Cho tới năm 2010, Washington vẫn tập trung thế tấn công thường trực của mình tại cái mà Mỹ gọi là “vòng cung bất ổn”, trải dài từ Venezuela, Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á tới tận Philippines. Tuy nhiên, do không gian quyền lực của Trung Quốc và Nga ngày càng mở rộng, Mỹ đã phải đẩy mạnh các chiến dịch tấn công chiến lược trực tiếp tới hai cường quốc này, và điều này ảnh hưởng tới Mỹ Latinh. Theo hướng này, có thể nói hiện tại Washington có 3 mặt trận quan trọng là Ukraine, Trung Đông với các cuộc chiến quân sự, và Mỹ Latinh với cuộc chiến chính trị - ít nhất cho tới thời điểm này. Các hoạt động của Mỹ tại mặt trận cuối cùng này bao gồm các cuộc đảo chính, gây bất ổn và các chiến dịch được che đậy, các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị. Cuộc chiến pha tạp này không có gì mới và thậm chí các nhà phân tích tình báo còn có thể dự báo trước, do nó là phiên bản hiện đại hóa và thích nghi hóa với cuộc cách mạng khoa học-công nghệ của 7 cấp chiến tranh chính trị của đế quốc Anh và các cường quốc thực dân khác từng áp dụng một cách hệ thống tại nhiều khu vực trên thế giới (phiên bản của Trung Quốc được gọi là chiến tranh tổng lực). 

Mỹ Latinh và Caribe ngày nay là sân khấu cho cuộc đọ sức giữa các cường quốc phát triển bên bờ Đại Tây Dương và các nước mới nổi châu Á, và điều này càng thôi thúc cuộc tấn công diện rộng của Washington nhằm giành lại khu vực ảnh hưởng chiến lược của mình, một mặt vừa để hạn chế không gian địa chiến lược của Nga và Trung Quốc trên cấp độ toàn cầu, mặt khác khôi phục ảnh hưởng tư tưởng chính trị và các lợi ích của mình đã suy giảm tại đây do sự phản kháng của nhiều nước trong vùng trước những hệ quả của chủ nghĩa tự do mới mà Mỹ áp đặt từ những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô. 

Cuộc cạnh tranh chủ yếu mang tính kinh tế Mỹ-Trung cũng chuyển dần sang sắc thái đối đầu khi Bắc Kinh triển khai chiến lược Con đường tơ lụa mới của mình và thành lập nhiều thể chế để củng cố các liên minh khu vực chịu ảnh hưởng của mình. Câu trả lời của Washington là có thể dự báo được nếu nhìn lại những hành xử của họ trong quá khứ. Bất kể là ai cầm quyền, các mục tiêu tối thượng của Mỹ vẫn luôn không thay đổi, họ chỉ khác nhau đôi chút về chiến lược, chiến thuật và con đường để đạt được mục đich đó, hoặc mức độ công khai của các chiến dịch quân sự. Vận mệnh mà Mỹ tự trao cho mình là trở thành quốc gia lãnh đạo duy nhất trên thế giới, và điều này vừa được Tổng thống Obama nhấn mạnh lại trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ lần thứ hai (chiến lược lần đầu được đưa ra năm 2010) công bố vào tháng 2 vừa qua: “Chiến lược này đặt ra các nguyên tắc và ưu tiên để Mỹ lãnh đạo thế giới một nền hòa bình rộng lớn hơn và một sự thịnh vượng mới… Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của mình, một cách đơn phương nếu cần thiết, khi các lợi ích thường trực của chúng ta yêu cầu: khi nhân dân ta bị đe dọa, khi các phương tiện sống của chúng ta chịu rủi ro hay khi an ninh của các đồng minh của chúng ta gặp nguy hiểm”. Văn bản này sẽ có hiệu lực trong 5 năm tới, hay nói cách khác là ngay cả khi một chính quyền mới thay thế chính quyền hiện tại. Với những ngôn từ đó, nó vẫn bị phe Cộng hòa chê bai là quá mềm yếu. 

