Những ngày sau khi chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi ĐSQ Mỹ, bầu trời Sài Gòn yên lặng và những người chiến thắng bận rộn treo cờ của Mặt trận Giải phóng Dân tộc tại các cơ quan đại diện nước ngoài. Riêng tòa ĐSQ Mỹ, kiên cố như một thành trì, thì lại không được treo cờ của Mặt trận Giải phóng Dân tộc. Khi được hỏi về lý do của ngoại lệ này, một quan chức từ Hà Nội đã trấn an tôi bằng một nụ cười: “Người Mỹ sẽ sớm trở lại”. Ông giải thích rằng: “Người Mỹ lo ngại TQ bành trướng và họ biết rằng, trong lịch sử, Việt Nam là rào cản gai góc nhất trên đường Nam tiến của Bắc Kinh”.

Đầu năm nay, BTQP Leon Panetta đã đi thăm Vịnh Cam Ranh. Vịnh Cam Ranh có vị trí quan trọng trong tính toán chiến lược của Mỹ. Chuyến thăm không phải để nói rằng Mỹ và Việt Nam đang tiến gần hợp tác chiến lược ở mức độ mà người bạn Việt Nam của tôi đã mong muốn hồi năm 1975, nhưng cuộc hành trình díc-dắc của hoà giải và bình thường hoá quan hệ của hai cựu thù vẫn là một câu chuyện thú vị. Câu chuyện này cũng cho ta những bài học quý giá về sự tương tác của ba yếu tố - địa chính trị, chủ nghĩa dân tộc, và ý thức hệ - những yếu tố đã định hình những biến đổi ngoạn mục ở Việt Nam trong thời gian qua. Lịch sử quan hệ vừa yêu vừa ghét 2000 năm của Việt Nam với người láng giềng khổng lồ TQ, hoài bão dân tộc của Việt Nam, và quyết tâm duy trì chế độ của Đảng Cộng sản cầm quyền có thể giải thích được con đường gian truân tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Việt Nam đang tưng bừng với chiến thắng trọng đại và nóng lòng tái thiết đất nước bị tàn phá nhưng cũng lo lắng về những dấu hiệu thù địch công khai từ TQ. Sự lạc quan của Việt Nam về việc khôi phục nhanh chóng quan hệ với Washington, dựa trên những cân nhắc lớn về địa chính trị, có thể là một hướng suy nghĩ hợp lý nhưng lại dựa trên một sự hiểu lầm hoàn toàn về các lực lượng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Mỹ. Mặc dù TTh Jimmy Carter mong muốn khôi phục quan hệ với tất cả các cựu thù của Mỹ ở Châu Á, kể cả TQ, song việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam lại không thực hiện được. Carter không chia sẻ những tính toán lâu dài của Việt Nam, còn, về phần mình, Việt Nam lại coi nhẹ vết thương tâm lý sâu thẳm của người Mỹ do cuộc chiến gây ra. Mặc dù muốn quan hệ với Washington để cân bằng lại sức mạnh của TQ, nhưng Việt Nam lại quá kiêu hãnh với chiến thắng và không từ bỏ đòi hỏi bồi thường chiến tranh - cam kết hỗ trợ tái thiết của Mỹ trong Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973. Sau khi cuộc đàm phán bình thường hoá quan hệ thất bại năm 1978, bối cảnh địa chính trị đã thay đổi sâu sắc theo hướng bất lợi cho Việt Nam trong gần hai thập kỷ sau đó.

