Jacob Heibrunn: Ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận của Trung Quốc và Mỹ với Triều Tiên? 

Maurice R. Greenberg: Khi đề cập đến Triều Tiên, không có một sự thay đổi hữu hình nào mà các bạn có thể thấy – rõ ràng là có nhiều lời bàn tán về tình hình này. Khi tôi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi đã trực tiếp hỏi ông về Triều Tiên, và ông đã nói rằng họ đang làm việc về vấn đề này – ông không hề nói cụ thể. Đó phải là một ưu tiên lớn đối với chúng ta: Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu chúng ta không thấy được sự tiến bộ thì sớm muộn gì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ muốn trở thành các cường quốc hạt nhân. Điều đó không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Mọi người đều hiểu điều đó, vì thế câu hỏi hiển nhiên là: phải thực hiện điều gì? 

Tôi không lo ngại về những quả tên lửa, mà là về nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các bạn sẽ thay đổi hoặc từ bỏ ông này như thế nào? Điều đó phải được thực hiện bằng cách này hay cách khác. Tôi có thể dự đoán, nhưng không có bất cứ điều gì tốt đẹp. Tất cả các nước có liên quan cũng hiểu điều tôi đang suy nghĩ – họ cũng đang suy nghĩ điều tương tự. Nó phải được giải quyết và sẽ được giải quyết sớm thì tốt hơn là muộn. 

Nếu châu Âu, Pháp và Mỹ hành động kịp thời và ngăn chặn Hitler trước khi ông ta thực sự bắt đầu, thì đã có thể tránh được Chiến tranh thế giới thứ hai và cứu sống được hàng triệu người. Không hành động gì không phải là một chiến lược lớn. 

Jacob Heibrunn: Ông có nghĩ Nga sẽ đóng một vai trò trong giải pháp này? 

Maurice R. Greenberg: Hiện nay họ đang đóng một vai trò bằng việc tiến hành thương mại với Triều Tiên. Tổng thống Trump đã ám chỉ việc này. Làm sao các bạn có thể cắt đứt tất cả thương mại? Trung Quốc vẫn tiến hành hoạt động thương mại với Triều Tiên. Tôi không biết liệu có một giải phép dễ dàng nào không. Vẫn chưa rõ Tổng thống Trump có thể gây ảnh hưởng đối với Tổng thống Vladimir Putin như thế nào. Họ đã nói chuyện ở Việt Nam và đã có các cuộc thảo luận về các chủ đề khác nhau – bao gồm Syria, các cáo buộc về sự can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta. 

Jacob Heibrunn: Tổng thống Trump nên làm gì tiếp theo đối với Trung Quốc – những động thái nào sẽ có lợi cho các lợi ích của Mỹ? 

Maurice R. Greenberg: Việc không có một cuộc gặp gỡ, như Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có, xét từ mọi khía cạnh bề ngoài là điều khá tốt, nhưng sau đó, Tổng thống Trump rời Trung Quốc và bắt đầu nói về điều gì đó khác hẳn. Các bạn phải nhất quán với những gì mình đang làm. Tôi đã ở Trung Quốc vào khoảng thời gian khi Tổng thống Trump đến đó. Tôi ở trong ban cố vấn của Đại học Thanh Hoa, một trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc. Sau cuộc họp của ban cố vấn, tôi đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump đã có một chuyến thăm và mối quan hệ tốt đẹp hơn nhiều với Chủ tịch Tập Cận Bình so với nhiều người nhận ra hay thừa nhận. Nhiều điều Trung Quốc đã nhượng bộ hoặc đang được đàm phán vài lần trước đó, tuy nhiên đã có tiến triển nhất định. Trung Quốc quả thực đã đồng ý rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài mà hiện có thể chiếm tới 50% hoạt động bảo hiểm nhân thọ ở Trung Quốc, sẽ rất sớm đạt được 51%, và trong 5 năm tới có thể đạt 100%. 

Việc điều đó có áp dụng với các công ty khác ngoài các công ty bảo hiểm nhân thọ hay không vẫn có phần chưa rõ ràng. Dự đoán của tôi là thị trường bảo hiểm sẽ mở cửa trong một giai đoạn hợp lí. Đó là việc tốt. Trung Quốc có nhiều ngân hàng và các cơ quan tài chính hơn trước đây, và điều đó là tốt. Theo quan điểm về sự tiến bộ trong mọi việc đang làm nhiều doanh nghiệp Mỹ khó chịu, có một số tiến bộ, nhưng chúng ta cần tiếp tục đàm phán và tiến lên phía trước. 

