Nếu có một người Mỹ hiểu rõ Tập Cận Bình thì chỉ có thể là Joe Biden. Phó Tổng thống Mỹ từng gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc khá nhiều lần, kể cả khi ông Tập chưa trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc. Nhưng họ là hai con người khác nhau: Biden là con trai của một người bán ô tô cũ ở miền Trung nước Mỹ, còn Tập Cận Bình, "thế tử đỏ", là con của một nhà hoạt động cách mạng theo Chủ nghĩa Mao. Nhưng hai người hiểu nhau, có thể nói chuyện được với nhau. Tuy nhiên lần này, câu chuyện có vẻ phức tạp hơn và đầy rủi ro. Vào cuối tháng 10, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố về ADIZ, mở rộng ra tận phía Đông đến quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản đóng giữ nhưng đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền dưới tên gọi Điếu Ngư. Thế rồi hàng loạt máy bay, từ B-52 của Mỹ, máy bay tiêm kích của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện, đẩy tình hình đến ngưỡng cửa của một cuộc xung đột quân sự. Bây giờ, Biden gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, với nhiệm vụ mở ra một kênh truyền thông nhằm tránh một sự cố có thể khiến cho các thị trường chứng khoán của thế giới tụt giá xuống mức kỷ lục. Biden cũng kêu gọi sinh viên Trung Quốc hãy "nghĩ một cách tự do" và cảnh báo báo chí Trung Quốc không đi vào những "quan sát sai lầm". Thế nhưng ở phía Trung Quốc, người ta chờ đợi những đối thoại. Giáo sư Điêu Đại Minh, Giám đốc Viện nghiên cứu về Mỹ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc nói: "Có vẻ như là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách gần đây, Biden không phải là nhân vật chính. Chúng tôi thấy ông ấy xuất hiện một lần bên cạnh Tổng thống Obama trong một bức ảnh. Chúng tôi tin là ông ta đang tìm kiếm một cơ hội để nổi bật hơn trên sân chơi quốc tế. Hy vọng là Obama sẽ sang thăm Trung Quốc vào năm tới". 

Nhưng tình hình hiện tại nghiêm trọng đến mức nào? Theo Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và là tác giả của chính sách "xoay trục sang châu Á", trong đó đưa ra dự đoán về việc tái cơ cấu lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, thì Nhà Trắng cần phải "xác định một đường lối" đối với Trung Quốc. Đường lối nào đây? Đầu tiên là Mỹ cho máy bay B-52 bay qua khu vực được Trung Quốc tuyên bố là "Vùng nhận dạng phòng không", nhưng sau đó lại yêu cầu các hãng hàng không của Mỹ phải tuân theo các quy định của Trung Quốc, điều đã làm cho đồng minh Nhật Bản thất vọng. Tiếp đó Biden bay đến Tokyo và tuyên bố Mỹ hết sức "lo ngại về việc Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng của khu vực". Trả lời phỏng vấn của hãng CNN, Campbell nói rằng chỉ có cách, một là phải có câu trả lời bằng quân sự, hai là cần thiết phải tránh những nguy hiểm cho giao thông dân sự. Những kí ức về chuyến bay Kal 007 của hãng hàng không Hàn Quốc, một chiếc Boeing, bị bắn hạ bởi máy bay Liên Xô do "nhầm lẫn" vào năm 1983 khiến 269 người chết vẫn còn nhức nhối. Tuy nhiên Campbell cho rằng một cuộc xung đột về quân sự trên bầu trời Senkaku là không thể xảy ra. 

Theo Stephen Hadley, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bush, nói với tờ Corriere della Sera rằng sai lầm đầu tiên chính là việc Mỹ đưa ra chính sách "xoay trục sang châu Á", qua đó làm giảm sức mạnh của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương và tạo ra lỗ hổng quyền lực cho Trung Quốc khai thác. Ông nói: "Mỹ chưa bao giờ từ bỏ châu Á. Chúng tôi vẫn là một siêu cường ở Thái Bình Dương. Thế nên không thể nói là chúng tôi sẽ trở lại. Có rất nhiều điểm mâu thuẫn trong chính sách "xoay trục sang châu Á". Những người ủng hộ chính sách này chỉ nghĩ đến việc cơ cấu lại lực lượng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tại, từ Syria cho đến Siberia , chúng ta đang chứng kiến rằng việc điều chỉnh trung tâm các hoạt động của chúng tôi từ Trung Đông là không thể được nữa rồi". Đó là một thiệt hại kép. Người Trung Quốc đã nhận ra vấn đề ấy và người Mỹ không có đủ khả năng và lực lượng để thực hiện những lời hứa hẹn của mình với các đồng minh. 

Hadley tin vào sự nghiêm túc của Tập Cận Bình, khi trong cuộc đối thoại với Obama vào tháng 6 vừa qua, đã nhắc đến một mô hình mới cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, sau đó hai tháng, vào tháng 8/2013, khi cuộc khủng hoảng ngân sách khiến cho Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một thời gian, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa xã đã đưa ra luận điệu đầy khiêu khích về sự "phi Mỹ hóa" trên phạm vi thế giới, ít nhất trên khía cạnh độc lập về tài chính (Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất đối với nợ công của Mỹ và đã tận dụng tối đa sự suy yếu của tài chính Mỹ để kiếm lợi). Trong bối cảnh đầy mâu thuẫn này, ít nhất là trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc vẫn ở thế yếu hơn so với siêu cường Mỹ, trên cả khía cạnh quân sự lẫn kinh tế. Chính ở thời điểm đó có lẽ sẽ chứng kiến cuộc đối đầu thực sự giữa hai quốc gia, siêu cường Mỹ suy yếu và siêu cường Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên. Tuy nhiên, vẫn còn một rủi ro cuối cùng: trong một tài liệu của mình, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu đã nhắc đến một lí thuyết của Sigmund Freud về "hội chứng tự mê hoặc đối với những khác biệt nhỏ nhoi", xu hướng của những dân tộc và nhà lãnh đạo giống nhau về mục tiêu đã tự so đo những khác biệt nhỏ nhất nhằm xác định tình cảm yêu ghét của họ. Sự tự mê hoặc này không chỉ xảy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Liệu có xảy ra xung đột quân sự như Washington lo sợ không? Các nhà chiến lược của Bắc Kinh tin rằng Mỹ và Nhật Bản không còn con bài nào nữa ngoài bay vào ADIZ. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn chưa thể thắng trong ván bài này ngay vào lúc này. 

Theo “Corriere della Sera” 

Lê Sơn (gt)