images(8).jpg

Ngày 15/9/2016, Chính phủ Anh đã thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với sự tham gia của công ty nhà nước Trung Quốc, quyết định này vốn bị trì hoãn hồi tháng 7 năm nay vì lý do an ninh và cần phải nghiên cứu chi tiết hơn những hậu quả có thể xảy ra khi mở rộng vốn đầu tư của các công ty Trung Quốc vào những lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế. Trong khi đó, Chính phủ Anh đã áp đặt nhiều biện pháp bảo vệ mới nhằm mục đích duy trì sự kiểm soát đối với vốn đầu tư nước ngoài vào những dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có năng lượng hạt nhân. Tình hình xung quanh Hinkley Point cho thấy rằng một mặt, Chính phủ Anh không thể cho phép mình ôm đồm quá nhiều việc. Mặt khác, chính quyền mới ở Anh sẽ sốt sắng và tích cực hơn trong việc bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia, sử dụng sự độc lập có được sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) để tiến hành chính sách kinh tế đối ngoại. Quyết định rời khỏi EU có thể dẫn đến sự thay đổi tổng thể cán cân lực lượng trên thị trường nước Anh, cũng như cấu trúc địa lý và các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Những thay đổi tương ứng có thể đụng chạm tới Trung Quốc, quốc gia đang trở thành một trong những nhà đầu tư năng động vào nước Anh.

Chính sách đầu tư bành trướng của Trung Quốc

Trung Quốc đang giữ vị trí thứ 3 về quy mô nhà đầu tư thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Tổng lượng đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong năm 2015 đạt 128 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đến năm 2020, theo đánh giá của các chuyên gia Đức, chỉ số này có thể tăng lên gần gấp đôi, đạt khoảng 250 tỷ USD. Phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc nhằm vào lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, giao thông và tài chính, trong khi đó vốn đầu tư vào sản xuất giảm mạnh. Thị phần trong lĩnh vực dịch vụ năm 2015 tăng lên tới 55%, trong khi thị phần sản xuất thực tế giảm xuống còn 33%. Đặc biệt các công ty Trung Quốc tích cực đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước đối tác trong khu vực châu Á cao hơn. Ví dụ, năm 2015, khối lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia đang phát triển khác ở châu Á tăng gần 1,8 lần, trước hết nhờ sự mở rộng đầu tư trong khuôn khổ những dự án qui mô lớn thuộc chiến lược “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Trong khi đó, Bắc Kinh đang tiến hành chính sách đa dạng hóa đầu tư về mặt địa lý và củng cố sự hiện diện thương mại và đầu tư tại các thị trường nước ngoài, bao gồm cả các thị trường châu Âu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế của những quốc gia châu Âu phát triển, nhờ những hợp đồng khổng lồ về sáp nhập và thâu tóm. Ví dụ, đầu năm 2015, công ty nhà nước Trung Quốc China National Chemical (ChemChina) thực hiện hợp đồng mua Pirelli (PECI.MI) trị giá 9 tỷ euro. Tháng 8/2016, công ty này lại được chấp thuận mua Syngenta của Thụy Sĩ trị với giá 43 tỷ USD. Các công ty của Trung Quốc tích cực ứng dụng năng lượng thay thế, đầu tư và mua lại, ví dụ kinh doanh ở nước ngoài về sản xuất năng lượng gió mà thuộc sở hữu của các công ty năng lượng lớn của châu Âu và đặc biệt là trên lãnh thổ nước Anh. Trong đó, đáng chú ý là những hợp đồng của Công ty Đầu tư và phát triển nhà nước (SDIC) của Trung Quốc mua Công ty dầu mỏ Repsol của Tây Ban Nha; Tập đoàn Trường Giang Tam Hiệp Trung Quốc mua 30% dự án Moray Firth của công ty EDP Renovaveis Bồ Đào Nha và nhiều hợp đồng mua bán khác.

Điều quan trọng phải nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây chính sách đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài có nhiều thay đổi. Thứ nhất là nhanh chóng tái định hướng đầu tư từ sản xuất thực tế sang lĩnh vực dịch vụ và tham gia nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Thứ hai là đầu tư vào những dự án có công nghệ cao hơn đang được mở rộng, trong đó có năng lượng thay thế, công nghệ sinh học... Số lượng hợp đồng mua các công ty và ngành sản xuất công nghệ cao được Chính phủ Trung Quốc xem như biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để tiếp cận công nghệ tiên tiến. Thứ ba là thị phần lớn nhất trong tổng số khối lượng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc thuộc về các công ty nhà nước (chiếm khoảng 70% tính đến hết năm 2015). Hơn nữa, khuynh hướng chung trong giai đoạn 2000-2015 tăng lên. Thứ tư là các công ty Trung Quốc dần chuyển từ đầu tư với tư cách cổ đông thiểu số với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận sang mua các công ty nước ngoài, tăng thị phần của mình trong các dự án, tham gia quá trình thông qua các quyết định và sử dụng các cơ sở hạ tầng phù hợp với những ưu tiên chiến lược của mình. Khuynh hướng gần đây có thể gây ra lo ngại cho các quốc gia tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc về việc có khả năng đánh mất quyền kiểm soát đối với những dự án cơ sở hạ tầng chiến lược và xuất hiện mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Sự bành trướng của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2015

