Tại đây, ông Putin đang can dự vào mọi biện pháp có thể để ngăn chặn tình hình tiếp tục xấu đi đến mức có thể trở thành một cuộc chiến tranh thế giới nữa nếu tính toán sai lầm. Các hoạt động của ông Putin trong những tuần gần đây có liên quan đến hoạt động ngoại giao cá nhân tích cực với Chính phủ Xyri, cũng như tổ chức đối lập có tên là "Hội đồng Dân tộc Xyri" (SNC); với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Erdogan; với hoạt động ngoại giao bí mật với ông Obama và hoạt động ngoại giao trực tiếp với Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu. 

Xyri, ngược lại với những gì mà hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây thường miêu tả, là một nhà nước thế tục đa sắc tộc và khoan dung tôn giáo, với Tổng thống Bashar Al-Assad người Alawite đã kết hôn với người vợ theo dòng Sunni. Alawite là một nhánh của dòng Shiite, không buộc phụ nữ phải đội khăn trùm đầu và tự do theo các tiêu chuẩn Sunni. Ví dụ như tại Arập Xêút, phụ nữ còn bị cấm không được có bằng lái xe. Dân số Xyri nói chung là sự kết hợp đa dạng của những người Alawite, Druze và Cuốc, Sunni và Cơ đốc giáo. Các chuyên gia đã ước tính rằng nếu chính phủ thiểu số của ông Al-Assad bị lật đổ, giống như tại Ai Cập, tổ chức Anh em Hồi giáo theo dòng Sunni sẽ nổi lên là một lực lượng chính trị có tổ chức chi phối, một điều chắc chắn không được hoan nghênh tại Ixraen, Nga hay Trung Quốc. 

Theo ước tính của ông Gajendra Singh, một nhà ngoại giao Ấn Độ có nhiều thập kỷ phục vụ tại Trung Đông và hiểu biết về sự pha trộn sắc tộc ở bên trong Xyri, sự sụp đổ của chế độ Assad có thể dẫn đến việc giết hại những người Alawite, người Shiite, người Cơ đốc giáo, thậm chí cả những người Cuốc và người Druze, chiếm 20% trong tổng số 20 triệu dân Xyri, tức khoảng 4 triệu người Xyri. Ước tính trên có thể khiến những người phương Tây, đang cổ vũ cho SNC do tổ chức Anh em Hồi giáo chi phối và cho "Quân đội tự do Xyri", đầy rẫy những chia rẽ phe phái, phải suy nghĩ. Hơn nữa, cuộc xung đột có nhiều khả năng trở thành cuộc tắm máu kiểu Libi, có thể tràn qua biên giới Xyri sang Thổ Nhĩ Kỳ. Có nhiều người Alawite đang sinh sống tại hai tỉnh Hatay và Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Việc tìm ra sự thật tại Xyri là khó khăn do phương tiện truyền thông của Xyri đang bị hạn chế và truyền thông phương Tây nhiều lần bị bắt gặp nói dối về những sự kiện đang diễn ra. Ví dụ như BBC vừa bị vạch mặt việc họ công bố một bức ảnh về cuộc thảm sát Al-Houla ngày 25/5/2012, có tin làm 108 người, trong đó có 49 trẻ em, bị giết hại. Nhưng cuối cùng bức ảnh đó hóa ra lại do phóng viên ảnh người Italia Marco Di Lauro đã chụp tại Irắc năm 2003. 

Rủi ro lớn trong ván cờ địa chính trị này trước hết là sự tồn tại của Xyri như một quốc gia độc lập, cho dù còn có những sai sót hoặc khuyết điểm. Thêm vào đó, ván cờ địa chính trị này có liên quan đến sự tồn tại của Iran, Nga và Trung Quốc như các quốc gia độc lập, cùng với các nước BRICS khác như Braxin, Ấn Độ và Nam Phi. Về lâu dài hơn, ván cờ này có liên quan đến vấn đề sống còn của nhân loại, khi một cuộc chiến tranh thế giới không chỉ khiến hàng chục triệu người thiệt mạng như 70 năm trước đây, mà có thể khiến hàng tỷ người thiệt mạng hiện nay. 

Tổng thống Putin đã vạch rõ ranh giới xung quanh sự tồn tại của Al-Assad và Xyri như một quốc gia ổn định. Ít người đặt câu hỏi tại sao Nga cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới nếu Mỹ cứ khăng khăng yêu cầu sự thay đổi chế độ ngay tại Xyri. Cảnh báo này không phải do Nga muốn thúc đẩy chương trình đế quốc của mình tại Trung Đông, bởi vì Nga chưa đủ khả năng về chính trị, kinh tế và quân sự để làm điều này, cho dù họ có muốn như vậy. Cảnh báo của Nga là để duy trì sự kiểm soát cảng Tartus, căn cứ quân sự duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải, cũng là căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở bên ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Trong trường hợp xảy ra đụng độ với NATO, căn cứ này sẽ trở nên chiến lược đối với Nga. 

