Tổng thống Mỹ Barack Obama mong đạt được điều gì từ chuyến đi Bắc Kinh tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC? Ông Obama đánh giá như thế nào về khả năng đạt được các mục tiêu trong nghị trình thảo luận với Trung Quốc?

Hiện nay không thiếu các vấn đề mà Tổng thống Obama cần thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai bên rõ ràng cùng chia sẻ mối quan ngại về một Bắc Triều Tiên bất ổn có sở hữu hạt nhân, một Iran tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, và một trật tự cũ đang rệu rã ở Trung Đông. Nhưng hai bên đạt được rất ít tiến bộ. Khi nói về “quan hệ cường quốc kiểu mới,” dường như ông Tập muốn hàm ý rằng Mỹ cần tìm đến sự trợ giúp của Trung Quốc, giống như điều mà Cố vấn an ninh quốc gia Rice đã làm gần đây, nhờ Trung Quốc giúp đỡ về vấn đề Trung Đông - hiện có tầm quan trọng như nhau đối với cả Bắc Kinh và Washington.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ diễn ra vào một thời điểm rất khó khăn cho quan hệ hai nước. Washington đã không phản ứng một cách thích đáng trước hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc đối với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (People's Liberation Army - PLA) cũng đang quấy rối hoạt động của quân đội Mỹ ở các vùng biển Châu Á.

Chính sách Châu Á của Mỹ đang không có sự tiến triển bởi cả Washington và Bắc Kinh đều đánh giá quá cao sự trỗi dậy của Trung Quốc và đánh giá thấp sự bền vững của sức mạnh Mỹ. Đây là một xu hướng nguy hiểm trong nhận thức về tình hình thực tế. Theo quan điểm của Washington, mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ không mang lại hiệu quả nếu cả hai bên đều cho rằng cán cân quyền lực hiện tại đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.

Muốn đạt được một kết quả chính sách tốt hơn, người ta cần đánh giá lại cán cân quyền lực, vượt ra ngoài khuôn khổ các tính toán thông thường về sức mạnh và năng lực quân sự. Các xu hướng về cân bằng quân sự phải được xem xét trong khuôn khổ cách tiếp cận ưa thích của mỗi bên đối với khu vực cũng như những trở ngại chính trị nội bộ có ảnh hưởng đến chiến lược của từng bên. Vì vậy, các câu hỏi chính ở đây là: Mỗi bên đang cố gắng đạt được điều gì? Chiến lược của mỗi bên ra sao? Hai bên đang triển khai chiến lược của mình thuận lợi như thế nào và đâu là những trở ngại đối với kết quả đạt được của mỗi bên?

Những Tầm nhìn Chiến lược Đối nghịch nhau: Chiến lược của Mỹ

Kể từ khi Thế chiến thứ II kết thúc, Mỹ đã triển khai chiến lược giành lấy ngôi vị bá chủ. Các đời tổng thống của Mỹ tiếp nối nhau đã nhận ra rằng “ưu thế về sức mạnh” sẽ phục vụ tốt nhất cho các lợi ích của nước này ở Châu Á, bao gồm:

1. Bảo vệ nước Mỹ từ xa. Trong giai đoạn sau chiến tranh Thái Bình Dương, Mỹ đã thiết lập cái từng được gọi là “vành đai bảo vệ”, nay được đến với cái tên Chuỗi đảo Thứ nhất. Thế trận phòng thủ từ xa này chạy dọc các chuỗi đảo và vùng lãnh thổ thuộc Hàn Quốc, tới Nhật Bản và Ryukus, xuống tới Eo biển Luzon và dọc theo đất nước Philippines;

2. Duy trì cán cân quyền lực có lợi cho Mỹ ở lục địa Á-Âu, để không cường quốc nào có thể thống trị lục địa này;

3.  Đảm bảo quyền tiếp cập quân sự và thương mại đối với các vùng biển và lục địa ở Châu Á;

4. Duy trì và tiếp tục cải thiện trật tự thế giới tự do phù hợp với “phong cách Mỹ,” như mục tiêu của những nhà hoạch định chiến lược Chiến tranh Lạnh của Mỹ đã đặt ra;

5. Ủng hộ một mạng lưới các quốc gia đồng minh, những nhân tố quan trọng góp phần củng cố trật tự trên.