Anh đứng vị trí đầu tiên trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về khối lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc. Trước năm 2012, những lĩnh vực đầu tư chính của Trung Quốc gồm ngân hàng, năng lượng mặt trời, chế tạo ô tô và viễn thông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng gia tăng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và sản xuất kỹ thuật nhiều hơn, trong khi đó các lĩnh vực tài chính và sản xuất thực tế giảm mạnh. Hơn nữa, từ việc có tỷ lệ nhỏ cổ phần nhỏ trong các tập đoàn nước ngoài, các công ty Trung Quốc chuyển sang đẩy mạnh thực hiện các hợp đồng sáp nhập và thâu tóm. Mặc dù giá trị các hợp đồng do các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện trên thị trường Anh giảm, nhưng số lượng lại tăng mạnh. Hơn nữa, số tiền chủ yếu được rót vào các dự án bất động sản, khai thác dầu khí, xây dựng và vận tải, thương mại bán lẻ và tài chính. Đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng lớn của Anh vẫn là một trong những ưu tiên chiến lược của các công Trung Quốc. Năm 2012, công China Investment Corporation mua 8,68% cổ phần của công ty Thames Water Utilities Ltd. và 10% cổ phần tại Heathrow Airport Holdings. Trước đó vào năm 2011, công ty Cheung Kong Infrastructure Holdings của Trung Quốc đã thực hiện hợp đồng mua công ty Northumbrian Water. Khi rót tiền ngày càng nhiều vào các hạng mục cơ sở hạ tầng, các công ty đến từ Trung Quốc dự định tận dụng chúng như bàn đạp để mở rộng sự hiện diện của mình tại châu Âu. Ví dụ, Beijing Construction Engineering Group đầu tư vào dự án Airport City Manchester, Chinese Construction Company lên kế hoạch tham gia trên cơ sở sở hữu 50% giá trị các dự án thuộc công ty xây dựng Carillion của Anh, trong khi China Railway Group đang nghiên cứu đề xuất đầu tư vào dự án High Speed 2.

Việc các công ty nhà nước Trung Quốc đầu tư mạnh vào những dự án và hạng mục quan trọng chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và thâu tóm các công ty của Anh trong các lĩnh vực công nghệ cao đang gây ra sự lo ngại cho chính phủ mới ở Anh về việc trong dài hạn việc kiểm soát những cơ sở hạ tầng và sản xuất chiến lược sẽ bị suy yếu. Việc người dân Trung Quốc ngày càng tích cực mua nhà ở và bất động sản thương mại ở Anh cũng đang gây lo ngại đối với London. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2016, các công ty Trung Quốc và người dân nước này đã mua bất động sản tại xứ sở sương mù lên tới 560 triệu bảng Anh. Anh không phải là quốc gia duy nhất trong thời gian gần đây thận trọng đối với chính sách đầu tư bành trướng của các công ty nhà nước Trung Quốc. Chính phủ Australia cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và đẩy mạnh kiểm soát các dự án hạ tầng chiến lược lớn bằng cách tham gia đầu tư. Tháng 4/2016, Giám đốc Viện chính sách chiến lược kiêm lãnh đạo hội đồng chuyên gia trực thuộc chính phủ Peter Jennings tuyên bố cần phải thể hiện sự thận trọng và cảnh giác lớn đối với vốn đầu tư từ Trung Quốc vào những dự án cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng trên lãnh thổ nước này. Ông kêu gọi lưu ý không chỉ đến tính hợp lý về mặt kinh tế của thu hút đầu tư trong ngắn hạn mà còn có khả năng để lại hậu quả lâu dài đối với an ninh quốc gia.