Bốn năm sau ngày chiến tranh lâu dài kết thúc, Việt Nam lại phải chịu cảnh chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây. Khmer Đỏ tấn công với sự hậu thuẫn của TQ tại biên giới Tây Nam những năm 1977 - 1978 đã dẫn đến việc Việt Nam đưa quân vào chiếm đóng CPC. TQ đã trả đũa, trừng phạt gây chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Sự kiện này đã mở đầu một giai đoạn kéo dài một thập kỷ mà Việt Nam phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế ở trong nước và sự cô lập trên trường quốc tế. Sức ép của một cấu kết giữa Mỹ và TQ và sự ủng hộ của hai nước này cho liên minh do Khmer Đỏ cầm đầu trở nên xấu hơn khi Việt Nam không còn sự ủng hộ của Liên Xô đang trong thời kỳ cải tổ. Đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ bế tắc, bởi người Mỹ không ngừng đòi thống kê tù binh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong chiến tranh. Lực lượng bảo thủ trong chính quyền và quân đội Mỹ - những người không bao giờ tha thứ cho Việt Nam bởi đã gây ra nỗi nhục quốc thể cho người Mỹ - đã cố phục hồi danh dự cho nước Mỹ bằng việc hồi hương di hài của những người lính đã ngã xuống tại Việt Nam và duy trì lệnh cấm vận thương mại áp đặt với Việt Nam từ năm 1975. Để thoát khỏi khó khăn kinh tế và cô lập ngoại giao, Việt Nam đã tiến hành Đổi Mới và bắt đầu rút quân khỏi CPC và hoàn thành việc rút quân vào năm 1989.

Khi Việt Nam rút gần hết quân khỏi CPC như Mỹ và ASEAN đòi và tham gia đàm phán với các nước này về tương lai chính trị của CPC, thì bối cảnh địa chính trị một lần nữa lại thay đổi. Quan hệ Xô - Trung ấm lại và sự cô lập của quốc tế đối với Bắc Kinh sau vụ thảm sát Thiên An Môn không chỉ thay đổi môi trường quốc tế mà còn tăng thêm quan ngại của Việt Nam về an ninh của chế độ. Những cuộc biểu tình lớn ở TQ - sau đó bị chấm dứt bởi đàn áp bằng bạo lực tại Quảng trường Thiên An Môn - và sự sụp đổ liên hoàn theo kiểu những quân cờ domino của các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ngay sau đó đã rung chuông báo động ở Bắc Kinh và ở Hà Nội. Mặc dù rất cần viện trợ và thương mại với phương Tây, nhưng Việt Nam luôn cảnh giác với “diễn biến hòa bình” và khả năng lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa thông qua viện trợ. Cái gọi là lộ trình bình thường hóa quan hệ của chính quyền George H. W. Bush bị Việt Nam nghi ngờ sâu sắc. Sự thất bại của nhà ngoại giao hàng đầu Nguyễn Cơ Thạch trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ - dù đã có nhiều nhượng bộ trong vấn đề người Mỹ mất tích và rút quân khỏi CPC - đã làm cho Hà Nội thay đổi đường lối chống TQ. Một cuộc gặp cấp cao bí mật giữa các nhà lãnh đạo đảng của TQ và Việt Nam đã được tổ chức tại Thành Đô ngày 4 và 5/9/1990. Cuộc gặp này đã tạo nền tảng cho việc giảm dần mâu thuẫn Trung - Việt và cho một thỏa thuận để thành lập chính phủ liên hiệp ở Phnom Penh dưới sự bảo trợ của LHQ.

Trong bối cảnh bình thường hóa quan hệ với TQ đang diễn ra, mục tiêu chính của Việt Nam trong quan hệ với Washington trở thành hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn rất cảnh giác chống lại các mối đe dọa đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Thật trớ trêu, chính sách đối với Việt Nam của Đảng Dân chủ dưới thời của TTh Clinton lại cứng rắn hơn chính sách trước đây của chính quyền Đảng Cộng hòa. Dưới áp lực của cánh hữu, chính quyền Clinton gây thêm sức ép trong các vấn đề MIA (lính Mỹ mất tích) và vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Việc doanh nghiệp phối hợp với nhau đi vận động đã buộc Washington phải mềm dẻo hơn với Việt Nam. Tháng 2/1995, Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Tháng 7 Mỹ tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao. Ngày 5/8/1995 (30 năm sau khi chiến tranh kết thúc), khi NT Mỹ Warren Christopher kéo lá cờ Mỹ tại ĐSQ Mỹ tại Hà Nội, thì mối quan tâm chính của Việt Nam đã thay đổi. Việt Nam không còn thiết tha với việc xây dựng liên minh chiến lược so với việc mở cửa nền kinh tế của mình ra với thế giới và cụ thể là để có được quy chế tối huệ quốc.