Đại chiến lược của Mỹ với mục tiêu nắm giữ ngôi vị bá chủ đã thành công. Nó đã giúp ngăn chặn cạnh tranh an ninh giữa các đối thủ lâu đời ở Châu Á và tạo ra môi trường thuận lợi để cho tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi hòa bình sang các nền dân chủ ở khắp khu vực. Các quốc gia có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân được thuyết phục không làm như vậy. Sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Châu Á không phải là điều ngẫu nhiên. Đúng hơn, đây là kết quả từ những quyết định khôn ngoan của giới lãnh đạo Châu Á, sự chăm chỉ của người dân khu vực để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng sự lãnh đạo của Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi các đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau luôn quyết tâm giữ vững ngôi vị bá chủ này.

Vị thế Đứng đầu về Quân sự

Vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á đòi hỏi việc bố trí từ xa các chiến đấu cơ, số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, cùng cụm tàu sân bay  tác chiến để có thể dễ dàng triển khai sức mạnh ở Châu Á. Những khí tài này tạo ra sức mạnh răn đe liên tục để ngăn ngừa xung đột. Các tàu ngầm “boomer” của Mỹ, được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa, ẩn mình dưới biển luôn sẵn sàng hành động khi Mỹ đối mặt với một mối đe dọa thực sự. Cụm tàu sân bay tác chiến là biểu tượng rõ ràng nhất về sức mạnh của Mỹ để ngăn chặn những kẻ gây hấn. Tùy thuộc vào tình hình an ninh thế giới, Hải quân Mỹ có thể  triển khai năm cụm tàu sân bay tác chiến ở Nhật Bản và dọc bờ biển Thái Bình Dương.

Các lực lượng không - biển này cho phép Mỹ kiểm soát các vùng chung của thế giới khi cần thiết. [1] Khả năng kiểm soát bầu trời, đại dương và không gian cho phép quân đội nước này có thể huy động một lực lượng áp đảo ở bất kỳ nơi đâu, và bất kỳ khi nào cần thiết. Để tiếp tục giữ vững ngôi vị lãnh đạo ở Châu Á, Mỹ phải duy trì khả năng kiểm soát các vùng chung ở Châu Á. Điều này đòi hỏi phải duy trì hệ thống đồng minh, củng cố các quan hệ đối tác mới cũng như hiện đại hóa “cơ sở hạ tầng” phục vụ cho việc kiểm soát - như các tàu chở dầu, hoạt động không vận và tàu trọng tải lớn, cần thiết để triển khai nhanh chóng lực lượng của Mỹ.

Chiến lược của Trung Quốc

Khi sự thịnh vượng và sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, tầm ảnh hưởng cũng như tham vọng của nước này ở Châu Á - Thái Bình Dương sẽ lớn hơn. Nỗ lực giành vị thế bá chủ khu vực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (The Chinese Communist Party - CCP) được thúc đẩy bởi mục tiêu tối quan trọng của CCP là duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chỉ tập trung vào vấn đề trong nước, như nhiều người lầm tưởng. Tuy Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức “nội bộ” như một tầng lớp dân cư ngày càng giàu có và năng động, các thể chế bất kham ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, nhưng để duy trì quyền lực thì đòi hỏi nhiều hơn thế:

1. Đảm bảo rằng thế giới vẫn là nơi “an toàn” cho các chế độ chuyên quyền. Ít nhất Trung Quốc phải chặn đứng những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa ở nước này, đồng thời ngăn chặn việc hình thành các nhóm dân chủ ở Châu Á;

