_66570746_66570661.jpg

Ngày 25/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh để thảo luận về việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga. Phần lớn những nỗ lực của hai nước theo hướng này cho đến nay đã kéo theo những bước thúc đẩy hợp tác song phương về các vấn đề kinh tế và an ninh. Nhưng ngoài thỏa thuận song phương này, một vấn đề lớn khác, tái định hình quan hệ Trung-Nga trong những năm gần đây, là nhu cầu cân bằng quyền lực trong một trật tự toàn cầu đơn cực mà Mỹ là trung tâm.

Cụ thể, Trung Quốc và Nga tuyên bố hai nước sẽ tìm cách gắn bó hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, chứ không phải là những quốc gia có những hành động đơn phương để phục vụ lợi ích chính sách đối ngoại. Ông Putin và ông Tập Cận Bình đồng ý sử dụng thuật ngữ “ổn định chiến lược toàn cầu” để phác thảo tầm nhìn của họ cho một sự thay thế toàn cầu đối với vấn đề quân sự hóa. Sau cuộc gặp, hai nước đã ra tuyên bố chung nêu rõ quan điểm của họ về sự “ổn định chiến lược toàn cầu”. Tuyên bố kêu gọi tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong phạm vi bảo hộ của Hiến chương Liên hợp quốc và đề cập đến sự phổ biến của công nghệ tên lửa cũng như tiềm năng không gian quân sự. Việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong tuyên bố chung, khẳng định rằng việc triển khai THAAD không chỉ thất bại trong việc giải quyết mối đe dọa thực sự từ phổ biến vũ khí ở khu vực Đông Bắc Á, mà còn làm tổn thương những lợi ích của Trung Quốc và Nga.

Cuộc gặp và tuyên bố chung đã được giải thích khác nhau trên thế giới. Truyền thông Phương Tây coi cuộc gặp này và kết quả của nó là một đòn tấn công khác của Trung Quốc và Nga nhằm vào Phương Tây, trong khi truyền thông Trung Quốc lại ca ngợi hết lời chuyến thăm của ông Putin. Tuy nhiên về bản chất, tầm nhìn của hai nước này đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu có thể mâu thuẫn nhau. Trong khi Trung Quốc và Nga nhiều lần lên tiếng phản đối những gì họ cho là sự can thiệp của Mỹ trong các vấn đề khu vực, lợi ích an ninh của Trung Quốc và Nga phần lớn là khác biệt. Nga và phương Tây vẫn còn bế tắc ở Đông Âu, đặc biệt liên quan đến các hoạt động quân sự của Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặc dù Trung Quốc và NATO có một số tác động qua lại, song các vấn đề an ninh ở Đông Âu thường không được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm.

Và trong khi Trung Quốc tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Biển Đông, Nga đã phải cố gắng chống đỡ, xoa dịu quan hệ với cả khối ASEAN cũng như một vài nước Đông Nam Á ở mức độ cá nhân. Khái niệm về một liên minh Trung-Nga nhằm cố gắng ngăn chặn sự thống trị của phương Tây cho thấy đây có thể là động lực thúc đẩy hành động của Trung Quốc và Nga. Mặc dù sử dụng thuật ngữ “toàn cầu” trong cụm từ về “sự ổn định chiến lược”, mối lo ngại chung của Trung Quốc và Nga ngay lúc này là về khu vực. Cho dù Trung Quốc và Nga không đề cập một cách rõ ràng, nhưng người ta có thể hiểu rằng nhiều nội dung của tuyên bố chung Trung-Nga được nhằm trực tiếp vào cuộc khủng hoảng an ninh vẫn đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên được cho là khu vực nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh và Moskva. Vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên, phóng tên lửa lên quỹ đạo và triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung đang đe dọa an ninh của Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, hàng nghìn binh sỹ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục khiến Trung Quốc và Nga hết sức lo lắng. Khi căng thẳng gia tăng, Trung Quốc và Nga ngày càng lo sợ về khả năng “một đốm lửa nhỏ có thể gây ra một đám cháy lớn”.

Do đó, Nga đã liên tục kêu gọi giải quyết khủng hoảng an ninh Triều Tiên trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và không bằng các biện pháp (quân sự) đơn phương. Các quan chức Nga đã lên tiếng phản đối hành động khiêu khích an ninh của Triều Tiên cũng như các hoạt động quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, chẳng hạn như các cuộc tập trận hàng năm Đại bàng và Lừa con (Foal Eagle) hay Giải pháp Then chốt (Key Resolve). Những tuyên bố chung đề cập ngắn gọn về vũ khí sinh hóa học và trong cùng một đoạn cũng nhấn mạnh đến khả năng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sở hữu những vũ khí này. Tháng 3/2016, ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ đã cảnh báo rằng việc Triều Tiên ngày càng bị cô lập và những khó khăn về tài chính có thể buộc nước này bán vũ khí cho IS và các tổ chức khủng bố khác.

Các quan chức Triều Tiên có thể lại có cách giải thích khác cho tuyên bố chung này. Có thể, trong tuyên bố, Trung Quốc và Nga không muốn đề cập hẳn đến cái tên Triều Tiên vì sợ gây thêm phức tạp tình hình vốn đã rất căng thẳng. Thậm chí nếu các quan chức Trung Quốc và Nga thực sự tìm kiếm một nhiệm vụ mở rộng hơn để kêu gọi “sự ổn định chiến lược toàn cầu”, có thể làm dấy lên những hoài nghi rằng Bắc Kinh và Moskva đã đưa Triều Tiên lên hàng đầu trong suy nghĩ của họ khi đưa ra tuyên bố chung. Bằng cách kêu gọi “ổn định chiến lược”, Trung Quốc và Nga đang gửi đi hai thông điệp cùng một lúc. Một mặt, họ cảnh báo Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích. Nhưng đồng thời, trong khi nhấn mạnh sử dụng Liên Hợp Quốc như một công cụ giải quyết xung đột, Trung Quốc và Nga cũng hô hào Mỹ kiềm chế các hành động đơn phương chống lại Triều Tiên.

Tác giả Anthony V. Rinna là nhà phân tích về chính sách đối ngoại Nga ở Đông Á cho nhóm nghiên cứu Sino-NK research group. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á” (hôm 16/7).

Vũ Hiền (gt)