BN-BO210_Hagel_G_20140217125900.jpg

Sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, dư luận chung cho rằng những chính sách của Washington dưới thời chính quyền Donald Trump sẽ trở nên thực dụng và quyết đoán hơn. Khi vận động tranh cử, ông Donald Trump cũng đã nhiều lần đe dọa "áp thuế 45% đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc". Trong quá trình chuyển giao quyền lực, ông Donald Trump cũng đã tập hợp quanh mình những nhân vật "diều hâu" chống Trung Quốc như chọn nhà kinh tế Peter Navarro, người theo đuổi chính sách cực kỳ cứng rắn với Trung Quốc, làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng (NTC). Ông Navarro đồng thời cũng là tác giả cuốn sách "Chết bởi Trung Quốc" hay "Cuộc chiến tranh sắp tới với Trung Quốc"...

Rõ ràng, chính quyền Donald Trump đã chuẩn bị cho một chính sách thương mại hiếu chiến và rất có thể ông sẽ sử dụng Đài Loan như một lá bài mặc cả về "Chính sách một Trung Quốc" nhằm gây sức ép với Bắc Kinh. Chính sách thương mại hiếu chiến của chính quyền Donald Trump cũng đã được thể hiện ngay trong tuần đầu tiên sau khi nhậm chức với tuyên bố sẽ áp thuế 20% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mexico. Ông Donald Trump muốn gây ra một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc? Theo một số nhà kinh tế học, ông Donald Trump đã "chẩn đoán" nhầm các vấn đề mà nước Mỹ phải đối mặt. Ba tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng không có bằng chứng kết luận Trung Quốc đã giữ đồng Nhân dân tệ của họ "thấp giả tạo" như ông Trump tuyên bố. Nghiên cứu của các nhà kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc "chịu trách nhiệm" chưa đến 20% số người mất việc làm mà ngành sản xuất của Mỹ đã trải qua trong những năm 2000. Cải thiện năng suất và tự động hóa là những yếu tố lớn hơn nhiều. Các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã giúp người tiêu dùng Mỹ có thêm nhiều lựa chọn với giá cả phải chăng. Theo ước tính của hai nhà kinh tế Lawrence Edwards và Robert Lawrence, đến cuối những năm 2000, thương mại với Trung Quốc đã móc túi mỗi người dân Mỹ 250 USD/năm.

Trong khi đó, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các sản phẩm của Mỹ, từ đậu nành cho đến máy bay, với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nhảy vọt từ 16,1 tỷ USD năm 2000 lên đến 104,1 tỷ USD năm 2016. Các mặt hàng mà Mỹ bán cho Trung Quốc cũng mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế địa phương hơn là so với chiều ngược lại. Một chiếc Iphone “made in China” có thể được bán với giá khoảng 750 USD tại Mỹ nhưng việc lắp ráp chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc với giá nhân công là 8 USD/chiếc. Nếu tính toán về giá trị gia tăng trong nước chứ không phải là về tổng giá trị sản phẩm cuối cùng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm 1/3. Có thể nói, nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ tập trung vào thương mại hàng hóa. Nhưng về lĩnh vực dịch vụ, Mỹ đạt thặng dư 33 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc, mức cao nhất so với bất kỳ một nước nào khác.

Úc có chịu tác động ảnh hưởng?

Mặc dù là một nền kinh tế mở tương đối nhỏ, Úc rõ ràng vẫn có thể bị ảnh hưởng trong một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu chính sách thuế của ông Trump làm tổn thương quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc - vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu lên đến 850 triệu người vào năm 2030 - sẽ gây ra thiệt hại to lớn đối với triển vọng kinh tế của Úc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, vẫn có một vài lý do để giải thích những lo ngại kinh tế tồi tệ nhất có thể đã bị "thổi phồng". Chính sách thuế của Mỹ được cho là sẽ cắt giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc và dẫn đến nhu cầu của Trung Quốc đối với thép và quặng sắt từ Úc cũng giảm. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra lần cuối cùng khi xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc giảm. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc giảm 16%. Trong cùng năm đó, giá trị xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đã tăng 30% bởi Bắc Kinh phản ứng với cú sốc bên ngoài bằng một gói kích thích kinh tế tập trung vào cơ sở hạ tầng và xây dựng - vốn cần nhiều nguyên liệu thô và Úc đã cung cấp vượt trội cho Trung Quốc.

Thời gian gần đây, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng ít phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài. Năm 2016, tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc chiếm gần 2/3 tăng trưởng GDP - đạt mức cao kỷ lục. Chính sách thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ đẩy nước này đi ngược lại các nghĩa vụ quốc tế của mình. Mặc dù là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng trong trường hợp này Mỹ đang xé bỏ quy tắc. Khi đó, việc Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong các bối cảnh khác (như vấn đề Biển Đông) sẽ không còn nhiều tác dụng.

Tác giả James Laurenceson là Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Úc-Trung Quốc (ACRI) thuộc Đại học Công nghệ Sydney. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á" (ngày 6/2).

Anh Thư (gt)