Thời kỳ chuyển tiếp về chính trị của Myanmar đã làm nảy sinh những cuộc bàn luận và tranh cãi trong giới hoạch định chính sách và các cộng đồng chiến lược trên khắp thế giới. Lợi ích phụ về kinh tế và chiến lược của những thay đổi về chính trị đã tạo được sự chú ý và quan tâm lớn, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Vào năm 2011, trước khi “mở cửa”, Myanmar không những bị coi là đoạn tuyệt với sự can dự quốc tế, mà nước này còn thường được xem là một nước chư hầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử các quan hệ Trung Quốc-Myanmar tiết lộ rằng thời đại “Pauk-Phaw” (anh em) trên thực tế đã gặp khá nhiều sóng gió. Dưới thời Tổng thống U Nu (1948-1962), quan hệ song phương đã được miêu tả là “thận trọng nhưng thân thiện”. Sự thận trọng lúc đầu của Myanmar đối với người láng giềng lớn hơn nhiều của nước này là kết quả của một cuộc tấn công bất ngờ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 1952. Cuộc đột kích nhằm chặn đứng các lực lượng Quốc dân đảng cố gắng tấn công Trung Quốc từ bang Shan ở phía Bắc Myanmar. Tuy nhiên, vào năm 1954, thời kỳ “Pauk-Phaw” đã bắt đầu, dựa trên những nguyên lý về sự chung sống hòa bình.

Vào những năm 1960, các mối quan hệ đã rơi vào thời kỳ bất ổn với các cuộc phản kháng chống Trung Quốc tại thủ đô thời đó là Rangoon (Yangon). Các cuộc phản kháng là một phản ứng trước sự ủng hộ tích cực mà Trung Quốc dành cho Đảng Cộng sản Miến Điện (BCP) và những nhóm nổi loạn khác tại các khu vực phía Bắc Myanmar tiếp giáp với Trung Quốc. Sự ủng hộ của Trung Quốc được xem là một sự mở rộng thái quá của Cách mạng Văn hóa và đã gây ra tình cảm chống Trung Quốc tại Myanmar.

Vào cuối những năm 1980, các quan hệ song phương đã giành được động lực. Chuyến thăm tới Myanmar của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, sự giúp đỡ của Tổng thống Ne Win trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện các quan hệ với Campuchia và việc Trung Quốc chấm dứt tài trợ cho BCP đều đã dẫn tới các quan hệ bền vững hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn này hoạt động chính trị nội bộ tại Myanmar cũng đã trải qua một sự thay đổi. Chính sách cô lập mà Ne Win theo đuổi đã dẫn tới các điều kiện kinh tế kém hơn ở cấp độ trong nước, dẫn tới các cuộc phản kháng chống chính phủ vào năm 1988. Một chế độ quân sự sau đó đã tiếp quản, khi ảnh hưởng của Ne Win giảm sút.

Sự xuất hiện của chính quyền quân sự vào năm 1988 đã đánh dấu một sự thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar. Một vài nhân tố, cả bên ngoài và bên trong, đã khuyến khích các mối quan hệ chặt chẽ hơn. Chính quyền quân sự này đã không được cộng đồng quốc tế công nhận do sử dụng vũ lực với những người dân thường trong các cuộc phản kháng năm 1988. Ngoài ra, chế độ quân sự đã bác bỏ các kết quả bầu cử năm 1990, vốn có lợi cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do Aung San Suu Kyi đứng đầu. Điều này đã dẫn tới các biện pháp trừng phạt chống lại nhà nước này và một sự giảm sút về sự ủng hộ của quốc tế. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc đang bị lên án vì cuộc đàn áp tàn bạo của nước này đối với các cuộc phản kháng Thiên An Môn, mà hệ quả của nó là cuộc nổi dậy “8.8.88” tại Myanmar. Sự tan rã của BCP tại Myanmar vào năm 1989 đã gỡ bỏ một trở ngại lớn đối với quan hệ song phương. Điều diễn ra sau đó đã được miêu tả là “hiệp ước thân thiện về quân sự Trung Quốc-Miến Điện”. Các quan hệ sau đó đã tăng cường một cách đáng chú ý, tới mức Myanmar đã được gọi là một nước “chư hầu” của Trung Quốc.

Quyết định của chế độ quân sự nhằm mở cửa Myanmar (dù về mặt kinh tế nhiều hơn là về mặt chính trị) nhìn chung đã được xem là một phản ứng đối với sự phụ thuộc quá mức của nước này vào Trung Quốc và các đồng minh của Trung Quốc. Những người đưa ra lập luận này chỉ ra trường hợp đập Myitsone. Dự án này đã thúc đẩy các cuộc phản kháng chống lại các nhà phát triển Trung Quốc mạnh mẽ đến mức Tổng thống Thein Sein quyết định hủy bỏ nó. Vấn đề về con đập gây tranh cãi này hiện còn nhiều ngờ vực, với việc Trung Quốc nghi ngờ tính pháp lý của việc hủy bỏ này.

