Chính sách can dự của Nga vào Syria, thông qua việc cung cấp vũ khí, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai quân đội, đánh dấu sự trở lại Trung Đông một cách mạnh mẽ của nước này. Luôn ủng hộ nhất quán cho Chính quyền Damascus kể từ đầu cuộc xung đột, Điện Kremlin giờ đây lại thể hiện là đối tác không thể bỏ qua trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan và đề xuất thiết lập một liên minh quốc tế rộng rãi, bao gồm cả quân đội Syria, nhằm chấm dứt tham vọng của IS. Đó là một canh bạc lớn của Tổng thống Putin khi cố công đưa Tổng thống Bashar al-Assad bước vào bàn đàm phán, đồng thời áp đặt lựa chọn của mình cho phương Tây. Việc Moskva sử dụng hành lang hàng không để cung cấp xe tăng, pháo binh và cả cố vấn quân sự cho đồng minh Damascus, được đánh giá là hành động rất quyết đoán, có mục đích rõ ràng là buộc phương Tây và các cường quốc khu vực chấp nhận thành lập một đại liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo. Nó cũng khiến những nước cho đến nay vẫn còn chần chừ, như Pháp, xác định IS là đối thủ chính trong cuộc xung đột rất phức tạp này.

Nga phô diễn sức mạnh

Moskva đã sử dụng từ thời Xôviết căn cứ hải quân Tartus (cách Damascus 80km về phía Nam). Bộ Quốc phòng Nga đã có thông báo chính thức về “viện trợ quân sự” cho Syria. Theo lời phát ngôn viên của Bộ, số vũ khí được cung cấp này nhằm đấu tranh chống khủng bố, duy trì “quy chế Nhà nước Syria” và tránh để xảy ra một “thảm họa toàn diện”. Các chuyến vũ khí cung cấp đi cùng với đội ngũ “cố vấn”. Theo Trung tâm quan sát nhân quyền Syria, có khoảng 200 cố vấn quân sự Nga hiện diện tại sân bay Latakia. Tại sân bay mà Nga được quyền sử dụng này cũng có 6 khẩu pháo lớn và 7 xe tăng hạng nặng T-90. Máybay vận tải đi và đến thường xuyên, kết nối với khu vực phía Nam của Nga qua ngả Iran và Iraq, tránh không phận Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước thành viên NATO. Cơ sở hạ tầng ở Latakia sau khi mở rộng gần đây cho phép tiếp nhận khoảng 1.500 người.

Các hàm ý chiến lược

Từ thời Nữ hoàng Catherine cho tới Chiến tranh Lạnh, Nga luôn cố gắng gây ảnh hưởng tại Trung Đông, đặc biệt gần đây là Syria. Trong những năm 1950, Liên Xô đã cung cấp 200 triệu USD viện trợ quân sự cho Damascus. Việc Tổng thống Hafez al-Assad, một người được đào tạo tại Moskva, lên nắm quyền trong những năm 1970 đã củng cố thêm liên minh giữa hai nước, cho phép Liên Xô biến Syria dưới sự lãnh đạo của đảng Baath và theo đường lối xã hội chủ nghĩa thành khách hàng mua vũ khí quan trọng. Tên lửa đất đối không, tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không: quân đội Syria đã được những người anh em Xôviết và sau này là Nga trang bị đầy đủ. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Moskva tiếp tục cung cấp vũ khí cho chế độ Damascus. Đến nay, vẫn có khoảng 25.000 người Nga sống tại Syria.

Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria hiện nay nằm trong một chiến lược dài hạn xuyên suốt, dựa trên nền tảng những mạng lưới rất mạnh và gắn bó bền chặt với Nga, một phần do xu hướng chống lại ảnh hưởng của phương Tây. Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FSR) cho rằng đó “là sự trở lại của đường lối đối ngoại Primakov kiểu mới, với ý đồ giành lại cho nước Nga một vị trí trung tâm ở Trung Đông, bất chấp chỉ có những con bài rất hạn chế nhưng được sử dụng một cách máu lạnh”. Là một chuyên gia về Trung Đông, ngoại trưởng dưới thời Boris Yeltsin, Evgheni Primakov, là người ủng hộ nhiệt thành việc đưa Nga quay lại trường quốc tế, đồng thời tích cực bảo vệ lợi ích của Nga, với tư cách là cường quốc, chống lại ảnh hưởng của Mỹ.

“Sự trở lại” Trung Đông của Moskva song song với việc Washington “triệt thoái ảnh hưởng” khỏi khu vực. Được bầu vào ghế tổng thống để rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, phản đối mở thêm một mặt trận mới ở Trung Đông, bị cám dỗ bởi ý tưởng xoay trục sang châu Á, Barack Obama đã tạo ra một khoảng trống mà ngày nay Nga hy vọng lấp đầy. Họ đã làm điều đó một cách tương đối dễ dàng tại Syria, chính sách của Nga trên thực tế chưa hề thay đổi từ đầu cuộc xung đột đến nay. Trái với phương Tây và các liên minh luôn luôn do dự của họ, người Nga luôn ủng hộ chế độ Damascus và đồng minh Bashar al-Assad, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất.

