19135_5280a3627324f-386x290.jpg

 

Tương lai và thịnh vượng của Úc nằm ở châu Á. Năm 2012, Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Julia Gillard cũng đã đề cập điều này trong Sách trắng có tựa đề “Úc trong kỷ nguyên của châu Á”. Khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trong tháng này, cần nhớ lại những đóng góp to lớn của Úc đối với sự nổi lên của châu Á và nhìn về tương lai của cả ASEAN và Úc trong khu vực.

Đối với Úc, “địa” trong địa chiến lược là điểm mấu chốt để xác định vị trí của Úc trên thế giới cũng như sự thịnh vượng kinh tế của mình. Hơn 20 năm trước, cựu Thủ tướng Paul Keating nói rằng Úc cần phải tìm kiếm an ninh của mình ở châu Á chứ không phải từ châu Á. Ngày hôm nay, khi Úc gặt hái những lợi ích của hơn 25 năm tăng trưởng liên tục, một phần không nhỏ là nhờ vị trí địa lý của nước này. Trên cơ sở đó, Úc nên xem xét làm thế nào tốt nhất để hợp tác với ASEAN nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và an ninh của Úc trong vòng 25 năm, 50 năm hoặc lâu hơn.

Hoạt động kinh tế quốc gia của Úc được hình thành bởi khả năng can dự thương mại của nước này trên toàn cầu. Đây là một thực tế mà bất kỳ người dân Úc nào cũng biết vì nó được thể hiện qua cuộc thăm dò dư luận mới đây do Viện nghiên cứu Lowy thực hiện. Kết quả thăm dò cho thấy 78% người dân Úc nghĩ rằng toàn cầu hóa có lợi cho Úc và 67% cho rằng mở cửa thương mại là tốt cho tiêu chuẩn cuộc sống của họ.

Việc xem xét làm thế nào để thúc đẩy tốt nhất chương trình nghị sự an ninh-kinh tế của Úc trong khu vực vẫn là một nhiệm vụ quan trọng đối với chính phủ Tự do-Quốc gia hiện nay hay chính phủ Công đảng trong tương lai. Công đảng đối lập cũng đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế của Úc với châu Á nói chung và với ASEAN nói riêng. Muốn duy trì và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, Úc cần nắm lấy cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với một châu Á có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. ASEAN là một đối tác tự nhiên trong nỗ lực này, tuy nhiên việc gắn kết của Úc với ASEAN vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Kể từ ngày 8/8/1967, ASEAN đã được hình thành từ một nhóm 5 quốc gia quan tâm đến việc hợp tác khu vực để rồi hiện nay mở rộng thành nhóm 10 quốc gia với một vai trò toàn cầu gia tăng đáng kể.

ASEAN đã có những đóng góp quan trọng đối với sự thịnh vượng và ổn định ở Đông Nam Á kể từ khi hình thành. Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2,9 nghìn tỷ USD - lớn hơn GDP của Ấn Độ. Trên bình diện toàn cầu, ASEAN là thị trường lớn thứ bảy và lực lượng lao động lớn thứ ba, và đến năm 2030 ASEAN được dự báo là khối kinh tế lớn thứ tư trên thế giới.

Công bằng mà nói, ASEAN đã vượt quá sự mong đợi của những người sáng lập và ngày càng trở nên quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh khu vực. Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đã thẳng thẳn khẳng định rằng sự thành công của ASEAN trong chính sách ngoại giao chiến lược trong vòng 50 năm qua đã trở thành một trong những câu chuyện đáng suy ngẫm nhất cho chúng ta.

Sự phát triển liên tục của chủ nghĩa khu vực Đông Nam Á thông qua các thể chế như ASEAN rõ ràng gắn chặt với các lợi ích của Úc như lợi ích an ninh, lợi ích kinh tế, lợi ích khu vực, và sự quan tâm của Úc trong xây dựng chủ nghĩa quốc tế và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Gough Whitlam đã đàm phán thành công để Úc trở thành đối tác của ASEAN, và chính phủ công đảng trong tương lai cũng sẽ tìm cách thúc đẩy và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đã có giữa Úc và ASEAN

Công đảng đối lập ủng hộ quyết định của Chính phủ Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN-Úc vào tháng 3/2018, nhưng chỉ điều này thôi thì chưa đủ. Trong bối cảnh thay đổi của môi trường khu vực và thế giới, khi Úc phải đối mặt với sự gián đoạn chưa từng có đối với trật tự toàn cầu, ASEAN vẫn còn quan trọng đối với khu vực này - và Úc cần phải hợp tác sâu rộng hơn nữa với tất cả các nước ASEAN. Tính chất trung tâm của ASEAN đối với sự định hình và ổn định của trật tự khu vực đã được khẳng định bởi sự can thiệp ngày càng gia tăng của Trung Quốc với các thành viên ASEAN.

Canberra cần tận dụng tối đa hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc năm 2018 để thúc đẩy một chương trình nghị sự mạnh mẽ. Úc cần hội nhập mạnh mẽ vào tổ chức ASEAN, áp dụng một cách tiếp cận chiến lược đối với các nước ASEAN, đặc biệt với Singapore và Indonesia, vì cách tiếp cận này sẽ phản ánh một tầm nhìn dài hạn cho các lợi ích của Úc trong khu vực. Ngoài ra, Úc cũng cần phải có ý thức và phương pháp xây dựng quan hệ nhiều lớp mạnh mẽ hơn với các nước ASEAN quan trọng khác bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Myanmar. Rõ ràng, để làm được điều này, Úc cần một lộ trình tốt hơn, một chương trình nghị sự an ninh và kinh tế cho tương lai của Úc ở châu Á.

Tác giả là Nghị sỹ Công đảng đối lập ở Úc bà Penny Wong. Bài viết đăng trên Diễn đàn “The Interpreter” của Viện nghiên cứu Lowy.

Vũ Hiền (gt)