Jacob Heibrunn: Một chủ đề đã dần phai nhạt là vấn đề quyền kiểm soát Biển Đông. 

Maurice R. Greenberg:  Có bao nhiêu phần là lỗi của Trung Quốc và bao nhiêu phần là lỗi của chúng ta? Tổng thống Obama đã không làm gì về vấn đề này. Ông đã rời bỏ vũ đài quốc tế. Và khoảng trống được lấp đầy ngay tức khắc. Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống ở châu Á, và Nga lấp đầy chỗ trống ở Trung Đông. Đó là một thực tế. Giờ các bạn muốn lấy lại nó? Chúc may mắn. Ngày càng khó để làm vậy. 

Jacob Heibrunn:  Vậy thì cuối cùng, ông có nghĩ rằng Obama là kẻ tội đồ hay không? 

Maurice R. Greenberg:  Tôi nghĩ rằng ông ấy đã rời bỏ vũ đài quốc tế. Các bạn có thể gọi hành động đó là bất cứ thứ gì các bạn muốn, xác định nó theo cách mà các bạn muốn, nhưng thực tế của vấn đề này là ông ấy đã làm vậy. Khi Trung Quốc trước tiên bắt đầu xây dựng các tảng đá nhỏ thành các đảo, và tảng lờ quyết định của Tòa Trọng tài về Philippines, chúng ta đã làm gì? Chúng ta chẳng làm gì cả. 

Jacob Heibrunn:  Ông nghĩ gì về việc 11 quốc gia châu Á tán thành thương mại kinh tế, còn Mỹ thì đứng bên lề? 

Maurice R. Greenberg:  Tôi nghĩ rằng điều đó không đúng. Tôi suy nghĩ về những gì Tổng thống Trump làm và nói về “Nước Mỹ trước tiên” – tại sao lại nói về điều này theo cách đó? Tôi hoàn toàn không nghĩ là nó giúp ích cho mối quan hệ này khi nói “Nước Mỹ trước tiên”. Hoàn toàn ngược lại. Nó gây phản tác dụng. Các bạn có thể tin vào điều đó, nhưng tại sao lại nói về nó theo cách đó? 

Jacob Heibrunn:  Với tất cả những câu chuyện về “Nước Mỹ trước tiên”, liệu thương mại tự do có đang gặp nguy hiểm? 

Maurice R. Greenberg:  Tôi cho là không với phần còn lại của thế giới. 

Jacob Heibrunn:  Nhưng còn Mỹ thì sao? Hiện nay, chúng ta có nhiều xung đột với Mexico và Canada về NAFTA. Tổng thống Trump đe dọa từ bỏ thỏa thuận thương mại này. 

Maurice R. Greenberg:  Tôi có tham gia rất nhiều đến NAFTA trong thời Chính quyền George H.W.Bush. Carla Hills là đại diện thương mại của Mỹ và là nhà đàm phán NAFTA chính khi đó. Tôi ở trong ủy ban của bà và chúng tôi đã cùng nhau làm việc chăm chỉ để đạt được một thỏa thuận thỏa đáng với Mexico và Canada. 

Điểm mấu chốt trong vấn đề này là đây: các bạn không thể có được nó chỉ theo một chiều. Phải có một sự cân bằng. Mọi thứ đang thay đổi và các thỏa thuận thương phải phải được xem xét lại định kỳ để đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta đang nhận được những kết quả theo dự định, và để kiểm tra xem liệu một sự thay đổi đã xảy ra có đòi hỏi cần có sự điều chỉnh nào đó hay không – điều đó luôn phải là như vậy, vì thế tôi không chê trách điều đó. Nhưng quan điểm mà bạn có, cách các bạn nói về việc đó như thế nào và bắt đầu thực hiện nó ra sao là rất quan trọng. Lợi ích tương hỗ, chứ không phải là một sự cố gắng vô ích nhằm đạt được những sự nhượng bộ đơn phương và bỏ túi các thành quả, là chìa khóa. 

