tpp2.jpg

Có 5 điều chính cần biết về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, thường được gọi tắt là TPP:

• Nó không chỉ liên quan đến thương mại;

• Nó hứa hẹn sẽ là một thỏa thuận thực sự lớn;

• Nó sẽ sớm trở thành hiện thực, trong năm nay hoặc năm tới;

• Nó sẽ làm thay đổi các nguyên tắc về lộ trình dành cho các bên tham gia chính của nền kinh tế toàn cầu;

• Nó sẽ đưa ra các chuẩn mực mà có khả năng sẽ có một tác động sâu sắc đối với môi trường chiến lược của khu vực Thái Bình Dương.

Hiện có 12 nước đang tham gia các cuộc đàm phán TPP, mặc dù ban đầu số nước tham gia ít hơn nhiều và đã có từ cuối năm 2002. Đó là khi 3 nền kinh tế nhỏ và rất cởi mở – Chile, New Zealand và Singapore – nhất trí thiết lập một “Quan hệ đối tác kinh tế chung”, trong đó thương mại cởi mở giữa các nước này là đặc tính chủ chốt. Brunei đã nhanh chóng được thêm vào, dẫn tới một “P4”, mà nhiều người xem là tiền thân của TPP. Một số nước đã lần lượt tham gia, và một sự thúc đẩy lớn đã xuất hiện vào năm 2009 khi Tổng thống Barack Obama chính thức đưa Mỹ vào các cuộc đàm phán TPP. Các thành viên hiện nay có từ các nước rất nhỏ, như Brunei ở Đông Nam Á, cho đến các nước rất lớn, chẳng hạn như Nhật Bản và Mỹ. Các nước khác gồm có Úc, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Cộng lại với nhau, 12 quốc gia này có dân số đạt gần 800 triệu người. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng 9% dân số của toàn cầu, nhưng về mặt kinh tế, 800 triệu người đó chiếm tới gần 40% nền kinh tế thế giới. Hiện cũng đang có một sự quan tâm ngày càng lớn ở Bắc Kinh về việc tham gia TPP, điều sẽ làm cho con số này lên tới gần một nửa nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn còn quá sớm để dự đoán.

Hiện nay, TPP thường được nhắc đến như là “trọng tâm” trong cam kết của Tổng thống Obama duy trì một vai trò to lớn của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Ngay cả khi không có TPP, đã có một sự can dự thương mại rất lớn của Mỹ với các nước ở khu vực này. Vào năm 2013, 44% lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ (trị giá gần 698 tỷ USD) đã được xuất sang các nền kinh tế đó. Trong khi hàng hóa chế tạo của Mỹ chiếm phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu này, giá trị của nông sản xuất sang các nước TPP là 59 tỷ USD, và xuất khẩu dịch vụ, một hạng mục quan trọng bao gồm giấy phép, bảo hiểm, tiền bản quyền và các khoản tiền “vô hình” khác, thậm chí còn lớn hơn. Vào năm 2012, chúng đã lên đến 172 tỷ USD, chiếm tới 27% tất cả xuất khẩu dịch vụ của Mỹ trong năm đó.

Các con số này bắt đầu cho thấy tầm quan trọng của những đóng góp kinh tế hiện nay của Mỹ trong TPP, và một vài năm tới tất cả thành viên của TPP được cho là sẽ thấy được các lợi ích kinh tế to lớn. Về phần Mỹ, theo một báo cáo của Viện kinh tế học quốc tế Peterson, đến năm 2025 thu nhập đối với nền kinh tế Mỹ sẽ đạt 77 tỷ USD mỗi năm, và một số nền kinh tế nhỏ hơn, chẳng hạn như Việt Nam, sẽ thấy các lợi ích tương ứng đặc biệt cao.