Liên quan tới Trung Quốc, chiến lược trên chỉ rõ: “Mỹ đã và sẽ là một cường quốc Thái Bình Dương. Trong 5 năm tới, gần một nửa tăng trưởng kinh tế ngoài Mỹ sẽ đến từ châu Á. Do đó, phải quan tâm tới cơ chế an ninh tại một khu vực đang chịu rủi ro leo thang xung đột (do các tranh chấp lãnh hải đang tồn tại trong khu vực hay do khiêu khích từ Triều Tiên). Vai trò lãnh đạo của Mỹ mang tính thiết yếu để đảm bảo sự phát triển dài hạn, tính ổn định và an ninh khu vực, cũng như tạo thuận lợi cho thương mại qua hệ thống cởi mở và minh bạch, đảm bảo tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta đang đa dạng hóa các quan hệ an ninh của chúng ta tại châu Á, cũng như vị thế quốc phòng và sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Chúng ta đang hiện đại hóa hợp tác đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines, đồng thời tăng cường trao đổi giữa các đồng minh này để đảm bảo họ hoàn toàn có khả năng đáp trả các thách thức khu vực và toàn cầu. Chúng ta cũng đang thắt chặt quan hệ với các tổ chức khu vực như ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, APEC…”. 

Thế nhưng quyền lực lớn mạnh của Trung Quốc đã đẩy cuộc cạnh tranh ra ngoài biên giới châu Á, sang tận châu Âu, châu Phi và tới tận Mỹ Latinh. Trao đổi thương mại của khu vực này với Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ mới tới nay tăng trưởng theo cấp số nhân. Nguyên nhân là do các chính phủ Mỹ Latinh vẫn chưa thay đổi cơ bản cơ cấu nền kinh tế của mình, kim ngạch xuất khẩu của khu vực sang quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên, với hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Đây chính là nguồn nguyên liệu mà Trung Quốc cần cho sự phát triển ngành công nghiệp nội địa của mình, đồng thời xuất khẩu lại cho Mỹ Latinh sản phẩm đã qua chế tạo. 

Cùng thời gian đó, giá trị trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và Mỹ Latinh giảm tới 30%. Trước tình hình đó, Washington dự tính giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này và duy trì đặc quyền can thiệp vào chính trị của các nước trong vùng như họ từng làm nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc cũng đang có một vài bước tiến đáng kể với việc cung cấp các khoản vay lớn cho các chính phủ Mỹ Latinh (với khác biệt đáng kể nhất là không có các điều kiện ràng buộc về chính sách như các cường quốc Đại Tây Dương), và tham gia những kế hoạch xây dựng khổng lồ mang tính chiến lược chính trị như kênh đào Nicaragua hay dự án đường sắt nối liền hai đại dương (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) qua nhiều nước Nam Mỹ. 

Để đạt được mục đích khôi phục không gian địa chính trị và thị trường của mình tại đây, Nhà Trắng buộc phải đưa ra những kế hoạch phá vỡ quá trình hội nhập Mỹ Latinh mà Venezuela là nút thắt quan trọng, cả do vai trò điển hình về chính trị - tư tưởng, lẫn do sự gần gũi của Caracas với Bắc Kinh và Moskva cũng như tiềm năng tài nguyên khổng lồ của quốc gia này. Đó chính là lý do mà Mỹ đã liên tục tiến hành các chiến dịch gây bất ổn và âm mưu đảo chính tại đây, được gọi một cách mỹ miều là “quá trình chuyển tiếp” (cũng giống như tại Syria nhưng với một loại hình chiến tranh khác) và đã gây sức ép để một số chính phủ Mỹ Latinh ủng hộ mình. Sự sụp đổ của Venezuela sẽ dẫn tới suy yếu trầm trọng của khối Liên minh Bolivar vì châu Mỹ (ALBA), tổ chức mà đối với một cột trụ khác – Cuba, Mỹ đã dành cho một kịch bản khác: đó là “quá độ lên chủ nghĩa tư bản” về lâu dài. Quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba cũng không hề đi ngược lại cuộc tấn công của Washington vào Venezuela, vì đơn giản là họ vẫn đang thực hiện chính sách “chia để trị”, tách rời hai đồng minh thân cận này. Do vậy, sự chia rẽ tại Mỹ Latinh cũng đồng thời là bước tiến của Mỹ trước Trung Quốc. 

