000_Hkg5136419-305.jpg

Với phần lớn ASEAN bị mắc kẹt trong tình trạng đình trệ kinh tế và các thành viên lâu năm của khối này bị bủa vây bởi nhiều vấn đề từ các mức độ tham nhũng chưa từng có tiền lệ cho tới các cuộc nổi dậy bạo lực và tranh chấp biển với Trung Quốc, đã qua rồi thời kỳ êm đẹp của ASEAN.

Nhưng từ những nơi rất không có khả năng của Bắc ASEAN, một cách tiếp cận thông thường hơn tới động lực chính trị ngày càng phức tạp của khu vực có vẻ đi cùng với sự thay đổi ban lãnh đạo. Chiến thắng bầu cử của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi tại Myanmar (và việc sau đó bổ nhiệm bà làm cố vấn nhà nước) cùng với việc bổ nhiệm Bounnhang Vorachith làm Chủ tịch Lào và ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng mới của Việt Nam có lẽ báo hiệu một kỷ nguyên mới đầy bất ngờ.

Nhóm Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) và việc trở nên quan trọng

Cùng với Campuchia, việc nhóm Lào, Myanmar và Việt Nam thành CLMV đôi khi được đề cập một cách xem thường là nhóm thứ yếu của ASEAN. GDP kết hợp của họ khoảng 224 tỷ USD, chưa đến 10% của 2.400 tỷ GDP của toàn bộ 10 nước trong khối.

Tất cả 4 nước này đều là “những người đến sau” trong ASEAN, gia nhập vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, ban thư ký ở Jakarta chịu sự chỉ trích từ một số nơi vì cho phép những nước bị gạt sang bên lề trong Chiến tranh Lạnh là Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar do quân đội kiểm soát tham gia một câu lạc bộ mà các thành viên của nó phần lớn là dân chủ và tập trung vào phương Tây.

Phần lớn các vấn đề có liên quan tới những nước này được định hình bởi việc họ không có tiền, phụ thuộc vào các khoản trợ cấp của nước ngoài và không có khả năng chăm sóc bất kỳ ai ngoài những người thân thiết nhất với đảng cầm quyền. Họ cũng không có các hệ thống cơ sở hạ tầng cạnh tranh, đặc biệt là về pháp lý và tài chính.

Những nhu cầu đó đã đẩy Campuchia, Myanmar và Lào nghiêng hẳn về phía một Trung Quốc đang bành trướng và chính sách viện trợ nước ngoài của nước này, chính sách “vung tiền” nói chung không có các điều kiện ràng buộc kèm theo, không giống như các chính phủ phương Tây nơi những vấn đề như nhân quyền bị ràng buộc với việc tài trợ.

Nhưng các mối quan hệ có vẻ đã thay đổi khi 3 ban lãnh đạo mới bước lên vũ đài ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay ở Viêng Chăn. Một số nhân vật chính trị trước đây dường như luôn “cứng đầu” thì giờ có vẻ có thể đàm phán được.

Tại Lào, Chính quyền Bounnhang đã gây ấn tượng với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay, xứng đáng được hoan nghênh sau khi các sắc lệnh kiểu Stalin được người tiền nhiệm của ông ban hành về cách thức cư xử tại các hội nghị thượng đỉnh này. Nhưng quan trọng hơn là Lào đã làm thay đổi động lực Trung Quốc và đưa nước này tiến gần hơn tới đối thủ lịch sử của Bắc Kinh, Việt Nam.

Kết quả là, cuộc thảo luận về việc xây dựng tàu cao tốc trị giá nhiều tỷ đô la từ Thái Lan qua Lào vào Trung Quốc, và việc xây dựng đập trên Mekong với phí tổn mà Viêng Chăn không thể chịu được, đã nhạt dần, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Điều đó đã làm dịu bớt sự chính trị hóa của Ủy hội sông Mekong (MRC), nơi mà sự đấu đá nội bộ và những cáo buộc tham nhũng đã chỉ gây phương hại đến 70 triệu người trực tiếp kiếm ăn từ con sông này.

Trong khi đó Bắc Kinh, đã ủng hộ quân đội ở Myanmar, hưởng ứng thời đại đang thay đổi và giờ đây chìa cành ô liu cho Suu Kyi. Trung Quốc thậm chí còn phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình của bà với quân nổi dậy sắc tộc Trung Quốc.

Bà Suu Kyi nói với các phóng viên trước các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra trong 5 ngày hồi đầu tháng 9: “Tôi tin rằng với tư cách là một nước láng giềng hữu hảo, Trung Quốc sẽ làm mọi việc có thể để thúc đẩy tiến trình hòa bình của chúng tôi”. Đã không có sự khai thông nào tại các cuộc đàm phán nhưng chúng vẫn được ca ngợi hết lời như là một bước đi quan trọng. Bà Suu Kyi nói: “Không có hòa bình thì không thể có sự phát triển bền vững”.

Với những sự thay đổi ban lãnh đạo này, Trung Quốc không còn có thể dựa vào sự ủng hộ tất yếu từ Lào hoặc Myanmar và gần như cô độc trong các tuyên bố chủ quyền biển bị tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông đối với các vùng biển từ lâu do Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia nắm giữ.

Được khuyến khích bởi chiến thắng của Philippines trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại tòa án quốc tế, Việt Nam cũng đã tìm thấy sức mạnh pháp lý nào đó trong nỗ lực của mình tổ chức các cuộc đàm phán trên cơ sở đa phương với ASEAN, thay vì các cuộc đàm phán song phương với mỗi nước được Trung Quốc ưa thích, điều sẽ là lợi thế chiến lược của nước này.

Thái Lan và Singapore đã nỗ lực hết sức đứng ngoài tranh chấp này.