2. Theo đuổi mục tiêu hồi sinh đất nước. CCP cho rằng đây là nhiệm vụ tiên phong trong kế hoạch khôi phục vị thế thống trị của Trung Quốc trong một trật tự chính trị có thứ bậc ở Châu Á, và đảo ngược lại “thế kỷ ô nhục” mà nước này từng chịu đựng. CCP khai thác nỗi đau trong quá khứ này để chứng minh cho người dân Trung Quốc về nhu cầu cần tiếp tục sự lãnh đạo độc tôn của đảng;

3. Tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nay có nghĩa là bảo vệ các lợi ích kinh tế quốc tế ngày một lớn của Trung Quốc. Các vùng ven biển của Trung Quốc đang chiếm một tỷ trọng lớn trong lĩnh vực sản xuất và tài chính của đất nước. Do Liên Xô sụp đổ và mối đe dọa lớn nhất đối với biên giới trên bộ đã không còn, PLA có thể tự do trong việc mở rộng vành đai biển phía đông nam. Trung Quốc muốn hình thành chiều sâu chiến lược trên biển và một con đường tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để bảo vệ các lợi ích kinh tế vươn xa của mình.

Chiến lược Quân sự của Bá quyền Đang lên: Chiến lược Cưỡng ép và Chống Can Thiệp

Chiến lược quân sự của CCP để giành vị trí bá chủ khu vực là sức mạnh cưỡng ép và năng lực chống can thiệp (hay còn gọi là năng lực A2/AD) trên các vùng biển Đông Á.

Các chiến dịch quân sự của Mỹ những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã góp phần rất lớn vào việc định hình chiến lược an ninh khu vực của PLA. Trong hai cuộc chiến ở vùng Vịnh, quân đội Mỹ đã thể hiện khả năng tấn công chính xác khó ai bì kịp. Mỹ có thể triển khai một lực lượng lớn đến khu vực chiến sự theo đúng thời gian biểu họ đặt ra bởi quân đội Mỹ kiểm soát các vùng chung và được phép tiếp cận các quốc gia láng giềng của Iraq thông qua chính sách ngoại giao hiệu quả.

Trong Cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996, CCP đã rất e ngại vì không thể ngăn cản sự hiện diện ngoài khơi của quân đội Mỹ. Việc Tổng thống Clinton triển khai hai cụm tàu sân bay tới khu vực ngoài khơi Đài Loan gợi lại ám ảnh về chính sách ngoại giao pháo hạm mà các cường quốc phương Tây ở thế kỷ 19 từng áp dụng để gây sức ép đối với Trung Quốc.  

Sau đó vào năm 1999,  các quan chức của quân đội Trung Quốc đã theo dõi sát sao việc Mỹ triển khai một chiến dịch không kích kéo dài 78 ngày chống chính quyền Slobodan Milosevic từ các tàu sân bay và các căn cứ trên đất liền.

CCP nhận thấy rằng, ngay cả khi Trung Quốc thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân, nước này cũng cần phát triển năng lực chống can thiệp để ngăn Mỹ có thể lặp lại các hành động tương tự trong cuộc chiến vùng Vịnh và vùng Balkan ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.

PLA đã tạo ra khu vực có tranh chấp ở “những vùng biển gần của họ”, qua đó ngăn chặn Mỹ tiếp cận các vùng biển chung gần nhất với Trung Quốc. PLA hiện nay đã có thể đe dọa các tuyến cung ứng hậu cần của Mỹ cũng như việc sử dụng các căn cứ ở Nhật Bản. PLA đồng thời có thể cạnh tranh với Mỹ trong các lĩnh vực không gian và không gian mạng. Quân đội Trung Quốc đang tăng cường xây dựng lực lượng tên lửa dẫn đường chính xác, công nghệ chiến tranh dưới biển, năng lực phòng không tích hợp, năng lực chống thâm nhập không gian và không gian mạng, cùng lực lượng máy bay ném bom và chiến đấu cơ để đối chọi với lực lượng Mỹ và các nước đồng minh.