Tuy nhiên, sẽ có nhiều tổn thất đối với Nga nếu NATO và Mỹ có hành động quân sự chống lại Xyri của ông Assad. Các nguồn tin đáng tin cậy tại Đamát cho biết có ít nhất 100.000 "cố vấn kỹ thuật" Nga tại nước này. Con số trên là rất lớn và có tin một con tàu chở các máy bay trực thăng tấn công Mi-25 của Nga đang trên đường tới Xyri. Một đoàn tàu chiến Nga, do tàu khu trục Đô đốc Chabanenko dẫn đầu, cũng đã khởi hành đến Tartus. Trước đó, một nỗ lực chở Mi-25 tới Xyri đã bị cản trở hồi tháng 6 tại ngoài khơi Scốtlen do con tàu chuyên chở không mang cờ Nga. Giờ đây, Mátxcơva đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không khoan dung tới việc can thiệp vào giao thông của họ với Đamát và ngỏ ý sẵn sàng đối diện với phiên bản thế kỷ 21 của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, nếu NATO vẫn khăng khăng thúc ép sự thay đổi chế độ tại Đamát. 

Nga cũng tin rằng một chế độ do tổ chức Anh em Hồi giáo cầm quyền với sự hỗ trợ của Mỹ tại Xyri có thể tạo ra một làn sóng bất ổn do người Hồi giáo lãnh đạo khắp Trung Á, lan sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Trung Quốc cũng đang cực kỳ nhạy cảm về một nguy cơ như vậy và vừa phải đối mặt với các cuộc bạo động đẫm máu của tổ chức Hồi giáo tại tỉnh Tân Cương giàu dầu mỏ, được Chính phủ Mỹ lặng lẽ tài trợ. 

Nga và Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với nhau sau khi bị rơi vào bẫy bỏ phiếu trắng tại HĐBA LHQ, không phủ quyết một nghị quyết của Mỹ, đã mở cửa cho việc không chỉ lật đổ nhà lãnh đạo M. Gaddafi, mà phá hoại cả Libi. Nga và Mỹ đã kết luận rằng việc thúc đẩy hơn nữa quá trình thực hiện dự án Đại Trung Đông của Mỹ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của cả Nga và Trung Quốc, vì thế đang kiên quyết phản đối chương trình của NATO nhằm thay đổi chế độ tại Xyri. Cho đến nay, Nga và Trung Quốc đã 3 lần bỏ phiếu phủ quyết đối với các lệnh trừng phạt mới chống lại Xyri tại HĐBA LHQ. Nga đang yêu cầu việc tuân thủ kế hoạch hòa bình của cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan. Không giống với nội dung mà Oasinhtơn thích tuyên truyền, kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan không kêu gọi việc thay đổi chế độ, mà ủng hộ một giải pháp được thương thuyết và một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên. 

Ngay sau khi nhậm lại chức Tổng thống Nga vào ngày 7/5, ông Putin đã tiến hành một loạt các sứ mệnh ngoại giao phức tạp nhằm tháo gỡ hoặc hy vọng nhằm làm "trật bánh" kế hoạch chiến tranh Xyri của Oasinhtơn. Ngày 16/7, trong cuộc hội đàm tại Mátxcơva với ông Annan, ông Putin đã nhắc lại sự ủng hộ kiên định của Nga đối với kế hoạch hòa bình của ông Annan. Bất chấp sự bóp méo các phương tiện truyền thông phương Tây, nội dung thực sự của kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan như sau: 

- Cam kết hợp tác với Đặc phái viên trong một tiến trình chính trị mở do người Xyri lãnh đạo để giải quyết những khát vọng và quan ngại hợp pháp của nhân dân Libi, và cam kết bổ nhiệm một người đối thoại có thẩm quyền khi đặc phái viên được mời làm như vậy; 

- Cam kết ngừng chiến sự và đạt được một thỏa thuận ngừng xung đột vũ trang dưới mọi hình thức của các bên dưới sự giám sát của LHQ để bảo vệ người dân thường và ổn định đất nước; 

- Đảm bảo cung cấp đúng thời điểm sự hỗ trợ nhân đạo tới tất cả các khu vực bị chiến sự ảnh hưởng và chấp nhận và thực thi ngay việc đình chiến 2 giờ mỗi ngày vì lý do nhân đạo, phối hợp thời gian chính xác thời gian đình chiến hàng ngày thông qua một cấu trúc hiệu quả, kể cả ở cấp địa phương; 

- Đẩy nhanh tốc độ và quy mô trả tự do cho những người bị giam giữ tùy tiện, cung cấp ngay thông qua các kênh thích hợp danh sách tất cả các nơi mà những người này đang bị giam giữ, bắt đầu tổ chức ngay việc cho tiếp cận những địa điểm này và thông qua các kênh thích hợp, trả lời toàn bộ những yêu cầu bằng văn bản về thông tin, việc gặp gỡ hoặc trả tự do cho những người này; 

- Đảm bảo sự tự do đi lại trên khắp Xyri của các nhà báo và chính sách thị thực không phân biệt đối với các nhà báo; 

- Tôn trọng quyền tự do hội họp và quyền biểu tình hòa bình được pháp luật đảm bảo. 

