Một phần trong chiến lược “tái cân bằng với châu Á” là thúc đẩy quan hệ của Mỹ trong khu vực, không chỉ với các đồng minh lâu nay như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, mà còn với các đối tác mới như Việt Nam. Trong 32,5 triệu USD hỗ trợ an ninh biển, có 18 triệu USD dành cho Việt Nam, bao gồm việc mua 5 tàu tuần tra mới cho lực lượng tuần duyên Việt Nam. Số tàu này được cho là sẽ được sử dụng để tuần tra khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Điều này khiến Bắc Kinh càng quan ngại rằng Mỹ đang tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam như một phần trong chiến lược kiềm chế nhằm vào Trung Quốc.

Quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tháng 7/2013, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Mỹ, hai bên thông báo về “quan hệ đối tác toàn diện”, theo đó kêu gọi “hợp tác trong một loạt lĩnh vực từ thương mại đến hợp tác quân sự, hợp tác đa phương trong những vấn đề như cứu hộ thảm họa, trao đổi khoa học và giáo dục”. Điều đáng chú ý là Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang "nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế… vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Tại Hội nghị ASEAN ở Hà Nội năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Hillary Clinton đã chính thức đưa Mỹ vào những tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông khi phát biểu: “Mỹ, như mọi quốc gia, có lợi ích quốc gia trong tự do hành hải, tiếp cận mở với các vùng biển ở châu Á và tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông. Mỹ ủng hộ một tiến trình hợp tác mang tính ngoại giao giữa tất cả các bên tuyên bố chủ quyền trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách tự nguyện. Chúng tôi phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kì bên tuyên bố chủ quyền nào”.

Dù khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp này, song thực tế việc bà Clinton đề cập tới lợi ích của Mỹ trong một hội nghị ở Hà Nội ngay sau khi căng thẳng Trung-Việt gia tăng dường như đã phát đi tín hiệu Mỹ ủng hộ Việt Nam. Ngay sau tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, bà Clinton cam kết “chúng tôi chuẩn bị đưa quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao mới của can dự, hợp tác, hữu nghị và đối tác”. Một phần trong cam kết này là các cuộc diễn tập quân sự, mà Mỹ và Việt Nam đã tiến hành cùng nhau vào tháng 8/2010, một tháng sau tuyên bố của bà Clinton.

Tại các diễn đàn đa phương sau đó, rõ ràng là Mỹ và Việt Nam (cũng như các nước khác) đang ủng hộ một “bộ quy tắc ứng xử” trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc phản đối đưa tranh chấp này ra các diễn đàn đa phương, muốn giải quyết vấn đề trong khuôn khổ song phương. Rạn nứt giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã dẫn đến thất bại đáng chú ý tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 khi kết thúc mà không đạt được tuyên bố chung như thường lệ.

Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Mỹ tìm cách gây chia rẽ quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Dù không chủ động tìm cách khiến các nước trong khu vực chống Trung Quốc, song rõ ràng là Mỹ đang hưởng lợi từ sự mâu thuẫn này. Một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết một trong những yếu tố “thú vị” nhất trong quan hệ Mỹ-Việt là “tâm lí chống Trung Quốc sâu sắc” ở Việt Nam và hệ quả không thể phủ nhận của điều này là “quan hệ của chúng ta với Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ”.

Mỹ có khả năng lợi dụng tâm lí mâu thuẫn với Trung Quốc để thắt chặt hơn quan hệ với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh chuyến thăm của ông Kerry trong tuần này, trước đó cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã đến Việt Nam hai lần, vào các năm 2010 và 2012. Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước đây là các ông Robert Gates và Leon Panetta, cũng đều đã đến Việt Nam, lần lượt vào các năm 2010 và 2012. Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Chuck Hagel dự kiến cũng sẽ đến Việt Nam vào năm 2014.

Bản ghi nhớ chung (MOU) năm 2011 giữa Mỹ và Việt Nam cũng đặt ra những nền tảng cho hợp tác quân sự, bao gồm đối thoại quốc phòng cấp cao, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động nhân đạo khác. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, “bước ngoặt đáng kể” nhất là “cam kết mạnh mẽ” của Mỹ giúp Việt Nam giải quyết những hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, một điểm nhạy cảm rõ ràng trong quan hệ giữa hai bên. Dường như Mỹ và Việt Nam đã gác lại cuộc chiến tranh kéo dài cả thập kỉ giữa họ trong bối cảnh tìm cách củng cố mối quan hệ mới. Chiến tranh Việt Nam vẫn là một chủ đề chính trong các tuyên bố chính thức, song phần lớn thông qua các ví dụ về việc cả Mỹ và Việt Nam đang tìm cách vượt qua di sản đó thế nào.

Mỹ và Việt Nam đang thực hiện “các hoạt động thực địa chung” để quy tập hài cốt của cả binh sĩ Việt Nam và Mỹ mất tích sau chiến tranh (MIA), cũng như những nỗ lực nhằm hạn chế tác động của chất độc da cam tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), những tồn đọng này phần nào khiến quan hệ Việt-Mỹ chỉ là “đối tác toàn diện”, một bước thấp hơn so với “đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc vẫn tin rằng quan hệ với Việt Nam có thể chống chọi được sự cạnh tranh từ Mỹ. Một bài viết đăng trên tờ "Nhân dân Nhật báo", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ ra rằng bất chấp việc chấp thuận sự hỗ trợ của Mỹ, Việt Nam dự kiến vẫn sẽ tôn trọng sự đồng thuận với Trung Quốc cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc cũng thực hiện những bước đi riêng để tăng cường hợp tác với Việt Nam, bao gồm tuyên bố hồi tháng 10 rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng thăm dò khu vực tranh chấp ở Vịnh Bắc Bộ. Giải thích về động thái này trên tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng", giáo sư Su Hao thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc bình luận rằng “Bắc Kinh cho rằng Việt Nam có thể trở thành một phần trong chính sách kiềm chế Trung Quốc của Nhật Bản và Mỹ”. Với Việt Nam, Trung Quốc coi là một đối tác mà vẫn có thể tiến lại quá gần với Mỹ. Và hệ quả là, Trung Quốc có thể kiềm chế với Việt Nam, thái độ mà đến nay họ chưa hề thể hiện trong các tranh chấp với Nhật Bản và Philippines, những nước vốn là đồng minh của Mỹ.

Theo “The Diplomat” 

Hương Trà (gt)