Các cuộc trao đổi chiến lược khu vực 

Tái khẳng định tầm nhìn chung về hòa bình và ổn định tại châu Á, tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Ấn Độ và Mỹ đã nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục đối với việc tăng cường kết nối khu vực, cũng như tăng cường hợp tác Ấn -Mỹ thông qua các cơ chế đối thoại khu vực hiện hành, trong đó có tiến trình Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ARF) và Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN +. Hai bên cam kết tiếp tục trao đổi ý kiến chặt chẽ về những vấn đề liên quan đến khu vực, cả song phương lẫn ba bên, trong đó có diễn đàn Mỹ-Ấn-Nhật, đã tiến hành bốn phiên họp thành công. Mỹ và Ấn Độ tái khẳng định tầm quan trọng của an ninh biển, lưu thông thương mại và tự do hàng hải và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên biển theo luật quốc tế. Ấn Độ hoan nghênh việc Mỹ tham gia Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (IOR-ARC) với tư cách là đối tác đối thoại hồi tháng 11/2012 và Mỹ hoan nghênh Ấn Độ trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc cực hồi tháng 5/2013. 

Ngoại trưởng Khurshid và Ngoại trưởng Kerry kêu gọi sự cam kết và ủng hộ bền vững của quốc tế đối với một đất nước Ápganixtan ổn định, dân chủ, thống nhất, có chủ quyền và thịnh vượng. Mỹ và Ấn Độ đều tái khẳng định cam kết ủng hộ đối với chính phủ và nhân dân Ápganixtan trong tiến trình chuyển tiếp và xa hơn nữa, theo phạm vi các Hiệp định Đối tác chiến lược. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ liên tục của cộng đồng quốc tế đối với cuộc bầu cử tổng thống và các cuộc bầu cử Hội đồng cấp tỉnh tự do, công bằng và minh bạch tại Ápganixtan. Hai bên thừa nhận rằng bên cạnh việc tăng cường khả năng tự vệ của Ápganixtan, thành công tại Ápganixtan đòi hỏi một tiến trình hòa hợp do Ápganixtan làm chủ và do Ápganixtan đứng đầu. Hai bên nhất trí rằng tiến trình này phải bảo vệ những tiến bộ về chính trị, kinh tế và xã hội đã đạt được tại Ápganixtan trong hơn một thập niên qua. Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp cụ thể để thúc đẩy đầu tư tư nhân và thương mại tại Ápganixtan. 

Đối tác an ninh và chiến lược 

Ngoại trưởng Kerry và Khurshid thừa nhận rằng quốc phòng, chống khủng bố, khoa học và công nghệ đã trở thành những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên hoan nghênh thực tế rằng kim ngạch thương mại quốc phòng song phương đã lên tới gần 9 tỷ USD; các lực lượng quân đội Mỹ và Ấn Độ tiếp tục trao đổi về nghiệp vụ, trong đó có các cuộc tập trận huấn luyện quân sự thường xuyên như cuộc tập trận YUDH ABHYAS của lục quân hồi tháng 5 và cuộc tập trận MALABAR của hải quân dự kiến vào cuối năm nay. Hai bên hoan nghênh việc Mỹ đã chuyển chiếc máy bay P-8I Poseidon đầu tiên cho hải quân Ấn Độ hồi tháng 5 vừa qua và chiếc C-17 Globemaster III đầu tiên cho lực lượng không quân Ấn Độ trong tháng 6. Hai bên thừa nhận những nỗ lực mà Mỹ và Ấn Độ đang triển khai để thúc đẩy quan hệ quốc phòng đi xa hơn mối quan hệ “người mua, kẻ bán” và tìm kiếm các cơ hội cho hợp tác công nghệ để cùng phát triển và cùng sản xuất thiết bị quốc phòng. 
Trong khi thừa nhận những thách thức chung mà các xã hội dân chủ như Mỹ và Ấn Độ phải đối mặt từ các nhóm khủng bố, cũng như những nguy cơ nghiêm trọng do chủ nghĩa cực đoan bạo lực gây ra, ông Kerry và ông Khurshid hoan nghênh cuộc Đối thoại về an ninh nội địa lần thứ hai giữa hai nước tại Oasinhtơn hồi tháng 5/2013. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ hơn và phát triển các quan hệ đối tác chuyên sâu hơn giữa hai nước trong việc kiểm soát các thành phố lớn, an ninh mạng, chuỗi cung ứng toàn cầu, an toàn giao thông, chống tiền giả và luồng tài chính bất hợp pháp; đào tạo các cơ quan thực thi luật pháp… Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp nỗ lực nhằm giải quyết thách thức của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, trong đó có việc triệt phá những “thiên đường an toàn” cho bọn khủng bố, chặn tất cả các nguồn hỗ trợ tài chính và hỗ trợ về chiến thuật cho những kẻ khủng bố thông qua sự hợp tác trong Diễn đàn chống khủng bố toàn cầu. Hai bên tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác điều tra về vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi tháng 11/2008… Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Khurshid công nhận mối quan hệ đối tác đã được xây dựng thành công, thông qua Đối thoại an ninh chiến lược, về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hai bên đã xem xét lại sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Ấn Độ để cụ thể hóa ý định của Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG), Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), thỏa thuận Wassenaar và Nhóm Ôxtrâylia. Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định Mỹ ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên đầy đủ của những tổ chức này. Mỹ cũng hoan nghênh cập nhật hồi tháng 3/2013 của Ấn Độ về danh mục các loại hóa chất, sinh vật, vật liệu, thiết bị và công nghệ đặc biệt (SCOMET). 

Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực khác 

Tuyên bố cho biết thương mại và đầu tư liên tục tăng đã thúc đẩy quan hệ đối tác Ấn - Mỹ; kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương đã đạt gần 100 tỷ USD. Hai bên hoan nghênh việc áp dụng các quy chế mới liên quan đến trần đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Ấn Độ và việc thành lập các cơ chế cấp chính phủ để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng của Ấn Độ. Hai bên sẽ nối lại các cuộc thương lượng để ký kết hiệp định bảo vệ và thúc đẩy đầu tư song phương (BIPPA) ngay khi bản dự thảo về BIPPA được Ấn Độ điều chỉnh. Hai chính phủ tái khẳng định cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư hai chiều, trong đó có lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và trao đổi các nhà chuyên môn có kỹ năng cao; hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường môi trường sáng tạo tại mỗi nước như một phương thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như các mục tiêu khác về chính sách thương mại. Lưu ý đến tầm quan trọng của công nghệ đối với cả hai nền kinh tế, Mỹ và Ấn Độ đã thảo luận sự hợp tác theo Nhóm làm việc về thông tin và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và tái khẳng định các kế hoạch tổ chức hội nghị của Nhóm làm việc ICT tại Oasinhtơn trong năm nay. Hai bên có kế hoạch thảo luận về hợp tác trong chế tạo, thử nghiệm, điện toán đám mây, nghiên cứu & phát triển trong ICT và các lĩnh vực liên quan khác. Để tận dụng lợi thế của không gian mạng và để kiểm soát các nguy cơ ngày càng tăng, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các cuộc thảo luận cấp cao và hợp tác về an ninh mạng và điều hành Internet thông qua nhiều cơ chế, trong đó có các cuộc tham vấn về an ninh mạng và Đối thoại chính sách an ninh mạng chiến lược... Hai Ngoại trưởng thừa nhận rằng Mỹ và Ấn Độ đã phát triển quan hệ hợp tác song phương chưa từng có trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hai nước đang sử dụng khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề lớn của toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nguồn nước và năng lượng sạch. Mỹ và Ấn Độ dự định tiếp tục nỗ lực mở rộng các đối tác trong lĩnh vực năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng thông qua Đối tác Ấn-Mỹ đối với Năng lượng sạch tiên tiến (PACE)… Hai bên cam kết khuyến khích hoàn tất các cuộc thương lượng giữa Ủy ban quy chế hạt nhân Mỹ (NRC) và Cục quy chế năng lượng nguyên tử Ấn Độ (AERB) về việc thành lập một cơ chế hợp tác trao đổi thông tin vào cuối năm 2013. Hai bên hoan nghênh sự hợp tác nghiên cứu và phát triển theo Nhóm làm việc về Năng lượng hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn, sẽ họp tại thành phố Mumbai vào tháng 7/2013 để thảo luận hợp tác trong các dự án công nghệ gia tốc và nghiên cứu vật lý hạt nhân… Hai bên hoan nghênh cuộc Đối thoại về giáo dục cao học Mỹ-Ấn, cũng được tổ chức tại Niu Đêli ngày 25/6. 

Các vấn đề toàn cầu 

Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Khurshid hoan nghênh việc mở rộng thành công các vòng Đối thoại chiến lược thành một đối tác chiến lược toàn cầu thực sự. Hai bên đề cập đến nhiều vấn đề, từ Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Hội nghị Rio+20 hồi tháng 6/2012 về xoá đói giảm nghèo; tăng quyền lực cho phụ nữ… Tuy nhiên, Tuyên bố đã không đề cập một số vấn đề toàn cầu lớn, như triển vọng các cuộc đối thoại hòa bình với Taliban, tình hình Xyri và vấn đề hạt nhân của Iran . Ông Kerry và ông Khurshid đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ một Ápganixtan ổn định và nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế phải ủng hộ cuộc bầu cử tự do và công bằng tại Ápganixtan vào năm tới. Tuy nhiên, Tuyên bố chung không đề cập đến việc Taliban mở văn phòng tại Cata và kế hoạch của Mỹ tiến hành thương lượng với Taliban. Thay vào đó, Tuyên bố chung nhấn mạnh rằng thành công tại Ápganixtan đòi hỏi một tiến trình hòa hợp, do Ápganixtan dẫn đầu, theo đó bảo vệ những tiến bộ về chính trị, kinh tế và xã hội mà nước này đạt được trong hơn một thập niên qua. Tuyên bố chung cũng không đề cập sự ủng hộ của Mỹ đối với nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mở rộng./.

Theo MEA (ngày 24/6)

Lê Sơn (gt)