Thực tế

Nhưng trong khi những rạn nứt dường như đang xuất hiện giữa hai nhà nước, thực tế lại hoàn toàn khác biệt. Trên thực tế, do động cơ có thể có cho sự can dự của Trung Quốc với Myanmar – sự phát triển của tỉnh Vân Nam của Trung Quốc – những thay đổi đang diễn ra tại đất nước Đông Nam Á này không bất lợi đối với Trung Quốc như nó thường được nhìn nhận. Hơn nữa, Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào các đường ống dẫn dầu và khí đốt tại Myanmar, như là một tuyến đường năng lượng thay thế làm giảm bớt sự phụ thuộc lớn của nước này vào việc vận chuyển năng lượng xuyên qua Eo biển Malacca. Việc mở thêm đường ống Trung Quốc-Myanmar gần đây là một bước đi theo hướng này. Tuyến đường ống Kyaukphyu chạy xuyên qua Myanmar và vào sâu những vùng nội địa thuộc tỉnh Vân Nam và việc xây dựng cảng tại Đặc khu Kinh tế (SEZ) Kyaukphyu cho thấy cách Trung Quốc đang sử dụng việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Myanmar để thúc đẩy an ninh năng lượng của nước này. Myanmar cũng đóng một vai trò quyết định trong chính sách “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và là một đối tác đáng kể trong sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển đang được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy.

Cải cách đang diễn ra của Myanmar cũng có thể giúp Trung Quốc chiếm lĩnh các thị trường mới. Trung Quốc đã có chỗ đứng vững chắc trong nhiều lĩnh vực tại Myanmar trong nhiều năm và hiểu rõ các sắc thái làm việc với đất nước này. Điều này đặt người Trung Quốc vào một vị thế có lợi khi hoạt động trong bối cảnh kinh tế đang phát triển tại Myanmar. Tuy nhiên, việc đối phó với các căng thẳng nội bộ bên trong Myanmar có thể tỏ ra là thách thức thực sự.

Hoạt động chính trị tại Myanmar là một cuộc xung đột phức tạp giữa trung tâm và ngoại vi. Khu vực trung tâm bao gồm nhóm người Miến Điện chiếm đa số kiểm soát chiếc ghế quyền lực. Vùng ngoại vi bao gồm các nhóm sắc tộc thiểu số, chẳng hạn như Kachin, Shan và Wa. Các động lực trung tâm-ngoại vi rất rõ ràng ngay cả trong cách bố trí về địa lý, với các dân tộc thiểu số cư trú tại các khu vực ngoại vi và vùng trung tâm được kiểm soát bởi nhóm đa số người Miến Điện. Hầu hết các nguồn tài nguyên chẳng hạn như ngọc bích, thủy điện và gỗ nằm ở vùng ngoại vi, trong khi các nguồn tài nguyên chẳng hạn như khí đốt tự nhiên có thể được tìm thấy trong khu vực trung tâm. Khi các nhóm nổi loạn từ vùng ngoại vi tiến hành các cuộc tấn công chống lại các lực lượng trung tâm, nó không những gây ảnh hưởng đến sự gắn kết quốc gia mà còn làm phát sinh các vấn đề cho các nước láng giềng.

Tình hình rối ren trong nội bộ Myanmar rõ ràng ảnh hưởng đến cách các bên tham gia ở bên ngoài chẳng hạn như Trung Quốc can dự với nước này, đặc biệt là vì họ có chung một đường biên giới dài 2.000 km. Những ảnh hưởng được phản ánh một cách rõ ràng, chẳng hạn như trong sự lan rộng của cuộc xung đột như được chứng kiến trong các cuộc đụng độ mới đây giữa lực lượng nổi loạn Kokang và Tatmadaw, tên gọi của quân đội Myanmar. Cuộc đấu đá nội bộ này đã dẫn đến thiệt hại về người cho Trung Quốc. Ngoài những quả bom lạc rơi xuống trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, các báo cáo xuất hiện cho thấy các máy bay chiến đấu của Myanmar đã bay vào không phận của Trung Quốc và tiến hành các cuộc không kích.

Quan trọng là, lực lượng nổi dậy Kokang – được gọi là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) – là những người sắc tộc Trung Hoa. Theo các kết quả tạm thời của cuộc điều tra dân số năm 2014, khu vực Kokang có dân số khoảng 95.000 người phần lớn là người Trung Quốc sắc tộc Hán. Chiến sự đang gia tăng giữa lực lượng nổi dậy và Tatmadaw có thể khích lệ chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc sắc tộc Hán. Trong một động thái nhằm xoa dịu những tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống lại các lực lượng Miến Điện, một số nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đã chặn các hình ảnh người Trung Quốc sắc tộc Hán bị thương hay thiệt mạng bởi Tatmadaw trên Weibo và các diễn đàn xã hội khác. Dù vậy, đồng thời Lãnh đạo MNDAA Peng Jiashen đã sử dụng truyền thông xã hội để kêu gọi người Trung Quốc “tự gợi nhớ về chủng tộc và gốc rễ chung của chúng ta và đầu tư tiền của và nỗ lực để cứu nhân dân của chúng ta”.

