Ba năm qua đã chứng kiến các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp giữa Mỹ và Việt Nam, với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm thảo luận các vấn đề kinh tế, an ninh và chiến lược song phương, các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu. Một khía cạnh đáng lưu ý, các hoạt động ngoại giao như vậy đã làm tăng sự thân thiện giữa Việt Nam và Mỹ khi những cân nhắc về địa chính trị trong một thế giới đang thay đổi đã thu hút cả hai nước xích lại gần nhau hơn. Do quan hệ giữa hai nước trong quá khứ nên điều này có thể gây ngạc nhiên đối với một số nhà phân tích. Tuy nhiên, những tiền lệ trong lịch sử đã đưa ra một bức tranh khác nhau. Chẳng hạn, Anh, Mỹ và Pháp là kẻ thù gay gắt trong nhiều thế kỷ, nhưng họ đã trở thành đồng minh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tương tự như vậy, Australia và Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù cay đắng trong gần một nghìn năm và họ vẫn là đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. 

Tại sao lại có sự thay đổi như vậy? Khi lợi ích chung bị ảnh hưởng, thì hận thù trong quá khứ sẽ mở đường cho tình bạn. Đây là lý do tại sao Hà Nội và Washington ngày nay trở thành bạn bè. Nhưng liệu điều đó có nghĩa rằng Hà Nội đã lãng quên quá khứ cay đắng? 

Các mối quan hệ quốc tế và ngoại giao sẽ nói rằng Việt Nam có thể đã tha thứ cho Mỹ về vai trò của họ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chứ không thể quên. Tuy nhiên, gió không luôn thổi cùng một hướng. Richard Nixon và Henry Kissinger có thể đã làm ấm quan hệ Mỹ-Trung trong những năm 1970 nhưng Bắc Kinh và Washington không phải là quá gần gũi trong bối cảnh hiện nay bởi họ không đạt được sự dàn xếp khi đã chuyển đổi ưu tiên lợi ích quốc gia. Đây là bài học về địa chính trị. Không có gì lạ, khi Hà Nội và Washington hướng tới nhau, Bắc Kinh cảm thấy khó chịu. Cho dù Hà Nội có thể không quên quá khứ, mối quan hệ nồng ấm giữa Hà Nội và Washington có thể được nhận thấy trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Bài học rút ra là những kẻ thù gay gắt trong quá khứ có thể trở thành bạn bè tốt ngày nay. 

Thật vậy, các mối quan hệ song phương Việt-Mỹ đã nở rộ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới Mỹ từ 24-27/7/2013 và cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama đã thể hiện tầm quan trọng của quan hệ hai nước, thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông và giới phân tích. Điều này là do chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động quyết đoán về vấn đề lãnh thổ trong khu vực và đặc biệt là quan ngại của Việt Nam về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trương Tấn Sang đến thăm Washington và là lần thứ hai Chủ tịch nước Việt Nam tới thăm Nhà Trắng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Việt Nam đã nhận thức được rằng trong ngoại giao không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có bạn bè. 

Khoảng bốn thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam ngày càng hướng tới Mỹ để bảo đảm chiến lược trong bối cảnh mối đe dọa hiện rõ từ Trung Quốc. Tình trạng bất an của Việt Nam bắt nguồn từ thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trong thời gian gần đây, đặc biệt do tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông và sự vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, có sự đồng thuận rộng rãi trong nhận thức rằng Trung Quốc đang gây nên mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

Trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang tới Mỹ hồi tháng 7/2013, sau nhiều thập niên nỗ lực, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra sáng kiến gọi là “Đối tác toàn diện Việt-Mỹ” nhằm chỉ đạo sự chuyển biến quan hệ liên tục giữa nhân dân hai nước. Khi chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/2015, hai nước đều nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, sự tin tưởng và quan hệ hợp tác. Thông qua quan hệ đối tác toàn diện, cả hai nước mong muốn vạch ra một lộ trình và mở rộng hợp tác trong một loạt lĩnh vực như kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, y tế, trợ giúp nhân đạo, giáo dục và môi trường. Cả hai cũng có ý định loại bỏ những trở ngại đã lỗi thời, như lệnh cấm vận vũ khí. 

Việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường qua ba thập kỷ đổi mới đã mang đến sự thịnh vượng cho người dân Việt Nam và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Chỉ riêng từ năm 2000 đến năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tính theo đầu người tăng gấp 5 lần, từ khoảng 400 USD lên gần 2.000 USD. Do nhu cầu tiêu dùng tăng lên, Việt Nam đã nổi lên thành đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 36 tỷ USD trong năm 2014, tăng gấp 4 lần kể từ năm 2006 và tăng 70 lần kể từ năm 1995, khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập. Gần đây, hãng hàng không Vietnam Airlines đã mua số lượng động cơ trị giá 1,7 tỷ USD từ GE; hãng GE cũng bán các động cơ trị giá 800 triệu USD cho hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam VietJet Air và bán các turbine trị giá 94 triệu USD cho công ty điện gió “Công Lý WindFarm”. Những thỏa thuận thương mại như vậy đã đem lại lợi ích cho cả hai bên bởi xuất khẩu tới Việt Nam sẽ tạo việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ, trong khi góp phần giúp Việt Nam cải thiện kinh tế và mức sống của người dân. Việt Nam cũng đang cùng Mỹ và 10 nước khác tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đang trong tiến trình thương lượng. Một khi TPP trở thành hiện thực sẽ góp phần chuyển biến thương mại khắp Thái Bình Dương, thúc đẩy tiến trình cải cách thị trường phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa cũng đang được tăng cường. Có tới 16.500 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học Mỹ. Năm 1995, chương trình đào tạo kinh tế Fulbright được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên hiện đang bàn việc thành lập trường Đại học Fulbright. 

Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc luôn tranh cãi về những tàn dư chiến tranh, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí giải quyết các vấn đề song phương liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Việt Nam đã đồng ý hợp tác đầy đủ về các vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) trong khi Mỹ đang giúp Việt Nam làm sạch chất độc da cam và đạn dược chưa nổ. Khắc phục biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai là những vấn đề mà hai nước cũng đang hợp tác. 

Trong lĩnh vực an ninh, cả hai nước đã thành lập 11 cơ chế đối thoại, trong đó có cơ chế đối thoại quốc phòng song phương thường niên, cơ chế đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng nhằm mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ trong trường hợp xảy ra thảm họa, không phổ biến hạt nhân và gìn giữ hòa bình.

Những nỗ lực chung này đã có sự thúc đẩy lớn vào năm 2013, khi Ngoại trưởng Kerry công bố hỗ trợ Việt Nam 18 triệu USD để tăng cường năng lực tìm kiếm và cứu hộ, ứng phó với thiên tai và những khả năng hàng hải khác. Các vấn đề an ninh phi truyền thống khác mà cả hai nước cùng hợp tác đang được tăng cường, trong đó có nỗ lực thực thi luật hàng hải, chống tội phạm xuyên quốc gia, vi phạm bản quyền, buôn bán ma tuý, buôn bán động vật hoang dã và buôn người, tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Việt Nam đã quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mỹ cũng đã đồng ý hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ khác cho nỗ lực này thông qua Sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu (GPOI). 

Về an ninh hàng hải, có tiềm năng rất lớn cho Ấn Độ cùng hợp tác với Mỹ và Việt Nam. Quan hệ của Ấn Độ với cả Việt Nam và Mỹ đang phát triển trong thời gian gần đây. Cả sự hiểu biết chính trị và những lợi ích kinh tế đang thúc đẩy mối quan hệ này. Trong khi lập trường quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông là một vấn đề đáng quan ngại, Ấn Độ đã tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực Biển Đông do Việt Nam kiểm soát. Tuy nhiên, việc này bị Trung Quốc phản đối. 

Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 7/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế giới (ICWA), trong đó phác thảo những thay đổi quyền lực toàn cầu hướng tới châu Á và tập trung vào các cường quốc trung tâm ở châu Á. Bốn sự phát triển quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành môi trường an ninh châu Á được ông đưa ra gồm: (a) sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, (b) chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, (c) chính sách hướng Đông của Ấn Độ, (d) vai trò lớn hơn của Nhật Bản. Trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm rất lớn để xem xét và tôn trọng luật pháp và các công ước quốc tế cũng như thúc đẩy giải quyết các xung đột thông qua tiến trình đối thoại đa phương. 

Hơn một nửa dòng chảy thương mại quan trọng của thế giới đi qua Biển Đông; hơn 15 triệu thùng dầu mỗi ngày và hơn 100.000 tàu mỗi năm đi qua eo biển Malacca. Vì vậy, đảm bảo an ninh hàng hải là cần thiết cho dòng chảy tự do buôn bán và thương mại ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đi đầu trong hợp tác an ninh với các nước có chung mối quan tâm trên toàn cầu. Biển Đông là khu vực quan trọng nhưng tranh chấp đang diễn ra căng thẳng xuất phát từ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Việt Nam rất quan tâm đến việc hợp tác với các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines… để giải quyết vấn đề Biển Đông. Thiết lập các quy định ràng buộc để thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là hết sức cần thiết để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Việt Nam không ngần ngại nêu mối quan tâm của mình về những căng thẳng ở Biển Đông ở các mức cao nhất với phía Trung Quốc, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. 

Việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là hết sức cần thiết. Thật vậy, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông là rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Việt Nam chia sẻ với các nước về quan điểm theo đuổi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. 

Trong chuyến thăm Mỹ tháng 3/2015, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang đã có cuộc thảo luận với các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và giới lãnh đạo ngoại giao ở Washington về việc tăng cường hợp tác an ninh. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ. Có nguồn tin cho rằng Tổng thống Obama đang có kế hoạch đến thăm Việt Nam trong năm 2015, mặc dù chưa có thông báo chính thức từ Nhà Trắng. Chuyến thăm của ông Obama sẽ là cơ hội để Washington và Hà Nội tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược.

Tiến sĩ Rajaram Panda - chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề chiến lược, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bài viết được đăng trên Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Chennai (Ấn Độ).

Trần Quang (gt)