Jacob Heibrunn:  Vậy thì có phải chúng ta đang nhường chỗ Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu hay không? 

Maurice R. Greenberg:  Tôi nghĩ rằng chúng ta đang nhường lại phần lớn. Việc lộ diện là điều rất quan trọng. 

Jacob Heibrunn:  Có một bài báo của cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice trên tờ New York Times nói rằng Trump đang vô tình làm cho Trung Quốc trở nên vĩ đại một lần nữa. 

Maurice R. Greenberg:  Điều đó đúng là như vậy. Và các bạn biết đấy, Đại hội Đảng đã làm được nhiều điều cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông hiện là nhà lãnh đạo tuyệt đối, ở địa vị gần như của Mao Trạch Đông. Ông đã có nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2, nhưng không một ai trong Ban thường vụ gồm 7 thành viên sẵn sàng được đưa lên làm chủ tịch – họ sẽ về hưu do giới hạn tuổi tác. Vì thế, điều có khả năng xảy ra là Chủ tịch Tập Cận Bình, nếu tôi phải đánh cược, với điều kiện ông giữ được sức khỏe tốt, thì ông sẽ làm Chủ tịch thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. 

Jacob Heibrunn: Còn dự đoán về Nga thì sao? Có Putin, và rồi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? 

Maurice R. Greenberg:  Có lẽ Putin sẽ tại vị cho tới khi chết. 

Jacob Heibrunn: Nga cuối cùng sẽ đi tiếp con đường này như thế nào? 

 Maurice R. Greenberg:  Trung Quốc cũng đang xem xét điều đó, xem xem điều gì đã xảy ra đối với Nga – hoặc Liên Xô sau năm 1989 khi nó kết thúc bằng sự sụp đổ - và họ không muốn tạo ra một sai lầm tương tự trong việc thúc đẩy các chính sách dẫn đến sự tan rã nội bộ. Vì thế theo nghĩa này, từ quan điểm của Trung Quốc, Nga là một ví dụ cho thấy điều không được làm. 

Jacob Heibrunn: Những căng thẳng đang gia tăng ở một khu vực khác: Trung Đông. Ông nhìn nhận như thế nào về tương lai khu vực này? 

Maurice R. Greenberg:  Nếu Liban bại trận, thì Iran là người chiến thắng. Nếu Saudi Arabia sau đó trở nên gặp nguy, chúng ta sẽ có thể ở đó để giúp đỡ họ. Nga đứng về phía Iran; chúng ta phải vô hiệu hóa người Iran. 

Jacob Heibrunn: Ông có dự đoán một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông không? 

Maurice R. Greenberg:  Điều đó có thể xảy ra – và chúng ta sẽ dính líu đến. 

Jacob Heibrunn: Khả năng Trump đạt được một kiểu thích nghi với Moskva là như thế nào? 

Maurice R. Greenberg: Tôi phải nói điều này: một thế giới nơi Mỹ và Trung Quốc là đồng minh thì an toàn hơn rất nhiều so với việc nếu Trung Quốc và Nga là đồng minh. Đó sẽ là một mối quan ngại. Vì thế, chúng ta phải ngăn không cho điều đó xảy ra. Chúng ta phải nỗ lực và vô hiệu hóa Nga, không nhượng bộ trước họ, nhưng mặt khác, không đối xử với họ như thể họ là một nước hạng ba. 

Jacob Heibrunn:  Vậy ông ưa thích kiểu chính sách đối ngoại châu Á trước tiên: tham gia với Trung Quốc nhiều nhất có thể để thúc đẩy sự ổn định của thế giới không? 

Maurice R. Greenberg: Đúng vậy, nhưng đồng thời chúng ta phải có một mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Trung Quốc sẽ chống lại việc làm đó. 

Jacob Heibrunn: Ông có nghĩ rằng trên thực tế Ấn Độ có thể làm tốt hơn Trung Quốc trong những thập kỷ tới không? Cũng có nhiều dự đoán về điều đó. 

