iPtl6BJa0GNI.jpg

Rõ ràng sức ép từ các đối thủ của Nhật Bản ở châu Á - như một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga rất ngoan cố - đã giúp gắn kết các quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản. Những người thân cận nhất với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như chắc chắn rằng Nhật Bản cần cải thiện tình hình an ninh của họ. Trước năm 2016, có vẻ như Nhật Bản đã làm được điều đó.

Nền tảng vững chắc

Mặc dù chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho thấy sự thất vọng, nhưng các nhà lập pháp Nhật Bản nhận thấy giá trị từ sự ủng hộ của ông Obama cho “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là Nhật Bản ít nhất có thể dựa vào Mỹ để tiếp tục can dự vào các vấn đề ở châu Á và củng cố an ninh khu vực. Bên cạnh đó, ông Abe cũng “miệt mài” thực hiện các chuyến công du khắp châu Á, phát triển các mối quan hệ hữu nghị mới, đặc biệt với các nước ở Đông Nam Á. Ông đã khuyến khích các công ty Nhật Bản đầu tư vào các nước này; thúc đẩy quan hệ an ninh với họ; và thậm chí cung cấp cho một vài trong số đó các tàu tuần tra của Nhật để giám sát biên giới trên biển. Ông cũng bắt tay can thiệp khi Washington tỏ ra lúng túng. Nhật Bản cũng tiến hành nhiều biện pháp để củng cố an ninh quốc phòng. Nhật Bản đã gia tăng ngân sách quốc phòng dù chỉ ở mức khiêm tốn. Nhật Bản cũng chuẩn bị khởi công xây dựng các căn cứ quân sự mới ở quần đảo Ryukyu để theo dõi khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, bước đi táo bạo nhất của họ là việc diễn giải lại luật quốc phòng.

Theo cách diễn giải mới, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được phép hỗ trợ các đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Mặc dù điều này có thể được xem là hoàn toàn không có gì gây tranh cãi ở hầu hết các nước khác, nhưng nó lại là sự kiện “chấn động” ở Nhật Bản, nơi chủ trương theo đuổi Hiến pháp hòa bình. Một số người lo sợ rằng Nhật Bản có thể nhanh chóng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột trong tương lai. Tuy nhiên, cách diễn giải mới cũng cho phép Nhật Bản hình thành các liên minh an ninh vững chắc hơn để có thể ngăn chặn các xung đột như vậy xảy ra.

Nhật Bản đã đón nhận tin tức tốt lành hồi tháng 7/2016. Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Tòa Trọng tài đã giúp củng cố “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” khi đưa ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông là không hợp pháp. Sau phán quyết này, Tokyo thậm chí cũng xem xét đâm đơn kiện Trung Quốc về các tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.

Bối cảnh thay đổi

Tuy nhiên, ngay sau đó, nền tảng vững chắc cho an ninh của Nhật Bản đã thay đổi. Việc ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines ngay lập tức đặt dấu chấm hết cho cái mà nhiều người cho là sự sẵn sàng của các nước Đông Nam Á trong việc ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật pháp (hay ít nhất là dựa trên các quy chuẩn của ASEAN). Vốn có "thù nghịch" với ông Obama và hoài nghi về sự can thiệp của Mỹ, ông Duterte đã dần đưa Philippines rời xa Mỹ và ngả dần về Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ của ông Abe với ông Duterte ở Tokyo đã không thể ngăn chặn xu hướng này. Ngay sau đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, vì lý do riêng, cũng bắt đầu đi theo hướng đó. Mặt khác, Nhật Bản cũng bỏ lỡ cơ hội vàng để củng cố quan hệ an ninh với Australia khi công ty Nhật Bản thua thầu đóng các tàu ngầm thế hệ mới cho Australia.

Điều đáng chú ý nhất là ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không những chỉ trích Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà còn chỉ trích Nhật Bản về cái mà ông cho là sự ủng hộ không tương xứng cho sự hiện diện an ninh của Mỹ ở châu Á. Ông Abe đã ngay sau đó bay tới New York để khẳng định với ông Trump về tầm quan trọng của liên minh vững mạnh giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Abe không nhận được lời đảm bảo công khai nào. Tin tức tốt lành nhất mà ông Abe nhận được từ ông Trump xuất hiện một tháng sau đó, khi ông Trump tuyên bố mục tiêu mở rộng Hải quân Mỹ. Nếu được thực hiện, điều này ít nhất sẽ củng cố các cam kết của Mỹ với châu Á (và với Nhật Bản), nhưng hiện chưa rõ chúng được thực hiện đến đâu.

Các nước láng giềng rắc rối

Trung Quốc đã nhanh chóng lợi dụng “các thất bại” của Nhật Bản. Trong bối cảnh TPP có thể sẽ “chết yểu”, Trung Quốc đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)- một thỏa thuận thương mại tự do mà Trung Quốc dẫn đầu- tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng 11/2016. Nhiều người cho rằng nếu hiệp định này thành công, nó sẽ lôi kéo các nền kinh tế châu Á lại gần quỹ đạo của Trung Quốc.

Nga cũng nhận thấy vị thế đang suy yếu của Nhật Bản. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Thủ tướng Abe hồi tháng 12/2016, ông Putin không đề xuất nhượng bộ nào mới với ông Abe khi hai bên thảo luận cách giải quyết tranh chấp ở quần đảo Kuril (mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). Ông Putin đơn giản nhắc lại chủ quyền lịch sử của Nga và khẳng định bất kỳ hoạt động phát triển kinh tế chung nào trên quần đảo này phải được tiến hành theo luật pháp Nga, một sự ngầm công nhận chủ quyền của Nga tại đây. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc gặp này gần như không mang lại tiến triển nào.

Tương lai khó khăn

Sự việc càng tồi tệ hơn khi Nhật Bản chưa thoát khỏi tình trạng kinh tế đình trệ kéo dài 1/4 thế kỷ qua. Nếu điều này không được thay đổi, Nhật Bản sẽ khó khăn trong việc huy động thêm các nguồn lực để củng cố an ninh. Thông qua TPP, ông Abe hy vọng hiệp định này sẽ không chỉ thúc đẩy kinh tế Nhật Bản mà còn gắn kết hơn nữa Mỹ với châu Á. Thật không may cho ông Abe rằng các cuộc đàm phán TPP đã kéo dài quá lâu. Đến khi các cuộc đàm phán hoàn tất, Thượng viện Mỹ đã không thể phê chuẩn TPP. Cho dù vậy, ông Abe đã cam kết thúc đẩy thông qua TPP tại Quốc hội Nhật Bản. Ông Abe vẫn đang tập trung cải thiện tình hình an ninh của Nhật Bản, song liệu ông có thể làm được thêm những gì vẫn là điều chưa rõ.

Tác giả Felix K. Chang là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Bài viết đăng trên Eurasia review.”

Anh Thư (gt)