Đứng giữa ngã ba đường

Theo đánh giá của các nhà khoa học trường Đại học Kinh tế London, việc Anh rời khỏi EU sẽ dẫn đến làm giảm khối lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 22%, kéo theo thu nhập thực tế của người dân giảm 3,4%. Trong khi đó, thiệt hại từ giảm khối lượng thương mại có thể chỉ dừng ở mức 2,6% theo kịch bản bi quan. Việc rời khỏi EU sẽ tác động trước hết đến ngành công nghiệp ô tô và lĩnh vực tài chính. Rõ ràng, sau khi rời khỏi EU và mất một phần đáng kể đầu tư vào nước này từ các nhà đầu tư châu Âu, Anh sẽ nỗ lực tích cực hơn nữa thu hút các đối tác đầu tư từ các nước thứ ba. Đứng đầu danh sách này là các công ty Trung Quốc, vốn dư thừa các nguồn lực đầu tư. Chính sách đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài được Bắc Kinh thực thi sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Anh và Trung Quốc.

Triển vọng hợp tác đầu tư giữa Anh với châu Âu và nước thứ ba, trong đó có Trung Quốc, sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau: Thứ nhất là kịch bản rời EU được hiện thực hóa. Thứ hai là chính sách kinh tế đối ngoại của chính phủ mới ở Anh. Hiện nay, tất cả vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư phần lớn bị ảnh hưởng từ Brexit, xuất hiện tính không rõ ràng liên quan đến đường lối chính sách kinh tế đối ngoại của Anh, cũng như những nỗ lực của chính phủ duy trì quyền kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực và dự án chiến lược chưa chắc đã ảnh hưởng đến kế hoạch của các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tiền vào nền kinh tế Anh. Trong những năm gần đây, tính hấp dẫn của thị trường Anh theo quan điểm đầu tư và với tư cách là bàn đạp để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và thương mại ở châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, các công ty nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi ích của mình và mong muốn tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Về phần mình, chính sách của Anh đối với các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ được hình thành dưới sức ép của hai khuynh hướng đối lập. Thứ nhất, nâng cao tầm quan trọng của vốn Trung Quốc đối với sự phát triển kinh tế Anh.

Điều này sẽ diễn ra trước hết nhờ thiệt hại một phần đáng kể nguồn vốn các nhà đầu tư ở châu Âu trước kia. Ngoài ra, căng thẳng trong cạnh tranh giành vốn đầu tư của Trung Quốc giữa Anh, Đức, Pháp và Italy có thể thúc đẩy Chính phủ Anh giảm nhẹ những điều kiện tiếp cận nền kinh tế của dòng vốn ngoại, trong đó có đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc. Khuynh hướng thứ hai, sau khi rời khỏi EU và giành được độc lập trong việc thực thi chính sách kinh tế đối ngoại độc lập, Chính phủ Anh sẽ sốt sắng hơn đối với việc bảo vệ những lợi ích của mình trong lĩnh vực an ninh và những lĩnh vực chiến lược mà vốn nước ngoài không được thâm nhập. Điều này có thể ảnh hưởng trước hết đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án hạ tầng lớn (xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải và năng lượng), cũng như những điều kiện các nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản tại Anh. Liên quan đến vấn đề này có thể khiến thủ tục đạt được thỏa thuận các hợp đồng sẽ trở nên phức tạp, thời hạn thông qua quyết định sẽ tăng lên, trong một số trường hợp riêng biệt có thể hạn chế bằng luật pháp hoặc thắt chặt những điều kiện tham gia của vốn nước ngoài vào những dự án chiến lược quan trọng và mua sắm cơ sở bất động sản.

Giới chuyên gia và bình luận ở Anh nhiều lần đã đưa vấn đề về áp dụng những hạn chế đối với sự tiếp cận dòng vốn nước ngoài để mua bất động sản trong nước. Rõ ràng, việc hiện thực hóa những sáng kiến này sẽ giáng một đòn, trước hết vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Xuất phát từ đó, trong triển vọng trung hạn có thể chờ đợi một số thay đổi trong cấu trúc ngành vốn đầu tư trực nước ngoài của Trung Quốc vào Anh: phần đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, tài chính, bán lẻ và sản xuất công nghệ cao có thể tăng lên, trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực vận tải, năng lượng và bất động sản sẽ giảm xuống. Như vậy, Anh sẽ cân bằng giữa mong muốn tăng dòng đầu tư trực tiếp vào nước này (trong bối cảnh châu Âu không còn rót tiền cho nữa) và mong muốn tuân thủ lợi ích an ninh quốc gia. Chính sách đối với đầu tư của Trung Quốc sẽ phụ thuộc cán cân nghiêng về phía nào, mức độ quan hệ với châu Âu và thu hút đầu tư từ các trung tâm đầu tư lớn trên thế giới./.

Theo “Hội đồng Đối ngoại Nga

Hùng Sơn (gt)