Đúc kết kinh nghiệm từ các cuộc chiến của Mỹ trong hai thập kỷ trước, chiến lược quân sự của PLA nhằm tạo ra một cái giá rất lớn cho lực lượng quân đội Mỹ nếu họ cố gắng triển khai sức mạnh trong chuỗi đảo thứ nhất hoặc ở Trung Quốc lục địa. Ví dụ, trong trường hợp nổ ra xung đột, các cụm tàu sân bay tác chiến, biểu tượng của sức mạnh Mỹ, có thể phải đối mặt với hàng loạt tên lửa hành trình siêu thanh, tên lửa đạn đạo chống tàu (được báo chí gọi là “sát thủ của hàng không mẫu hạm”), và hạm đội tàu ngầm điện diesel của Trung Quốc. Các máy bay ngày càng hiện đại của không quân PLA cho phép Trung Quốc mở rộng phạm vi không kích các căn cứ và nhóm tàu sân bay của Mỹ. Chiến lược này làm suy yếu các nền tảng của vị thế lãnh đạo mà Mỹ đang nắm giữ.

Các lực lượng “chống can thiệp” này của Trung Quốc cũng được triển khai trong chiến lược cưỡng ép ở khu vực. Nếu có hành động quân sự thì mục tiêu chính của CCP vẫn là Đài Loan. Khả năng tấn công chính xác từ hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền, trên không và trên biển kết hợp với một hệ thống C4ISR ngày càng tối tân, có thể gây tổn thất rất lớn cho Đài Loan tương tự như điều mà NATO từng gây ra cho lực lượng Serbia ở Kosovo. Trung Quốc, nước từng điêu đứng vì chính sách ngoại giao pháo hạm của các cường quốc phương Tây, thì nay lại đang sử dụng chiến lược này để chống lại các nước láng giềng.

Đánh giá Tương quan Lực lượng: Quyền Kiểm soát các Vùng Chung và Một Bá quyền Đang lên

Chiến lược quân sự hỗ trợ cho kế hoạch trở thành bá quyền khu vực của Trung Quốc đang được triển khai hiệu quả. PLA có thể thách thức quyền kiểm soát các vùng chung của Mỹ, và thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào căn cứ và hạm đội tàu chiến của Mỹ trong khu vực bằng tên lửa và máy bay không kích. Sau một cuộc tấn công phủ đầu, Trung Quốc vẫn có thể củng cố vành đai phòng thủ ở chuỗi đảo thứ nhất, chống lại các đợt phản công của Mỹ. Bên trong vành đai đó, Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh cưỡng ép đối với các nước láng giềng để đạt được các mục tiêu quân sự mong muốn, ví dụ như thống nhất Đài Loan hay chiếm giữ các thực thể trên biển đang có tranh chấp. Xét trên bình diện toàn cầu, quân đội Mỹ rõ ràng có sức mạnh lớn hơn. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự tổng thể nằm ngoài khuôn khổ các mục tiêu chính trị cụ thể thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Do Mỹ có lợi ích toàn cầu nên chiến lược quân sự của nước này ở Châu Á phụ thuộc vào quyền kiểm soát các vùng chung để triển khai lực lượng tới khu vực chiến sự bằng các tuyến đường dài trên không và trên biển. Trung Quốc nay đã gia tăng chi phí đối với chiến lược này của Mỹ.  

Vị thế Bá chủ bị Thách thức: Phản ứng của Mỹ

Thách thức của Trung Quốc đối với vị thế độc tôn của Mỹ ở Châu Á đã khiến nước này di chuyển thêm lực lượng tới Thái Bình Dương và củng cố các quan hệ đồng minh những năm đầu của thập kỷ qua. Năm 2011, Mỹ công bố tiếp tục thực thiện kế hoạch lâu dài này để củng cố vị thế quân sự ở Thái Bình Dương. Với những tuyên bố khá ồn ào, chính quyền Obama đã đặt tên cho chiến lược này “xoay trục” về Châu Á hay còn gọi là chiến lược tái cân bằng.