Nga thấy chỉ có lợi trong việc quay trở lại Syria một cách vội vã. Chiến lược này sẽ bảo đảm cho sự hiện diện của Nga tại cảng Tartus, cánh cửa thông ra Địa Trung Hải duy nhất của Nga. Bị gạt ra rìa sau khi Liên Xô tan vỡ, cô lập do hành động tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moskva muốn trở lại trung tâm cuộc chơi Trung Đông, khẳng định lợi ích nước lớn và chống lại ảnh hưởng của phương Tây, đồng thời áp đặt con đường của riêng mình, tái hiện sức mạnh toàn cầu. Với việc ủng hộ chế độ Syria, Vladimir Putin muốn lưu ý rằng ông quyết không để Bashar al-Assad phải chịu số phận giống như Gaddafi năm 2011 sau cuộc can thiệp của Anh và Pháp vào Libya. Việc lật đổ một nhà lãnh đạo, theo Moskva, sẽ chỉ mang lại bất ổn.

Như từng làm sau khi xảy ra sự kiện 11/9/2001, khi đó Nga đã ủng hộ liên minh quốc tế chống Taliban tại Afghanistan, mặc dù họ bị phương Tây chỉ trích mạnh mẽ bởi chính sách ở Chechnya, hiện nay, Moskva đang cố gắng chứng tỏ là một đối tác không thể bỏ qua trong cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo quá khích vốn được coi là kẻ thù chung của thế giới. Đối với người Nga, lo ngại những xáo trộn có thể xảy ra đối với các nước cộng hòa Hồi giáo của họ và nguy cơ nhiều phần tử cực đoan từ Syria xâm nhập, cuộc chiến chống khủng bố là vấn đề an ninh quốc gia. Đó cũng là phương tiện để cải thiện hình ảnh trong con mắt cộng đồng thế giới. Một nhà ngoại giao Pháp bình luận: “Người Nga không chỉ muốn chống lại kẻ thù. Họ cũng cho rằng một liên minh rộng rãi đối phó với Nhà nước Hồi giáo có thể hòa giải”.

Bởi vì ẩn đằng sau sự trở lại quân sự Trung Đông của Nga là một sáng kiến ngoại giao. Chiến lược Syria của phương Tây đang lâm vào ngõ cụt, Nga sẽ trở thành ông chủ của cuộc chơi. Để chấm dứt cuộc xung đột, Putin đề xuất thành lập một liên minh quốc tế chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, trong đó bao gồm cả quân đội Syria, dưới lá cờ Liên hợp quốc.

Với việc này, Moskva muốn đưa Bashar al-Assad vào bàn đàm phán và buộc phương Tây chấp nhận một hình thức chuyển tiếp chính trị có thể duy trì được chế độ hiện nay. Sáng kiến này bảo đảm cho Nga một vị trí nổi bật trong các cuộc thương lượng trong tương lai. Chỉ trong vòng vài tháng, Điện Kremlin đã áp đặt được tầm nhìn về tương lai của Syria và thuyết phục phương Tây, nhất là Pháp, không coi sự ra đi của Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng, mà là khởi đầu cho một quá trình chuyển tiếp.

Kế hoạch của Nga, được nuôi dưỡng do phương Tây thiếu tầm nhìn và sự kiên quyết, tuy vậy cũng có những lỗ hổng và điểm yếu. Chuyên gia Camille Grand đặt câu hỏi: “Liệu Nga có đủ phương tiện để thực hiện chính sách tại Syria không?”, “Liệu có thuyết phục được các phe cánh Syria khác ngồi vào bàn đàm phán với đại diện của chính quyền sau bốn năm rưỡi xung đột hay không?”, “Làm thế nào để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Damascus nếu không có Bashar al-Assad?”. Có rất nhiều câu hỏi mà sáng kiến của Moskva chưa thể trả lời.

Thương lượng khó khăn

Trên đường đi nước bước của Putin tại Syria còn có Iran, nước can dự với chế độ Damascus nhiều hơn cả Nga. Việc Nga tăng cường can thiệp quân sự chắc chắn đã được lên kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với Iran sau chuyến thăm Moskva của Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh của al-Quds, lực lượng đặc nhiệm của Vệ binh Cách mạng. Nhưng trong khi Nga đã tỏ thái độ với phương Tây rằng họ không gắn bó đến cùng với Assad, chưa có tín hiệu nào từ phía Iran theo hướng này. Nga cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối của Mỹ. Liệu Chính quyền Obama có chấp nhận sự can thiệp của Nga như một sự đã rồi, trong khi Syria đang được Moskva sử dụng như một mặt trận mới để đối đầu với phương Tây? Tới nay, Mỹ vẫn chưa trả lời đề nghị mở đối thoại giữa các quan chức quân sự về cuộc xung đột Syria. Mặc dù cho rằng “hợp tác là có thể”, Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại “sự hậu thuẫn của Nga đối với Assad làm gia tăng xung đột và phá hỏng nỗ lực chung chống chủ nghĩa cực đoan”. Cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể tìm ra được chiến lược đối phó với Nhà nước Hồi giáo, vốn không ngừng mở rộng lãnh thổ, như nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đưa ra mới đây.

Những cuộc đàm phán căng thẳng về Syria đã đẩy cuộc khủng hoảng Ukraine xuống tuyến sau. Nhà phân tích Thomas Gomart, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Pháp (IFRI) đánh giá: “Nhờ có Crimea, Nga đã củng cố được chiến lược tiếp cận và sự hiện diện tại Địa Trung Hải và vươn tầm ảnh hưởng tới Trung Đông. Đó là thay đổi lớn của trật tự an ninh thế giới hậu 1991, Nga đã tranh thủ sự thoái lui của Mỹ khỏi châu Âu và Trung Đông”.

 

Theo Le Figaro (Pháp)

Hương Lan (gt)