Trong kế hoạch của ông Annan không có việc yêu cầu ông Bashar Al-Assad phải từ chức trước bất kỳ một thỏa thuận ngừng bắn nào, ngược lại với những gì bà Clinton thường nhắc đi nhắc lại sau khi khẳng định Mỹ cũng ủng hộ kế hoạch của ông Annan. Kế hoạch 6 điểm kêu gọi một giải pháp ngoại giao. Mỹ rõ ràng là không thích có một giải pháp ngoại giao, mà mong muốn một sự thay đổi chế độ và mở rộng cuộc chiến tranh do mâu thuẫn Shiite-Sunni của thế giới Hồi giáo. 

Nga và Trung Quốc rõ ràng đang muốn ngăn chặn sự hỗn loạn lan khỏi Xyri. Ngày 19/7, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết được Mỹ ủng hộ liên quan đến Xyri, mà họ cho rằng được thiết kế để ngỏ khả năng can thiệp quân sự tại Xyri như tại Libi trước đây. Ông Putin có đòn bẩy khá lớn để sử dụng với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ông Erdogan đã có mặt tại Mátxcơva hôm trước ngày bỏ phiếu 19/7 tại HĐBA LHQ, để thảo luận vấn đề Xyri với ông Putin. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga, với việc Gazprom đang cung cấp hơn 80% nhu cầu khí đốt của Ancara. Toàn bộ chiến lược "trung tâm năng lượng" của Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò lớn trong việc đưa các dòng khí đốt từ khu vực Á-Âu và Trung Đông sang phía Đông, tới châu Âu đang phụ thuộc vào khí đốt của Nga và Iran . Năm ngoái, một thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt trị giá 10 tỷ USD đã được ký giữa Iran , Irắc và Xyri, đưa khí đốt từ mỏ South Pars sang Irắc, Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tới châu Âu. 

Ngày 21/6, ông Putin cũng sang Ten Avíp để gặp ông Netanyahu. Ảnh hưởng của Nga ở bên trong Ixraen cũng không nhỏ. Kể từ khi Liên Xô tan vỡ, khoảng 6 triệu người Nga, chủ yếu là người Do Thái đã chuyển sang sinh sống tại Ixraen trong 2 thập kỷ qua. Điểm quan trọng nhất là Ixraen không thể đùa trước triển vọng phe đối lập Xyri do tổ chức Anh em Hồi giáo chi phối sẽ lên nắm quyền tại nước Xyri láng giềng. Mặc dù người ta hầu như không biết chi tiết của nội dung hội đàm, nhưng rõ ràng là ông Putin đã đưa ra thông điệp rằng "một nước Xyri tan vỡ và bị phá hủy không hỗ trợ Ixraen". Xyri đang có tổ chức "Anh em Hồi giáo" lớn và được tổ chức tốt thứ hai sau Ai Cập. 

Ngày 11/7, Nga đã mời ông Abdel Basset Sayda, thủ lĩnh mới của SNC do Mỹ ủng hộ tới Mátxcơva để "hội đàm". Ông Sayda, một người Cuốc thiểu số tại Xyri và đã sống lưu vong tại Thụy Điển, là một người ít kinh nghiệm chính trị, đã được Mỹ chọn chủ yếu để che giấu sự chi phối của Anh em Hồi giáo trong SNC. Có tin Nga đã nói rõ với ông Sayda rằng Nga sẽ tiếp tục ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào nhằm lật đổ ông Assad và phe đối lập cần tuân thủ kế hoạch của ông Annan và thương thuyết một giải pháp. Về phần mình, ông Sayda đã nói rõ ràng rằng không có thương thuyết nếu ông Assad chưa ra đi, một lập trường đang làm tăng tình trạng đẫm máu tại Xyri. 

Trong bối cảnh đẫm máu và leo thang bạo lực hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy ông Putin đã đạt được một thỏa thuận lặng lẽ nào đó với ông Obama để giữ cho chiến tranh không xảy ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nga mới đây đã đồng ý mở cửa lại những tuyến đường cung cấp cho quân đội Mỹ tại Ápganixtan. 

Sắp tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp cơ sở hậu cần cho các lực lượng đánh thuê từ Libi, Arập Xêút, Irắc và Libăng. Arập Xêút và Cata sẽ tiếp tục chi tiền để trang bị vũ khí cho họ. Oasinhtơn, Pari và Luân Đôn sẽ tiếp tục điều chỉnh những chiến thuật, vẫn tiếp tục là màn dạo đầu âm ỉ, lâu dài cho một cuộc tấn công Đamát của NATO. Cho dù phe đối lập vũ trang Xyri không kiểm soát được phần lãnh thổ đáng kể nào ở bên trong Xyri, các lượng đánh thuê được dự đoán sẽ trở nên tàn bạo hơn. Quân đội Xyri Tự do dự kiến tăng cường hoạt động được trong nhiều tháng, nếu không phải nhiều năm. Vấn đề cơ bản là liệu họ có được cung cấp hậu cần đầy đủ hay không, nếu không phải từ Gioócđani, thì rõ ràng là từ Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng./. 

Theo Global research (ngày 23/7)

Viết Tuấn (gt)