20110611_asd000.jpg

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra ngày 7/9 vừa qua được dành để kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc. Kết quả đáng chú ý nhất của hội nghị là bản tuyên bố chung, với 1.205 từ tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản của quan hệ song phương, được phản ánh qua những thành tựu đạt được trong nhiều năm qua. Tiêu biểu phải kể đến việc thành lập một đường dây nóng giữa các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao để xử lý các sự cố hàng hải khẩn cấp ở Biển Đông, hay việc áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử về các va chạm bất ngờ trên Biển Đông (CUES). Hai bên cũng nhất trí chọn năm 2017 là năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một diễn biến quan trọng đã không được các phương tiện truyền thông đề cập ở hội nghị lần này. Nhiều nguồn tin cho biết Thủ tướng Lý Khắc Cường đã "nêu lên đề nghị 5 điểm để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-ASEAN." Điều đặc biệt là đề nghị của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không được nước Chủ tịch ASEAN là Lào hay các phương tiện truyền thông quốc tế đề cập đến, mà chỉ được chú ý sau khi các phương tiện truyền thông của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn cầu và kênh truyền hình CCTV tại Mỹ đưa tin trích dẫn tuyên bố chính thức của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.

Theo báo giới Trung Quốc, đề nghị 5 điểm kêu gọi: (1) nâng cấp quan hệ Trung Quốc-ASEAN bằng cách củng cố sự liên kết của các mục tiêu và phương hướng phát triển; (2) xây dựng một nền tảng mới cho hợp tác an ninh-chính trị; (3) nuôi dưỡng động lực mới cho thương mại và hợp tác kinh tế; (4) tăng cường hợp tác văn hóa; (5) phối hợp tăng cường hợp tác khu vực.

Thực tế là việc “biến mất” thông tin về đề xuất này là rất khó hiểu. Tìm kiếm trên Google về đề nghị trên không cho ra kết quả nào ngoại trừ từ các nguồn của Trung Quốc đã được liệt kê ở trên. Liệu có phải nhóm truyền thông của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã mắc sai sót? Tại sao lời đề nghị, được cho là đã được trình bày tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, thậm chí còn không xuất hiện trong bản Tuyên bố chung của hội nghị?

Trong năm điểm nói trên, lời kêu gọi về một "nền tảng mới cho hợp tác an ninh-chính trị", đề xuất rõ ràng có liên quan tới “Hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hòa bình", là đáng lưu ý hơn cả vì một số lý do sau.

Thứ nhất, hiệp ước này không nhận được nhiều ủng hộ khi Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu nêu lên ở Bandar Seri Begawan, Brunei tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc vào năm 2013. Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc vẫn kiên trì với sáng kiến này trong khi đã thấy rõ sự thờ ơ của ASEAN?

Thứ hai, việc Thủ tướng Lý Khắc Cường tạo mối liên hệ giữa hiệp ước nói trên với đề xuất tạo dựng nền tảng pháp lý cho quan hệ song phương là điều rất đáng quan tâm. Nhất là bởi chưa rõ nội dung “nền tảng pháp lý” mà Trung Quốc nói đến sẽ bao gồm những gì, khi nước này nổi tiếng với “thành tích” nhiều lần không tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả việc phủ nhận phán quyết vừa qua của Tòa Trọng tài.

Thứ ba, hiệp ước có thể có lợi cho ASEAN, ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng trong thực tế nó sẽ là một cam kết không bình đẳng do sự bất đối xứng về quyền lực giữa hai bên và chưa rõ ASEAN trông cậy điều gì nếu Trung Quốc phá vỡ hiệp ước?

Thứ tư, hiện cũng chưa rõ những lợi ích mà hiệp ước này sẽ mang lại có vượt trội hơn những gì mà hai bên đã ký kết trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) hay không. Liệu hiệp ước mới này có làm giảm tính trung tâm của ASEAN hay không nếu hiệp hội này thay đổi cơ sở chính trị ngoại giao từ TAC sang hiệp ước mới?

Nếu hiệp ước do Trung Quốc đề xuất có cơ hội nào đó được chấp nhận, nó sẽ phải vượt qua những trở ngại liên quan đến vấn đề Biển Đông. Khái niệm "láng giềng tốt" và "hòa bình" không thực sự mang ý nghĩa chân thành khi Biển Đông vẫn là một “quả bom hẹn giờ”. Nếu Trung Quốc không thể tự mình cam kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý, thì có lẽ Trung Quốc vẫn chưa thực sự thuyết phục và tạo dựng được lòng tin của các đối tác với những gì mà mình đề xuất.

Tiến sỹ Tang Siew Mun là Giám đốc Viện Nghiên cứu ASEAN (ISEAS), Singapore. Bài viết đăng trên “ISEAS” (ngày 19/9).

Hùng Sơn (gt)