Không như Mỹ, Trung Quốc và Nga đều không có chính sách “xoay trục châu Á”. Tuy nhiên, Trung - Nga đều hiểu làm thế nào để hợp tác đáp ứng mục tiêu an ninh chung của họ tại khu vực. Ngoài thực hiện tập trận hải quân chung kéo dài trong tháng qua, Trung - Nga cũng có nhiều tham vấn ngoại giao ngày càng tăng để củng cố quan hệ lẫn nhau với ASEAN. Tại hội nghị thường niên ASEAN mới đây trong tháng 6/2013 tại thủ đô Brunei, Nga đã đệ trình một khuôn khổ an ninh tập thể mới để các Ngoại trưởng thành viên ASEAN xem xét. Dự thảo Tuyên bố về các Nguyên tắc Khung trong Tăng cường An ninh và Hợp tác Phát triển tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được sự chấp nhận và hoan nghênh nghiên cứu sâu hơn của ASEAN. Trước khi Nga đưa ra khuôn khổ đó, Trung Quốc - nước vốn có kinh nghiệm trong tham gia lâu hơn với ASEAN đã góp phần làm sắc thêm các ý tưởng an ninh để khiến ý tưởng này phù hợp với suy nghĩ của khu vực.

Đề xuất của Nga không chỉ bao gồm các định hướng và quy tắc ứng xử tương tự đối với an ninh khu vực và thế giới và còn đưa ra các ý tưởng tham vọng với các nhà chiến lược ASEAN. Kể từ cuối 2011, các chiến lược gia ASEAN đang tìm kiếm cách thức ứng xử với chính sách tái cân bằng của Mỹ đồng thời vẫn duy trì sức mạnh mặc cả của khối. Nói cách khác, ASEAN cũng đang tìm kiếm chính sách tái cân bằng.

Năm 2010, Hồ Cẩm Đào và Dmitry Medvedev và sau đó là nguyên thủ hai nước Trung - Nga đã nhất trí nhấn mạnh cấu trúc an ninh mới là cần thiết để bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã duy trì định hướng chính sách này bằng cách kêu gọi các cường quốc lớn và các nước láng giềng tìm kiếm sự đổi mới chính sách đối ngoại nhằm tránh gây xung đột và xây dựng hòa bình.

Dưới ban lãnh đạo mới, Trung - Nga đang tham gia sâu hơn vào châu Á, nơi chiến lược tái cân bằng của Mỹ đã có động lực với sự ủng hộ quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông. Sau khi Washington tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á năm 2009, tiếng nói và vị thế của Mỹ tại khu vực cũng nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn.

Điều đặc biệt trong bối cảnh khu vực này là khuôn khổ an ninh tập thể được Nga đề xuất đã cho thấy lợi ích ngày càng tăng của Nga trong việc góp phần xây dựng một cấu trúc khu vực mới. Sau khi trở thành Tổng Thống Nga lần thứ 2, Vladimir Putin đang cố gắng xây dựng khuôn khổ an ninh đối với một số nơi trên thế giới, đồng thời muốn Nga trở thành đối tác chiến lược của ASEAN.

Tại Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Brunei trong tháng 10/2013, Nga - Trung dự kiến sẽ hợp tác cùng nhau và đưa ra kế hoạch chung để củng cố vị thế và hy vọng nhận được sự ủng hộ của ASEAN. Cả hai nước đều ủng hộ vai trò lãnh đạo của ASEAN trong chương trình nghị sự của với 6 lĩnh vực ưu tiên chính là môi trường và năng lượng, giáo dục, tài chính, các vấn đề sức khỏe toàn cầu và bệnh dịch, giảm thiểu thiên tai và kết nối ASEAN.

Kể từ khi diễn đàn có sự tham dự của Mỹ và Nga vào năm 2011, Washington đã đẩy mạnh chương trình nghị sự thiên về an ninh. Tháng 10, cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ sẽ được chuyển thành thượng đỉnh, điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt hàng năm. Nga cũng đang cố duy trì hình thức cuộc gặp tương tự như vậy với các lãnh đạo ASEAN. Tới nay, các nhà lãnh đạo của Nga và ASEAN mới chỉ gặp mặt hai lần vào năm 2005 và 2010.

Điều khiến Nga - Trung xích lại gần nhau chính là mục tiêu chung trong giảm thiểu cái mà cả hai nước nhận thức một nước Mỹ bá quyền. Bắc Kinh và Moscow đều muốn bảo đảm rằng các đồng minh an ninh của Mỹ và chiến lược tái cân bằng không làm suy yếu sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung - Nga tại châu Á.

Xét tới căng thẳng hiện nay về tranh chấp biển tại Hoa Đông và Biển Đông, Trung - Nga đã nhận thức được nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh biển. Những cuộc diễn tập hải quân Nga - Trung gần đây, đã diễn ra dọc bờ biển Trung Quốc và truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước láng giềng này.

Không có liên minh quân sự tại khu vực, Trung - Nga đều muốn tham gia xây dựng cấu trúc khu vực dưới sự bảo trợ của ASEAN. Hiện nay, vấn đề an ninh xuyên biên giới không thể ứng phó hiệu quả thông qua “cách tiếp cận cứng” bởi sự phức tạp về bản chất. Những nỗ lực ngoại giao tập thể đang trở nên hiệu quả hơn và mang tính ngăn chặn tốt hơn.

Bắc Kinh và Moscow đã xác định EAS là khuôn khổ phù hợp nhất cùng với các định hướng và quy tắc ứng xử hiện nay trong khu vực để xây dựng cấu trúc khu vực mới. Đã qua cái thời Nga từng sử dụng phiên bản an ninh tập thể mà không tính tới các quan ngại của khu vực. Ngày nay, Nga đã sẵn sàng hơn trong hợp tác với ASEAN cũng như các nhóm khu vực và thế giới.

Nga - Trung là đối tác đối thoại chủ chốt của ASEAN và muốn cùng ASEAN xây dựng chương trình nghị sự cũng như định hình cấu trúc an ninh tương lai tại khu vực. Đây được coi là thay đổi đáng mừng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh tại khu vực./.

Theo “China Daily

Lê Sơn (gt)