Xây dựng dựa trên nền tảng quan hệ đồng minh được nâng cấp với Nhật Bản từ thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, quan hệ an ninh ba bên Nhật Bản - Úc - Mỹ, quan hệ an ninh gần gũi hơn với Đài Loan, cùng việc tái phân bổ lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, chính quyền Obama đã đưa ra thêm nhiều sáng kiến hợp tác quân sự tăng cường. Mỹ lên kế hoạch triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ tới Úc và khuyến khích nước này tham gia vào hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Châu Á mà Mỹ đang triển khai cùng với Nhật Bản.

Mỹ sẽ triển khai bốn tàu chiến đấu ven biển tại Singapore trên cơ sở luân phiên. Ngoài ra, Mỹ và Philippines có thể mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này. Các mảnh ghép quan trọng đã được sắp xếp để tạo nên một mạng lưới đồng minh và đối tác chặt chẽ hơn trong khu vực, vốn là chìa khóa để tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ.

Không - Hải Chiến: Khái niệm Tác chiến để Bảo vệ Ngôi Vị Bá chủ?

Quân đội Mỹ bắt đầu tìm cách đối phó với chiến lược cưỡng ép và chống can thiệp của Trung Quốc. Bản Đánh giá Quốc phòng 4 năm 1 lần (Quadrennial Defense Review – QDR) vào tháng 2 năm 2010 đã đưa mục tiêu phá vỡ chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc trở thành một phần thiết yếu của chiến lược của Mỹ. Tháng 8 năm 2011, Tư lệnh Tác chiến của Hải quân Mỹ Đô đốc Jonathan Greenhert và Tham mưu Trưởng Không quân Tướng Norton đã thành lập văn phòng phụ trách về Không-Hải Chiến (Air-Sea Battle - ASB) tại Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ phát triển khái niệm ASB, vốn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Không quân và Hải quân để “vượt qua các thách thức đang nổi lên đe dọa khả năng tiếp cận như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm, chiến đấu cơ tiên tiến, công nghệ chiến tranh điện tử và thủy lôi.”

Ý tưởng căn bản đằng sau khái niệm ASB là tăng cường phối hợp hơn nữa giữa hải quân và không quân, cho phép quân đội Mỹ hoạt động trong các vùng biển tranh chấp của Trung Quốc, và giành lại quyền kiểm soát các vùng chung. Hạm đội trên mặt nước sẽ được trang bị các thiết bị đối phó tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Máy bay ném bom tàng hình của Mỹ có thể tiến hành các cuộc tấn công dẫn hướng chính xác nhằm vào các nút chỉ huy và kiểm soát và các căn cứ không quân. ASB cũng đòi hỏi phải phát triển năng lực ném bom tầm xa, củng cố vững chắc các căn cứ tiền tiêu trước các đợt tấn công của tên lửa, và tiếp tục đầu tư phát triển các loại tàu ngầm hạt nhân tấn công tiên tiến.

ASB là một công cụ thực hiện đại chiến lược bảo vệ ngôi vị bá chủ của Mỹ. Nếu được thực hiện, quân đội Mỹ có thể hoạt động trong các vùng biển tranh chấp, duy trì sức mạnh áp đảo trước các lực lượng Trung Quốc. Duy trì sự hiện diện quân sự trong thời bình cũng rất quan trọng bởi nó đóng vai trò như một sự răn đe mạnh mẽ. Càng nhiều trang thiết bị, phi công, binh lính, thủy thủ và lính thủy đánh bộ Mỹ được triển khai tới Châu Á, thì càng rủi ro hơn cho Trung Quốc nếu nước này quyết định tấn công các đồng minh và bạn bè của Mỹ.

Trong những tranh luận hiện nay về cách thức duy trì vị thế thống trị của Mỹ, người ta vẫn chưa đề cập về tương lai của lực lượng hạt nhân Mỹ. Một thực tế không mấy dễ chịu là sức mạnh răn đe, sự trấn an và các cuộc chiến đều cần một chiến lược hạt nhân đi kèm các lực lượng truyền thống. Trung Quốc cần phải được nhắc nhở rằng Mỹ đã cam kết bảo vệ hạt nhân các nước đồng minh; rằng các cuộc tấn công vào tàu sân bay sẽ giết hại hàng ngàn người Mỹ; và những gì Trung Quốc gọi là chuỗi đảo thứ hai - vành đai phòng ngự bên ngoài của Trung Quốc – bao gồm cả lãnh thổ của nước Mỹ.