Lý do chính cho các lợi ích được dự đoán này là TPP sẽ thực sự có tính đột phá mới, vì lý do đơn giản rằng nó sẽ thiết lập một “Thỏa thuận thương mại tự do” (FTA) giữa tất cả thành viên của nó. Đó là một điểm cơ bản, mặc dù không được thường xuyên nêu bật một cách cụ thể. Đây là một sự thiếu sót kỳ lạ bởi vì, theo quan điểm của Mỹ, trọng điểm của TPP là nó sẽ thiết lập một FTA của Mỹ với Nhật Bản. Mục tiêu đó cũng gần giống như mục tiêu có được “chén Thánh” của Mỹ từ những năm 1980, và TPP cũng đồng nghĩa với việc mục tiêu đó bây giờ đã gần được hoàn thành.

Nhân tố Nhật Bản

Quan hệ thương mại Nhật-Mỹ đảm bảo được đề cập riêng biệt vì nó cho thấy một số vấn đề được nêu lên trong các cuộc đàm phán TPP hiện nay, và cũng vì nó làm sáng tỏ các vấn đề tương tự liên quan đến một số bên tham gia khác. Sự quan tâm ở mức độ cao của Nhật Bản đối với TPP đã trở nên rõ ràng vào năm 2011 và 2012, dưới thời Thủ tướng Yoshihiko Noda khi đó. Vào thời điểm đó, cả các lợi ích lẫn những khó khăn mà Nhật Bản sẽ gặp phải nếu nước này tham gia TPP đều được xác định, đặc biệt có liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp được bảo hộ chặt chẽ của nước này. Nhưng chỉ đến khi Thủ tướng hiện nay của Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền, Tokyo mới quyết định chính thức tham gia các cuộc đàm phán TPP vào đầu năm 2013. Một trong những mục tiêu chính của Abe là khôi phục nền kinh tế Nhật Bản, và một kết quả tất yếu là mục tiêu của ông nhằm đưa những sự thay đổi cơ bản vào nền nông nghiệp Nhật Bản. Để làm được điều đó, ông cần phải đánh bại JA-Zenchu, Tổng liên đoàn các hợp tác xã nông nghiệp trung ương, điều ông đã làm được vào tháng 2 năm nay. Liên đoàn này trong nhiều năm qua đã chi phối nền nông nghiệp Nhật Bản, và sự bóp nghẹt của nó đã được phản ánh qua quy mô nhỏ bé, chỉ rộng 5 mẫu đất (khoảng 2 hecta) của một nông trại trung bình và nhiều hạn chế đối với nông dân khiến cho nông sản của họ không có tính cạnh tranh, thậm chí cả ở trong nước.

Vai trò hiện nay bị giảm sút nhiều của JA-Zenchu đã đem đến sự chú ý mới tới vai trò chính trị mạnh mẽ của lợi ích nông nghiệp ở Nhật Bản, một vấn đề cũng được nhận thấy ở hầu hết các xã hội dân chủ khác. Tuy nhiên, không ở đâu vấn đề này hoàn toàn rõ ràng hơn là ở Nhật Bản, nơi có nền kinh tế trước Chiến tranh thế giới thứ hai bị chi phối bởi một khu vực nông nghiệp cũng chiếm gần hết các công ăn việc làm ở Nhật Bản. Thậm chí đến cuối cuộc chiến, một nửa lực lượng lao động của Nhật Bản vẫn gắn liền với nông nghiệp, nhưng tỷ lệ này sau đó đã bắt đầu giảm mạnh. Hiện nay, nông nghiệp chiếm chưa đến 1,5% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của Nhật Bản, trong khi những người làm công việc liên quan đến nông nghiệp tương tự cũng giảm mạnh từ 2,6 triệu cách đây chưa đầy một thập kỷ xuống chỉ còn khoảng 750.000 người hiện nay. Hầu hết các lao động này, như chính Thủ tướng gần đây đã chỉ ra, là những người lao động làm việc bán thời gian, với độ tuổi trung bình trên 66.

