Năm nay, Malaysia sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và có trách nhiệm thúc đẩy một cộng đồng ASEAN mạnh hơn. Vai trò lãnh đạo của Malaysia là đặc biệt quan trọng vào năm chuyển đổi hướng tới sự hội nhập và thành lập một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cũng như quản lý các căng thẳng tại Biển Đông. Sự kỳ vọng sẽ khá cao trong bối cảnh Malaysia là một trong năm thành viên sáng lập của ASEAN và nước này có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ.

Từ một loạt cuộc phỏng vấn được thực hiện với giới học giả và những nhà hoạch định chính sách cấp cao từ các quốc gia chủ chốt ở ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam trong vòng 2 tháng qua, một điều rõ ràng là có hai vấn đề bao trùm các cuộc thảo luận về vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia. Một là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và hai là vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc kinh tế và an ninh.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông

Malaysia đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN giữa lúc xay ra các căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt sau sự cố giàn khoan Hải Dương-981 xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm ngoái. Là một trong các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và trong điều kiện có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, Malaysia dường như ở vị thế phù hợp nhất để thúc đẩy kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như kêu gọi Trung Quốc có thái độ bớt hung hăng hơn. Kể từ năm 2008, Malaysia đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 106 tỷ USD trong năm 2013. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Malaysia vào tháng 10/2013. Trong một cuộc gặp vào tháng 10/2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cam kết thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các mặt.

Mặc dù dường như được xem là đang ở vị thế khá phù hợp để tạo điều kiện kết thúc đàm phán nhanh hơn về COC, những người được hỏi từ Đông Nam Á đã nhấn mạnh rằng Malaysia nhiều khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận mềm dẻo, tránh thu hút sự chú ý trong việc giải quyết các tranh chấp biển, hơn là có một lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc. Bên cạnh đó, do Trung Quốc đến nay không được xem là quá hung hăng với Malaysia về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục kiểm soát tranh chấp của mình với Trung Quốc thông qua các biện pháp song phương, hơn là chấp nhận cách tiếp cận của Philippines và Việt Nam trong việc quốc tế hóa các tuyên bố chủ quyền của mình. Bất chấp sự nhấn mạnh liên tục của Malaysia rằng nước này sẽ ủng hộ mạnh mẽ bất kỳ một nghị quyết nào ở cấp độ ASEAN, sẽ không phải là lợi ích của Malaysia trong việc kích thích sự đối đầu với Trung Quốc. Thay vào đó, Malaysia sẽ có xu hướng hậu thuẫn các sáng kiến không chính thức như thành lập một diễn đàn nhằm tạo điều kiện đối thoại giữa các bên có liên quan. Theo cách này, Malaysia có thể duy trì quan hệ hữu nghị của mình với Trung Quốc, thậm chí khi nước này làm việc hướng tới gìn giữ sự đoàn kết trong ASEAN trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội.

Những người trả lời phỏng vấn cũng đã nhất trí rằng vấn đề Biển Đông cuối cùng nằm trong sự chi phối của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ phản ứng theo các hành động có tính toán của Bắc Kinh. Hầu hết đều nghi ngờ về khả năng sẽ có tiến bộ nhiều về COC trong năm nay khi mà Trung Quốc đang "lê bước" qua các cuộc đàm phán và đã gần như lựa chọn một thái độ "chờ đợi và quan sát". Trong bối cảnh cương vị chủ tịch chỉ có một năm, Malaysia nhiều khả năng không muốn gây hại cho mối quan hệ với Trung Quốc về dài hạn bởi việc gây áp lực lên Trung Quốc là không cần thiết, thậm chí kể cả khi chịu sức ép từ các nước ASEAN khác.

Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc kinh tế và an ninh khu vực

Những người trả lời phỏng vấn cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng ở vị trí chủ tịch của Malaysia trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc kinh tế và an ninh khu vực.