Mỹ phải nhớ rằng chiến lược quân sự của nước này bao gồm cả việc tấn công các lực lượng trên bộ và Trung Quốc cũng là một cường quốc hạt nhân được trang bị các bệ phóng tên lửa di động và tàu ngầm hạt nhân với tên lửa đạn đạo có khả năng phản công hạt nhân. Do vậy, chiến lược giữ vững ngôi vị bá chủ của Mỹ đòi hỏi một vị thế vượt trội về hạt nhân – nâng cấp lực lượng hạt nhân của Mỹ phải phối hợp chặt chẽ với các nước đồng minh trong các vấn đề về hạt nhân. Bên cạnh những động thái như vậy, quan hệ quân sự Trung-Mỹ nên vượt ra ngoài khuôn khổ các tiểu tiết của việc “xây dựng lòng tin”, và đi sâu vào thảo luận các vấn đề kiểm soát leo thang và ổn định khủng hoảng.

Ngân sách để Giữ gìn Ngôi vị Bá chủ: Trở ngại đối với Chiến lược của Mỹ

Chính sách “tái cân bằng” Châu Á đòi hỏi nước Mỹ phải huy động một nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đang phải đối mặt với việc cắt giảm mạnh ngân sách. Điều này tạo nên một khoảng cách khó vượt qua giữa năng lực của quân đội Mỹ và các mục tiêu đề ra.

Cắt giảm ngân sách đến mức thu nhỏ lực lượng sẽ gây khó khăn cho hoạt động của Hải quân Mỹ, lâu nay luôn đóng vai trò chính trong việc triển khai sức mạnh để duy trì vị thế thống trị của Mỹ. Theo đánh giá của Ủy ban Quốc phòng trong QDR 2014, với mức cắt giảm ngân sách quốc phòng hiện nay, hải quân dự tính chỉ “có thể duy trì hoạt động của 260 tàu hoặc ít hơn”. Nếu so sánh lại, các đánh giá khác nhau trong nội bộ hải quân cho rằng một hạm đội hoạt động hiệu quả cần phải duy trì số lượng khoảng 323 - 346 tàu.

Đô đốc Greenert hiện đang cố gắng tái cơ cấu lực lượng hải quân Mỹ để phục vụ cho chiến lược “xoay trục”, nhưng việc cắt giảm ngân sách đã gây khó khăn cho nỗ lực của ông. Dù có kế hoạch tăng cường Hạm đội Thái Bình Dương từ 50 tàu lên 65 tàu vào năm 2019 nhưng Hải quân thừa nhận rằng kế hoạch này không khả thi trong bối cảnh cắt giảm ngân sách. Lực lượng hải quân chỉ còn duy nhất một lựa chọn khó khăn:hoặc là cắt giảm ngân sách của các lực lượng ở Châu Á, hoặc rút bớt số tàu từ các hạm đội khác để bổ sung cho lực lượng ở Thái Bình Dương. Đứng trước thực tế nước Nga đang sẵn sàng hành động, nguy cơ tổ chức ISIS nắm quyền kiểm soát Iraq, và việc Trung Quốc hành động quyết đoán ở các vùng biển Đông Á, thì không lựa chọn nào trên đây là phù hợp.

