Vài tuần trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU), khi được hỏi rằng tại sao người ta nên bỏ phiếu “Ra đi” hơn là tin vào lời cảnh báo của hàng loạt nhà kinh tế và chính quyền trên thế giới vốn phản đối Brexit, ông Michael Gove- một trong những người đi đầu của chiến dịch vận động Anh rời khỏi EU- đã tự tin đáp trả: “Người dân Anh đã có quá đủ các chuyên gia”.

Các chuyên gia cũng thường mắc sai lầm, song lần này, những người ủng hộ Brexit sẽ phải trả giá đắt vì đã phớt lờ ý kiến từ các chuyên gia kinh tế. Cuộc trưng cầu ý dân này sẽ đem đến những hệ lụy tức thì và thậm chí là lâu dài.

Người dân Anh đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế tồi tệ. Đồng bảng Anh đã trượt giá gần 9% so với đồng USD, khiến giá trị tài sản của Anh sụt giảm trong khi giá cả hàng nhập khẩu tăng cao. Thị trường chứng khoán cũng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản, tài sản chủ yếu của phần lớn người dân Anh, chao đảo. Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mark Carney đã cam kết giành 250 tỷ bảng Anh (khoảng 345 tỷ USD) để hỗ trợ hệ thống tài chính nước này và có thể bổ sung nếu cần thiết, song các ngân hàng của Anh khó có thể tự bảo vệ mình trước một cú sốc kinh tế lâu dài.

Hiếm khi các doanh nghiệp tại Anh lại phải đối mặt với tình thế bất ổn như hiện tại. Nền kinh tế Anh đã giảm tốc khi các doanh nghiệp tạm ngừng các khoản đầu tư trước thềm cuộc trưng cầu ý dân. Một quốc gia vốn được coi là ổn định về chính trị và luật pháp lại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.Trong khi đó người dân Anh không biết Thủ tướng tương lai của nước này là ai cũng như những định hướng chính sách sắp tới của nhân vật này. Nhiều khả năng thay thế ông David Cameron giữ chức thủ tướng sẽ là cựu Thị trưởng London Boris Johnson, người ủng hộ phong trào Brexit.

Ông Johnson tự coi mình là người ủng hộ nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, song ngay trước thềm cuộc trưng cầu, ông tuyên bố tán thành việc kiểm soát dòng người nhập cư vào châu Âu, áp đặt thuế đối với sản phẩm thép Trung Quốc và hạn chế chi tiêu công cao hơn. Trong khi đó, hiện chưa có gì chắc chắn về những thỏa thuận thương mại trong tương lai giữa Anh với EU, và với các nước ngoài khối khi Anh không còn là thành viên liên minh. Các quy định trong nước về mọi lĩnh vực từ tài chính tới bảo vệ môi trường cũng có thể phải thay đổi. Tất cả những viễn cảnh không rõ ràng này càng làm tăng nguy cơ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về nền độc lập của Scotland, với kết quả nhiều khả năng sẽ là “Có”. Trong khi đó, tại Bắc Ireland, đảng Sinn Fein đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để tiến tới thống nhất Ireland.

Trước các bất ổn này, nhiều doanh nghiệp tiếp tục tỏ ra thận trọng và đình chỉ các khoản đầu tư. Người dân hạn chế chi tiêu. Suy thoái kinh tế sẽ khiến thâm hụt ngân sách của chính phủ, vốn đã lớn, lại càng phình to hơn. Việc đồng bảng Anh mất giá, được cho là có thể giúp thúc đẩy ngành xuất khẩu, có thể cũng sẽ không đủ sức hạn chế tác động của khủng hoảng kinh tế. Tình trạng bấp bênh này sẽ không diễn ra chỉ trong ngày một ngày hai. Một khi được khởi động, tiến trình rời khỏi EU của Anh sẽ kéo dài trong khoảng 2 năm, song việc tách nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu ra khỏi hệ thống pháp lý của EU là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp. 

Việc đàm phán quan hệ thương mại mới giữa Anh và EU cũng là một thách thức không nhỏ. Nhiều khả năng Anh sẽ mất quyền tiếp cận vào thị trường chung châu Âu, vốn chiếm gần 1/2 kim ngạch thương mại của Anh, bởi điều này phụ thuộc vào quy định cho phép người dân tự do đi lại trong khu vực và trách nhiệm đóng góp vào ngân sách chung của EU. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khoản đầu tư nước ngoài và nhiều lợi ích khác mà Anh có được khi có quyền tham gia thị trường đơn nhất này. Những thể chế tài chính đặt tại Anh cũng sẽ có thể mất quyền hoạt động tự do trong EU.

Những người ủng hộ Brexit đã ngây thơ khi lập luận rằng nước Anh có thể chọn những điểm mà nước này thấy phù hợp trong EU và phớt lờ những điểm còn lại. Các chính phủ khác trong liên minh có rất nhiều lý do để tỏ ra cứng rắn với một nước Anh hậu Brexit, để vừa hạn chế các lợi thế cạnh tranh, vừa răn đe các thành viên khác không noi gương Anh.

Sau khi rời khỏi liên minh, Anh có thể dùng tới giải pháp thay thế là tiến hành giao thương với châu Âu trên nền tảng các quy định của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), tương tự những gì Mỹ đang tiến hành. Tuy nhiên, nước này sẽ vướng phải rào cản thuế quan cũng như phi thuế quan áp đặt đối với những hàng hóa xuất khẩu vào EU. Ngoài ra, Anh cũng ít có cơ hội tiếp cận với các thị trường dịch vụ của châu Âu mà nước này có thế mạnh. Sự hạn chế trong việc tiếp cận các thị trường có thể sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, kiềm chế tăng trưởng năng suất lao động và làm chậm tiến trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Những người ủng hộ Brexit tuyên bố rằng một nước Anh ít bị ràng buộc hơn và có quyền tự do trong thương mại với toàn bộ thế giới sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi tách khỏi những hệ thống quy định chặt chẽ và nhiều quy chế bảo hộ của EU. Tuy nhiên, Anh là nước có thị trường lao động ít bị ràng buộc nhất và có thị trường hàng hóa tự do thứ 2 trong EU, do đó những lợi ích từ việc tách ra khỏi những quy định của EU có vẻ không mấy rõ ràng. Hơn thế nữa, sau khi rời khỏi EU, việc Anh tiếp cận với thị trường ở các quốc gia khác sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi vị thế trong đàm phán thương mại của Anh đã bị suy giảm đáng kể. 

Những cơ hội kinh tế bị bóp nghẹt, và người dân Anh sẽ là "nạn nhân” của những cử tri bỏ phiếu lựa chọn giải pháp rời bỏ liên minh. Họ đổ lỗi một cách mù quáng cho cộng đồng người nhập cư châu Âu vốn lao động rất chăm chỉ và đóng thuế đầy đủ, vì những điều họ không hài lòng ở nước Anh hiện đại, và vì họ đã đặt niềm tin sai lầm vào những người tự cho là có nhiều hiểu biết về kinh tế như Michael Gove.

Theo The New York Times

Văn Cường (gt)