Viện Biển Đông tham gia Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 của CSIS

Ảnh 1: PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại Hội thảo

Trong bài phát biểu, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh cho biết Trung Quốc có xu hướng điều chỉnh ngôn ngữ trong UNCLOS để mô tả yêu sách của mình, tạo ấn tượng rằng Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong khi UNCLOS quy định các nước có chủ quyền ở nội thủy và lãnh hải, có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, Trung Quốc năm 2009 tuyên bố có chủ quyền ở “vùng nước phụ cận” (adjacent waters), có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở “vùng nước liên quan” (relevant waters). Năm 2016, Trung Quốc yêu sách vùng nội thủy, lãnh hải, EEZ và thềm lục địa dựa trên “Nam Hải chư đảo” trong khi phán quyết tòa trọng tài năm 2016 đã bác bỏ khả năng các thực thể ở Trường Sa có EEZ và thềm lục địa.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh cũng nêu ra ba động thái pháp lý đáng chú ý của Trung Quốc trong năm vừa qua. Thứ nhất, tháng 3/2023, Trung Quốc công bố 33 tuyến khảo sát, nghiên cứu khoa học trên biển, trong đó có một số tuyến cắt qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác tại Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Thứ hai, tháng 5/2023, Trung Quốc đưa tàu Hướng Dương Hồng 10 vào EEZ Việt Nam nhưng tuyên bố “không đi vào EEZ của nước khác”. Thứ ba, Trung Quốc đã vận động thành công để Thỏa thuận về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) không được áp dụng ở các vùng biển có tranh chấp, từ đó, không áp dụng ở Biển Đông. Qua đó, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của vùng biển cả (high sea) ở Biển Đông, trái với kết luận của Phán quyết Biển Đông 2016. Những diễn biến này cho thấy Trung Quốc không chỉ tùy ý diễn giải luật quốc tế để hợp thức hóa yêu sách của mình mà còn chủ động thiết lập trật tự về luật lệ mới.

Cũng tại Hội thảo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã có bài phát biểu về định hướng hiện nay của chính quyền Biden về hiện diện của Mỹ tại Biển Đông. Định hướng này bao gồm ba trụ cột: ngoại giao, các chương trình nâng cao năng lực trên biển và các hoạt động của quân đội Mỹ.

Về ngoại giao, ông Kritenbrink khẳng định mong muốn của Mỹ là thúc đẩy luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, cũng như yêu cầu giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Về hoạt động nâng cao năng lực, ông Kritenbrink tuyên bố Mỹ có một số chương trình nâng cao năng lực trên biển cho các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội trong khu vực. Theo Mỹ, các chương trình này giúp các nước nâng cao nhận thức biển (MDA) và năng lực tuần tra, qua đó giúp giữ vững hòa bình và ổn định. Về quân sự, ông Kritenbrink nhấn mạnh các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và hiện diện thường trực. Các hoạt động này thể hiện mọi quốc gia có quyền bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.

Đáng chú ý, Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink cũng chỉ trích tàu khảo sát, hải cảnh và dân binh Trung Quốc có động thái khiêu khích và không an toàn trong nhiều tuần trong EEZ của Việt Nam, đặc biệt ở khu vực gần các công trình dầu khí. Ông tuyên bố Trung Quốc chưa làm rõ yêu sách ở khu vực trên, do đó không thể cản trở hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trong EEZ. Ông khẳng định Mỹ ủng hộ các quốc gia bảo vệ lợi ích của mình và và kháng cự áp lực từ nước khác.

Nhiều đại biểu từ Việt Nam cũng tham gia trao đổi và đặt câu hỏi với các diễn giả trong Hội thảo. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia về vị trí của ASEAN trong tầm nhìn và chính sách khu vực của Mỹ và các nước tầm trung như Ấn Độ, Anh, Úc hay Canada. Anh Đỗ Hoàng, cán bộ Viện Biển Đông cũng nêu ra một số câu hỏi về xu hướng hiện diện của Mỹ tại khu vực thông qua FONOP, cảnh sát biển, các tập hợp nhóm mới nổi cũng như các sáng kiến nhằm minh bạch hóa tình hình trên thực địa.

Viện Biển Đông tham gia Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 của CSIS

Ảnh 2: TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đặt câu hỏi tại Hội thảo

Độc giả NCBĐ có thể xem lại toàn bộ Hội thảo tại đây.

Bài: Hà Hoàng

Ảnh: Youtube/CSIS