Dòng vốn FDI dồi dào, được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, đã và đang kích thích mạnh mẽ sự phát triển của ngành xuất khẩu công nghiệp và tăng trưởng nội địa. Theo ước tính, khoảng 23% tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam là từ nguồn FDI. Đổi lại, trung bình hàng năm, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đóng góp tới 63% doanh thu xuất khẩu cho đất nước, và chiếm tới 53% nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu ở mức cao là bởi Việt Nam là một trong những "mắt xích" trên dây chuyền cung ứng, cùng nhiều quốc gia sản xuất nguyên liệu thô khác.

Nguồn vốn FDI tại Việt Nam chủ yếu tới từ các nền kinh tế phát triển hơn tại châu Á. Cụ thể, 66% tổng số vốn FDI tại Việt Nam trong năm 2013 là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Trung Quốc (tính cả Hong Kong) cũng như từ các nước châu Á khác.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội triển khai hoạt động với chi phí rẻ hơn. Có rất nhiều ví dụ tiêu biểu cho thực tế này. Năm 2009, Samsung - "ông trùm" của ngành điện tử Hàn Quốc - đã xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô bằng một nhà máy thứ hai với năng suất ước tính đạt 100 triệu chiếc điện thoại/năm trong ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động như LG Electronics and Nokia cũng đã tới Việt Nam và đầu tư quy mô lớn.

Intel, một "ông lớn" trong ngành sản xuất vi mạch xử lý, mới đây vừa công bố kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Intel sẽ bắt đầu đưa loại chip điện tử mới dành cho máy tính có tên là Haswell đi vào sản xuất tại các nhà máy của hãng này ở Việt Nam, đưa Việt Nam lên thêm một bậc trong ngành công nghiệp điện tử.

Tất cả những tiến triển này đang phản ánh nhiều hướng đầu tư mới tại Việt Nam. Trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, chính sách thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam thực sự đã đạt hiện quả. Quốc gia này trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp lắp ráp và sản xuất đa dạng các mặt hàng, với lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn. 

Các loại hàng hóa bao gồm cả nhiều "nhãn hiệu nước ngoài" nổi tiếng, nhưng rõ ràng chúng là những mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu từ Việt Nam. Những sản phẩm này là các mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu dành cho những người tiêu dùng hiện đại. Đó là những món đồ gia dụng điện tử như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi, radio, quần áo, các đồ dùng thể thao và giày dép. Bên cạnh đó còn có cả nhiều mặt hàng xuất khẩu cơ bản như thực phẩm và đồ đông lạnh. Xuất khẩu thủy hải sản từ Việt Nam, nhất là mặt hàng cá, đã khiến giá thành loại mặt hàng này trên thị trường thế giới giảm đáng kể, và điều này từng vấp phải sự phản đối gay gắt của các tập đoàn sản xuất tại Mỹ.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới trên thực tế vẫn là Mỹ. Sau nhiều năm quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đạt nhiều tiến triển đáng chú ý, khối lượng thương mại song phương năm 2014 đã đạt tới 36,3 tỷ USD (theo số liệu từ cơ quan thương mại của chính quyền Mỹ). Đây thực sự là một con số ấn tượng. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 30,6 tỷ USD, trong khi khối lượng nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ là 5,7 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc thặng dư thương mại với Mỹ của Việt Nam đạt 24,9%.

Cụ thể, giá trị các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2014 lần lượt như sau: vải sợi và may mặc đạt 35%; giày dép 11%; gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ 8%; máy tính, đồ điện tử và linh kiện 7%; thủy hải sản 6%; điện thoại và phụ kiện 5%; máy móc, thiết bị và linh kiện 4%; cùng nhiều mặt hàng khác chiếm 24% còn lại.

Quan hệ thương mại Mỹ-Việt từng rơi vào giai đoạn bế tắc sau Chiến tranh Việt Nam. Năm 1993, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là bằng 0, và cho tới tận những năm gần đây Việt Nam mới bắt đầu quan tâm tới việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng sang cường quốc này. Năm 2000, khối lượng thương mại song phương Mỹ-Việt đã đạt mức 1,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chiếm tới 50%. Năm 2001 là năm cột mốc đối với quan hệ thương mại giữa hai nước, với hàng loạt thỏa thuận được ký kết. Kể từ đó, thương mại song phương không ngừng tăng mạnh. Việt Nam liên tục đạt thặng dư xuất khẩu. Năm 2014, tổng khối lượng thương mại Mỹ-Việt đạt 36,3 tỷ USD, gấp 24,2 lần con số 1,5 tỷ USD của năm 2001.

Đây là một số liệu gây ngạc nhiên cho không ít người. Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là bởi Việt Nam cũng đang là một trong số các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do khu vực do Mỹ khởi xướng.

Gerardo P. Sicat, nhà kinh tế học kỳ cựu, ông từng  làm việc tại cơ quan hoạch định chính sách quốc gia và Ngân hàng Thế giới (WB). Bài viết được đăng trên PhilStar.

Văn Cường (gt)