Maurice R. Greenberg: Việc đó sẽ mất hơn 1 thập kỷ. Họ có một số vấn đề thực sự nghiêm trọng. Ngay cả hãng Apple cũng đang gặp rắc rối ở Ấn Độ; trang mua sắm Amazon muốn giao dịch ở đó; có một số người giỏi, nhưng hãy nhìn vào người dân, và có bao nhiêu người thành công, bao nhiêu người thì không. Họ còn một quãng đường dài phải đi. Môi trường đang trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn; giáo dục đang tụt hậu. 

Jacob Heibrunn: Vậy thì ông sẽ đặt cược vào Trung Quốc như vẫn vậy? 

Maurice R. Greenberg: Hoàn toàn đúng. Sự thay đổi ở Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Ngay cả trong công nghệ, cách mọi việc đang diễn ra, họ sẽ là quốc gia đầu tiên có nhiều ô tô điện. 

Jacob Heibrunn: Khi ông nhìn vào địa vị của Mỹ hiện nay, nơi hệ thống chính trị, ngay cả với đa số đảng viên đảng Cộng hòa, về cơ bản đã dần dần ngừng lại, ông có cảm thấy ít lạc quan hơn về tương lai của Mỹ hay không hoặc ông có nghĩ rằng chúng ta sẽ xuất hiện tốt đẹp trở lại từ tình trạng này hay không?

Maurice R. Greenberg:  Trong suốt lịch sử, có các cường quốc mới nổi và các cường quốc suy yếu. Chúng ta đã có đế chế Hy Lạp, Đế chế La Mã, Đế quốc Pháp và Đế quốc Anh; điều gì đã xảy ra? Họ đạt tới một điểm nhất định, và dân số của họ thay đổi, sự pha trộn dân số, sự phát triển dân số - một nước thống nhất trở nên chia rẽ và trở thành một cường quốc suy yếu. Điều gì đang xảy ra ở đây? Trong cuộc đời của tôi, tôi chưa bao giờ thấy đất nước này chia rẽ đến vậy. Hai đất nước hoàn toàn khác. Chúng ta đang suy yếu cho tới khi chúng ta rẽ sang một hướng khác. 

Và Trung Quốc – trong mọi thứ tôi đã thấy và đọc được, tôi chưa bao giờ thấy một quốc gia phát triển nhanh chóng đến vậy. Một nước với dân số 1,4 tỷ người có lịch sử hàng trăm năm, và trong hàng trăm năm không có biến cố – hãy nhìn xem điều gì đang xảy ra, trong một thời gian tương đối ngắn. Kể từ lần đầu tôi đến Trung Quốc, nước này ngày nay giống như một nước khác. Đó là một thực tế. 

Jacob Heibrunn: Ông có đánh giá gì về việc Trump làm tổng thống? 

Maurice R. Greenberg:  Ông ấy khác với bất cứ vị tổng thống nào mà chúng ta từng có. Cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông – tôi có thể hiểu ông muốn đạt được những gì. Tôi không tán thành với cách ông đang thực hiện để đạt được chúng. Rõ ràng là các bạn không thể tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới. Các bạn phải tìm cách là gây ảnh hưởng lên phần còn lại của thế giới chứ không phải đe dọa nó. Các bạn phải cho và nhận; không thể chỉ nhận hoặc chỉ cho đi. Chính sách đối ngoại có nhiều điều hơn gấp nhiều lần so với chỉ là một thỏa thuận thương mại. Các bạn phải có bạn bè trên thế giới mà các bạn sẽ cùng làm mọi việc chứ không phải chỉ có thương mại. 

Jacob Heibrunn: Giờ đây hãy xem xét Trump và giọng điệu “Nước Mỹ trước tiên”, có phải chúng ta đã tiến tới hồi kết của kỷ nguyên chủ nghĩa quốc tế của đảng Cộng hòa mà họ vốn tượng trưng cho nó và hiện đang chuyển sang một giai đoạn mới và khác biệt không? 

Maurice R. Greenberg:   Tôi hy vọng rằng chúng ta không như vậy. Tôi nghĩ rằng có tàn tích của chủ nghĩa quốc tế đó – còn hơn cả một tàn tích. Tôi không nghĩ rằng nó đã kết thúc mãi mãi. Tôi không tin điều đó. 

Jacob Heibrunn: Điều làm nhiều người ngạc nhiên là các đảng viên đảng Cộng hòa đang có nhiều rắc rối do họ kiểm soát cả 3 cơ quan chính phủ. 