Việt Nam thể hiện sự dè dặt, không muốn bị coi là đồng minh của Mỹ chống lại TQ, khá rõ vào tháng 3/2000. BTQP William Cohen là thành viên đầu tiên của Chính phủ Mỹ thăm chính thức Việt Nam, nhưng Hà Nội làm mọi cách để tuyên bố rằng hai bên không có cơ hội đàm về quan hệ chiến lược. Ngay cả khi TTh Cliton thăm Việt Nam  tháng 12/2000, Trung ương Đảng đã bí mật ra chỉ thị đảng viên phải tỏ ra “lạnh lùng” với Clinton. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Đảng Cộng sản và nhân dân lại rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi đã chứng kiến hàng ngàn thanh niên Sài Gòn phá vỡ hàng rào cảnh sát để tiếp cận xe TTh Clinton đồng thời hô vang “Bill, Bill!” Đối với Đảng, đây là chuyến đi để nước Mỹ qui phục và công nhận Việt Nam, chứ không phải vì Việt Nam đang nỗ lực thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ vì lí do phương Bắc. Trong cuộc tiếp Clinton, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã lên lớp Tổng thống Mỹ về lịch sử oanh liệt chống giặc ngoại xâm của Việt Nam, mà lại không hề đề cập gì đến hiện tại hay tương lai của quan hệ với Mỹ. Vì việc này, Việt Nam phải chờ thêm 3 năm nữa đến khi tình hình quốc tế lại có thay đổi.

Chính quyền Bush con đã không duy trì thái độ có phần xu nịnh của Mỹ đối với TQ sau sự kiện máy bay do thám EP-3. Ngay cả trước khi xảy ra căng thẳng về vụ máy bay do thám, một số nhân vật quan trọng của Washington đã bày tỏ lo ngại trước việc TQ biểu dương lực lượng. Một trong các tác giả của báo cáo của Tập đoàn RAND, Zalmay Khalilzad, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia, đã chỉ ra rằng Mỹ nên tăng cường sự hiện diện quân sự tại Châu Á để đáp lại sức mạnh ngày càng tăng của TQ. Báo cáo cũng nêu rõ “hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam là việc làm hợp lý (lô-gíc) để ngăn chặn không cho TQ trở thành bá quyền khu vực”. Khi Washington bắt đầu tập trung vào thay đổi cán cân ở Đông Á, thì mối quan tâm của Mỹ đến Việt Nam trở nên có ý nghĩa chiến lược.

Về phần mình, Việt Nam cũng lo ngại về việc TQ liên tục ép ở Biển Đông và với các nước sát với Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương tháng 6/2003, Đảng đã kết luận là tình hình tại Đông Á sẽ tiếp tục phát triển bất lợi và cần nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ. Như các quan chức Việt Nam đã nói với phía Mỹ: “Tam giác này đang mất cân bằng”. Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam còn yếu, trong khi quan hệ Mỹ-Trung đã được cải thiện đáng kể và ảnh hưởng của TQ trong khu vực đang ngày càng mạnh. Nhận thức chung mới này đã dẫn đến chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong lịch sử của BTQP/VN tháng 11/2003. Tiếp sau đó là lần cập cảng đầu tiên của tàu Hải quân USS Vandergift tại TP. Hồ Chí Minh.

Đỉnh điểm của quá trình nồng ấm quan hệ này diễn ra trong tháng 6 năm 2005, khi TTg Phan Văn Khải là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được tiếp đón tại Nhà Trắng. Trong tuyên bố chung, TTh George W. Bush và TTg Phan Văn Khải khẳng định "chia sẻ tầm nhìn về hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông Nam Á và khu vực CA-TBD, và nhất trí hợp tác song phương và đa phương để thúc đẩy các mục tiêu này". Việc đưa cụm từ "khu vực châu Á-Thái Bình Dương" vào Thông cáo Chung hàm ý rằng quan hệ Việt - Mỹ vượt quá tính chất song phương và thậm chí vượt khỏi khu vực Đông Nam Á. TTg Phan Văn Khải đã ký một thỏa thuận tình báo với Mỹ về hợp tác ngăn chặn rửa tiền và chia sẻ thông tin tình báo với Washington.