Nhưng thực tế khó thay đổi ở Nhật Bản, cũng như ở Pháp hay các nơi khác, rằng một vị trí đặc biệt trong sự tự nhận thức phổ biến về bản thân, và trong phần lớn văn hóa của nước này, là quê hương bản quán và mối liên kết của nó với nông nghiệp. Bối cảnh đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc thảo luận thương mại Mỹ-Nhật ít nhất là kể từ những năm 1970, trong đó các vấn đề “tiếp cận thị trường” đối với các lĩnh vực nông nghiệp năng suất hơn nhiều của Mỹ là một đặc điểm thông thường và thường xuyên gây tranh cãi. Trường hợp về gạo có lẽ là nổi tiếng nhất do mặt hàng này đã được bảo hộ bởi một hàng rào thuế quan hiệu quả gần 800%. Nhưng các nông sản khác, bao gồm thịt lợn, đường và thịt bò của Nhật Bản cũng có liên quan.

Tất cả những điều này xuất hiện ở vị trí hàng đầu trong các cuộc đàm phán TPP hiện nay, bởi nếu TPP bao gồm cái rốt cục là một “thỏa thuận thương mại tự do” Mỹ-Nhật, hầu hết hoặc tất cả các hạn chế như vậy sẽ phải chấm dứt. Điều đó không cần phải xảy ra trong một bước đi đột ngột duy nhất mà thay vào đó có thể sẽ đạt được qua nhiều giai đoạn và qua một giai đoạn nhiều năm được nhất trí. Tin vui là vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Tokyo và Washington dường như đã giải quyết được hầu hết các vấn đề tiếp cận thị trường nông nghiệp đó.

Tuy nhiên, các nhóm lợi ích lớn tiếng khác của Mỹ, đặc biệt là các nhóm có liên quan đến ngành công nghiệp ôtô, vẫn không bằng lòng với các điều khoản tiếp cận thị trường gây ảnh hưởng đến họ. Công ty ôtô Ford và các công đoàn có liên quan của công ty này là nổi bật nhất, và trường hợp của họ đã được một số lượng lớn tiếng nói trong Quốc hội ủng hộ rất mạnh mẽ. Các vấn đề đó, và những sự than phiền của công chúng và Quốc hội – đặc biệt là các cuộc đàm phán TPP đã và đang được tiến hành với quá nhiều bí mật – vẫn có nhiều khả năng ngăn không cho mối quan hệ đối tác này được thiết lập.

Các đặc điểm phi thương mại của TPP

Hiện nay cần xác định những mối lo ngại này, trong đó bao gồm cả những gì mà đôi khi được gọi là các vấn đề “đằng sau biên giới” của TPP, vì hai lý do chính. Thứ nhất, vì chúng nhấn mạnh quan điểm được đưa ra trước đó: rằng TPP không chỉ liên quan đến thương mại. Thứ hai, vì các phạm trù “phi thương mại” của TPP nêu bật các vấn đề cụ thể mà thành viên này hay thành viên kia phải đối mặt trong các cuộc đàm phán. Các cuộc đàm phán đã được tổ chức xung quanh hơn 20 vấn đề, và bao gồm cả các vấn đề sau:

• Doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước;

• Mua sắm của chính phủ;

• Các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

• Lao động và môi trường;

• Quyền sở hữu trí tuệ;

• Đầu tư;

• Viễn thông; và nhiều hơn nữa.

