Tin đầu tiên liên quan đến một nghiên cứu có tiêu đề “Tái định hướng chiến lược của Mỹ tại Pakistan: Từ Afghanistan, Pakistan sang châu Á” của Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức hoạch định chính sách đầy uy tín có trụ sở tại New York và Washington. Một trong những điểm đáng quan tâm của nghiên cứu này là đề xuất về việc Mỹ tiếp cận Ấn Độ thông qua thiết lập các đơn vị quân đội và tình báo tại nước này nhằm chống lại các nhóm khủng bố ở Pakistan, vốn đe dọa lợi ích của cả Mỹ lẫn Ấn Độ. Đề nghị này lập tức thu hút sự chú ý không chỉ của công luận Ấn Độ mà của cả các nước khác trong khu vực. Người ta cho rằng đã có những thỏa thuận ngầm giữa New Delhi và Washington về khả năng này.

Gần như đồng thời với thông tin trên, nhiều hãng thông tấn trên thế giới - trong đó có hãng tin Reuters của Anh - đưa tin chính phủ Ấn Độ đang dần đi đến kí kết hợp đồng mua máy bay chiến đấu trị giá 1,65 tỷ USD của Nhật Bản. Nếu đúng như vậy, Ấn Độ sẽ trở thành nước đầu tiên mua máy bay chiến đấu của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thương vụ này được xem sẽ giúp tiếp tục thúc đẩy quá trình nối lại quan hệ giữa New Delhi và Tokyo trong những năm gần đây. Chắc chắn Trung Quốc sẽ đón nhận cả hai thông tin trên với thái độ không dễ chịu. Mặc dù lí do cơ bản của việc Mỹ đặt các cơ sở quân đội và tình báo tại Ấn Độ là nhằm gia tăng hiệu quả của chiến dịch chống khủng bố nhằm vào al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác sau khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan (dự kiến vào cuối năm nay), song các quan chức Trung Quốc vẫn cảm thấy “khó chịu” trước quyết định trên của Mỹ bởi 2 lí do: 

Thứ nhất, Pakistan là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc tại khu vực, và bất kì hành động nào của Mỹ nhằm củng cố quan hệ với đối thủ truyền kiếp của Islamabad là Ấn Độ đều được coi là mối đe dọa trực tiếp đến Pakistan và gián tiếp đến Trung Quốc. Thứ hai, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang theo dõi sát sao những động thái trong khuôn khổ chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế nước này. Thực hiện chính sách “xoay trục” sang châu Á, Washington đang tập trung củng cố mối quan hệ chiến lược với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và đương nhiên, động thái này đã gây cho Trung Quốc tâm lí nghi ngờ và lo ngại. Mỹ cũng không giấu giếm thái độ bênh vực những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài sự ủng hộ giành cho Tokyo và Manila, Washington cũng đang tìm cách đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác chiến lược không chính thức với Hà Nội.

Những dấu hiệu đáng quan tâm trong hợp tác an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ cho thấy nó không chỉ đơn thuẩn nhằm mục đích đối phó với mối lo ngại chung của hai nước này, đó là các tổ chức khủng bố có sào huyệt tại Pakistan. Trên thực tế, những động thái gần đây thể hiện nỗ lực của Washington nhằm tạo một mắt xích mới trong chuỗi xích bao vây Trung Quốc. Sự phát triển trong hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản, đồng minh hàng đầu của Mỹ tại Đông Á, cũng được coi là một mắt xích trong chiến lược này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cần hành động rất cẩn trọng, ngay cả khi không có những nghi ngờ nêu trên. Kể từ sau khi rút bớt quân khỏi Afghanistan, Washington đã tìm kiếm một địa điểm mới để làm căn cứ cho chiến dịch chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan. Đây là một việc cần thiết, nhưng Mỹ cần thận trọng, tránh để xảy ra hiểu nhầm và hậu quả ngoài mong muốn. Hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tạo ra đối trọng với Trung Quốc, và điều này sẽ phục vụ trực tiếp các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cần để quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, chứ không nên can thiệp bằng các biện pháp cụ thể. 

Những hành động mang tính quyết đoán của Bắc Kinh, đặc biệt liên quan đến những tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông, đã gây lo ngại cho Nhật Bản, Ấn Độ và các nước láng giềng khác. Trong lịch sử chính trị quốc tế, những động thái như vậy từ một cường quốc sẽ khiến cho các nước khác hợp nhất lại nhằm kiềm chế tham vọng của cường quốc đó. Chúng ta có thể thấy rõ quá trình này đang diễn ra tại châu Á. Mỹ rõ ràng cũng là một cường quốc có vai trò rất quan trọng tại khu vực, nhưng điều quan trọng là nước này cần hành động khéo léo, tránh gây nghi ngờ cho Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cần rất cẩn trọng trong việc đẩy quá xa hoặc quá nhanh quá trình hợp tác an ninh, kể cả với mục đích chống khủng bố. Một điều cũng quan trọng không kém là các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần tránh tạo ra bất kì lời đồn đoán nào về việc họ thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa New Delhi và Tokyo, bởi mục tiêu tối ưu hiện nay của Mỹ là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả ba nước trong khu vực này, đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. 

Theo “China US Focus

Mỹ Anh (gt)