015073-china-us-pacific-navy.jpg

Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ điều một máy bay do thám hiện đại và mới nhất của Hải quân Mỹ (P8A Poseidon) từ căn cứ không quân Clark tại Philippines thực hiện chuyến bay thị sát ở Biển Đông với sự có mặt của một số phóng viên Hãng tin CNN. Hoạt động này không chỉ nhằm thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo mà còn là "phép thử" phản ứng của Trung Quốc.

Khi phát sóng sự việc này, CNN đã đăng tải cả đoạn ghi âm những lời cảnh báo của Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc đã gửi 8 tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới máy bay của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cũng lên tiếng cho rằng chuyến bay nói trên là "vô trách nhiệm và nguy hiểm", đồng thời nhấn mạnh "Trung Quốc có thể dùng các biện pháp cần thiết và thích đáng để ngăn chặn mối nguy hại đối với sự an toàn của các đảo cũng như các rạn san hô của nước này và ngăn chặn bất cứ cuộc đụng độ trên không, trên biển nào". Jim Sciutto, phóng viên CNN có mặt trên chuyến bay bình luận rằng: "Việc chiếm đoạt những vùng đất lớn của Trung Quốc thật đáng báo động. Khó mà chắc chắn rằng căng thẳng này sẽ không gia tăng". Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, cựu Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell, đã nói rằng: "Chiến tranh là hoàn toàn có khả năng xảy ra".

Tác giả James Bamford cho rằng sự việc kể trên chỉ là một phần của cuộc tranh chấp tay đôi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc về việc cho phép máy bay quân sự tham gia diễn tập không an toàn bằng việc vượt qua trước mũi một máy bay do thám RC135 của Mỹ trên khu vực biển Hoàng Hải. Một tháng sau đó, Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa nhằm thể hiện sự thách thức của Mỹ đối với "chủ quyền tự tuyên bố" của Trung Quốc. Trong phiên điều trần tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định: "Quân đội Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép và bất cứ khi nào chúng tôi cần". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã phản ứng lại bằng tuyên bố Bắc Kinh "sẽ không bỏ qua bất cứ hành động nào coi thường an ninh của Trung Quốc".

Trong một sự việc đụng độ với Trung Quốc trước đây, khi một máy bay Mỹ đang tuần tra trong khu vực 32 dặm ngoài khơi Trung Quốc vào ngày 22/8/1956 thì phát hiện một chiến đấu cơ của Trung Quốc đang tiến đến. Chỉ vài phút sau đó, tín hiệu gửi về căn cứ thông báo máy bay Mỹ đã rơi xuống biển Hoa Đông, tất cả 16 thành viên đều thiệt mạng. Mặc dù không tìm được bằng chứng nhưng trong một cuộc họp bí mật tại Nhà Trắng sau đó, Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower đã nói với Tướng Arthur Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, rằng: "Chúng ta dường như đang tiến hành hoạt động mà không thể kiểm soát tốt. Do đó, nếu bất kỳ máy bay nào hoạt động trong vòng 20-50 dặm ngoài khơi bờ biển của chúng ta thì dù có sai sót hay không, chúng ta sẽ bắn hạ nếu chúng tiến tới gần hơn".

Những mối lo ngại tương tự có ảnh hưởng lớn đến quan hệ bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Mùa xuân năm 2001, máy bay do thám EP3 của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do Hải quân Mỹ điều khiển đã va chạm với một máy bay phản lực của quân đội Trung Quốc. Kết cục là máy bay Trung Quốc bị rơi, trong khi máy bay của Mỹ bị hư hại nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Mặc dù Bắc Kinh đã trả tự do cho đoàn bay của Mỹ nhưng không sớm hơn sau khi họ đã phân tích những tài liệu tuyệt mật và thiết bị bí mật của NSA tìm thấy trên máy bay.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Trung tiếp tục gia tăng căng thẳng, việc Mỹ triển khai máy bay bay qua các đảo ở Biển Đông- dù có hay không sự tham gia của giới truyền thông- nhằm chọc giận Trung Quốc dường như là một hành động không khôn ngoan. Tuy nhiên, các hoạt động này hết sức quan trọng cho Nhà Trắng và các cơ quan tình báo Mỹ về việc đánh giá chính xác tình hình tại khu vực. Song, để hạn chế mức độ thiệt hại, Mỹ có thể áp dụng thêm các biện pháp do thám như vệ tinh, rađa và các loại thiết bị di động.

Theo "Foreign Policy

Hương Trà (gt)