Trở ngại đối với Chiến lược Bá chủ Khu vực

CCP phải đối mặt với ba trở ngại chính trong tầm nhìn chiến lược của mình. Đầu tiên, Trung Quốc phải đối diện với sự bất ổn cố hữu của hệ thống kinh tế-chính trị. Chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu sẽ không còn phát huy hiệu quả nữa. Nhưng CCP lại chưa thực hiện được các cải cách toàn diện, có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế nước này sang một nền kinh tế  thúc đẩy bởi tiêu dùng. Thứ hai, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều vào các lợi ích kinh tế ở nước ngoài, và nước này đang muốn đảm bảo an ninh của các tuyến đường cung ứng trên biển. Nếu Mỹ chặn đứng thành công chiến lược cưỡng ép của Trung Quốc trong khu vực và nền kinh tế của nước này tiếp tục chậm lại, CCP sẽ hết sức khó khăn trong việc lựa chọn triển khai hình thức quân sự nào cho phù hợp. Thứ ba, CCP phải đối phó một loạt thách thức trong nước về tính chính danh của đảng, bao gồm sự bất ổn trong thể chế.

Tương lai Tăng trưởng của Trung Quốc và Các Lợi ích Biển của Nước này

Tốc độ tăng trưởng khoảng 7 đến  8% hàng năm hiện nay của Trung Quốc là không thể duy trì mãi được. Nền kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư trên quy mô lớn. Nhu cầu thế giới hiện nay lại đang chững lại, Trung Quốc đang mắc nợ khá nhiều và cạn dần vốn đầu tư. Bắc Kinh cần một mô hình tăng trưởng mới dựa vào tiêu dùng nhưng chưa thực hiện các cải cách tự do cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không tiến hành những cải cách cấp thiết này, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Báo cáo gần đây của IMF cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới xét trên sức mua tương đương. Nhưng để đánh giá cán cân quyền lực thì những con số này là vô ích. GDP là một bức tranh tổng thể của hoạt động sản xuất hàng năm, gồm cả những hoạt động gây lãng phí.

Một biện pháp tốt hơn để đánh giá quy mô nền kinh tế là so sánh tài sản. Ngân hàng Credit Suisse vừa công bố bảng so sánh mới nhất về tài sản cá nhân: Tài sản cá nhân của người Mỹ trị giá 83 nghìn tỷ USD trong khi con số này của Trung Quốc là 21 nghìn tỷ USD. Ngay cả khi tính đến đến nợ công, giá trị tài sản cá nhân của Mỹ vẫn lớn hơn Trung Quốc khoảng 40 nghìn tỷ. Rõ ràng giá trị tài sản này có thể chuyển hóa thành sức mạnh quốc gia.

Nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, đồng thời lại đứng sau Mỹ xét về của cải quốc gia, khi đó Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan thực sự trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế xa xôi của mình. Năm 2004, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa ra khái niệm “Các Nhiệm vụ Lịch sử Mới” cho PLA. Kể từ khi công bố chính sách này, nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc là bảo vệ các tuyến giao thương trên biển. Trung Quốc hiện là một quốc gia thương mại biển, các hoạt động xuất nhập khẩu - bao gồm nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng - phải đi qua các nút thắt quan trọng mà Trung Quốc không kiểm soát, bao gồm Eo biển Malacca. Trung Quốc đang phát triển đội tàu ngầm hạt nhân và triển khai chúng tới Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, để có thể triển khai sức mạnh tới những khu vực biển xa hơn, Trung Quốc sẽ phải đầu tư nhiều vào đội tàu mặt nước quy mô lớn, hệ thống C4ISR toàn cầu, các trung tâm hậu cần và trạm tiếp liệu dọc theo Ấn Độ Dương. Điều này có thể là quá tốn kém và rủi ro, bởi Trung Quốc tự biến mình thành mục tiêu của các mối đe dọa như chủ nghĩa khủng bố, nạn cướp biển và các quốc gia thù địch. Đồng thời kế hoạch này cũng rất khó để thực hiện về mặt ngoại giao, đặc biệt nếu như Ấn Độ phản đối. CCP đang gặp phải vấn đề thực sự đối với một trụ cột trong chiến lược của mình - tiếp tục tăng trưởng kinh tế và bảo vệ các lợi ích kinh tế.