Tóm lại, đối với các nước có tư tưởng và hành động đi ngược lại lợi ích thống trị của Mỹ trong khu vực, như Venezuela, Bolivia, Ecuador và Nicaragua, Washington dự định áp dụng các phương thức chiến tranh chính trị với điểm kết là sự sụp đổ hoàn toàn của các nước này, cho dù bằng hành động vũ trang kết hợp dân sự - quân sự kinh điển hay gây bất ổn dưới lớp vỏ hoạt động thể chế, và sau đó sẽ tiến hành khôi phục các chính quyền bảo thủ. Đối với các trường hợp khác, các nước không dự định từ bỏ con đường tư bản chủ nghĩa dù cũng không theo đuổi chủ nghĩa tư bản thị trường tự do mà Mỹ mong muốn, và thỏa mãn phần nào các lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Nga, Mỹ sẽ áp dụng một mô hình thay đổi chế độ nhẹ nhàng hơn (nhưng luôn phải có điều kiện tiên quyết là sự bất mãn của tư bản bản địa và những người sẵn sàng hợp tác với Mỹ), không nhất thiết là phải sụp đổ lý tính hay sự ra đi của những nhà lãnh đạo tối cao, mà là những kế hoạch làm tiêu hao uy tín của chính phủ cầm quyền, đồng thời gây dựng trong dư luận cảm giác rằng con đường trở về bảo thủ cực hữu là tất yếu. Đó là trường hợp của Brazil và Argentina, nơi mà trong hai chiến dịch tranh cử tổng thống gần nhất, các ứng cử viên mà giới truyền thông luôn tô vẽ là nhiều khả năng thắng cử nhất (nhưng đã thất cử tại Brazil) đều cam kết trở lại tư tưởng tự do mới ưa thích của Washington. Ngược lại, các chính phủ đồng minh mang phong cách tự do mới của Mỹ tại khu vực, như Mexico, Colombia và Peru, không hứng chịu bất cứ sự làm phiền nào từ Washington dù họ có vô số những vấn đề về nhân quyền, đàn áp và bạo động quần chúng, thậm chí cả các sự việc gây chấn động thế giới như Ayotzinapa (43 sinh viên người Mexico bị cảnh sát và băng đảng phối hợp sát hại), hay các tệ nạn thâm căn cố đế như buôn bán ma túy, tham nhũng, quyền “đứng trên luật pháp” của tầng lớp thống trị. 

Cuộc đấu tranh chính trị bằng con đường kinh tế cũng nhắm tới Mercosur (Thị trường chung Nam Mỹ), UNASUR (Liên minh các quốc gia Nam Mỹ) và CELAC (Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe) bằng các dự án liên kết như Tam giác phương Bắc (do Washington thiết kế và vận động thông qua Ngân hàng liên Mỹ, Tổ chức các nước châu Mỹ và Hội đồng doanh nghiệp Mỹ Latinh) bao gồm Guatemala, Honduras và El Salvador, nhằm cô lập Nicaragua tại Trung Mỹ. Quốc gia do tổng thống cánh tả Daniel Ortega lãnh đạo đã chọn Trung Quốc là đối tác trong dự án kênh đào Nicaragua nối liền hai đại dương và dự kiến còn lớn hơn kênh đào Panama chiến lược hiện tại. Thỏa thuận tam giác Trung Mỹ được coi là một phần bổ trợ cho Liên minh Thái Bình Dương (Colombia, Peru, Chile và Mexico) – một tổ chức mà Mỹ hết sức hậu thuẫn nhằm thay thế cho dự án chết yểu ALCA (Khu vực tự do thương mại châu Mỹ - bị phá sản năm 2005 tại Hội nghị Mar del Plata do sự phản đối mang tính quyết định của Brazil, Venezuela và Argentina. Cho tới nay đây vẫn được coi là thắng lợi mang tính khu vực lớn nhất của phong trào cánh tả Mỹ Latinh thế kỷ XXI). 

Chính vì lý do trên mà nhiều nhà hoạch định chiến lược tại các nước Mỹ Latinh đang chịu sự thao túng của Mỹ đã cảnh báo rằng trước sự thất bại của giới tư bản đối lập bản địa – bị Đại sứ quán Mỹ giật dây - trong các cuộc chiến chính trị ngày càng căng thẳng tại Venezuela, cùng với những dự báo ngày càng bất lợi cho phe đối lập mại bản thân Mỹ trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, Washington đã quyết định chuyển cuộc chiến chính trị nội bộ của Venezuela thành vấn đề song phương để biện hộ cho các chiến dịch can thiệp quân sự công khai hoặc bí mật sắp tới vào đất nước nhiều dầu mỏ này. Nếu bối cảnh này trở thành sự thật, thì đây chính là mặt trận xung đột nóng bỏng của Mỹ tại Mỹ Latinh. Theo các nhà phân tích này, đây là nguyên nhân khiến Tổng thống Obama đe dọa trực tiếp Venezuela bằng sắc lệnh hành pháp vừa qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước “mối đe dọa bất thường tới an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ” từ Caracas. 

An ninh quốc gia của Mỹ không phải là một vấn đề nội địa như các quốc gia khác thường quan niệm mà có mức độ toàn cầu. Nói cách khác, nếu các lợi ích bên ngoài lãnh thổ của họ bị đe dọa, Washington cũng sẽ hành động như trong phạm vi biên giới của mình, hay thậm chí còn tệ hơn, vì họ có thể áp dụng học thuyết “Trách nhiệm Bảo vệ”, cùng những lời bào chữa khác để tạo ra các cuộc chiến quân sự mang tính “nhân đạo”. Họ từng làm như vậy tại Libya và họ đang làm vậy tại Syria. 

