161987968.jpg

Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xuất hiện hai luồng quan điểm chính về quan hệ Trung - Nga: (i) Sự liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow chủ yếu mang tính nhất thời, thực dụng và không bền vững, ít có khả năng có thể gắn kết chặt chẽ; (ii) Nga và Trung Quốc có các yếu tố chiến lược, nhất là cả hai đều coi Mỹ là vật cản. Do đó cuối cùng thì Nga và Trung Quốc sẽ hình thành khối đồng minh chống Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, cả hai cách nhìn này đều không đánh giá đầy đủ quan hệ Trung - Nga. Thực chất, đây là mối quan hệ phức tạp và có bề dày lịch sử.

Thứ nhất, về vấn đề liên minh. Hiện nay, Trung Quốc chưa có ý định hình thành liên minh chính thức với Nga, cũng như chưa muốn hình thành khối chống Mỹ và phương Tây. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn cả Nga và Trung Quốc duy trì quan hệ theo hướng tạo dựng môi trường an toàn để cả hai nước đạt được mục tiêu phát triển và hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi. Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc đã từng hình thành quan hệ đồng minh với đế chế Nga và Liên Xô sau này. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh Nga - Trung thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chủ yếu trong những giai đoạn một bên cần dựa vào bên kia.

Thứ hai, về sự khác biệt Nga - Trung hiện nay. Về mặt đối ngoại, Nga chú trọng nhiều hơn vào khu vực Châu Âu, trong khi Trung Quốc quan tâm chủ yếu tới Châu Á. Phong cách ngoại giao của hai nước cũng khác nhau. Nga có kinh nghiệm nhiều hơn trong trường quốc tế và ưu tiên các biện pháp ngoại giao mạnh mẽ, chủ động và thường gây bất ngờ. Trong khi đó, phong cách ngoại giao của Trung Quốc có phần thận trọng và mang tính phản ứng nhiều hơn.

Thực tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến một số người Nga cảm thấy “khó chịu” và lo ngại, cụ thể: (i) Việc người Trung Quốc liên tục nhập cư vào khu vực Viễn Đông của Nga có thể đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga trong tương lai; (ii) Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước Liên Xô cũ tạo áp lực cạnh tranh ảnh hưởng ngay tại khu vực láng giềng của Nga. Trong khi đó, một số ý kiến tại Trung Quốc vẫn còn giữ sự “hằm hè” đối với Nga, nhất là vấn đề lãnh thổ. Mặc dù hai bên đã đạt được giải pháp về biên giới, các nhà bình luận tại Trung Quốc vẫn cho rằng Trung Quốc đã mất 600.000 dặm vuông vào tay Nga.

Thứ ba, về triển vọng quan hệ Trung - Nga. Mặc dù hai bên còn nhiều khác biệt, ít có khả năng hợp tác Trung - Nga hiện nay sẽ bị phá vỡ. Cả Trung Quốc và Nga đều có mong muốn duy trì quan hệ và hiểu rằng hai bên cần phải hợp tác thì mới đảm bảo được an ninh quốc gia và sự phát triển của mỗi bên. Việc xử lý khủng hoảng tại Syria và Ucraina cho thấy Nga và Trung Quốc có khả năng xử lý hiệu quả sự khác biệt trong mối quan hệ. Trong vấn đề Ucraina, giới phân tích của Mỹ thường cho rằng Trung Quốc nghiêng về phía Nga. Tuy nhiên, thực chất lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này là trung lập. Trung Quốc luôn tuân thủ tính khách quan trong xử lý các vấn đề quốc tế. Theo cách nhìn của Trung Quốc, vấn đề Ucraina có nguyên nhân gốc rễ là các vấn đề phức tạp về lịch sử, dân tộc, tôn giáo và lãnh thổ giữa Nga và các nước Liên Xô cũ.

Trong vấn đề Syria, cách đánh giá của Bắc Kinh là Nga đã can thiệp quân sự khi được chính phủ Syria đề nghị để chống lại khủng bố và các lực lượng cực đoan. Hơn nữa, Trung Quốc cho rằng Mỹ và Nga đều có cùng lợi ích trong việc chống lại IS, hy vọng sự đối thoại giữa Nga, Mỹ, Iran và các cường quốc khác sẽ giúp mang lại giải pháp cho vấn đề này. Hiện nhiều ý kiến tại Trung Quốc cho rằng cách nhìn của Trung Quốc và Mỹ vẫn còn quá nặng nề tâm lý thời Chiến tranh lạnh. Chính giới Mỹ thường nói về Nga như một đối thủ từ thời Chiến tranh lạnh. Còn giới chức Nga thường chỉ trích hành động của Mỹ là hiếu chiến và có tính đế quốc. Do đó, một số ý kiến cho rằng Nga và Mỹ sẽ đối đầu vì vấn đề Syria và Ucraina. Còn theo cách nhìn của Trung Quốc, sự đối đầu Mỹ - Nga hiện nay dường như là “cái kết kéo dài” của Chiến tranh lạnh.

Thứ tư, trong bối cảnh quan hệ Mỹ, Trung, Nga có sự liên đới, sẽ không thể phân tích đầy đủ quan hệ Trung - Nga nếu không đánh giá các vấn đề trong quan hệ Trung - Mỹ. So với hợp tác Trung - Nga, hợp tác Trung - Mỹ phức tạp hơn và có quy mô lớn hơn. GDP của cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại đạt tới 1/3 GDP toàn cầu. Tuy nhiên, đối với nhiều người Mỹ, sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Thời gian gần đây, hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông làm dấy lên sự thảo luận tại Mỹ về việc Mỹ nên phản ứng với “sự bành trướng” của Trung Quốc như thế nào. Một số ý kiến còn cho rằng Mỹ nên chuyển từ chính sách tiếp cận tích cực sang kiềm chế đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng nếu Mỹ kiên trì tạo ra các khối chính trị đối lập ở Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga nên tự mình lập thành một khối. Tuy nhiên, cách này hiện chưa thích hợp với Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc nên tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Nga và tìm cách xử lý sự khác biệt với Mỹ.

Theo “Foreign Affairs

Anh Thư (gt)