Nhưng nếu Nga đưa các động thái của họ đi quá xa, điều đó có thể châm ngòi cho một phản ứng dữ dội từ cả Mỹ và châu Âu. Những căng thẳng giữa Mỹ và Nga đã tăng lên trong tháng qua vì một số vấn đề lâu nay, trong đó có kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và các tuyến đường cung cấp vào Ápganixtan. Mátxcơva và Oasinhtơn cũng có vẻ như gần tiến tới một cuộc khủng hoảng khác, có liên quan đến việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các cuộc khủng hoảng trên đã diễn ra khi Mỹ đang phải vật lộn với nhiều cam kết của họ đối với thế giới và về việc liệu nên tập trung vào những sự kiện hiện nay tại Ápganixtan hay các sự kiện tương lai tại trung tâm châu Âu. Nga đang khai thác tình huống tiến thoái lưỡng nan của Mỹ, sử dụng đòn bẩy này tại cả hai vũ đài. Kế hoạch BMD của Mỹ tại châu Âu lâu nay vẫn là một nguyên nhân gây căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Mỹ cho rằng chương trình BMD châu Âu của họ là nhằm chống lại những nguy cơ đang nổi lên từ Trung Đông, nhất là từ Iran . Nhưng các trận địa phòng thủ tên lửa của họ tại Rumani và Ba Lan sẽ chỉ có thể đưa vào hoạt động sớm nhất từ 2015 và 2018, thời điểm mà Nga tin rằng Mỹ sẽ giải quyết xong các vấn đề của họ với Iran. Vì thế, Nga đang coi chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ là cách Mỹ kiềm chế Nga hơn là Iran . Mátxcơva không sợ Mỹ đang tìm cách vô hiệu hóa hay phá hoại khả năng răn đe hạt nhân của Nga, nhưng vấn đề là việc lập bàn đạp quân sự thực sự của Mỹ tại Rumani và Ba Lan đồng nghĩa với cam kết của Mỹ tại đó. Hai nước châu Âu này có biên giới chung với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, một khu vực mà Nga đang giành lại ảnh hưởng. 

Trước đây, Nga đã gây sức ép với các quốc gia châu Âu chủ chốt trong kế hoạch BMD thời cựu Tổng thống G.H.Bush, như Ba Lan và Cộng hòa Séc, buộc họ phải xem xét lại việc tham gia một kế hoạch như vậy. Sự quả quyết này lên đến đỉnh điểm bằng cuộc xâm lược Grudia năm 2008, đã chứng minh rằng Nga muốn có hành động quân sự và để lộ những hạn chế trong những đảm bảo an ninh của Mỹ trong khu vực. Việc Nga tiến vào Grudia khiến các nước Trung Âu phải suy nghĩ, và cũng khiến họ phải nhượng bộ Cremli. Cho đến nay, các nước này vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn niềm tin vào Mỹ như một đối trọng chiến lược đối với Nga. Sau năm 2008, Nga đã thay đổi chiến lược BMD của họ. Thay vì thẳng thừng phản đối kế hoạch này, Mátxcơva đã đề xuất một kế hoạch hợp nhất và hợp tác. Cremli cho rằng nếu Iran và các nguy cơ không phải đến từ Nga là nguyên nhân thực sự để mở rộng lá chắn tên lửa, thì sự tham gia của Nga phải được hoan nghênh. Các khả năng BMD của Nga mở rộng khắp lục địa Á-Âu, mặc dù tiện ích thực tế và khả năng tương thích của hệ thống này còn là câu hỏi. Kế hoạch này được xem là một cách để có cách tiếp cận hòa giải hơn với cùng mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn việc triển khai quân Mỹ tại Đông Âu. Tuy nhiên, Mỹ và hầu hết các nước NATO đã từ chối những đề xuất của Nga, để ngỏ cửa cho Cremli đưa ra một chiến lược phòng thủ mới, mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã vạch ra vào ngày 23/11. Ông Medvedev nhấn mạnh rằng Nga đã sử dụng ý chí chính trị để mở ra một chương hoàn toàn mới trong các quan hệ với Mỹ và NATO, nhưng chính Mỹ đã bác bỏ đề nghị này. Việc Mỹ phản đối sự tham gia của Nga vào hệ thống BMD buộc Nga phải đưa ra những dàn xếp khác để chống lại các kế hoạch của Mỹ tại Trung Âu, đúng kết quả mà Mỹ đã trông đợi. 