Maurice R. Greenberg:   Đúng là họ đang gặp rắc rối. Tôi quan ngại rằng họ sẽ mất Hạ viện và có thể là cả Thượng viện. Các bạn có muốn thay đổi Obamacare không? Tốt thôi, nhưng các bạn không thể bỏ đi tất cả. Các bạn đơn giản là không thể làm vậy. Có rất nhiều việc phải làm trong vấn đề y tế. Tôi đã làm việc trong ban giám đốc bệnh viện New York-Presbyterian trong nhiều năm. Tôi làm chủ tịch ở đó trong thời gian dài. Tôi hiểu phải làm gì. Một khi một người bị chẩn đoán mắc bệnh ở một bệnh viện và được đề nghị chữa trị, hãy cho họ ra khỏi bệnh viện. Có tất cả các kiểu cơ sở y tế quy mô nhỏ các bạn có thể sử dụng với mức chi phí ít ỏi. Cũng như giảm áp lực cho các phòng cấp cứu. Đó là một cách điên rồ. 

Jacob Heibrunn: Điều thú vị là: chúng ta dành nhiều tâm sức nhất song kết quả không tốt. Tất cả dường như đã bị vướng vào những tranh chấp về ý thức hệ. 

Maurice R. Greenberg:   Đúng thế, và mỗi nước đều có các vấn đề khác nhau. 

Jacob Heibrunn: Vậy thì trên nấc thang đo mức độ lạc quan, từ 1 đến 10, thì ông ở bậc mấy? 

Maurice R. Greenberg: Tôi không mất niềm tin vào Mỹ. Tôi muốn nói là chúng ta có quyền lên tiếng và điều đó là quan trọng. Một số người trong chính phủ sẽ lắng nghe. Hy vọng là sẽ còn lắng nghe nhiều hơn nữa. Tôi không mất lòng tin vào đất nước của chúng ta. 

Jacob Heibrunn:  Chúng ta đã lùi lại, đứng ngoài mọi cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã trải qua, nhưng chúng ta lại đang ở trong một cuộc khủng hoảng phải không? 

Maurice R. Greenberg: Đúng vậy. 

Jacob Heibrunn:  Ở chừng mực nào đó, nó dường như giống một cuộc khủng hoảng giả. Bởi vì chúng ta không đang ở trong một cuộc đại suy thoái. Chúng ta không sa lầy vào một cuộc chiến tranh thảm họa ở nước ngoài. 

Maurice R. Greenberg: Không, nhưng chất lượng cuộc sống đối với nhiều người không được cải thiện nhiều, và đó là điều quan trọng. Tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, công việc tốt hơn là điều quan trọng. Chúng ta đang sống trong một thời đại nơi máy móc đang làm những công việc của con người. Chúng ta phải thay đổi hệ thống giáo dục của chúng ta. Trung Quốc đang tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn chúng ta trong lĩnh vực công nghệ cao. 

Jacob Heibrunn:  Vậy thì xin lỗi, nếu tôi hiểu ý ông một cách đích xác, thì người Trung Quốc nhanh nhẹn và linh hoạt hơn chúng ta và đang thích nghi nhanh hơn với các thực trạng toàn cầu mới. 
Maurice R. Greenberg: Hiện nay thì họ đang như vậy – hoàn toàn đúng. 

Jacob Heibrunn: Và nếu chúng ta không phản ứng, thì đó sẽ là một bản án tử hình đối với Mỹ với tư cách là cường quốc lãnh đạo thế giới? 

Maurice R. Greenberg: Không còn nghi ngờ gì, đó là nước cờ cuối. Tôi không nói rằng chúng ta phải chống lại Trung Quốc; những gì tôi đang nói là chúng ta phải tự nhìn lại xem chúng ta đang làm gì, chúng ta đang không làm gì và chúng ta có khả năng làm được gì. Trung Quốc đang học được rất nhiều từ chúng ta, và họ muốn áp dụng vào nhiều lĩnh vực đang mở cửa. Họ học rất nhanh. Tôi không phủ nhận họ có quyền làm việc đó – chúng ta muốn có quyền tương tự dù là trong lĩnh vực nào. Và chúng ta phải bắt đầu đoàn kết, chứ không phải bất đồng.

Theo National Interest

Trần Quang (gt)