Một danh sách dài như vậy (và còn dài hơn thế nữa!) sẽ mang tính thử thách thậm chí đối với hai nước đang nhắm đến một thỏa thuận song phương, và vấn đề này rất phức tạp vì TPP thường liên quan đến các chính sách trong nước đã có từ lâu của hàng chục thành viên của nó. Chẳng hạn, ở Mỹ, các hoạt động mua sắm của chính phủ có thể bị cản trở bởi các luật “người Mỹ mua hàng Mỹ” của từng tiểu bang, trong đó nhiệm vụ là ưu tiên phải được dành cho các sản phẩm được sản xuất trong nước. Tác động của các luật này sẽ cần phải được giảm bớt nếu một thành viên TPP khác hy vọng sẽ bán được sản phẩm của mình ở Mỹ.
Một phạm trù khác là các luật quản lý lao động và quyền của người lao động, thường ít có tính bảo hộ hơn ở một số nước thành viên của TPP so với ở Australia, Canada hay Mỹ. Các vấn đề về lao động trẻ em minh họa cho điểm này: hàng hóa được sản xuất ở các nước cho phép hay phụ thuộc vào lao động trẻ em, như được viện dẫn ra trong trường hợp này, chẳng hạn ở Việt Nam, tạo ra các vấn đề về tính cạnh tranh rõ ràng ở các thị trường mà tại đó lao động trẻ em bị cấm. Hay xem xét sự lo ngại của TPP về quyền của người lao động ở các nước chẳng hạn như Malaysia, mà luật Bumiputra của nước này dành ưu tiên cho các lao động thuộc các nhóm sắc tộc cụ thể.

Các nhà đàm phán TPP cũng đã phải vật lộn với vấn đề lớn hơn liên quan đến sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước (SOE), mà trong một số trường hợp chi phối toàn bộ các lĩnh vực kinh tế và công nghiệp. Một trong số các vấn đề mà các SOE này tạo ra là liệu các sản phẩm đó có được đãi ngộ với sự cởi mở tương tự như các hàng hóa được sản xuất ở các nền kinh tế dựa trên quyền sở hữu tư nhân hay không, và vậy thì sản phẩm nào do đó phải tạo ra lợi nhuận. Tất cả các vấn đề như vậy nảy sinh từ sự tin chắc rằng trong các hoạt động thương mại của họ, tất cả thành viên TPP nên trông đợi có được một sân chơi bình đẳng.

Một mục tiêu khác không được nhận thấy trong các thỏa thuận thương mại trước đây là điều khoản của TPP khuyến khích thương mại nước ngoài của các SME – lối nói thương mại dành cho “các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Các công ty nhỏ hơn như vậy nói chung hầu như không có kinh nghiệm với những rắc rối của việc bán hàng ở các thị trường nước ngoài, và phạm trù SME nhằm mục đích trợ giúp họ trong việc giải quyết các vấn đề chẳng hạn như giấy phép, vận chuyển, thủ tục hải quan và vô số công việc thực tế khác đã quen thuộc từ lâu đối với các doanh nghiệp lớn, nhưng không quen thuộc đối với các công ty nhỏ. Điều thú vị là và ngay cả không có TPP, kinh nghiệm gần đây của Mỹ cho thấy rằng sự trợ giúp như vậy, chẳng hạn như của FedEx, đã đem lại các mặt hàng xuất khẩu mới và sự can dự lớn hơn của các công ty nhỏ vào thương mại nước ngoài.

Các vấn đề về bản chất này giúp giải thích tại sao TPP thường được nhắc đến như là “thỏa thuận thương mại của thế kỷ 21” – một cái mác được những người tán thành TPP ở Mỹ rất ủng hộ. Các nhà đàm phán của Washington đã thẳng thắn bày tỏ quan ngại để đảm bảo rằng các hàng hóa và dịch vụ thường được chuyên môn hóa cao do Mỹ và một số nước khác sản xuất sẽ được áp dụng các hình thức đãi ngộ giống như chẳng hạn trong các thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn và Mỹ-Úc. Không ngạc nhiên, các công ty dược phẩm hàng đầu, nhiều công ty trong số đó có trụ sở tại Mỹ, nằm ở vị trí đầu của mục tiêu này do các vấn đề về giá thuốc trên toàn cầu hiện nay là một vấn đề nóng. Các nhóm có liên quan và bị ảnh hưởng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thế giới đang phát triển, đã đưa ra nhiều cảnh báo rằng TPP sẽ thể chế hóa hoặc “ấn định” giá thuốc vượt quá ngưỡng có thể chấp nhận được ở các nền kinh tế đang phát triển.

Vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến các quy định ảnh hưởng đến sở hữu trí tuệ, đặc biệt là khoảng thời gian bằng sáng chế và bản quyền tác giả được bảo vệ khỏi sự xâm phạm. Ở đây phải nói rằng động lực chính đằng sau phần lớn mô hình tổng thể của TPP là một mô hình của Mỹ, đặc biệt là sự lo ngại của Washington rằng hàng hóa và dịch vụ do các lĩnh vực tiên tiến và công nghệ cao của Mỹ tạo ra sẽ không được bảo vệ khỏi các hoạt động của “những kẻ ngồi không hưởng lợi” đến sau sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ tương tự. Nhật Bản, Singapore và một vài nước khác nằm trong số các nước với các khả năng tiên tiến tương tự, khiến cho rất có khả năng rằng các khía cạnh này của TPP với tư cách là một “thỏa thuận của thế kỷ 21” sẽ nhận được sự ủng hộ không chỉ của riêng Mỹ.

Thiết lập các nguyên tắc và nhân tố Trung Quốc

Do TPP bao hàm hàng loạt vấn đề và bao gồm 12 nước mà nền kinh tế của các nước này chiếm gần 40% GDP toàn cầu, các chuẩn mực do TPP thiết lập sẽ có một tác động sâu sắc đến việc các nền kinh tế toàn cầu hoạt động và tương tác như thế nào. Nó sẽ thiết lập nên các nguyên tắc của lộ trình – một giá trị mà hiện nay Mỹ hiểu rất rõ. Như Tổng thống Obama đã nói gần đây: “Chúng ta phải đảm bảo rằng Mỹ – và không phải các nước như Trung Quốc – là nước soạn ra các nguyên tắc cho nền kinh tế của thế giới trong thế kỷ này”.

Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng đã không phải là một nhân tố cần quan tâm khi các bước đi đầu tiên dẫn đến TPP đã được Chile, New Zealand và Singapore thực hiện vào năm 2002-2003. Trung Quốc cũng không phải là một vấn đề quan tâm đặc biệt đối với Đại diện thương mại Mỹ khi đó là Susan Schwab, người trong những ngày cuối cùng của Chính quyền George W. Bush đã lần đầu tiên bày tỏ một sự quan tâm chính thức của Mỹ đến dự án TPP. Trong giai đoạn khi Mỹ hướng nhiều sự chú ý đến Trung Đông, mối quan tâm của bà thay vào đó là về một sự hiện diện thương mại đang suy giảm của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, và bà nhận thấy rằng TPP là một cách thức để đảm bảo rằng Mỹ sẽ không bị “bỏ quên” giữa các nền kinh tế sôi động của khu vực này.

Kể từ đó, TPP đã tăng cường các mục tiêu lẫn mở rộng số lượng thành viên của mình, và nó thường được miêu tả là khía cạnh kinh tế trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ, hay động thái “tái cân bằng” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương – mặc dù là sai lầm. Quan điểm đó không được chứng minh bằng nguồn gốc của TPP hay hoàn cảnh can dự ban đầu của Mỹ vào năm 2009. Hơn nữa, từ khi bắt đầu, TPP đã mở cửa cho bất kỳ nước nào có ý định đáp ứng các tiêu chuẩn của nó, một điểm được Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama là bà Susan Rice nhấn mạnh trong bài phát biểu tại trường Đại học Geortown vào ngày 20/11/2013. Liên quan tới Trung Quốc, bà liên tục nhắc lại: “Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ nước nào sẵn sàng thực hiện theo các tiêu chuẩn cao của thỏa thuận này tham gia và cùng chia sẻ những lợi ích của TPP, và kể cả Trung Quốc”.