Ngoài việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc, cũng có một sự xích lại gần đáng kể giữa một số nước Mỹ Latinh với Nga, không chỉ giới hạn trong các hiệp định thương mại, đầu tư và đối tác, mà còn là quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự và mua sắm quốc phòng. Điều này khiến Washington khá lo ngại vì đa số các nước này đều đang do các chính phủ “ít đáng tin cậy” điều hành, như khối ALBA. Sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với Nga có thể nhận thấy qua hai Chiến lược An ninh quốc gia: nếu năm 2010 Mỹ không chọn đối đầu với Nga mà là tìm kiếm hợp tác qua lại thì văn bản mới được công bố chỉ nói tới những thiệt hại mà xứ Bạch Dương sẽ phải hứng chịu qua các đòn trừng phạt, cũng như tới việc Washington sẽ ủng hộ Ukraine ra sao, sẽ phải giúp đỡ thế nào để Grudia và Moldova cải thiện quan hệ với NATO. Mặt trận chống Nga mà Mỹ đã mở tại Ukraine là câu trả lời cho sự ủng hộ của Moskva với Chính phủ Syria và nhắm tới việc thay đổi chế độ, lật đổ tổng thống Putin. 

Việc triển khai vài nghìn lính Mỹ tại Peru trong năm nay cùng với vành đai căn cứ quân sự có khả năng viễn chinh – rất nhiều trong số này vẫn đang dưới dạng bí mật hoặc mang chức năng kép dân sự-quân sự – tại Colombia, Peru, Chile, Paraguay, Uruguay, Malvinas, tạo thế bao vây quanh Brazil và Venezuela, là một tín hiệu cảnh báo đáng lưu ý tại khu vực. Lầu Năm Góc đang phòng ngừa khả năng Nga có thể đã có cơ sở sử dụng cho mục đích quân sự tại Venezuela và Cuba, và Trung Quốc cũng có tại Nicaragua. 

Trước cường quốc đang lên Trung Quốc, Mỹ cần thắt chặt kiểm soát quân sự không gian để bảo vệ Bộ Tư lệnh chiến lược (USSTRATCOM) của mình, vốn đảm nhiệm các chiến dịch trong không gian vũ trụ. Trên thực tế, Bắc Kinh cũng đang xây dựng một trạm kiểm soát không gian tại tỉnh Neuquén của Argentina, để kết hợp với các đoàn thám hiểm Mặt Trăng và không gian vũ trụ của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự đã chỉ ra rằng cơ sở này có thể có khả năng dò tìm tên lửa đạn đạo và kiểm soát thông tin liên lạc tại Tây Nam Đại Tây Dương. Về thực địa, các hòn đảo phía Nam Đại Tây Dương và nằm phía Bắc của vĩ tuyến 60 độ Nam không nằm trong Hiệp ước Nam Cực và nằm dưới quyền kiểm soát quân sự của Anh, hay nói cách khác là quyền quản lý gián tiếp của NATO và Hạm đội IV của Mỹ, bất chấp những tuyên bố chủ quyền của Argentina. Các yêu sách chủ quyền tại các đảo nằm phía Nam của vĩ tuyến 60 độ Nam sẽ không được xét tới cho tới năm 2048. 