Phản ứng trước các vụ ném bom và thiệt hại về người của Trung Quốc gần đây, Quân Giải phóng Nhân dân nghe nói đã tăng cường sự hiện diện của mình dọc các khu vực biên giới. PLA và Không quân đã tăng cường các cuộc tuần tra tại các ngôi làng ở biên giới, nơi các cuộc tấn công bất ngờ đã được báo cáo.

Trong khi đó, cuộc xung đột tại Myanmar đang làm phát sinh một vấn đề nhân đạo đối với Trung Quốc, với một dòng hơn 20.000 người tị nạn đổ vào Trung Quốc. Trong các vụ việc trước đây tại Kokang – vào năm 2009, 2012 và 2013 – Trung Quốc đã bị chỉ trích là chậm chạp trong phản ứng nhân đạo của nước này. Lần này Trung Quốc đã phản ứng nhanh, dựng lên các trại tị nạn và ủng hộ sự hiện diện của PLA dọc biên giới. Điều này đưa ra tín hiệu với Tatmadaw rằng Bắc Kinh đang nghiêm túc về vấn đề này.

Không can thiệp?

Cân nhắc những diễn biến gần đây này, mức độ mà Trung Quốc sẽ tuân thủ nguyên tắc không can thiệp cốt yếu của nước này vẫn mang tính quyết định. Mặc dù Trung Quốc đã đứng ngoài các vấn đề trong nước của các quốc gia mà họ tích cực can dự, Myanmar lại phức tạp hơn. Như sự kiện Kokang cho thấy, các căng thẳng sắc tộc tại biên giới gây đe dọa ở nhiều cấp độ. Từ việc gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo dọc theo biên giới này đến khả năng kích động chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc sắc tộc Hán chống lại Tatmadaw, cuộc chiến tại Myanmar là một mối quan ngại tiềm tàng đối với Trung Quốc. Điều đó đặt Bắc Kinh vào một vị trí tế nhị, mà ở đó sự bất ổn tại một nước láng giềng ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược của nước này.

Cách Bắc Kinh cân bằng nguyên tắc không can thiệp của nước này với việc giải quyết các vấn đề nảy sinh dọc biên giới sẽ phần lớn xác định tương lai quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy rằng Trung Quốc sẽ miễn cưỡng trực tiếp dính líu vào vấn đề hóc búa trung tâm-ngoại vi của Myanmar. Các cuộc phản kháng chống Trung Quốc trong những năm 1960, xảy ra do sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với BCP (vốn cũng bao gồm nhóm Kokang) đã là một bài học cho thấy can thiệp vào các vấn đề nội bộ có thể rắc rối hơn nó đáng có.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đóng vai trò là một bên đối thoại trong cuộc xung đột Kachin khi nó có những tác động đến sự ổn định biên giới vào năm 2012. Vì vậy ở một mức độ nào đó Bắc Kinh đã tích cực can dự vào cuộc xung đột trung tâm-ngoại vi này. Việc phát hiệu lệnh quân đội và các cuộc tuần tra thường xuyên hơn dọc biên giới nhấn mạnh sự gia tăng căng thẳng tại biên giới. Rõ ràng là, việc duy trì sự trung thành với chính sách không can thiệp đó sẽ không dễ dàng.

Các lợi ích chiến lược được vạch ra trước đó, và những thứ từ an ninh năng lượng tới xây dựng Con đường tơ lụa trên biển và phát triển vùng nội địa của Trung Quốc đều gắn với Myanmar. Mức độ mà những lợi ích chiến lược này sẽ vượt qua các vấn đề về biên giới sắc tộc vẫn là một câu hỏi then chốt. Rất có thể Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các mối quan hệ được cải thiện với Myanmar ngay cả khi các quan chức địa phương của Vân Nam theo đuổi các lợi ích của riêng họ và tương tác với các nhóm nổi dậy để có các nguồn tài nguyên như ngọc bích và gỗ. Trong dài hạn, tính hai mặt này có thể tạo ra một mối bất hòa trong quan hệ song phương. Để tránh điều đó, Trung Quốc sẽ phải theo dõi sát sao hoạt động chính trị nội bộ của Myanmar và tìm ra các chiến lược mới để thực hiện chính sách không can thiệp cốt yếu của nước này.

Ramay P S là nghiên cứu sinh của Chương trình Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Quốc tế, Học viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia, Bangalore, Ấn Độ. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)