adiz.jpg

Dĩ nhiên là không. Tuy vậy, thời gian không còn nhiều để Mỹ thể hiện cho người dân Đài Loan thấy Washington ủng hộ vùng lãnh thổ này không tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” hay “một nhà nước, hai chế độ” của Bắc Kinh.

Ngày 15/4, một biên đội máy bay chiến đấu của Trung Quốc, bao gồm chiếc KJ-500 cảnh báo sớm và ít nhất một máy bay ném bom Xian H-6K, máy bay chuyên chở Shaanxi Y-8, và các máy bay cường kích Shukhoi Su-30, tiêm kích Shenyang J-11, đã bay xung quanh hòn đảo Đài Loan. Các máy bay này được cho là hướng về phía Đông Nam qua Eo biển Bashi, bay vòng qua Eo biển Đài Loan và tiến vào Tây Thái Bình Dương để thực hiện các cuộc tập huấn. Các máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc còn diễn tập thực hành một cuộc tấn công. Đây được cho là lần đầu tiên trong khoảng một năm qua máy bay chiến đấu quân sự của Trung Quốc bay xung quanh hòn đảo Đài Loan.

Căng thẳng đã gia tăng khoảng vài tuần trở lại đây sau hàng loạt sự cố liên quan đến quân sự và mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với Mỹ và Đài Loan. Mỹ muốn Đài Loan duy trì được sự hòa bình và dân chủ cho 23 triệu dân của hòn đảo này, và trở thành hình mẫu tiêu biểu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như là một điển hình cho sự tín nhiệm và lòng tin chiến lược của Washington. Sự tận hiến của Mỹ đối với sự tự do lựa chọn là đáng tán dương, song Mỹ còn cần thúc đẩy thêm nỗ lực này.

Căng thẳng tại eo biển này đang leo thang. Tháng trước, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc cố ý bay qua đường trung tuyến tại Eo biển Đài Loan, và đây là lần đầu tiên sau gần thập kỷ một máy bay của Trung Quốc xâm nhập vào không phận của Đài Loan. Đài Loan đã đáp trả bằng cách bất ngờ ra lệnh cho các máy bay phản lực cất cánh. Sự cố này đã khuyến khích Đài Loan hối thúc Washington nhanh chóng xúc tiến đề nghị của Đài Bắc là bán cho họ máy bay chiến đấu F-16V và các vũ khí khác có thể giúp nâng cao năng lực không quân, củng cố nhuệ khí quân sự của hòn đảo này và thể hiện cho thế giới thấy trách nhiệm của Mỹ đối với sự phòng vệ của Đài Loan.

Những diễn biến này xảy ra một tuần sau khi Mỹ điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur và một ca-nô hải cảnh đi qua Eo biển Đài Loan trong hai ngày 24-25/3 trong chuyến hành trình thứ ba mà các tàu chiến của Mỹ thực hiện trong năm nay. Kể từ tháng 10/2018, hầu như mỗi tháng một lần, Mỹ lại điều các tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan: Chiếc USS Stethem và một tàu chở hàng đã đi qua đây hồi tháng 2, trước đó, tàu khu trục USS McCampbell và một đoàn tàu chở dầu để cung cấp nhiên liệu cũng đi qua đây hồi tháng 1. Tàu USS Stockdale và một tàu chở dầu tiếp nhiên liệu khác cũng qua eo biển này hồi tháng 11/2018, trước đó là chiếc USS Curtis Wilbur và USS Antietam xuất hiện hồi tháng 10.

Trung Quốc hiện có đến 1.500 tên lửa đạn đạo đóng tại tỉnh Phúc Kiến, cách Đài Loan chỉ một eo biển nhỏ. Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng một sự phong tỏa hàng hải và hàng không với Đài Loan, kết hợp với các cuộc tấn công tên lửa ồ ạt vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của hòn đảo này. Đồng thời, Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính, các hệ thống liên lạc và cảnh báo sớm của Đài Loan. Quân đội Đài Loan rất tiếc không thể có đủ lực lượng binh lính để bảo vệ hòn đảo và còn không có tất cả các loại vũ khí và trang thiết bị cần thiết để bảo vệ bản thân trước Trung Quốc.

Dĩ nhiên không ai muốn xung đột vũ trang xảy ra, song hiện có những nguy cơ chiến lược khiến Mỹ buộc phải củng cố quan hệ với Đài Loan. Nếu Washington tiếp tục ủng hộ Đài Loan, họ cũng phải cùng lúc tìm cách để thuyết phục Bắc Kinh rằng Mỹ không cố gắng cản trở một sự thỏa hiệp giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Tổng tống Donald Trump không nên âm thầm thúc đẩy sự độc lập và cản trở sự tiến triển trong quan hệ giữa hai bờ eo biển. Tốt hơn là chính sách của Nhà Trắng nên tập trung vào việc duy trì một sự xích lại gần hơn về mặt chính trị, mà trong đó Đài Loan và Trung Quốc có thể đạt được một tạm ước dài hạn giữa họ.

Rõ ràng Trung Quốc vẫn luôn là một mối đe dọa tại Eo biển Đài Loan. Mối đe dọa này không phải điều gì mới mẻ và Washington cũng đã sẵn sàng đối phó. Mỹ cần nhận thức rõ điều này và nỗ lực để ngăn chặn sự xâm lược từ Đại lục. Chắc chắn là người Mỹ đã quá mệt mỏi với những mối nguy, các cuộc chiến tranh và những vấn đề phức tạp của những nước bên ngoài, song họ cũng tin vào dân chủ và tự do. Washington đóng một vai trò định hướng trong việc xây dựng hệ thống dân chủ của Đài Loan, tán dương việc hòn đảo này trở thành hình mẫu cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc về mặt kinh tế có thể vừa mang tính tư bản vừa mang tính cộng sản, nhưng về chính trị họ vẫn luôn là một chế độ chuyên quyền cộng sản. Trong bối cảnh ảm đạm này, sự cần thiết duy trì hỗ trợ Đài Loan của Washington là không phải bàn cãi, song việc họ làm vẫn chưa đủ. Diễn biến mối quan hệ hai bờ eo biển không phải chỉ đi theo một chiều hướng mà không thể xoay chuyển. Các lựa chọn của Đài Loan vẫn mở. Để ngăn chặn Trung Quốc nghĩ rằng Washington đang từ bỏ cam kết của mình, Mỹ nên thúc đẩy sự can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Không có sự hỗ trợ của Washington, Đài Bắc hầu như chắc chắn bị cưỡng ép phải tuân thủ chính sách thống nhất của Trung Quốc.

Căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan mang những ý nghĩa sâu sắc đối với Mỹ, đối tác thân thiết của Đài Loan. Mỹ từ lâu đã thừa nhận rằng sự an toàn của Đài Loan là quan trọng đối với an ninh của chính Mỹ. Tìm ra một đường lối giữa Đài Bắc và Bắc Kinh từ lâu đã là thách thức với Washington và thách thức này ngày càng khó khăn. Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn Eo biển Đài Loan rơi vào nguy hiểm, và cần phải nhất quán với giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp giữa hai bờ eo biển này.

Theo “Asia times

Vũ Hiền (gt)