Trung Quốc, về phần mình, đã đảm nhận một vai trò hàng đầu trong một khuôn khổ kinh tế đã được đề xuất, được biết đến là “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” hay RCEP. Những mối quan tâm ban đầu của nó chú trọng vào các dàn xếp “thương mại tự do” truyền thống, giữa 16 thành viên được đề xuất của nó: 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ, nhưng không có Mỹ. Bởi quy mô của nó, RCEP ban đầu dường như có thể là một nhóm đầy ấn tượng, nhưng nó khó có khả năng sớm trở thành hiện thực. Thậm chí nếu nó trở thành hiện thực, hầu như không có lý do gì để trông đợi RCEP sẽ hoàn tất, vì những lý do làm gợi nhớ lại mệnh lệnh “đóng thuyền mà không xẻ ván” của Pharaoh trong Cuốn sách của Exodus.

Trong đó những “tấm ván” còn thiếu là: (1) mối quan hệ tiếp tục căng thẳng Hàn-Nhật, mà sẽ gây ảnh hưởng tới bất kỳ sự tương tác kinh tế chính thức chặt chẽ nào; (2) thiếu vắng một mối quan tâm thực sự của Ấn Độ đối với kế hoạch RCEP và khả năng trên thực tế Ấn Độ sẽ phản đối các mục tiêu của nó; và (3) bất chấp tuyên bố của RCEP rằng nó được dựa trên cái gì đó gọi là “vai trò trung tâm của ASEAN”, ASEAN sẽ không sớm đạt được các kiểu hợp tác kinh tế trong khu vực mà hiệp hội này đã thúc đẩy từ lâu. Như một người tham gia giàu kinh nghiệm mới đây đã nói rằng: “hội nhập ASEAN vẫn chỉ là một ảo tưởng”.

Hơn nữa, và bất chấp sự bảo trợ của Trung Quốc đối với RCEP, không có tuyên bố xác thực nào khẳng định khuôn khổ nào (nếu có) trong số các khuôn khổ khu vực đang phát triển của châu Á cuối cùng sẽ bao gồm Trung Quốc. Quả thực, bắt đầu vào giữa năm 2013, những dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện cho thấy Bắc Kinh không còn tỏ ra tùy tiện với TPP và có thể tìm cách để được làm thành viên. Vào tháng 5, Bộ trưởng Thương mại khi đó của Trung Quốc Cao Hổ Thành đã thông báo về “một nghiên cứu nghiêm túc về TPP”, và vào tháng 6 Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu lên vấn đề này với Tổng thống Obama tại hội nghị cấp cao Sunnylands của họ. Sau đó vào tháng 11, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị trung ương 3 rất quan trọng của nước này, đáng chú ý là sự chú trọng của nó vào vai trò “mang tính quyết định” của thị trường và những lời kêu gọi của nó có các cải cách cơ bản để kết nối Trung Quốc tốt hơn nữa với nền kinh tế toàn cầu.