Rất nhiều thành công của ASEAN được nhìn nhận có được là do sự năng động về kinh tế của tổ chức này và các cơ hội kéo theo nhằm cải thiện đời sống người dân tại các quốc gia thành viên. Sự hội nhập kinh tế thành công mang lại các lợi ích vật chất đáng kể cho người dân ASEAN được xem là nhân tố chính đối với thành công của Cộng đồng ASEAN nói chung và là cách hàn gắn các chia rẽ hiện nay tại khu vực. Sự phân mảnh trong ASEAN được nhìn nhận đang gia tăng do sự phụ thuộc của một số quốc gia thành viên Hiệp hội vào các quốc gia nhất định ngoài khu vực, hơn là vào các quốc gia khác trong khối, vì mục đích xây dựng năng lực trong nước và tăng trưởng kinh tế. Về khía cạnh này, nếu Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể cung cấp các lợi ích vật chất và cơ hội cho tất cả, các quốc gia thành viên nhiều khả năng sẽ bị hút gần hơn về ASEAN, từ đó củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội tại khu vực. Một cách khác để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực là ASEAN tiếp tục can dự về kinh tế với các đối tác chính tại châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Với khả năng thành công của AEC, các cường quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào một ASEAN mạnh và đoàn kết.

Trong bối cảnh này, những người được phỏng vấn đã bày tỏ hy vọng rằng Malaysia sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo của mình để duy trì một chiến lược "rào giậu tập thể" của ASEAN được ưa thích, điều giúp các nước ASEAN có đòn bẩy lớn hơn trong quan hệ ngoại giao với các nước lớn. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng ASEAN đang thiếu vắng sự đoàn kết, đặc biệt là đối với các vấn đề địa chính trị và an ninh, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia thường chiến thắng các lý tưởng khu vực khi hoạch định chính sách. Khi các quốc gia thành viên không thể nhất trí hoàn toàn về điều mà các lợi ích khu vực của họ đòi hỏi, vai trò trung tâm của ASEAN mang tính khái niệm nhiều hơn là thực tế. Tuy nhiên người ta cũng biết rằng ASEAN vẫn còn là một bên tham gia duy nhất có thể tập hợp các cường quốc thông qua các diễn đàn đa phương, từ đó đóng góp vào tiến trình xây dựng lòng tin và trao đổi, điều được ưu thích để giải quyết xung đột.

Vai trò lãnh đạo khu vực của Malaysia tại ASEAN trong năm 2015

Với cương vị Chủ tịch ASEAN trong một năm đặc biệt quan trọng với Hiệp hội, Malaysia sẽ cần phải quản lý hai vấn đề được cho là quan trọng với khu vực: các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và xây dựng cộng đồng ASEAN. Một mặt, điều này sẽ củng cố hình ảnh của Malaysia như là một nhân tố khu vực quan trọng nếu ASEAN đạt được một điều gì đó rõ ràng dưới cương vị chủ tịch của nước này. Như một số người trả lời phỏng vấn nhìn nhận, Malaysia đang được xem như là một lãnh đạo khu vực và có khả năng bảo vệ vai trò lãnh đạo đó.

Mặt khác, trong bối cảnh tính chất phức tạp và khó khăn của các vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt, Malaysia được nhìn nhận nhiều khả năng lựa chọn một cách tiếp cận tinh tế trong ngoại giao khu vực của nước này trên cương vị chủ tịch. Khi xem xét các lợi ích quốc gia và quan hệ song phương của mình, Malaysia được dự báo sẽ không thúc đẩy mạnh mẽ các vấn đề nhạy cảm về chính trị như COC. Thay vào đó, nước này được dự báo sẽ tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy chương trình nghị sự ít tranh cãi hơn về việc xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như duy trì nhận thức về vai trò trung tâm của ASEAN và tầm quan trọng của khu vực./.

Theo “Tạp chí châu Á-Thái Bình Dương

Hương Trà (gt)