Trong bối cảnh TQ ngày càng mạnh và hung hăng ở Biển Đông, quan hệ Mỹ- Việt Nam đã phát triển theo chiều sâu. Chuyến thăm Hà Nội năm 2010 nhân dịp Hội nghị BT Ngoại giao ASEAN của NT Mỹ Hillary Clinton, nơi bà đã bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về hành xử của TQ ở Biển Đông, đánh dấu một cấp độ hợp tác mới với Việt Nam. Vào năm sau, Mỹ và Việt Nam đã thảo luận để nâng quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược. Quan hệ hợp tác quân sự cũng được tăng cường. Trong chuyến thăm Washington của BT Quốc phòng Việt Nam năm 2003, hai bên đã được quyết định sẽ trao đổi các chuyến thăm cấp Bộ trưởng ba năm một lần. Kể từ đó, BT quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã thực hiện bốn chuyến thăm lẫn nhau. Chuyến thăm vào tháng 6/2012 của BTQP Mỹ Leon Panetta đã thu hút nhiều sự quan tâm chú ý hơn bình thường trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang diễn biến xấu đi. Ông Panetta đã thăm Vịnh Cam Ranh, nơi trước đây Liên Xô đã dùng làm căn cứ quân sự cho hải quân và máy bay ném bom tầm xa.

Trong khi mối quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, sự tương tác giữa ba nhân tố tiếp tục điều tiết mối quan hệ này. Một TQ mạnh về quân sự đe dọa chủ quyền của Việt Nam hơn bất cứ lúc nào trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam lại có chung một sự lo ngại như Đảng Cộng sản TQ về một mối đe dọa phương Tây đối với hệ thống chính trị của mình, nhưng lại vẫn nỗ lực hợp tác kinh tế với phương Tây để xây dựng đất nước hùng cường.

Năm 1978, ông Lưu Đoàn Huynh, một nhà ngoại giao Việt Nam, giải thích logic đằng sau việc Việt Nam vun đắp quan hệ với Moscow như sau: “Trong lịch sử, chúng tôi chỉ yên ổn không bị TQ đe dọa chỉ trong hai hoàn cảnh. Một là khi TQ đang yếu và nội bộ chia rẽ. Hai là khi TQ đang bị quân man rợ từ phía Bắc đe dọa. Trong thời đại hiện nay, người Nga chính là “quân man rợ” của chúng tôi”. Logic tương tự có thể được áp dụng cho việc Việt Nam cần phải vun đắp quan hệ với Mỹ hiện nay - một người bạn có sức mạnh để răn đe và làm TQ bớt hung hăng. Như các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên nhắc nhở khách nước ngoài, một quốc gia có thể chọn bạn bè nhưng không thể chọn được láng giềng. Tuy nhiên, cho dù hợp tác với Mỹ có hấp dẫn đến đâu đi nữa, thì Việt Nam vẫn sẽ tránh xa bất kỳ liên minh quân sự nào với Washington; một liên minh như vậy có thể kích động sự thù địch của người láng giềng khổng lồ, hoặc làm cho Chính phủ Việt Nam dễ bị áp lực của Mỹ về dân chủ và nhân quyền. Việc hai nước Việt Nam và Mỹ tái thiết quan hệ là có thật, nhưng những giới hạn của việc cải thiện quan hệ này cũng là có thật.

Nayan Chanda là Giám đốc Xuất bản và Biên tập Tạp chí YaleGlobal Online tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Yale, nguyên là phóng viên Đông Dương và biên tập viên Far Eastern Economic Review, tác giả của Brother Enemy: The War After the War. Bài viết được đăng trên American Review.

Văn Cường (gt)