Tới thời điểm này, người ta vẫn không biết tại căn cứ quân sự của NATO ở quần đảo Malvinas có tàng trữ vũ khí hạt nhân hay không. Tuy nhiên chắc chắn tầm quan trọng chiến lược của quần đảo mà Argentina tuyên bố chủ quyền nhưng do Anh kiểm soát này, cùng khu vực phụ cận không chỉ nằm ở việc nó án ngữ đường qua lại hai đại dương trước Eo biển Magallanes (Mai-giê-lăng) hay các tuyến đường biển từ Nam Đại Tây Dương tới Australia/New Zealand, mà còn ở chỗ nó khép kín vòng vây tên lửa đạn đạo của Mỹ/NATO đối với Nga/Trung Quốc, cho dù chúng có thể được phóng từ các tàu ngầm chiến lược, từ chính Malvinas hay một căn cứ trên đất liền nào đó (tại Argentina hoặc Chile, tùy mức độ thân cận của chính phủ các nước này ở mỗi giai đoạn nhất định). Tại tỉnh cực Nam của Argentina, Tierra del Fuego, từ năm 2002 Mỹ đã lắp đặt Hệ thống cảnh báo quốc tế nhằm ngăn ngừa thử nghiệm hạt nhân, hay vẫn được gọi ngắn gọn là “cơ sở hạt nhân của Mỹ”. Năm 2010, tại đảo Prado del Ganso thuộc quần đảo Malvinas, NATO đã thiết lập một radar tần số cao (HF) với danh nghĩa để nghiên cứu tầng điện ly, tuy nhiên, đây cũng có thể là một radar quân sự ngoài chân trời (OTHR) có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách vài nghìn km nhờ truyền dẫn điện ly các bức xạ điện từ. Radar này bổ trợ cho mạng lưới cảnh báo sớm hiện có tại căn cứ quân sự của NATO tại Malvinas, và có tầm phủ sóng vượt xa các radar phổ thông, thường truyền dẫn tuyến tính và bị địa hình lục địa cản trở: ví dụ, radar có tầm phát hiện tốt nhất ở Malvinas hiện tại (ở đảo Monte Independencia hay Mount Adam) với chiều cao 700m chỉ có thể phát hiện một máy bay ở khoảng cách 100km hoặc 350km nếu máy bay bay trên độ cao 9000m. 

Việc Chính phủ Argentina xích lại gần Trung Quốc và Nga chính là lý do khiến Washington kích hoạt các chiến dịch chiến tranh chính trị theo hướng tiêu hao uy tín của chính quyền bà Cristina Fernández (mặc dù về mặt kinh tế các lợi ích của họ tại đây không hề bị ảnh hưởng dưới chính quyền này), thông qua các chính trị gia đối lập bản địa và Đại sứ quán Mỹ. Gần đây, Chính phủ Anh viện cớ Argentina lên kế hoạch hiện đại hóa Lực lượng Không quân của mình bằng máy bay tiêm kích Su-24M của Nga để lắp đặt tại căn cứ Malvinas một hệ thống tên lửa đất đối không FLAADS; một lời biện hộ khác nhằm hoàn thiện hệ thống tên lửa phòng thủ cảnh báo sớm, do các trạm ăngten ở Malvinas hiện tại có thể chính là một phần lá chắn tên lửa của Mỹ/NATO để dẫn đường cho các tên lửa đạn đạo của họ tại vùng Nam Đại Tây Dương và Nam Cực trong trường hợp chiến tranh hạt nhân. 

Chính vì vậy, vấn đề hiện tại không phải là Mỹ đang quân sự hóa Mỹ Latinh, vì trên thực tế khu vực này đã bị quân sự hóa, mà chỉ là tăng cường mức độ quân sự hóa đó tới đâu. Mật độ quân sự hóa của Mỹ tại Nam Mỹ đã ở mức khá cao, đặc biệt là tại hai đầu tiểu lục địa này, từ Curazao của Colombia cho tới Malvinas, với khoảng vài chục căn cứ quân sự của Mỹ đã được thống kê chính thức (mặc dù có lẽ Lầu Năm Góc vẫn cho rằng chưa đủ vì riêng tại Đức họ đã có 220 căn cứ). Ở phía Bắc của Nam Mỹ, họ bao vây các nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ của Venezuela, ở phần giữa của Nam Mỹ, họ canh chừng các nguồn dự trữ nước ngọt khổng lồ và các khu vực đa dạng sinh học lớn (Amazona), còn ở phía Nam, họ áp đặt kiểm soát các không gian chiến lược (như eo biển nối liền hai đại dương và đường tiếp cận Nam Cực). Trên biển, họ nắm mọi động tĩnh nhờ các căn cứ không quân-hải quân tại các đảo chiến lược (Ascención, Malvinas) và nhờ những hoạt động của Hạm đội IV phối hợp với các đơn vị của Anh. Mặc dù các nước trong khu vực luôn tuyên bố Nam Mỹ là một khu vực hòa bình không vũ khí hạt nhân, nhưng với tình thế hiện tại, việc khởi đầu một cuộc chiến tranh chỉ cần quyết định đơn phương của Mỹ là đủ. 

Rõ ràng một thế giới đa cực không phải là ý nguyện của Mỹ, và họ sẽ hành động để cản trở xu hướng đó. Đại sứ của Nga tại Liên hợp quốc Vitali Churkin từng kết luận: “Nơi nào lính Mỹ đặt chân qua, nơi đó sẽ hoang tàn, vô phúc”. Liệu Mỹ Latinh có tránh được số phận đó?

Bài viết của cây bút bình luận Gustavo Herren, chuyên về các vấn đề quân sự của Mỹ, đăng trên trang mạng của hãng thông tấn Argenpress.

Văn Cường (gt)