Điều đó khiến cho Campuchia trở thành đồng minh phụ thuộc duy nhất của Trung Quốc và nước này đã chính thức yêu cầu ASEAN giữ im lặng về vấn đề tranh chấp biển. Như một nhà phân tích, người không muốn nêu danh, đã nói: “Đây khó có thể là một sự kết hợp đáng gờm và bất kỳ ảnh hưởng nào mà Phnom Penh có thể có bên trong ASEAN đã bị tổn hại bởi lập trường của họ về Biển Đông”.

Giỏi nhất trong ASEAN không phải luôn là sáng giá nhất

CLMV thường bị các nước láng giềng ASEAN thịnh vượng hơn, tham gia lâu năm hơn “hăm dọa”. Tuy nhiên, những nước từng được tán dương là “những con hổ châu Á” đã rơi vào thời kỳ khó khăn khi được đánh giá bởi chính các tiêu chuẩn lịch sử của họ.

Vấn đề kế nhiệm với một chế độ quân chủ ốm yếu và một chính quyền quân sự giành chính quyền thông qua đảo chính tiếp tục đeo bám Thái Lan. Tham nhũng, vụ bê bối 1MDB, và Hồi giáo hiếu chiến đã thách thức Malaysia một cách nghiêm trọng, nước từng được biết đến vì thương hiệu chủ nghĩa thế tục của nó và là một đối tác kinh doanh khu vực kiểu mẫu.

Tại Philippines, cuộc trấn áp quyết liệt đối với những kẻ buôn bán ma túy, do tổng thống mới được bầu gần đây Rodrigo Duterte phát động, đã khiến khoảng 2.000 người bị tiêu diệt, khiến các nhóm nhân quyền và các chính phủ trên khắp thế giới nổi giận. Tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được ban bố.

Việc Tổng thống Joko Widodo sử dụng bất thường án tử hình ở Indonesia đã làm xói mòn những nhận thức về một nhà lãnh đạo hiện đại, tiên tiến, điều trước tiên khiến ông được bầu, trong khi đó việc Brunei đưa ra luật sharia (luật Hồi giáo) đã khiến họ bị so sánh với Pakistan và Taliban.

Cùng với sự giảm tốc kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, các bên tham gia lớn trong khu vực cũng đang phải đối mặt với môi trường kinh tế khắc nghiệt nhất của mình kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998. Kỷ nguyên tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước của xuất khẩu ASEAN vào Trung Quốc đã qua.

Keith Loveard, một nhà phân tích đánh giá rủi ro thuộc Concord Security có trụ sở tại Jakarta, nói rằng: “Các nền kinh tế ASEAN bị ràng buộc chặt chẽ với Trung Quốc và bất kỳ sự thu hẹp lớn nào về thị trường đương nhiên sẽ gây tổn hại cho ASEAN”. Điều này đã khiến các nước thành viên truyền thống, lâu năm của ASEAN phải trả giá bằng sức ảnh hưởng nào đó.

Gương mặt mới, thách thức cũ

Luồng gió chính trị đang thay đổi và có vẻ có lợi cho Myanmar, Lào và Việt Nam.

Nhưng bà Suu Kyi vẫn phải tháo ngòi nổ bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai với tộc người Rohingya và giải quyết vô số cuộc nổi dậy sắc tộc dọc theo đường biên giới rối loạn của nước này. Danh tiếng của bà đã được thúc đẩy bởi các cam kết giúp đỡ từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, và người tiền nhiệm của ông, Kofi Annan, người sẽ là chủ tịch ủy ban cố vấn Nhà nước Rakhine mới thành lập, với hy vọng giải quyết xung đột với người Rohingya.

Tại Việt Nam, một gương mặt mới khác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đã có một cuộc phỏng vấn chưa từng có tiền lệ với hãng thông tấn Pháp AFP và tìm kiếm sự giúp đỡ trong giải quyết tranh chấp biển Trung Quốc. Ông nói với AFP: “Chúng tôi vô cùng hoan nghênh sự hợp tác từ Pháp và các quốc gia khác trong tiến trình duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực và trên thế giới và ở Biển Đông”. Biển Nam Trung Hoa được biết đến là Biển Đông ở Hà Nội và biển Tây Philippines ở Manila. Điều đó gần như không có gì kỳ lạ nhưng đó là điều chưa từng có tiền lệ khi một nhà lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam có một cuộc phỏng vấn như vậy và điều đó cần được hoan nghênh.

Giống như Việt Nam, Lào vẫn là một nhà nước cộng sản độc đảng. Lào vẫn được kỳ vọng sẽ giải quyết vụ Sombath Somphone, người đã mất tích vào tháng 12/2012 và kể từ đó trở thành tâm điểm cho việc các nhóm xã hội dân sự buộc tội nước này phải chịu trách nhiệm. Những người ủng hộ cũng tràn đầy hy vọng các ban lãnh đạo mới sẽ cởi mở hơn để đối thoại về các vấn đề nhân quyền, điều là cái gai nhức nhối mãi tồn tại ở phía tất cả 3 nhà nước ASEAN ở phía Bắc, và Campuchia, kể từ khi họ được kết nạp vào khối này. Còn quá sớm để nói rằng liệu đa số các nhà nước nghèo hơn của ASEAN có vượt được qua giai đoạn khó khăn và đưa ra một lộ trình rõ ràng hơn, trong sạch hơn ở phía trước hay không, nhưng với các nhà lãnh đạo mới, Myanmar, Lào và Việt Nam đã khởi động lại và sẵn sàng cho một khởi đầu tích cực. Và điều đó vốn đang làm thay đổi diện mạo của ASEAN./.

Theo “The Diplomat” (ngày 15/9)

Hương Trà (gt)