Các dấu hiệu khác cho thấy một sự quan tâm thực sự đối với TPP sau đó đã xuất hiện. Chẳng hạn, vào tháng 1/2014, nhà kinh tế học xuất chúng của trường Đại học Bắc Kinh Hoàng Ích Bình đã nói rằng: “ngày càng nhiều các cố vấn chính sách hiện nay đang thúc giục chính phủ tham gia các cuộc đàm phán TPP càng sớm càng tốt”, và vài tuần sau đó cựu Phó giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), Lâm Nghị Phu, đã công khai kêu gọi Bắc Kinh tham gia TPP. Sự quan tâm này có khả năng xuất phát từ sự thừa nhận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng nếu TPP được thiết lập, khi đó nó quả thực sẽ đặt ra các nguyên tắc cho giai đoạn tiếp theo của sự phát triển kinh tế toàn cầu, cũng như là từ niềm tin của các nhà lãnh đạo rằng Bắc Kinh không thể bị “bỏ sót”.
Không điều nào trong số này có nghĩa rằng hiện nay Trung Quốc đang tích cực tìm cách để được làm thành viên của TPP, và hành vi quyết đoán của Bắc Kinh đối với các nước châu Á nhỏ hơn phản ánh các khái niệm lâu đời làm khơi gợi lên mối quan hệ chư hầu truyền thống. Chẳng hạn, vào giữa năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao của Bắc Kinh Dương Khiết Trì đã nhắc nhở các láng giềng ASEAN của mình rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó là một thực tế”. Kể từ đó, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã đan xen giữa đường lối cứng rắn đó với một tư thế thoải mái hơn, nhưng bài học này không bị mất đi. Nó được củng cố bởi sự nhấn mạnh tiếp tục của Trung Quốc về việc thỏa thuận riêng rẽ với từng thành viên nhỏ hơn nhiều của ASEAN, thay vì thỏa thuận với ASEAN với tư cách là một nhóm. Trước bối cảnh này, một giá trị chiến lược của TPP là nó cho các nước châu Á-Thái Bình Dương thấy tính thiết thực về một mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu – một hệ thống chắc chắn không có liên hệ với vai trò của Trung Quốc ở khu vực này.

Liệu TPP có thành hiện thực?

Ngoài vấn đề Trung Quốc, TPP tiếp tục phải đối mặt với các trở ngại lớn khác. Thực tế rằng nội dung đàm phán của nó không được công khai vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở Quốc hội Mỹ cũng như trong một số nước tham gia TPP. Các câu hỏi cụ thể chẳng hạn như tranh chấp sẽ được giải quyết như thế nào cũng đã lại nổi lên như là những điểm bế tắc đầy khó khăn.
Tuy nhiên các tiếng nói trong cả hai đảng ở Quốc hội Mỹ dường như đem lại sự giúp đỡ đầy đủ. Thượng nghị sỹ Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, từ lâu đã ủng hộ TPP và có nhiều tình cảm tương tự trong đảng của ông. Thượng nghị sỹ Ron Wyden, người đồng cấp thuộc đảng Dân chủ của thượng nghị sỹ Hatch, đến từ Oregon, một bang rất quan tâm đến thương mại của Thái Bình Dương, và ông từ lâu đã ủng hộ các thỏa thuận thương mại hơn so với một số người trong đảng của ông.

Nhưng thượng nghị sỹ Wyden cũng đặc biệt chỉ trích sự thiếu công khai về các cuộc đàm phán TPP và vấn đề này đã tạo ra nhiều sự ủng hộ trong các thành viên đảng Dân chủ khác. Hơn nữa, tuyên bố rất quan trọng mới đây của thượng nghị sỹ Elizabeth Warren về vấn đề dàn xếp tranh chấp là một bước đi đã cổ vũ mạnh mẽ những người phản đối TPP ở trong nước.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, TPP sẽ trở thành hiện thực bởi thực tế cơ bản rằng Mỹ là một thị trường gồm hơn 300 triệu người mà xu hướng tiêu dùng của nước này không ở đâu có thể sánh được. Nó là một cục nam châm có sức hút mạnh mẽ mà không bên tham gia nào sẽ sẵn lòng phớt lờ, một quan điểm được đưa ra bởi Catherine Beard, Giám đốc điều hành Export NZ của New Zealand, người đã viết tương đối đơn giản rằng đất nước của bà “không thể bỏ lỡ TPP”. Đó là một trong những lý do dẫn đến việc một quan chức cấp cao của Phòng thương mại Mỹ dự đoán rằng TPP có khả năng sẽ trở thành hiện thực, và đó dường như cũng là chiều hướng tiến triển của vấn đề này./.

Theo “Georgetown Journal of Asian Affairs

Vũ Hiền (gt)