rtx3bjnt.jpg

Nghiên cứu lịch sử quan hệ Malaysia-Trung Quốc cho thấy, cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc dưới thời ông Najib không chỉ phản ánh khuynh hướng của nhà lãnh đạo này mà còn phản ánh cách tiếp cận trong dài hạn của Malaysia nhằm xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Trên thực tế, Malaysia là quốc gia đầu tiên trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1974, dưới thời cha của ông Najib là Thủ tướng Tun Razak.

Kể từ đó, các nhà lãnh đạo Malaysia đã luôn phải tìm cách cân bằng giữa việc đón nhận những cơ hội có được từ quan hệ với Trung Quốc - nhằm thúc đẩy nền kinh tế cũng như đảm bảo tính hợp pháp cho chế độ - với việc xử lý các thách thức đi kèm với chính những cơ hội này, chẳng hạn như nguy cơ (Trung Quốc) can thiệp vào công việc nội bộ và đe dọa lợi ích an ninh của Malaysia, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trong số các nhà lãnh đạo này không chỉ có ông Najib mà còn có cả Mahathir Mohammad, người đã lãnh đạo Malaysia trong hơn hai thập kỷ và cũng vừa thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Najib đã mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, song song với việc củng cố quan hệ với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, để cân bằng với Bắc Kinh. Lý do của sự thay đổi này dưới thời ông Najib, bên cạnh việc nhằm cứu vãn sự nghiệp chính trị của ông ta trước những cáo buộc đối với bê bối tài chính 1MDB, còn có những yếu tố khác lớn hơn như sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, sự suy yếu của Liên minh cầm quyền Mặt trận dân tộc (BN) do những lý do từ trước thời ông Najib.

Điều mà dư luận quan tâm là quan hệ Malaysia-Trung Quốc trong những năm sắp tới dưới sự lãnh đạo của một chính phủ đối lập sẽ ra sao. Dù gì đi chăng nữa, Malaysia cũng vừa trải qua tiến trình thay đổi chế độ thật sự đầu tiên trong lịch sử, chưa ai có thể hình dung một cách chính xác về chính phủ mới hay về những động lực chính trị hậu bầu cử.

Hiện Malaysia đang đối mặt với hàng loạt vấn đề đối nội mà chính phủ cần phải ưu tiên giải quyết, từ vấn đề ngân sách cho tới điều tra các thể chế tham nhũng. Bên cạnh đó, ngoài Trung Quốc, Malaysia cũng còn nhiều mối quan hệ đối ngoại khác cần phải xử lý, trong đó có quan hệ với những quốc gia láng giềng như Singapore và Indonesia vốn rất quan trọng đối với Kuala Lumpur. Tuy nhiên, quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc trong thời gian tới về cơ bản sẽ có những đặc điểm như sau.

Thứ nhất, sự thay đổi lãnh đạo không làm thay đổi cấu trúc thực tế mà Malaysia phải đối mặt hoặc cách xác định lợi ích quốc gia của Kuala Lumpur. Cách tiếp cận an toàn của Malaysia trong quan hệ với Trung Quốc đã kéo dài hàng thập kỷ bắt nguồn từ các yếu tố như địa chính trị, lịch sử, sự cân bằng quyền lực và ở góc độ nào đó là cấu trúc dân tộc, bởi vậy, tất cả những yếu tố này sẽ “trói buộc” các ý định muốn thay đổi của bất kỳ chính phủ mới nào. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Malaysia, là một quốc gia hùng mạnh, có ảnh hưởng lớn và có những nguyên tắc riêng. Đây đều là những điểm mà mọi chính phủ của Malaysia cũng đều phải cân nhắc.

Thứ hai, có khả năng chính phủ mới sẽ điều chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc. Điều rõ ràng nhất là ông Mahathir sẽ loại bỏ được các yếu tố cá nhân cũng như các thách thức về mặt pháp lý, vốn bị xem là điểm yếu của cựu Thủ tướng Najib trong quan hệ với Trung Quốc.

Nếu điều này thực sự xảy ra thì lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia, vì đây là lĩnh vực vấp phải sự phản đối của phần đông dư luận Malaysia và cũng là một trong những nội dung cam kết tranh cử của phe đối lập. Dù vậy, những thay đổi này còn phụ thuộc vào các yếu tố như vị thế của Chính phủ Malaysia trong đàm phán, cũng như điều kiện của từng dự án cụ thể để Kuala Lumpur có thể lựa chọn giữa lại các điều khoản thuận lợi, tái đàm phán hoặc thậm chí là hủy bỏ toàn bộ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc có thể nằm ở cách thức chính phủ mới xử lý những khúc mắc trong quan hệ song phương, nhất là ở những thời điểm khủng hoảng. Mặc dù điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, từ mức độ đầu tư cho năng lực phòng vệ của Malaysia (trước các sức ép) cho tới quyết tâm của các nhà lãnh đạo và giới chóp bu, song trong trường hợp chủ quyền hay công việc nội bộ của Malaysia bị xâm phạm, dư luận có thể sẽ có những phản ứng vô cùng dữ dội và trở thành phép thử đối với khả năng bảo vệ các lợi ích quốc gia của chính phủ mới.

Thứ ba, nhiều yếu tố bên ngoài khác có thể có tác động lớn đối với quan hệ Malaysia-Trung Quốc. Một trong số đó là cách hành xử của Trung Quốc, nhất là kể từ khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán và hung hăng, tỏ ý sẵn sàng điều chỉnh lại mối quan hệ của mình với các nước Đông Nam Á để vừa lôi kéo vừa gây sức ép khi gặp rào cản. Quan hệ Malaysia-Trung Quốc không tách rời các mối quan hệ khác, vai trò của các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản, các cường quốc khu vực khác như Úc sẽ có ảnh hưởng lớn đến mức độ linh động của cách tiếp cận an toàn của Malaysia.

Hiện vẫn đang là những ngày đầu tiên sau sự thay đổi lịch sử của Malaysia. Các nội dung chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ mới sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới.

Theo “The Diplomat

Hương Trà (gt)