Mối quan hệ này thường đi theo một chu kỳ của sự gần gũi và xa lánh, nhưng cuối cùng hai bên vẫn không thể "ly dị" được nhau. Hầu hết các chuyên gia phương Tây thường gọi chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên là một thất bại. Nếu điều này là đúng thì Trung Quốc đã gặp nhiều chứ không phải chỉ là một thất bại. Xem lại lịch sử Trung-Triều, có thể thấy một loạt giai đoạn thăng trầm gây tò mò trong mối quan hệ hai nước, diễn ra theo một cách đầy kịch tính khiến người ngoài đi đến kết luận rằng "cặp đôi" này đang đứng trên bờ vực của việc "ly dị". 

Trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Nhật Thành chưa bao giờ đặt chân lên đất Trung Quốc trong giai đoạn 1964-1970. Tuy nhiên, việc này không đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa hai nước, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn "nắm tay nhau" đi qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Sau thời kỳ trên, ông Kim Nhật Thành đột tử năm 1994 và con trai của ông là Kim Jong-il lên nắm quyền. Mặc dù cả hai nước đều cùng thuộc khối xã hội chủ nghĩa nhưng Trung Quốc vẫn tỏ vẻ không bằng lòng với việc chuyển giao quyền lực theo kiểu "cha truyền con nối" ở Triều Tiên, cho rằng việc này đi ngược lại giáo lý xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ông Kim Jong-il vẫn phớt lờ thái độ này. Trong sáu năm tiếp theo, giữa hai nước không hề có bất kỳ cuộc tiếp xúc cấp cao nhất nào, dù là thông qua các kênh của đảng, chính phủ hay quân đội. Trong giai đoạn đó, Triều Tiên đã phải chứng kiến nạn đói cướp đi sinh mạng của khoảng 3 triệu người nhưng Trung Quốc vẫn chỉ đứng nhìn mà không ra tay cứu giúp. 

Cuối cùng thì tháng 5/2000, ông Kim Jong-il cũng có chuyến thăm kéo dài ba ngày tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Giang Trạch Dân. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi ông Kim Jong-il trở thành nhà lãnh đạo cao nhất Triều Tiên với chức danh chính thức là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ngay trong năm tiếp theo, ông sang thăm Trung Quốc thêm lần nữa. Sau đó, cứ từ hai đến ba năm, ông lại sang thăm Trung Quốc một lần. Trong chưa đầy hai năm, từ 2010-2011, nhà lãnh đạo này của Triều Tiên đã thăm Trung Quốc tới bốn lần trước khi qua đời vào ngày 17/12/2011. 

Có thể nhận định rằng việc ông Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo hiện nay của Triều Tiên Kim Jong-un không hề có cuộc gặp nào trong suốt 4 năm qua cũng không phải là quá bất thường như nhiều người vẫn nghĩ. 

Mối quan hệ Trung-Triều đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng như việc Trung Quốc vào năm 1992 quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và việc ông Hwang Jang-yop, một người rất gần gũi với ông Kim Jong-il, vào năm 1997 đào tẩu sang Hàn Quốc qua đường Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không trao trả ông này về Triều Tiên như Bình Nhưỡng yêu cầu mà lại đưa ông sang Hàn Quốc. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào năm 2013 nhanh chóng thanh trừng ông Jang Song-thaek, một nhân vật được coi là ủng hộ Trung Quốc, mà không có dấu hiệu nào cho thấy ông Jang chuẩn bị đảo chính đã gây sốc cho giới lãnh đạo Trung Quốc, nhưng cũng không thể coi đây là dấu chấm hết cho mối quan hệ Trung-Triều. Trước đây, trong con mắt của Trung Quốc, ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo không tên tuổi, chưa được thử thách và còn thiếu kinh nghiệm nhưng với việc thanh trừng nhanh chóng và mạnh mẽ, ông đã chứng tỏ khí phách của mình. Qua việc này, Trung Quốc cảm thấy việc quan hệ trực tiếp với nhà lãnh đạo này của Triều Tiên còn dễ dàng hơn là phải thông qua người trung gian như ông Jang Song-thaek. 

Đối với những người ngoài, cách mà "cặp đôi kỳ quặc" Trung-Triều giải quyết mối quan hệ là một điều bí ẩn. Họ thường cho rằng hơn bao giờ hết, Trung Quốc phải nhận ra rằng nếu Triều Tiên thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân và Bắc Kinh không gây sức ép với Bình Nhưỡng thì việc này sẽ gây ra những hậu quả ngày càng tệ hại cho chính những lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không quan niệm như vậy. Mặc dù Trung Quốc vẫn cho rằng các hành động khiêu khích của Triều Tiên là gây bất ổn nhưng họ coi nguy cơ Triều Tiên sụp đổ là một mối đe dọa còn lớn hơn nữa. Ngoài ra, khi nhìn vào phản ứng của Trung Quốc đối với việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, người ta có thể thấy Trung Quốc cho rằng Mỹ và các đồng minh đang tạo ra một nguy cơ còn lớn hơn so với Triều Tiên đối với lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc không tin Mỹ vẫn là trở ngại chính đối với sự hợp tác Trung-Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Cho dù Triều Tiên có gây khó chịu thế nào đi nữa thì xét về mặt địa chiến lược, Trung Quốc cũng khó mà chấp nhận việc đẩy Triều Tiên vào thế đối đầu. Thật sai lầm khi gọi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là "kiên trì chiến lược". Về mặt kỹ thuật, Mỹ đang tỏ ra kiên trì với Trung Quốc chứ không phải là với Triều Tiên. Chiến lược của Washington là đợi xem Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên tới mức nào.

Tiến sỹ Lee Seong-hyon nhà nghiên cứu tại Viện Sejong. Bài viết được đăng trên The Korea Times.

Trần Quang (gt)