Ông Medvedev cũng nói rằng nếu Mỹ tiếp tục từ chối sự hợp tác BMD với Nga, Mátxcơva sẽ thực hiện những kế hoạch nhằm triển khai các tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander và kích hoạt một hệ thống ra đa cảnh báo sớm tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm trên Biển Bantích và giáp biên giới với hai thành viên NATO là Ba Lan và Lítva. Nga cũng sẽ xem xét việc triển khai những hệ thống Iskander khác, nhất là dọc biên giới phía Tây và phía Nam của nước này. Triển vọng những vũ khí chiến lược của Nga nhằm vào các cơ sở BMD cũng được nêu ra. Ông Medvedev nói thêm rằng Nga sẽ có thêm các biện pháp nhằm "vô hiệu hóa thành tố châu Âu trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ", và kết luận rằng những biện pháp này là có thể tránh được để ủng hộ kỷ nguyên đối tác mới giữa Mỹ và Nga nếu Oasinhtơn cũng mong muốn. Mỹ đã được chờ đợi sẽ phản ứng với chiến lược phòng thủ mới của Nga tại hội nghị ngày 8/12 giữa các Ngoại trưởng NATO và Nga tại Brúcxen. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã không làm như vậy, mà chỉ nhắc lại rằng kế hoạch BMD là nhằm vào Iran chứ không phải Nga. Động thái của bà Clinton đã nêu bật quan điểm nguy hiểm của Mỹ đối với Nga. Oasinhtơn không có ý định từ bỏ cam kết của họ đối với Trung Á để đối phó với một nước Nga đang tái nổi lên, nhưng các cam kết tại các khu vực khác trên thế giới có thể ngăn Mỹ chống lại Nga trong thời gian trước mắt. Hiện nay, Oasinhtơn đang vật lộn để ngăn chặn việc quan hệ với Pakixtan đang ngày càng xấu đi, đã tụt xuống mức thấp mới sau khi một máy bay trực thăng Mỹ không kích nhầm khiến khoảng hơn 20 binh sĩ Pakixtan bị thiệt mạng. Sau cuộc không kích này, Pakixtan đã cấm chuyên chở nhiên liệu và các mặt hàng cho nỗ lực chiến tranh của NATO tại Ápganixtan qua biên giới Pakixtan, khiến Mỹ và các đồng minh hoàn toàn phụ thuộc vào Mạng lưới phân phối phía bắc (NDN), ít nhất là tạm thời. Nga đang sử dựng sự phụ thuộc này làm một cơ hội để nhắc nhở Mỹ rằng họ có thể cắt đứt cả tuyến đường thay thế này, khiến Mỹ và NATO gặp khó khăn lớn tại Ápganixtan, một động thái có quan hệ trực tiếp tới các cuộc thương thuyết của Nga về phòng thủ tên lửa. 

Mặc dù Nga vẫn sử dụng những nguy cơ trước đây để chống lại các lợi ích của Mỹ, như tăng cường việc hỗ trợ Iran, làm đòn bẩy trong các cuộc thương thuyết BMD của họ, nhưng nguy cơ hiện nay đang đánh dấu một sự năng động mới. Mỹ có thể biết Nga nói dối về việc đe dọa hỗ trợ Iran bởi vì biết rằng Nga cũng không mong muốn một Iran hùng mạnh. Nhưng họ không thể dễ dàng gạt bỏ khả năng gián đoạn các nguồn cung cấp vào Ápganixtan bởi vì việc này có thể khiến hơn 130.000 quân Mỹ và đồng minh ở vào tình thế dễ bị tổn thương. Hậu quả là Mỹ phải hành động để làm dịu tình hình BMD. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã "vun xới" một cành ô liu nhằm tháo gỡ những căng thẳng trước mắt. Trước đây, Mỹ ít có gì để nhượng bộ Nga trong chiến lược của Mỹ tại Trung Âu. Khi căng thẳng leo thang trong những năm 2009-2010, Mỹ đã đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho những hợp đồng kinh tế lớn với Nga, trong đó có việc hiện đại hóa và đầu tư vào các ngành chiến lược, chủ yếu là công nghệ thông tin, vũ trụ và năng lượng. Vấn đề là Nga muốn có bao nhiêu cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Nga và mục đích của họ là gì? Chiến lược của Mátxcơva có liên quan đến việc sử dụng các cuộc khủng hoảng với Mỹ để tạo ra sự bất ổn ở Trung Âu và khiến những người châu Âu không yên ổn với nhận thức rằng Mỹ đang buộc Nga phải hành động như vậy. Do vậy, mục tiêu của Nga không phải là phá vỡ quan hệ Nga-Mỹ, mà là tìm cách phá vỡ quan hệ giữa châu Âu với Mỹ. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước Trung Âu đang ngày càng quan ngại, nhất là sau tuyên bố về chiến lược quốc phòng mới của ông Medvedev. Với việc Mỹ không phản ứng trước thái độ hung hăng mới của Nga, nhiều nước châu Âu có thể quan ngại rằng liệu Mỹ có kế hoạch hy sinh các quan hệ trước mắt với Trung Âu để đảm bảo các tuyến đường cung cấp, đi qua Nga vào Ápganixtan. Không phải các nước Trung Âu không muốn có các quan hệ ấm áp hơn với Nga, mà chỉ có thể là họ thấy cần phải tránh các quan hệ với Mỹ. Mới đây, Ba Lan đã tuyên bố có thể thảo luận với Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa. Còn Cộng hòa Séc đã ký những thỏa thuận kinh tế trị giá nhiều tỷ USD với Nga. 

Nhưng dù Nga có thêm nhiều cơ hội làm leo thang căng thẳng với Mỹ, Nga phải tránh châm ngòi một cuộc khủng hoảng lớn và cắt đứt quan hệ. Nếu Nga đi quá xa trong việc tạo tình hình căng thẳng tại châu Âu, họ có thể khiến châu Âu phản ứng dữ dội và đơn phương thống nhất với Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực. Việc không làm gián đoạn NDN cũng nằm trong lợi ích của Nga; Nga đang tìm cách tránh những phức tạp tại Ápganixtan có thể làm hại đến các lợi ích của Nga, và phản ứng mạnh của Mỹ tại một loạt khu vực khác. Nga phải thực hiện chiến lược của họ một cách chính xác để giữ cho Mỹ sa lầy giữa nhiều cam kết và châu Âu bối rối - một hành động cân bằng phức tạp đối với Cremli./.

 Theo "Economywatch" (ngày 15/12)

Viết Tuấn (gt)