Những Bất ổn trong Nội bộ Trung Quốc

CCP tiếp tục tập trung rất nhiều nguồn lực để duy trì ổn định nội bộ. Chính sách mạnh tay của Trung Quốc ở Tân Cương đã làm bùng phát hơn nữa làn sóng bạo lực chống lại Trung Quốc. Các cuộc tấn công gần đây bao gồm một vụ đánh bom vào siêu thị và một số vụ tấn công bằng dao. Giờ đây, Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang đến từ các phần tử thánh chiến trở về từ trại huấn luyện của ISIS.

Về vấn đề Tây Tạng, Trung Quốc vẫn rất nhạy cảm khi các quốc gia khác tiếp xúc với vị Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong, trong khi người Tây Tạng đang chống lại các chính sách chuyên chế của Trung Quốc. Một Đài Loan độc lập trên thực tế tiếp tục đi ngược lại nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc không giữ lời hứa trong thỏa thuận cho phép bầu cử tự do tại Hồng Kông vào năm 2017 đã châm ngòi các cuộc biểu tình quy mô lớn. Sự kiểm soát chuyên chế của CCP ngày càng gặp nhiều thách thức hơn. Bên cạnh đó, những chỉ trích của tầng lớp trung lưu về nạn tham nhũng ngày càng tăng của cải tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc.

Cán cân quyền lực sẽ nghiêng về bên nào?

Trung Quốc đã đạt những bước tiến lớn trong chiến lược cưỡng ép và chiến lược chống can thiệp khu vực. Nước này đang buộc Mỹ phải hành động để bảo vệ ngôi vị bá chủ của mình. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể hiện đầy đủ ý chí chính trị để tài trợ cho phản ứng đáp trả của mình.

Tuy nhiên, những thành công của Trung Quốc và phản ứng có phần chậm chạp của Mỹ không hẳn đã là toàn bộ câu chuyện. Đại chiến lược của CCP bao gồm việc phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế, vốn ngày càng phụ thuộc vào thương mại trên biển. Để trở thành một cường quốc biển thực sự tốn rất nhiều nguồn lực, trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh ngay sát cạnh đất nước. Cuối cùng, điểm yếu chủ chốt của Trung Quốc là tính chính danh khá mong manh của đảng lãnh đạo. CCP đang cai trị một chế độ ngày càng khó trị với tầng lớp nhân dân ngày một khát khao về một xã hội tự do và công bằng hơn. CCP đang phải tốn rất nhiều nguồn lực để duy trì quyềnkiểm soát  chuyên chính giữ vững an ninh nội địa của mình.

Mỹ có nhiều lợi thế về mặt cấu trúc hơn Trung Quốc khi sở hữu nhiều của cải và một hệ thống các đối tác và đồng minh. Nhưng liệu tổng thống Obama có thể dẫn dắt một liên minh hai đảng ở trong nước để sẵn sàng chuyển hóa các lợi thế quốc gia thành một chiến lược được tài trợ mạnh mẽ nhằm duy trì vị thế bá chủ của Mỹ? Trung Quốc chắn chắn sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với một nước Mỹ nhìn nhận nghiêm túc về vị thế bá chủ ở Châu Á. Quả thực, nếu có thể gây dựng nên một cán cân quyền lực có lợi cho mình, Washington sẽ bắt đầu nhìn thấy một số dấu hiệu mong muốn hợp tác từ Bắc Kinh./.

[1] Bài viết trên tham khảo từ Command of the Commons: The Military Foundation of U.S. Primacy” (International Security, Mùa hè 2003) của Barry Posen và “The U.S. Response to China’s Military Modernization,” của Dan Blumenthal, được đăng trên Strategic Asia 2012-2013. Bài viết đăng lần đầu tiên trên “National Interest” (ngày 10/11).

Dan Blumenthal Giám đốc Phụ trách Nghiên cứu Châu Á and thành viên của Viện Doanh Nghiệp Mỹ

Eddie Linczer là Trợ lý Nghiên cứu về Châu Á thuộc Viện Doanh Nghiệp Mỹ

Người dịch: Mỹ Anh

Hiệu đính: Kim Minh