên gia Anton Svetov thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga cho rằng: “Các cuộc cải cách của Việt Nam sẽ mang tính liên tục, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ bớt dần lệ thuộc vào Trung Quốc để định hướng sang các đối tác khác, trong đó có Mỹ. Trong khu vực châu Á, Việt Nam sẽ chú trọng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Trong đó, Hiệp định TPP đóng vai trò quan trọng”.

Tiến sỹ Mazyrin đánh giá: “Tháng 5/2015, Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu và cuối năm kết thúc đàm phán đồng thời cả FTA với Liên minh châu Âu lẫn TPP. Việt Nam không đề cao quan hệ với bất cứ đối tác nào, điều này đã được thể hiện qua các nghị quyết của Đại hội XII. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam ưu tiên hợp tác với TPP và Liên minh châu Âu hơn. Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định thương mại tự do, trong khi Nga lần đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với nước ngoài thông qua Liên minh kinh tế Á-Âu. So với các nước thành viên khác của Liên minh kinh tế Á-Âu, Nga có cơ hội bù đắp được sự tụt hậu khi chưa có khu vực thương mại tự do với Việt Nam. Trước đây, trong khi các nước khác được mua bán hàng hóa với giá rẻ thì Nga vẫn phải trao đổi thương mại với giá cao hơn và mất khả năng cạnh tranh trước các đối tác khác trên thị trường Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trao đổi thương mại Nga-Việt năm 2014 và 2015 có chiều hướng chậm lại”.

Quan hệ với Nga

Thượng nghị sỹ Arnold Tulokhonov, Ủy viên Ủy ban đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đánh giá: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử và nhiều gương mặt cũ tiếp tục ở lại nên sẽ không có sự thay đổi lớn về chính sách đối với nước Nga. Cùng những con người đó không thể bỗng dưng chuyển hướng nếu con tàu vẫn đi đúng đường. Quan hệ Việt-Nga hiện nay đã rất tốt nhưng còn có thể tốt hơn. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Moskva, hợp tác thương mại nhìn chung là tốt, tuy nhiên đó là trên bình diện quốc gia. Điều làm tôi quan tâm là hợp tác địa phương. Theo lời mời của tôi, Phó Thủ tướng Việt Nam đã thăm Ulan-Ude. Trong chuyến thăm tôi đã dự thảo Thỏa thuận hợp tác địa phương và đang chờ đợi ký kết. Về hợp tác kỹ thuật quân sự, giáo dục… chúng tôi đã đề cập vấn đề trao đổi sinh viên. Phía Việt Nam đã thể hiện mong muốn”.

Chuyên gia Anton Tsvetov nói: “Tôi cho rằng sẽ không có thay đổi lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Nga. Mối quan hệ hai nước hiện mang tính đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, vẫn còn phương hướng có thể phát triển đó là hợp tác thương mại bởi kim ngạch ngoại thương hiện nay còn ở mức rất khiêm tốn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh hải quan là bước đi quan trọng, tuy nhiên mọi việc còn phụ thuộc vào hành động cụ thể”.

Mỹ, Trung Quốc và SNG

Theo ông Anton Svetov, nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc để chuyển sang hợp tác với các đối tác khác, trong đó có Mỹ. Trong khu vực, Việt Nam sẽ đề cao quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Ở đây, việc ký Hiệp định TPP có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong khi đó, Tiến sỹ Kolotov nhận định: “Sẽ không có bước chuyển đột ngột trong chính sách của Việt Nam. Việt Nam hiện là thành viên có uy tín của ASEAN và cộng đồng quốc tế và sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình, cũng như tiến hành chính sách đa phương. Về phương diện thương mại, Việt Nam nằm giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên cả hai quốc gia này đều tìm cách can dự vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Nga không làm như vậy mà sẽ chỉ đóng vai trò nhân tố ổn định trong khu vực. Nga là đất nước hữu nghị với Việt Nam và mọi người đều biết điều đó. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường quan hệ thương mại với Nga song rất tiếc kết quả chưa thực sự rõ nét. Nhìn chung kinh tế Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có mối quan hệ vững chắc với Mỹ, các nước EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Các thị trường này có khả năng tiêu dùng cao nên Việt Nam cố gắng thâm nhập”.

Quan hệ với các nước SNG còn tương đối yếu

Từ thời Liên Xô quan hệ giữa Việt Nam với các nước SNG vốn tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật-quân sự. Hiện nay mối quan hệ này vẫn như vậy, ví dụ với Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Với các nước còn lại, hợp tác vẫn ở mức khiêm tốn và mang tính tượng trưng là chính. Nhìn chung, Việt Nam là thành viên có uy tín của ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Ông Anton Tsvetov nhận định: “Liên quan đến vấn đề tranh chấp các quần đảo ở Biển Đông, tôi cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ vẫn giữ quan điểm cũ. Các nhà quan sát phương Tây dự báo rằng tân Thủ tướng sẽ có lập trường cứng rắn, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cẩn trọng hơn trong quan hệ với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Vì vậy, tôi cho rằng ít khả năng cuộc xung đột sẽ có sự thay đổi về chất, xảy ra hành động bất cẩn hoặc bột phát. Tuy nhiên, vấn đề này tự thân nó không thể mất đi. Mấu chốt là ở chỗ Việt Nam có thể gạt bỏ nó sang một bên trong quan hệ với Trung Quốc hay không”.

Theo Báo Độc lập (Nga)
Thúy Bình (gt)